Nguyễn Trung Tây
Ba Vua trong Matt 2:1-12

https://www.youtube.com/watch?v=IIrmrW4gZes&t=37s


Ba Vua là ba khuôn mặt không thể thiếu vắng trong mùa Giáng Sinh. Nhắc đến Giáng Sinh là nhắc đến Ba Vua. Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Chúa Nhật Hiển Linh cũng là Chúa Nhật “của” Ba Vua. Bài Phúc Âm hôm đó chính là bài Tin Mừng Matt 2:1-12. Nhưng người Kitô hữu nói chung rất mù mờ về thân thế của Ba Vua. Nếu đặt câu hỏi, “Ba Vua tên gì?” không ít tín hữu Kitô, đặc biệt là tín hữu Việt Nam, sẽ lúng túng và ngập ngừng trước câu hỏi vừa được nêu.

Bài tham khảo “Ba Vua trong Matt 2:1-12” trình bày về Ba Vua, nghề nghiệp, nhân dáng, và tên gọi của họ. Dựa vào bối cảnh xã hội của Ba Vua, tác giả cũng đề nghị một danh xưng cho Ba Vua trong bản Kinh Thánh tiếng Việt.

I. Ba Vua
Trong bản tiếng “phổ thông Hy Lạp,” theo như thánh sử Mátthêu, khi “Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, xứ Giuđê, trong đời vua Hêrôđê, mágòi (μάγoi) từ phương Đông tìm đến Giêrusalem. Các ông hỏi,

— Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mátthêu 2:1).

Trong tiếng cổ Hy Lạp mágòi (μάγoi) không có nghĩa là vua. Mágòi là danh từ số nhiều của mágọs (μάγos), một danh từ giống đực. Mágói, theo như Raymond Brown, là một thuật ngữ bao gồm nhiều nghĩa: chiêm tinh gia, giải mộng gia, phù thủy (pháp sư), và thầy tư tế của tôn giáo vùng Trung Đông.

A. Chiêm Tinh Gia
Mágòi là những nhà chiêm tinh gia bởi vì họ có kiến thức về thiên văn học. Căn cứ vào những dữ kiện thâu thập được từ vòng quay quỹ đạo, tốc độ vận hành, và năng lượng ánh sáng của những vị tinh tú, những nhà mágòi có khả năng tiên đoán được những biến cố sẽ xảy đến trên hành tinh trái đất. Và, tương tự như người phương Đông, người Trung Đông tin rằng khi một hài nhi chào đời, trên trời một ngôi sao mới cũng sẽ xuất hiện. Nếu hài nhi là con vua hoặc một đấng minh quân, ngôi sao bản mệnh này sẽ chiếu sáng rực rỡ trên vòm trời. Bởi thế, khi Đức Giêsu hạ sinh tại thành phố Bêlem, ngôi sao bản mệnh của ngài đã xuất hiện trên bầu trời. Từ phương Đông của Palestine, những nhà chiêm tinh gia đã nhìn thấy ngôi sao lạ. Dựa vào khả năng thiên văn học của mình, những nhà chiêm tinh gia phương Đông biết rằng ngôi sao mới xuất hiện chính là ngôi sao bản mệnh của một vị hoàng tử Do Thái. Bởi thế các ông lên đường đi thẳng tới kinh thành Giêrusalem để triều bái Ngài.

Rất tiếc, Đức Giêsu lại không hạ sinh ở kinh đô Giêrusalem, nhưng tại thôn Bêlem. Cho nên các nhà chiêm tinh gia đặt chân tới kinh thành Giêrusalem. Ở đó, họ hỏi thăm tin tức về vị Đông cung Thái Tử,

— Vua người Do Thái mới sinh ra, hiện bây giờ đang ở đâu?

B. Giải Mộng Gia
Ngoài khả năng thiên văn nhìn trời ngắm sao, những nhà mágòi còn có khả năng giải đoán những giấc mơ. Nếu những ông mágòi của thánh sử Mátthêu sống trong ngày hôm nay, người ta có thể dừng chân ghé vào tịnh thất của họ, nhờ những nhà mágòi diễn giải ý nghĩa của giấc mơ cho chúng ta. Bởi thế, theo như sử gia Philô, trước khi hài nhi Môisen chào đời, vua Pharao đã triệu tập những nhà mágòi người Ai Cập vào cung điện. Nhà vua hỏi họ ý nghĩa của một giấc mơ khiến hoàng đế Ai Cập băn khoăn trằn trọc. Lắng tai nghe vua Pharao kể lại chi tiết của cơn mơ, những nhà mágòi tiên đoán rằng một trẻ sơ sinh của người nô lệ Do Thái sẽ chào đời. Hài nhi này có khả năng thách đố vương quyền của hoàng đế Kim Tự Tháp. Bởi sau khi lớn lên, người này sẽ lãnh đạo dân Do Thái đòi lại quyền tự do. Nhận được hung tin, hoàng đế Ai Cập quyết định ra tay hành động. Ông ký một sắc chỉ ra lệnh giết chết tất cả những nam hài nhi sơ sinh của người Do Thái.

C. Phù Thủy
Ngoài tài giải đoán mộng mị, mágòi cũng còn là những nhà phù thủy. Họ có khả năng pháp thuật, đọc thần chú biến gậy gỗ thành rắn độc, biến nước hóa ra máu đỏ. Bởi thế, một lần kia cũng trong cung điện hoàng gia vua Ai Cập, Thiên Chúa ra lệnh cho Aaron, anh của Môisen, làm phép lạ biến cây gậy của Aaron hóa thành một con rắn khổng lồ trườn bò trước mặt vua Pharao và bá quan văn võ Ai Cập. Trước phép thuật của Aaron, vua Pharao cũng triệu hồi những nhà mágòi người Ai Cập tới trước sân rồng. Theo lệnh của vua Pharao, những nhà mágòi Ai Cập cũng quẳng cây gậy của họ xuống đất. Ngay lập tức những cây gậy của những ông mágòi đất Kim Tự Tháp cũng hóa thành những con rắn (Xuất Hành 7:10-12).

Trên con đường dài tiến về vùng Đất Hứa, dân du mục Do Thái đã giáp mặt với một ông phù thủy mágọs lạ nhất trên trần đời. Nhận được tin tức tình báo là đoàn quân du mục Do Thái đang mấp mé ở đường biên giới, vua Balắc của người Môáp mất ngủ. Ông e ngại cho sự tồn vong của vương quốc một khi chạm trán với đoàn dân có Chúa Thiên binh đi cùng. Sau nhiều đêm trằn trọc, cuối cùng ông nghĩ ra một kế sách. Vua Balắc đích thân triệu mời phù thủy mágọs Bálàam từ phương đông tới cung điện hoàng gia. Với hy vọng chận đứng được vó ngựa của dân Do Thái, vua Balắc nhờ ông mágọs Bálàam chúc dữ Môisen và dân riêng của Thiên Chúa. Nhưng, trước khi ông phù thủy có dịp mở miệng chúc dữ kẻ thù, Thần Khí của Thiên Chúa ngự xuống trên ông mágọs Bálàam. Bởi thế, thay vì chúc dữ, Bálàam lại mở miệng chúc lành dân Do Thái, không phải chỉ một lần, mà là tới ba lần (Dân Số 22—24).

Những nhà mágòi phù thủy không chỉ xuất hiện trong dòng lịch sử Cựu Ước. Lần giở những trang sách của Tân Ước, ngoài câu chuyện Ba Vua của thánh sử Mátthêu, độc giả Kinh Thánh cũng sẽ nhận ra hình dạng của hai ông mágòi khác trong Tông Đồ Công Vụ (8: 13). Theo như Tông Đồ Công Vụ 8, sau khi thánh Phêrô và Gioan đặt tay lên trên đầu của những người tân tòng người Samaria, Chúa Thánh Linh từ trời cao ngự xuống những người tân tòng. Thấy chuyện lạ lùng như vậy, ông tân tòng phù thủy mágọs Simon nổi máu tham—và có lẽ cũng bởi tại méo mó nghề nghiệp muốn học thêm pháp thuật. Ông mágọs Simon chìa tiền ra mua chuộc chức thánh với thánh Phêrô. Trước lời yêu cầu sặc mùi tiền của phù thủy Simon, ngư phủ Biển Hồ Phêrô nổi giận chúc dữ ông tân tòng mágọs (Tông Đồ Công Vụ 8:9-27).

Mágọs Êlima người Do Thái trên đảo Sairus trong chương 13 thì không gặp may mắn như ông bạn đồng nghiệp mágọs Simon người Samaria trong chương 8. Biết rằng Quan Thống Đốc đảo Sairus muốn gặp mặt tông đồ Phaolô và Barnabas để lắng Lời của Thiên Chúa, mágọs Êlima tìm đủ mọi cách ngăn cản Quan Thống Đốc. Bởi ông phù thủy e ngại rồi đây địa vị pháp sư và quyền lợi của ông sẽ lung lay một khi Quan Thống Đốc gia nhập Kitô giáo. Biết rõ âm mưu của ông mágọs Êlima và cũng bởi vốn nóng tính như Trương Phi, Phaolô nổi giận. Tông đồ dân ngoại mở miệng chúc dữ ông mágọs Êlima của Quan Thống Đốc. Thế là mágọs Êlima hóa thành người mù (Tông Đồ Công Vụ 13:4-12).

D. Tư Tế
Ngoài pháp thuật, mágòi cũng là những nhà lãnh đạo tôn giáo. Tương tự như những thầy tư tế Lêvi Do Thái, Linh mục Công Giáo, Đạo sĩ Lão giáo, Mágòi là những người đại diện dân chúng để cử hành nghi thức tôn giáo. Thí dụ, lập trai đàn cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ông tư tế Imhotev trong phim “Mummy” và “Mummy Returns” chính là một ông mágọs. Bởi sức mạnh của tình yêu, thầy magọs Imhotev đã làm nhiều pháp thuật với hy vọng hồi sinh lại mạng sống cho người tình Anck Su Namun.

Bởi họ thuộc về đẳng cấp giáo sĩ trong xã hội, mágòi được hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi chỉ dành riêng cho giới mágòi. Thông thường, mágòi sống trong cung điện hoàng gia kề cận vua chúa hoàng hậu. Thí dụ, ông mágọs Êlima của Quan Thống Đốc đảo Sairus trong Tông Đồ Công Vụ (13:7), hay là bà mágọs trong bộ phim “Nữ Hoàng Ai Cập Cleopatra” do tài tử Elizabeth Taylor thủ vai nữ hoàng được trình chiếu lần đầu vào năm 1963. Bà mágọs này xuất hiện ít nhất hai lần trong bộ phim Cleopatra. Lần thứ nhất, bà báo cho nữ hoàng Ai Cập Cleopatra biết nữ hoàng sẽ hạ sinh một người con trai. Lần thứ hai, bà phù thủy mágọs báo cho nữ hoàng biết tin hoàng đế Cêsar sẽ bị ám sát. Bà magọs này sống trong cung điện của nữ hoàng Ai Cập. Khi nữ hoàng viễn du sang kinh thành Rôma diện kiến hoàng đế Cêsar, bà mágọs đi theo thuyền rồng viễn du vượt Địa Trung Hải tới kinh đô La Mã.

E. Mágòi Trong Tiếng Việt
Bởi sự khác biệt quá lớn giữa hai nền văn hóa, thật sự ra, không dễ để dịch danh ngữ mágòi của văn hóa Trung Đông sang văn hóa Việt Nam. Đương nhiên không thần học gia Việt Nam nào dịch danh từ mágòi của thánh sử Mátthêu là phù thủy hoặc là pháp sư, nhưng Linh mục Nguyễn Thế Thuấn và một số bản văn Phụng Vụ dịch mágòi là những đạo sĩ. Có nơi dịch là những chiêm tinh gia. Nơi khác dịch là những nhà thông thái.

Như đã được trình bày ở trên, thật sự ra:

— Mágòi cũng không chỉ thuần túy là chiêm tinh gia, bởi chiêm tinh gia trong văn hóa Việt Nam không bao hàm ý nghĩa của những thầy tư tế.

— Mágòi cũng không chỉ là những nhà thông thái.

Mà đúng ra mágòi vừa là đạo sĩ, vừa là chiêm tinh gia, vừa là những nhà thông thái, vừa là giải mộng gia, và là những thầy tư tế.

— Mágòi là những nhà đạo sĩ, vì họ có thể làm phép thuật biến cây gậy thành rắn khổng lồ như đã được trình bày trong sách Xuất Hành.

— Mágòi là những chiêm tinh gia và nhà thông thái, bởi kiến thức rộng rãi về thiên văn học, thí dụ, câu chuyện “Ba Vua.”

— Mágòi là những giải mộng gia, bởi họ có khả năng giải thích được những giấc mơ như đã được trình bày và nhắc đến trong cuốn Tiểu sử Môisen của sử gia Philô.

— Mágòi cũng là tư tế, bởi họ đại diện cho vua chúa cử hành những nghi thức phụng vụ tôn giáo.

Như đã nhắc ở trên, Raymond Brown, trong cuốn “The Birth of the Messiah,” khẳng định mágòi là một thuật ngữ bao trùm tất cả những danh xưng vừa được liệt kê. Bởi thế, bản dịch Kinh Thánh của New American Bible, sử dụng từ “magi,” một danh từ Latin số nhiều của danh từ số ít “magus” cho thuật ngữ nguyên thủy μάγoi/mágòi. Cũng xin lưu ý, “magus” tiếng Latin bắt nguồn từ thuật ngữ μάγos/mágọs.

Dựa vào những trình bày và phân tích ở trên về thuật ngữ mágòi, người ta nhận ra mágòi là những người thuộc về một đẳng cấp của một bối cảnh xã hội văn hóa vùng Trung Đông. Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, không có danh từ nào tương đương với danh từ mágòi. Đạo sĩ hay tu sĩ là những danh từ có thể bao gồm một phần nào đó những nét đặc thù của đẳng cấp mágòi. Bởi vậy, mágòi có thể được hiểu là những đạo sĩ hay tu sĩ tôn giáo của vùng Trung Đông thời cổ. Nói cho ngắn gọn, mágòi có thể được dịch là những Tu sĩ Trung Đông hoặc những Đạo sĩ Trung Đông trong bản Kinh Thánh tiếng Việt.

II. Ba Vua, Ba Tên Tuổi, Ba Nhân Dáng
Mágòi không phải là vua. Nhưng rất nhiều người Kitô hữu vẫn quen miệng gọi họ là Ba Vua.

A. Thánh Vịnh 72
Một trong những nguyên nhân chính đã góp phần vào hiện tượng hoàng gia hóa Ba Vua có lẽ đã bắt nguồn từ Thánh vịnh 72:10-11.

Từ Tásis và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống,
Cả những vua Ả Rập, Xơva.
Cũng đều tới thờ lạy, tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước ngai rồng.


Nếu phân tích và so sánh hai câu chuyện (Mágòi trong Matt 2:1-12 và Thánh Vịnh 72:10-11), độc giả Kinh Thánh sẽ nhận ra hai câu chuyện này có rất nhiều nét tương đồng. Theo như Thánh Vịnh 72:10-11, từ phương xa, vua của các sắc dân sẽ lên đường hành hương về vùng đất thánh để thờ lạy và tiến dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Trong trường hợp của những ông mágòi, từ phương Đông, các ngài cũng đã lần tìm đi theo dấu sao. Các ngài sau cùng dừng chân tại kinh thành Giêrusalem dò hỏi tông tích của Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Khi kiếm ra được Con Một Thiên Chúa trong hình dạng trẻ thơ, các nhà mágòi Trung Đông đã bái phục thờ lạy Hài nhi Đông Cung Thái Tử. Sau cùng, họ dâng lên Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương, và mộc dược.

B. Bao Nhiêu Mágòi?
Theo như thánh sử Mátthêu, “Khi Đức Giêsu sinh ra tại thôn làng Bêlem, tại Giuđêa, trong thời Vua Hêrôđê, những nhà tu sĩ Trung Đông lần tìm đến kinh thành Giêrusalem” (2:1). Nguyên thủy trong câu văn vừa được trích dẫn, tác giả Mátthêu không nhắc nhở tới con số thành viên của phái đoàn phương Đông. Nhưng, đến ngày hôm nay, con số 3 vẫn là con số phần lớn tín hữu Kitô giáo trên thế giới quen thuộc.

Thánh sử Mátthêu không nhắc nhở đến con số mágòi đã ghé vào kinh thành Giêrusalem năm xưa. Nhưng, trong phần cuối của câu chuyện, theo như ngài, những ông mágòi đã tiến dâng lên vị Tiểu Hoàng Đế ba lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Dựa theo con số ba, tổng số của những lễ vật đã được dâng tiến này, có lẽ Giáo hội thời sơ khai đã làm một con toán cộng đơn giản. Đó là: 1 vàng + 1 nhũ hương + 1 mộc dược = 3 người. Bởi thế, Giáo hội thời tiên khởi kết luận rằng đã có Ba Vua từ phương Đông lên đường tìm kiếm Hài Nhi Thánh.

Nhưng con số 3 thật sự ra không phải là một con số duy nhất xuất hiện trong trong truyền thống Giáng Sinh. Chỉ có 2 vua đã xuất hiện trong những bức tranh tại hầm mộ Sts. Peter và Marcellinus. Nhưng lại có tới những 4 vua đã xuất hiện trong một bức tranh tại hầm mộ St. Domitilla. Và có tới những 12 vua đã được nhắc tới, với đầy đủ tên tuổi theo như truyền thống của Giáo hội Đông Phương.

C. Nhân Dáng Mágòi
Chuyện “Ba Vua” không chỉ tạm dừng tại nơi này. Theo như truyền thống của Giáo hội Tây Phương cũng là một truyền thống phổ thông được nhiều người biết đến, tên của Ba Vua là: Melchior, Gaspar, và Balthasar. Vua Melchior cao niên, râu tóc bạc trắng như cước. Vua Melchior tiến dâng vàng lên Tiểu Hoàng Đế Giêsu. Ngược lại với Vua Melchior, Vua Gaspar là một thanh niên còn trẻ, người to lớn, dáng vạm vỡ. Vua Gaspar đã tiến dâng lên Hài Nhi Thánh lễ vật nhũ hương. Vị vua sau cùng là Balthasar, hoàng đế gốc Phi Châu. Vua Balthasar đã tiến dâng lễ vật mộc dược lên Hài Nhi Thánh.

Ngược lại với truyền thống Tây Phương, theo như Giáo hội Đông Phương, tên của Ba Vua là: Hormizdah, vua của xứ Persia, Yazdegerd, vua xứ Saba, và Perosadh, vua của xứ Sheba. Theo như Giáo hội Ethiopia, tên của Ba Vua là Hor, vua xứ Persia, Basanater, vua xứ Saba, và vua Karsudan của Đông phương.

Sau khi đánh chiếm Palestine vào năm 614, binh sĩ Ba Tư đã phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô giáo, ngoại trừ nhà thờ Giáng Sinh tại phố Bêlem. Bởi họ nhận ra bức hình điêu khắc Ba Vua của nhà thờ Giáng Sinh trong y phục của những thầy tư tế Ba Tư. Theo như truyền thống của Giáo hội Rôma, thánh tích Ba Vua đang an nghỉ tại nhà thờ Cologne, Đức. Khi ghé vào kính viếng nhà thờ Cologne, độc giả Kinh Thánh sẽ nhận ra áo quan của Ba Vua đặt ngay phía sau bàn thờ của nhà thờ Coglone.

III. Niềm Tin Dẫn Đường
Ba Vua nổi bật với niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải tới các ngài ngay tại quê nhà Trung Đông. Khi nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa qua ánh sao lạ, các ngài lên đường dõi tìm tông tích vị vua Do Thái mới hạ sinh. Có những lúc các ngài lạc đường, bối rối, và bỡ ngỡ trên con đường hành hương. Nhưng các ngài không hề ngã lòng. Khi lạc đường, họ gõ cửa, tìm kiếm tông tích của vị vua mới sinh. Cuối cùng, đúng như họ đã từng hy vọng, ngôi sao lạ tái xuất hiện trên bầu trời. Ngôi sao chỉ đường dẫn lối các ngài đi thẳng tới ngôi nhà của Thánh gia để diện kiến Hài Nhi Thánh.

Ngày nay trên con đường hành hương về Nước Trời, ai trong chúng ta chẳng có những giây phút bị lạc lối. Vào những giây phút thất vọng và chập chờn với ngọn nến niềm tin, mời người tín hữu dõi mắt tìm kiếm nguồn trợ lực. Ngôi sao lạ đã xuất hiện trên bầu trời soi đường dẫn lối cho những nhà mágòi năm xưa. Tương tự như vậy, nếu chúng ta cầu xin, Thiên Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện. Từ trong cõi chết đầy dẫy đêm đen bóng tối, Ngài sẽ gửi ngôi sao lạ tới hướng dẫn chúng ta tới ngôi nhà ở thôn Bêlem. Nơi đó Hài Nhi Thánh đang chờ đợi giây phút để diện kiến những người có một thời đã lạc lối trên con đường hành hương.□

(Trích Michael Nguyễn Quang SVD, 12 Suy Tư Thần Học Kinh Thánh và Truyền Giáo, NXB Đồng Nai, 2023).