1. Tín hữu Ba Lan thuộc số đông đảo nhất tại Fatima
Tín hữu Ba Lan thuộc vào số những đoàn hành hương đông đảo nhất tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima, Bồ Đào Nha, trong năm nay.
Theo thống kê của Ban giám đốc Đền thánh Fatima, từ ngày 01 tháng Năm đến ngày 10 tháng Mười năm nay, có khoảng 13.000 người Ba Lan đến hành hương tại đây. Trong khoảng thời gian đó, đông nhất là 30.000 người Tây Ban Nha, tiếp đến là 27.700 người Ý. Tiếp đến là 15.500 người Mỹ, 15.100 người Pháp, thứ năm là người Ba Lan.
Các tín hữu Tây Ban Nha và Mỹ đến Fatima trong 337 và 334 nhóm, còn các tín hữu Ba Lan đến đây trong 256 nhóm. Tháng Tám năm nay là tháng có đông tín hữu nhất tại Trung tâm Thánh Mẫu này, vì có Ngày Quốc tế Giới trẻ, diễn ra từ ngày 01 đến ngày 06 tháng Tám tại Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha.
Fatima là một tỉnh nhỏ của Bồ Đào Nha thuộc vùng Vila Nova de Ourém, cách thủ đô Lissabon 130 cây vể hướng Bắc thuộc vùng Santarem. Diện tích thành phố Fatima vào khoảng 71 cây số vuông với dân số 10.000 người theo thống kê năm 2001.
Quân Mauren đã chiếm thống trị vùng Santarem và năm 1147 người Công Giáo Bồ Đào Nha đã chiếm lại vùng này. Tên thành phố Fatima ngày nay có lịch sử từ cuộc chiến nói trên. Theo lịch sử truyền lại, có tương truyền trong dân gian, Fatima là con gái của một vị hoàng tộc người Maure đến xâm lược vùng Santarem. Cô gái xinh đẹp được đặt tên Fatima là con gái thứ tư của Tiên tri Mahomed, người sáng lập Hồi giáo.
Năm 1158 sau khi người Công Giáo chiếm lại Santarem, người phụ nữ xinh đẹp này bị bắt cóc và đem giao nộp cho Ông Hoàng xứ Ourem. Tình yêu nảy nở giữa hai người, họ lấy nhau và cô ta chịu rửa tội gia nhập đạo Công Giáo. Vì thế, tên Fatima sau này gia đình vị hoàng tộc đó đặt cho nơi này, nơi bà Fatima được an táng sau khi qua đời.
Tỉnh nhỏ Fatima trở nên thánh địa hành hương nổi tiếng khắp thế giới trong Hội Thánh Công gíao vì năm 1917Đức Mẹ Maria đã hiện ra ở nơi đây.
Fatima trở thành trung tâm hành hương lòng sùng kính Đức Mẹ Maria của Bồ Đào Nha và của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Mùa hành hương diễn ra từ tháng 05 tới tháng 10. Hằng ngày trong thời gian này đều có buổi lần hạt mân côi vào buổi tối, rước kiệu Đức Mẹ Fatima với nến cháy sáng hát bài Ave Maria theo cung điệu của Fatima lúc 21.00 giờ rất lung linh huyền nhiệm.
2. Nhà lập pháp Hương Cảng chỉ trích thỉnh nguyện thư của các giám mục Công Giáo đòi trả tự do cho Jimmy Lai
Một thành viên hội đồng lập pháp của Đảng Nhân dân Mới thân Bắc Kinh đã chỉ trích một bản kiến nghị chung được ký bởi 10 giám mục Công Giáo, trong đó có ba vị Giám Mục người Mỹ, kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Jimmy Lai.
Theo một báo cáo trên China Daily ngày 15 tháng 11, Dominic Lý Tử Kính (Lee Tsz-king, 李梓敬) cho biết: “Việc các nhà lãnh đạo Công Giáo kêu gọi thả Lai là một ví dụ nổi bật về việc quyền lực tôn giáo bị trưng dụng vì mục đích chính trị”.
Anh ta nói tiếp: “Việc Lai là một người Công Giáo dường như là lý do biện minh duy nhất cho yêu cầu của họ.”
“Tôi khuyên các nhà lãnh đạo tôn giáo nên biết khi nào nên từ bỏ, nếu không họ sẽ phải trả giá đắt”.
Vào ngày 28 tháng 9, ngày đánh dấu ngày thứ 1.000 của Lai trong tù, Lee đã viết trên X, trước đây gọi là Twitter: “Truyền thông phương Tây đã khai thác việc Lai giam cầm làm cơ sở cho những cáo buộc sai trái về quyền tự do báo chí của Hương Cảng”.
“Thực tế là, việc Lai ngồi tù không liên quan gì đến tự do báo chí, mà vì anh ta đã vi phạm nhiều luật,” Lý nói tiếp trong bài đăng của mình trên X.
Điều đáng tiếc là Lý Tử Kính là một người Công Giáo, đã từng học từ nhỏ đến lớn tại trường Nam Sinh của giáo phận Hương Cảng.
Những kẻ có quyền thế nhất và hô hào mạnh mẽ nhất cho việc áp dụng các luật lệ hà khắc của Trung Quốc tại Hương Cảng ngoài Lý Tử Kính còn phải kể đến Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nguyên Đặc khu trưởng của Đặc khu hành chính Hương Cảng, và Lý Gia Siêu hiện nay là Đặc khu trưởng của Đặc khu hành chính Hương Cảng.
Tất cả 3 người này đều là người Công Giáo đạo gốc, theo học các trường Công Giáo từ nhỏ đến lớn. Trong khi đó Jimmy Lai là một người Phật tử mới cải đạo sang Công Giáo vào năm 1997 khi đã 50 tuổi.
Jimmy Lai, người sáng lập tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily hiện không còn tồn tại, đã bị bắt vào tháng 12 năm 2020 và bị kết án 20 tháng tù vào tháng 4 năm 2021 vì tội tụ tập bất hợp pháp trong các cuộc biểu tình năm 2019 chống lại đề xuất sửa đổi luật mà lẽ ra sẽ cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.
Vào tháng 12 năm 2022, Lai bị kết tội lừa đảo do tranh chấp hợp đồng liên quan đến việc sử dụng không gian văn phòng tại trụ sở chính của Apple Daily và bị kết án tù bổ sung là 5 năm 9 tháng.
Lai phải đối mặt với những cáo buộc bổ sung, nghiêm trọng hơn theo Luật An ninh Quốc gia sâu rộng, bao gồm tội xúi giục nổi loạn và âm mưu thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Phiên tòa xét xử Lai, dự kiến diễn ra vào tháng 9, đã bị một thẩm phán Hương Cảng hoãn lại và dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 18 tháng 12, Hương Cảng Free Press đưa tin. Nếu bị kết án, Lai có thể phải đối mặt với án tù chung thân.
Sau khi bản kiến nghị được đưa ra ngày 1 tháng 11, chính phủ Hương Cảng đã đưa ra tuyên bố ngay lập tức lên án nó là “vu khống” và tương đương với hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Đặc khu Hành chính.
“Chính phủ Đặc khu hành chính Hương Cảng kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ những nhận xét bóp méo sự thật do các nhà lãnh đạo Công Giáo nước ngoài đưa ra nhằm can thiệp một cách không thích hợp vào công việc nội bộ của Đặc khu hành chính Hương Cảng và việc thực thi quyền tư pháp độc lập của tòa án Đặc khu hành chính Hương Cảng,” chính phủ nói. Tuyên bố cho biết: “Bất kỳ người nào, bất kể danh tính của họ, cố gắng can thiệp vào quá trình tố tụng tư pháp ở Đặc khu hành chính Hương Cảng để khiến bị cáo trốn tránh quá trình tư pháp hình sự đều đang phá hoại một cách trắng trợn luật pháp của Đặc khu hành chính Hương Cảng.”
Kiến nghị ngày 1 tháng 11 của các giám mục Công Giáo kêu gọi thả Lai ngay lập tức, nêu rõ: “Không có chỗ cho sự tàn ác và áp bức như vậy ở một lãnh thổ tuyên bố duy trì luật pháp và tôn trọng quyền tự do ngôn luận”.
“Khi đứng lên vì niềm tin của mình và cam kết bằng đức tin của mình để thách thức chế độ chuyên quyền và đàn áp, Jimmy Lai đã làm ăn thua lỗ, bị cắt đứt khỏi gia đình và vừa vượt qua 1.000 ngày tù trong khi phải đối mặt với viễn cảnh phải chịu thêm nhiều năm tù giam nữa. sự giam cầm sắp đến. Ông ấy đã 75 tuổi. Bây giờ ông ấy phải được tự do.”
Bản kiến nghị đã được ký bởi 10 vị giám mục Công Giáo trên khắp thế giới: Đức Hồng Y Timothy M. Dolan, tổng giám mục New York; Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal (Ấn Độ); Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ; Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, OP (Úc); Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas (Lithuania); Đức Tổng Giám Mục J. Michael Miller, CSB (Canada); Đức Tổng Giám Mục John Wilson (Vương quốc Anh); Giám mục Robert E. Barron của Winona-Rochester, Minnesota; Đức Giám Mục Alan A. McGuckian, SJ (Ireland), và Đức Giám Mục Lucius Ugorji (Nigeria).
Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi có hiệu lực vào tháng 6 năm 2020, quyền tự do dân sự ở đặc khu hành chính đã bị xói mòn trên diện rộng. Luật này đã trao cho chính phủ phạm vi tối đa để giải thích các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và quyền hạn không bị kiểm soát để trấn áp bất kỳ hình thức bất đồng chính trị nào và phản đối công khai.
Đã có một nỗ lực nhằm củng cố hơn nữa sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các vấn đề tôn giáo trên hòn đảo này nhằm tăng cường an ninh và bảo vệ hòn đảo khỏi ảnh hưởng ngày càng tăng của phương Tây.
Việc Lý Tử Kính lên án thỉnh nguyện thư của các giám mục được đưa ra khi Tổng Giám mục Giuse Lý Sơn của Bắc Kinh, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, thành viên trong đoàn chủ tịch khoá 13 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vừa kết thúc chuyến thăm ba ngày tới thăm Hương Cảng theo lời mời của Đức Hồng Y Stêphanô Châu Thủ Nhân, giám mục Hương Cảng. Trong chuyến thăm, ngài đảng viên Tổng Giám mục đã nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình Hán hóa tôn giáo, trong bắt buộc giáo huấn và việc thực hành tôn giáo và tín ngưỡng phải phù hợp với quan điểm ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tổng Giám Mục Lý Sơn, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nói sau chuyến thăm từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 11, rằng
“Chúng ta cầu nguyện rằng dưới sự hướng dẫn của sự mặc khải của Chúa Thánh Thần, dưới sự hướng dẫn của tinh thần hiệp thông của Giáo hội, và dưới sự tìm tòi siêng năng của tất cả chúng ta, Giáo hội Trung Quốc sẽ có thể thúc đẩy công việc truyền giáo và tâm linh theo hướng Hán hóa của chủ tịch Tập Cận Bình”.
Trước các diễn biến bi đát như thế này, người Công Giáo chúng ta không nên nản lòng. Giáo Hội của chúng ta do chính Chúa thiết lập và hằng che chở. Nếu Giáo Hội chỉ là một tổ chức trần thế, thì Giáo Hội đã tan tành từ lâu với những thành viên bất toàn và phản bội. Ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội, thánh hóa bản thân và cầu nguyện cho cả những kẻ phản bội.
3. Đức Tổng Giám Mục Fisher mong cải tiến phương pháp Thượng Hội đồng Giám mục
Đức Cha Anthony Fisher, Tổng giám mục Giáo phận Sydney, là giáo phận lớn nhất ở Úc châu, cầu mong trong khóa họp tháng Mười năm tới, Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới sẽ cải tiến phương pháp thảo luận.
Trong thư mục vụ gửi các tín hữu trong Tổng giáo phận để thuật lại khóa họp hồi tháng Mười năm nay, Đức Tổng Giám Mục Fisher cho biết trong số các Thượng Hội đồng Giám mục mà ngài đã tham dự, khóa vừa qua của Thượng Hội đồng Giám mục XVI, ở Roma là khóa tốt đẹp nhất xét về mặt nhân bản, nhưng đó là khóa họp yếu nhất về thần học. Theo ý Đức Tổng Giám Mục, những thành quả yếu kém về thần học của Thượng Hội đồng Giám mục này đến từ phương pháp thảo luận được áp dụng, phương pháp gọi là “chuyện trò trong Thánh Linh”, trong đó không có chỗ cho một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh. Chỉ có hai phần ba tham dự viên có cơ hội nói. Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fisher đề nghị một phương pháp để thảo luận trong khóa họp năm tới.
Đức Tổng Giám Mục Fisher cũng nhắc lại rằng phương pháp gọi là “chuyện trò trong Thánh Linh” đã được các cha Dòng Tên Canada đề ra cách đây mấy chục năm. Phương pháp này nhấn mạnh sự lắng nghe và hiểu nhau trước khi giải quyết một vấn đề nào. Nó giúp hạ nhiệt độ cuộc thảo luận về các vấn đề gây tranh luận, nhưng nó không mang lại sự sáng sủa và rõ ràng về thần học. Trong khi đó, một nền thần học vững chắc luôn luôn phải đặt câu hỏi: điều này có vẻ là tốt, nhưng nó có đúng sự thật không?
Đức Tổng Giám Mục Fisher trích dẫn ý kiến của cha Anthony Lusvardi, Dòng Tên, thuộc Đại học Grêgôriô ở Roma. Cha cũng nhắc lại những hướng dẫn rõ ràng của thánh Y Nhã, người đã nói rằng không phải mọi sự đều có thể là đề tài của sự phân định. Nếu một điều là tội, thì bạn không phân định xem có phải là tội hay không. Nếu bạn cam kết về điều gì, bạn không phân định xem có phải trung thành với nó hay không. Bất kỳ điều gì xảy đến cho bạn trái ngược với điều đã được Chúa Giêsu Kitô mạc khải, thì đó không phải là việc làm của Chúa Thánh Linh.”
Một trong những đề tài cơ bản của Thượng Hội đồng Giám mục là tương quan giữa tình yêu và sự thật. Giáo hội phải cởi mở đối với mọi người, nhưng Giáo hội cũng kêu gọi hoán cải: “hãy đi và đừng phạm tội nữa!” Chúng ta phải nhìn nhận thực tại tội lỗi và hậu quả tàn hại của nó, ý thức về sự cần phải tìm kiếm lòng thương xót vô biên và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn căn bản cho mọi đề nghị của Thượng Hội đồng Giám mục là sự thánh thiện. Nhờ ơn Chúa sẽ tạo nên nhiều tông đồ và mục tử, những người loan báo Tin mừng, các thừa sai, đan sĩ và thầy dạy, các vị tử đạo và thần bí gia, những người nam nữ thánh thiện mà Giáo Hội ta và thế giới rất cần.