*Hãy nhớ cầu cho các LINH HỒN*

"Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
( Lc.23 : 39 -43 )

Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa".
Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".



* Truyền thống & Ý nghĩa Lễ Các Linh Hồn *

-“ Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an nghỉ trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Kitô. “ ( Trích thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Thesalonia )

-“…Lạy Chúa nhân từ ! Xin thương đoàn tụ con cái Cha đang tản mát khắp nơi. Xin thương cho ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời và tất cả những ai ly trần trong ơn nghĩa Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để cùng nhau hưởng vinh quang Chúa muôn đời. “

*Lời Hiệp thông vị Linh mục chủ tế đọc trong Thánh Lễ hàng ngày, Giáo Hội nhắc chúng ta luôn nhớ đến những người đã qua đời- đặc biệt tháng 11 cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện ngục- sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa trên Nước Hằng Sống.

Truyền thống tốt đẹp này do Viện Phụ Đan Viện Chiny, nước Đức khởi đầu từ ngày 2/11/998.
Đến Thế kỷ 10, Đức Giáo Hoàng Gioan 10 thiết lập Lễ Cầu cho các Linh Hồn trong toàn Giáo Hội.
Tại Ba Lan, đêm Lễ Cầu Hồn đèn Thánh đường thắp sáng nhắc mọi người nhớ cầu nguyện cho các Linh Hồn sớm được giải thoát khỏi Luyện Hình.
Nước Hungary có tục lệ cao quí vào ngày 2/11, các trẻ em mồ côi được tập trung tại Nhà thờ lãnh quà, đồ chơi và dùng bữa ăn đầm ấm dưới sự săn sóc đầy tình thương của tín hữu.
Riêng tại Việt Nam, rất tôn trọng chữ hiếu, dịp Tết mọi người kéo nhau lên nghĩa trang viếng mộ ông bà, cha mẹ, anh chị em và họ hàng đã qua đời, mang hoa đèn đặt trên mộ, sơn quét sạch sẽ, rồi đọc kinh cầu nguyện. Ngày 2/11, đi viếng nhà thờ, đọc kinh lãnh ơn Toàn xá chỉ cho các linh hồn.

Năm 1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành giáo lý về Lễ Cầu Hồn với 3 điểm chính :
-Cần có Luyện Ngục : Dù người qua đời trong ơn nghĩa Chúa vẫn còn vướng mắc tì ố, cần phải thanh tẩy trước khi vào Thiên Đàng là nơi Sách Khải Huyền đã minh định;
“ Người ta sẽ đem vinh hiển và giáu sang của các dân tộc đến đó. Kẻ ô uế, làm điều gian ác, dối trá, không thể được vào, nhưng chỉ những kẻ đã được ghi tên trong Sách Sự Sống của Chiên Con.” (KH.21 : 26 & 27)

-Luyện Ngục để thanh tẩy: là dấu hiệu sau cùng của người được Thiên Chúa tuyển chọn.
-Người sống cứu người chết : bằng cầu nguyện, xin lễ, bố thí, lãnh ơn xá chỉ cho người qua đời.
Đặc ân trong ngày này các Linh Mục được phép làm 3 Thánh Lễ chỉ cho các Linh Hồn.
Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế ‘Vui Mừng và Hy vọng’ đã xác quyết :
“Chúa Giêsu đã mang lại chiến thắng khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người giải phóng chúng ta khỏi sự chết, đồng thời làm cho con người có khả năng hiệp thông với anh chị em đã qua đời trong ân sủng Chúa Kitô và làm cho chúng ta hy vọng rằng người ấy đã thực sự trong Chúa.”

Giáo Hội giành riêng tháng 11 cầu cho các Linh Hồn, đồng thời cũng dạy chúng ta một bài học quí giá :
- Cuộc sống chúng ta hiện nay là để chuẩn bị cho sự chết ngày mai.
- Cái chết là ngưỡng cửa để ta bước vào đời sống vinh hiển.
- Nhớ đến người chết chính là tình yêu hiệp thông, sự báo hiếu công ơn người đã gây dựng, giúp ta trong cuộc sống trần thế.
Trong Cựu Ước, sách Ma-ca-bê 2 chương 12 nói đến việc nhớ ơn người đã qua đời :
“Vì tưởng nhớ, cầu nguyện cho người đã an nghỉ được giải thoát khỏi Luyện Hình là một việc đạo đức.”

Ngoài ra, còn cho chúng ta hiểu biết thêm những sự việc liên quan đến ngày Lễ Cầu Hồn như :

- Luyện ngục không phải là nơi đầy đọa với những cực hình như Hỏa ngục, nhưng là nơi để thanh lọc trọn vẹn khỏi những tì ố trước khi lãnh nhận phúc Trường Sinh hưởng Nhan Thánh Chúa- Linh Hồn nơi Luyện Ngục chịu những hình phạt tạm thời do tội lỗi mình gây ra. Gọi là những Linh Hồn đáng thương không thể tự mình lập công để giải thoát hay giảm nhẹ đau khổ, mà tùy thuộc vào lời cầu nguyện và việc lành của các tín hữu nơi trần thế, cùng lời chuyển cầu lên các Thánh cầu xin Thiên Chúa. Chúng ta phải tin là Luyện Ngục có thật, vì khi Đức Mẹ hiện ra tại Mễ Du đa cho Vicka Jacob được thị kiến Thiên Đàng-

- Thánh Lễ không thể mua ít hay nhiều bằng tiền bạc, vì Thánh Lễ là vô giá như ngụ ngôn trong Phúc Âm nói về bà góa nghèo dâng cúng chỉ 2 đồng nhưng được Chúa ca ngợi vì lòng thành của bà :
“Đức Giêsu vừa ngó lên thấy những kẻ giàu bỏ tiền vào rương, lại thấy một bà góa nghèo bỏ vào 2 đồng tiền. Ngài phán rằng: quả thật ta bảo cùng các ngươi, bà góa này đã bỏ vào nhiều hơn mọi người khác, vì những người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng, nhưng bà này thiếu thốn mà đã dâng của mình có để nuôi chính mình.” ( Lc.21: 1- 4 )

- Ơn Toàn xá : được lãnh nhận khi xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, để nhượng cho các Linh Hồn ( Muốn hiểu rõ hơn về Ơn Toàn Xá, xin tham khảo theo Cẩm nang Ân Xá của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ban hành năm 2006 hay trao đổi với các Linh Mục sở tại để hiểu rõ hơn. )

- Các Thánh cùng thông công :
Các Thánh là Giáo Hội Khải hoàn.
Giáo Hữu là Giáo hội Chiến đấu
Linh Hồn là Giáo Hội Đền tội.
Ba Giáo Hội được Chúa Thánh Linh kết hợp làm một Đại gia đình con cái Chúa trong tình thương yêu trợ giúp và cầu nguyện cho nhau.

*Tiếng Vọng Vực Sâu*

“Những nỗi thống khổ của các Linh Hồn nơi Luyện ngục rất lớn,
Cho nên 1 ngày ở đó cũng như một ngàn năm đối với họ.”
( St Vincent Ferrier )

+ “ Thiên đàng, Hỏa ngục đôi quê,
Ai khôn thì về, ai dại thì sa.
Đêm về nhớ Chúa nhớ cha,
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa Linh hồn
Linh hồn phải giữ Linh hồn,
Đến khi lìa xác được lên thiên đàng (*)

-Từ lúc năm tháng còn thơ,
Bài đồng dao ấy vẫn chưa phai mờ.
Quê nhà in dấu ngày xưa,
Chuông nhà thờ điểm lưa thưa gợi buồn,
Âm vang nhắc nhở chiều hôm,
Câu kinh nguyện nhớ Linh hồn chờ mong,
Đâu đây trong cõi mênh mông,
Tiếng ai than thở xót lòng thế nhân.

Hỡi người dù sống gian truân,
Lắng nghe Hồn dưới Vực sâu kêu cầu,
Chịu hình phạt bởi vì đâu,
Chính mình tội lỗi bấy lâu trên trần.
Đuổi theo danh lợi xa gần,
Đắm trong tục lụy, vọng cầu vinh hoa,
Quên rằng dù cố bôn ba,
Buông hai tay xuống đời ta còn gì?
Đời người sinh ký tử qui,
Thân hèn xác đất ra đi một lần,
Trở về tro bụi xác thân,
Nhưng Linh hồn phải đến gần Thiên Nhan,
Trả lời công tội đã làm,
Đáng hưởng hồng phúc Thiên đàng hay không?
Giờ con khao khát chờ trông,
Sớm bên Nhan Chúa thỏa lòng đắm say.

-Vẳng nghe tiếng gọi đâu đây,
Lời ai than thở dâng đầy đớn đau?
Chính là Tiếng Vọng Vực Sâu,
Linh hồn thổn thức kêu cầu Chúa thương,
Thứ tha năm tháng lầm đường,
Sống xa Tình Chúa, đắm vương bụi trần.
Nhưng Chúa từ ái vô ngần,
Giang tay cứu vớt bao lần con quên.
Lời kinh xám hối dâng lên,
Cho con diễm phúc nghỉ yên đời đời.
Xin kéo con lên Chúa ơi !
Hưởng Nhan Thánh Chúa trên nơi Vĩnh Hằng

(*) Ghi chú : Truyền thuyết cho rằng bài đồng dao trên do 1 Linh Mục đặt ra, để giáo dục trẻ em trong cả lúc vui chơi, cũng luôn nghĩ đến cuộc sống đời sau.

*Sinh Tử Vòng Đời
‘ Tiền công của tôi lỗi là sự chết. ‘

Vòng đời kiếp sống thế trần,
Sinh ra từ biệt một lần mà thôi,
Nếu ta biết sống cho đời,
Mai sau sẽ nở nụ cười ra đi !

Đời người sinh ký tử qui,
Sống là chuẩn bị để ly biệt trần.
‘Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì?’ (Thơ: Nguyễn Công Trứ)

Bé thơ ngây hoa đời chớm nở,
Chẳng có gì lo sợ vấn vương,
Bao quanh tràn ngập yêu thương,
Như hoa vừa nở dâng hương ngạt ngào.

Trai trưởng thành nuôi bao mộng đẹp,
Chung quanh ta chật hẹp không gian,
Sự nghiệp, danh vọng, giàu sang,
Đuổi theo đạt được lại càng hăng say.

Gái tự hào soi gương tô điểm,
Vẻ diễm kiều sai khiến lòng người,
Tâm hồn rộng mở thêm tươi,
Tương lai bừng sáng đón mời vào xuân.

Nhưng cuộc đời có đâu đẹp mãi,
Có vui nay, mai lại có sầu,
Hoa kia tươi mãi được đâu,
Con người không thể sống lâu ngàn đời.

Mới ngày nào tuổi thơ tươi thắm,
Mới ngày nào phấn khởi hiên ngang,
Chàng thì sự nghiệp vẻ vang,
Nàng thì rực rỡ cao sang hơn người.

Vừa mới đây tháng ngày thấm thoát,
Giờ lúc này sao khác năm xưa,
Hàm răng đã thấy lưa thưa,
Tóc mây bỗng chốc lại vừa điểm sương.

Xưa nay nhân trần nuôi hy vọng,
Tìm mọi cách xây mộng trường sinh,
Thật không biết lựa sức mình,
Luật trời sinh tử chứng minh tỏ tường.

Suốt đời dù mải mê tích lũy,
Xuôi hai tay nắm giữ được gì,
Đời người sinh ký tử qui,
Sống là cõi tạm, thác là trường sinh.

Luật trời chính là quyền Thượng Đế,
Phúc của mình tích để sau này,
Nếu sống tốt đẹp hôm nay,
Mai sau vĩnh cửu tràn đầy hân hoan.

Hoàng hôn xuống chậm nghiêng soi bóng,
Cô khách dừng chân đứng ngẩn ngơ,
Màn đêm buông phủ lờ mờ,
Bóng người chìm lắng ơ hờ trong đêm.

Lạy Chúa! Là Đường! Là Sự Sống!
Lạy Chúa chính là Đấng tình thương!
Bụi trần che phủ mù sương,
Xin Ngài dìu dắt soi đường con theo.


*Luyện ngục*

Nói tới luyện ngục, hẳn chúng ta không khỏi có những cảm nghĩ buồn vui lẫn lộn. Vui vì người vào đó sớm muộn gì rồi cũng sẽ có ngày ra. Buồn vì số người vào đó chắc chắn là đông đảo. Hay nói một cách khác: mấy ai sẽ thoát được lửa luyện tội?

Ngay từ xa xưa, Giáo Hội vẫn tin rằng những người đã chết trong tình trạng ơn nghĩa cùng Chúa, nhưng còn vướng mắc những tội nhẹ, hay chưa đền bù hết những hình phạt tạm bởi tội, sẽ phải vào luyện ngục đền bù cho xong, rồi mới được lên thiên đàng, hưởng hạnh phúc muôn đời cùng Chúa.

Cựu Ước đã đề cập tới luyện ngục khi ghi lại hành động cao đẹp của ông Macabêô, khi ông quyên tiền gửi về Giêrusalem để dâng của lễ xóa tội cho một số anh em binh lính đã chết, mà lúc còn sống đã mang trong mình những ảnh tượng ngẫu thần, là điều mà lề luật Do Thái ngăn cấm.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng cũng đã nói về luyện ngục: Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống vào ngục. Ta bảo thật cho ngươi biết: ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng (Mt 5,25).

Ra khỏi đó, không phải là ra khỏi thiên đàng, vì thiên đàng không phải là nơi đền bù tội lỗi. Ra khỏi đó, cũng không phải là ra khỏi hỏa ngục vì một khi đã rơi vào hỏa ngục, thì đời đời không bao giờ ra được nữa. Như vậy, ra khỏi đó chỉ có thể hiểu là ra khỏi luyện ngục mà thôi. Tuy nhiên, việc ra khỏi đó lâu hay mau, còn tùy thuộc vào thời gian đền bù. Thật vậy, khi người ta cố tình phạm một tội trọng, thì đã đáng phải sa hỏa ngục. Thế nhưng, vì thật lòng ăn năn, nên tội trọng đó đã được tha, án phạt trầm luân đời đỡi đã được xóa bỏ, nhưng hình phạt tạm, nếu chưa được xóa bỏ hết, thì người ta vẫn phải đền ở đời này, hoặc đời sau trong luyện ngục.

Những linh hồn trong luyện ngục phải chịu đau khổ, nhưng không còn lập được công như khi còn sống ở trần gian, bởi vì thời gian lập công đã hết. Các ngàiï phải chịu đau khổ, nhưng lại không thểu tự cứu lấy mình được. Các ngài phải ở đó cho tới khi trả hết đồng xu cuối cùng.
Do đó, hình phạt ở luyện tội lâu hay mau còn tùy ở tội lỗi và sự đền bù của mỗi người. Tuy nhiên, những người còn đang sống vẫn có thể dâng những lời kinh, những hy sinh và những thánh lễ, để xin Chúa sớm giải thoát những linh hồn nơi luyện ngục, trong đó có ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng quyến thuộc và bạn hữu. Những người thân quen này, rất có thể vì yêu thương chúng ta, mà đã không tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Đồng thời chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi không ai tưởng nhớ đến. Thế nhưng trước hết và trên hết, chúng ta hãy cố gắng cải thiện đời sống, xa tránh tội lỗi, thực thi những việc bác ái yêu thương, để chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục, cũng như để bản thân chúng ta cũng được giảm bớt thời gian thanh luyện sau khi chết.


*Kinh Vực Sâu.

“Lạy Chúa tôi ! Tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi.
Xin hãy khứng nhận lời tôi kêu xin.
Hãy lắng nghe tiếng tôi cầu xin.
Nếu Chúa tôi chấp tội nào ai rỗi được.
Bởi Chúa tôi hằng có lòng lành, cùng vì lời Chúa tôi phán hứa, tôi đã trông cậy Chúa tôi. Linh hồn tôi cậy vì lời hứa ấy, vì đã trông cậy Chúa tôi.
Những kẻ làm dân Đức Chúa Trời đêm ngày, hãy trông cậy Người cho liên. Vì Người rất nhân lành hay thương vô cùng, sẽ tha hết tội lỗi kẻ làm dân Người thay thảy.
Lạy Chúa tôi ! Xin ban cho các linh hồn được nghỉ yên đời đời và được sáng soi vô cùng.
Lạy Chúa tôi ! Xin cứu lấy các linh hồn cho khỏi tù ngục và được nghỉ yên-Amen.

*Phụ dẫn :
Cuộc đời cha Piô Năm Dấu Thánh là trang sử lạ thường ghi dấu các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các Thiên Thần, Các Thánh, và Các Đẳng Linh Hồn. Có thể nói được rằng, Cha thánh Pio sống cùng lúc ở hai thế giới: một hữu hình và một vô hình, thiêng liêng.
Câu chuyện Linh Hồn Luyện Ngục hiện về xin Cha thánh Pio cầu nguyện cho.

Một buổi tối, Cha Pio đang nghỉ ở tầng trệt của Cộng Đoàn nơi căn phòng dành đón tiếp khách lạ. Lúc ấy Cha Pio chỉ có một mình và vừa đặt lưng nằm xuống thì bất thình lình một người đàn ông xuất hiện, mình trùm kín chiếc áo choàng đen. Ngạc nhiên, Cha Pio tức khắc đứng bật dậy và hỏi cho biết ông là ai và muốn gì. Người khách lạ cho biết ông là Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội. Ông nói: Con là Pietro Di Mauro, tức Nicola và có biệt danh “Precoco”. Con bị chết trong trận hỏa hoạn xảy ra vào đêm 18-9-1908, tại chính Tu Viện này, lúc ấy bị truất hữu và biến thành Viện Tế Bần. Con bị cháy giữa các ngọn lửa, ngay trên tấm nệm rơm, lúc đang ngủ say, trong căn phòng số 4. Con hiện về từ Luyện Ngục. Thiên Chúa Nhân Lành cho phép con đến xin Cha dâng một Thánh Lễ với ý chỉ cầu cho con vào sáng ngày mai. Nhờ Thánh Lễ này con mới có thể vào được Thiên Đàng.

Cha Pio hứa sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho ông. Chính Cha kể lại như sau. Phần tôi, tôi muốn đích thân tháp tùng Linh Hồn Luyện Ngục ra tận cửa Tu Viện. Và tôi chỉ ý thức rõ ràng mình đã nói chuyện với Linh Hồn Luyện Ngục khi ra tới thềm, bởi vì, người đàn ông đang đi bên cạnh tôi bỗng nhiên biến mất. Tôi thành thật thú nhận lúc ấy tôi cảm thấy hoảng sợ. Tôi đi thẳng đến phòng Bề Trên là Cha Paolino da Casacalenda. Cha Bề Trên nhận ra nét kinh hoảng của tôi. Sau khi nghe tôi giải thích và xin phép dâng Thánh Lễ vào sáng hôm sau cầu cho Linh Hồn Luyện Ngục, Cha Bề Trên hiểu lý do và chấp thuận ngay lời xin.

Vài ngày sau, vì bị tính tò mò thúc đẩy, Cha Bề Trên Paolino muốn làm cuộc kiểm chứng. Cha ra tòa thị chính thành phố San Giovanni Rotondo và xin phép xem Cuốn Sổ Tử của thành phố vào năm 1908. Và đúng như lời tôi kể, trong Sổ Tử tháng 9 năm 1908 có ghi mấy hàng: Ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong trận hỏa hoạn Viện Tế Bần có một người bị chết mang tên Pietro di Mauro, tức Nicola.

Đinh văn Tiến Hùng- Tổng hợp