1. Đức Giám Mục Austin cử hành Thánh lễ đặc biệt tại nhà tù Texas dành cho các nữ tử tù

Đức Giám Mục Joe Vasquez của Giáo phận Austin đã cử hành Thánh lễ hôm thứ Sáu tại nhà tù giam giữ bảy nữ tử tù ở Texas, năm người trong số họ đã chuyển sang đạo Công Giáo trong thời gian chờ thi hành án.

Thánh lễ diễn ra tại nhà tù Mountain View Unit ở Gatesville, Texas, là một phần của hội nghị kéo dài ba ngày về mục vụ nhà tù được tổ chức bởi Liên minh Mục vụ Nhà tù Công Giáo, gọi tắt là CPMC. Đây là một nhóm bắt đầu như một dự án của Liên minh Mục vụ Nhà tù Quốc gia. Hiệp hội Tuyên úy Công Giáo.

Trong bài giảng trước các phụ nữ trong tù, rao giảng về Dụ ngôn Người con hoang đàng của Chúa Giêsu, Đức Giám Mục Vasquez đã suy ngẫm về sự phản bội của người con trai đối với tình yêu của cha mình, sự ăn năn của anh ta, cũng như sự tha thứ và tán dương bất ngờ, tràn ngập tâm hồn người con trai.

Ngài nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa khi kêu gọi những người tội lỗi trở về với gia đình Ngài, bất kể họ đã làm gì trong quá khứ.

“Chị em thuộc về Giáo hội cũng như bất kỳ ai khác. Những bức tường có thể ngăn cách chúng ta, nhưng những bức tường không bao giờ có thể ngăn cản Chúa Kitô”, Đức Giám Mục Vasquez nói với các phụ nữ.

“Có rất nhiều điều chúng tôi không thể làm cho chị em, nhưng chúng tôi có thể có mặt; chúng tôi có thể đi cùng. Chúng tôi muốn tiếp tục mang đến thông điệp hy vọng.”

Karen Clifton, điều phối viên điều hành của CPMC, nói với CNA rằng mục tiêu của nhóm là cung cấp nền tảng đào tạo cơ bản cho những người Công Giáo muốn mục vụ cho những người bị giam giữ, đáp ứng tình trạng thiếu nguồn lực để đào tạo người Công Giáo thực hiện mục vụ trong tù ở nhiều giáo phận trên khắp đất nước.

Clifton trước đây đã phục vụ một số phụ nữ bị tử hình ở Texas - nhiều người trong số họ đã ở đó hàng thập kỷ - từ những năm 1990. Bà cho biết, trong suốt những thập kỷ đó, 5 phụ nữ đã chuyển sang đạo Công Giáo, phần lớn nhờ vào nỗ lực của Phó tế Ronnie Lastovica, điều phối viên chăm sóc mục vụ của Giáo phận Austin cho khu vực nơi có nhà tù.

Ngoài ra, Clifton cho biết, sáu trong số các tù nhân hiện tại là giáo dân của Dòng Nữ tu Mary Morning Star, một dòng nữ tu Công Giáo nằm gần Waco đã coi việc phục vụ các phụ nữ tử tù là một phần sứ mệnh của họ với tư cách là các nữ tu. Clifton cho biết tất cả sáu người phụ nữ đó đã cam kết cầu nguyện theo những ý định giống như các nữ tu, coi tình trạng bị giam giữ của họ giống như một “đời sống tu viện”.

Clifton cho biết cô tin rằng ít nhất hai trong số những phụ nữ tử tù “gần như chắc chắn” sẽ chính thức gia nhập dòng với tư cách là nữ tu nếu họ được thả.

“Tôi đã chứng kiến sự biến đổi của những người phụ nữ này, từng gặp họ vào những năm 90 và sau đó gặp lại họ bây giờ. Đây là những người phụ nữ cầu nguyện… đời sống cầu nguyện của họ rất sâu sắc. Chỉ cần ở trong các đơn vị và nhìn thấy sự biến đổi… họ đang tham gia vào đặc sủng [của các nữ tu] và vào lời cầu nguyện của họ, “ Clifton nói.

Trong bài giảng của mình, Đức Giám Mục Vasquez đã suy tư thêm về tầm quan trọng của việc người Công Giáo thực hành các việc thương xót về thể xác.

“Sứ vụ ở bên các tù nhân và đồng hành cùng họ rất quan trọng. Đó là một trong những điều thiết yếu. … Chúa Kitô sẽ hỏi vào ngày cuối cùng: Các ngươi có ở đó không? Các ngươi có đến thăm Ta không?' Đó là những gì chúng ta sẽ bị phán xét,” ngài kết luận.

“Chúa Giêsu không nói chúng ta đã đến nhà thờ bao nhiêu lần; chúng ta đã cầu nguyện bao nhiêu lần? Nhưng ngài sẽ hỏi chúng ta đã chăm sóc người khác như thế nào? Chúng ta đã cho người khát nước chưa? Chúng ta có cho kẻ rách rưới ăn mặc không? Có đến thăm người bệnh không?Có có đến thăm những người trong tù không?'“

Theo Trung tâm Thông tin Hình phạt Tử hình, Texas đã thực hiện gần 600 vụ hành quyết cấp tiểu bang và 6 vụ hành quyết liên bang kể từ năm 1976. Texas đã hành quyết nhiều phụ nữ hơn – sáu người - hơn bất kỳ nơi nào khác.

Hiện tại không có phụ nữ nào bị tử hình ở Texas có ngày hành quyết được lên lịch.


Source:National Catholic Register

2. Pháp sư dự đoán Alaska và California sẽ trở thành một phần của Nga

Nga có 142 triệu dân, trong đó Chính Thống Giáo được cho là chiếm 15% dân số. Tuy nhiên, trong số 21.3 triệu Kitô Hữu Chính Thống Giáo, chỉ có 1% thực hành đạo. Thành ra, sẽ là sai lầm khi nói rằng Nga là một quốc gia Kitô Giáo. Điều đó được minh chứng một lần nữa trong dịp Giáng Sinh Chính Thống Giáo vừa qua. Các đài truyền hình Nga, trong ngày mừng lễ Chúa Giáng Sinh đã chiếu một chương trình trong đó các Pháp Sư thay nhau lên dây cót tinh thần cho người Nga bằng cách đưa ra các tiên đoán về tương lai trong bối cảnh những thất bại quân sự dồn dập của Nga tại Ukraine.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Shaman Predicts Alaska and California Will Become Part of Russia”, nghĩa là “Pháp sư dự đoán Alaska và California sẽ trở thành một phần của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Một Pháp sư từ Siberia đã dự đoán rằng Alaska và California sẽ trở thành một phần của Nga vào năm 2023.

Trong một đoạn clip do kênh truyền hình Mash đăng tải, phó pháp sư toàn Nga Artur Tsybikov đã đưa ra cái mà ông ta gọi là một cái nhìn sâu sắc về năm nay sẽ diễn ra như thế nào.

Ông dự đoán hai tiểu bang Hoa Kỳ sẽ được sáp nhập vào Nga và một năm thịnh vượng cho đất nước Nga của ông.

Đoạn video cũng được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, chia sẻ, nơi nó đã được xem hơn 100.000 lần.

Mở đầu Tsybikov nói “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và người dân của họ, tất nhiên, thật đáng tiếc. Nước Mỹ có thể sớm bị chia thành nhiều phần và một số tiểu bang sẽ tuyên bố độc lập. Riêng Alaska và California sẽ trở lại với Liên bang Nga”.

Alaska là một phần của Nga cho đến tháng 5 năm 1867—nó được bán cho Hoa Kỳ với giá 7,2 triệu Mỹ Kim sau khi Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Andrew Johnson ký Hiệp ước Alaska.

Alaska chính thức được Nga chuyển giao cho Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 10 năm 1867 và được công nhận là một tiểu bang vào ngày 3 tháng Giêng năm 1959.

Và vào đầu thế kỷ 19, Nga có Pháo đài Ross ở California, với những người thực dân Nga sống ở một số khu vực trong khoảng thời gian từ 1812 đến 1841.

Phó pháp sư tối cao của Nga cũng lên tiếng về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

“Ukraine là một quốc gia nghèo, chịu đựng lâu dài, một quốc gia láng giềng của chúng ta đang bước vào thế giới Nga với những hậu quả thảm khốc, nhưng tôi tin rằng sẽ có hòa bình. Hòa bình sẽ đến rất sớm, và chúng ta phải kiên nhẫn một chút để có được sức mạnh tinh thần,” ông nói.

“Liên bang Nga của chúng ta đang phát triển, thịnh vượng và cả thế giới sẽ đi theo chúng ta. Nước Nga của chúng ta là động lực đằng sau sự trỗi dậy, phát triển của nền văn minh Nga và là sự cứu rỗi của thế giới,” Tsybikov nhấn mạnh.

Theo thầy cúng này, “không có biến động lớn nào”sẽ xảy ra ở Nga vào năm 2023, bởi vì đất nước “đã vượt qua điểm chia rẽ và đang trên đà phát triển”.

Ông nói thêm: “Những đứa trẻ hiện đại của chúng ta ngày nay được sinh ra trong những điều kiện khó khăn này, nhưng như các triết gia đã nói, 'Khó khăn cho người mạnh mẽ, thời điểm tốt cho người yếu đuối’”, ông nói thêm.

“Bây giờ thời kỳ khó khăn đã đến—chúng ta đang sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, những người sẽ bảo vệ đất nước, nhà nước của chúng ta trong tương lai.”

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Tsybikov đã được trao tư cách là phó pháp sư tối cao của Liên bang Nga vào năm 2018 và trước đó anh ta đã phục vụ trong lực lượng mật vụ đặc biệt của Nga.


Source:Newsweek

3. Đức Thánh Cha nhóm họp với Hội đồng Hồng Y Cố vấn

Trong hai ngày 04 và 05 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhóm họp Hội đồng các Hồng Y Cố vấn của ngài, quen gọi là Hội đồng C-9.

Trước đó, hôm 30 tháng Mười Một, trong buổi tiếp kiến Ủy ban Thần học quốc tế, ngài cho biết một trong những đề tài suy tư trong Hội đồng Hồng Y Cố vấn này, là vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Trong dịp gặp gỡ với các thần học gia quốc tế, Đức Thánh Cha mong rằng số nữ thần học gia trong Ủy ban thần học quốc tế sẽ được tăng cường, thay vì chỉ có năm người trong số ba mươi thành viên của Ủy ban như hiện nay. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh chiều kích nữ của Hội thánh.

Đây là cuộc họp cuối cùng của Hội đồng Hồng Y Cố vấn trong năm nay. Lần họp trước đây tiến hành trong hai ngày 26 và 27 tháng Sáu, và trong số các đề tài được bàn đến có cuộc xung đột tại Ukraine, việc áp dụng tại các Giáo hội địa phương Tông hiến “Các con hãy loan báo Tin mừng” (Praedicate Evangelium), cải tổ Giáo triều Roma. Ngoài ra, các vị cũng bàn tới công việc của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, nhóm khóa họp toàn thể hồi hạ tuần tháng Sáu năm nay.

Hội đồng C-9 hiện nay được Đức Thánh Cha bổ sung các thành viên vào ngày 07 tháng Ba năm nay, trong đó Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, người Tây Ban Nha, thuộc Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), hiện là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Quốc gia thành Vatican. Các vị còn lại đến từ Congo Dân chủ, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Canada, Luxemburg, Brazil. Từ Á châu, vẫn là Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục Giáo phận Bombay bên Ấn Độ. Hội đồng có một vị Tổng thư ký, là Đức Cha Marco Mellino, thuộc Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.