Bản tin ngày 14 tháng 10 năm 2023 của hãng tin Catholic World News cho hay: vào ngày 13 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 đã hướng sự chú ý của họ đến chủ đề đàm luận thứ ba: “Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ để phục vụ Tin Mừng?" (Đơn vị B2).



Chủ đề đàm luận đầu tiên (Đơn vị A, ngày 4-7 tháng 10) là “Khởi đi từ hành trình của các Giáo hội địa phương mà mỗi chúng ta thuộc về và từ nội dung của Tài liệu làm việc, xuất hiện những dấu hiệu đặc biệt nào của một Giáo hội đồng nghị một cách rõ ràng hơn và điều gì xứng đáng được công nhận nhiều hơn hoặc cần được nhấn mạnh hoặc đào sâu hơn?” Chủ đề thứ hai (đơn vị B1, ngày 9-12 tháng 10) là “Một sự hiệp thông tỏa sáng: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ trọn vẹn hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại?”

Báo cáo cuối cùng của phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng (4-29 tháng 10) sẽ hình thành nghị trình của phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng (tháng 10 năm 2024).

Đức Hồng Y Ambongo kêu gọi sám hối, khuyến nghị dùng ‘vũ khí đồng nghị’ để chống lại Satan

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, OFM Cap, Địa phận Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo) đã giảng bài giảng trong Thánh lễ sáng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Suy gẫm về bài đọc đầu tiên trong Thánh lễ trích từ Sách Tiên tri Gioen, Đức Hồng Y Ambongo đã lên án việc lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lương tâm, cũng như các vụ tai tiếng tài chính.

Ngài giảng, “Đến từ khắp các châu lục, và hợp nhất như một gia đình, trong vẻ đẹp của sự hiệp nhất trong đa dạng văn hóa này, chúng ta cũng được mời gọi khóc lóc trước bàn thờ này, tại mộ Thánh Phêrô, vì sự yếu đuối của chúng ta với tư cách một Giáo hội. Chúng ta đến đây để khóc và cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho tội lỗi của chúng ta. Nhưng cách khóc tốt nhất là can đảm đi theo con đường sám hối và hoán cải, mở ra những con đường hòa giải, chữa lành và công lý”.

“Kẻ Ác gieo rắc mối bất hòa,” ngài nói tiếp, khi suy gẫm về bài đọc Tin Mừng (Lc 11:15-26). “Đây là lý do tại sao chúng ta phải can đảm chiến đấu với Ma quỷ, đặc biệt là sử dụng các vũ khí của tính đồng nghị, vốn đòi hỏi sự hợp nhất, cùng nhau bước đi, phân định trong cầu nguyện, lắng nghe lẫn nhau và những gì Chúa Thánh Thần nói với chúng ta”.

Đức Hồng Y Hollerich giới thiệu chủ đề thứ ba của Thượng Hội đồng

Sau khi những người tham gia tập trung tại Thính đường Phaolô VI, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, SJ, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã giới thiệu đơn vị thảo luận B2 (“Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?”).

Trong cuộc thảo luận về đơn vị A, tất cả 35 nhóm làm việc của Thượng Hội đồng đã thảo luận về cùng một câu hỏi. Trong quá trình thảo luận đơn vị B1, mỗi nhóm chỉ thảo luận một trong năm bảng câu hỏi của đơn vị. Phần thảo luận của đơn vị B2 tuân theo mô hình thảo luận của đơn vị B1.

Đức Hồng Y Hollerich nói: “Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội được sai đi truyền giáo. Mệnh lệnh của Chúa ban cho các Tông đồ cũng được áp dụng cho tất cả các thành viên của Giáo hội tông truyền của chúng ta.”

Ngài tiếp tục: Internet “biến đổi cách sống của chúng ta, cách nhận thức thực tại và các mối quan hệ sống của chúng ta. Vì vậy, nó trở thành một lãnh thổ truyền giáo mới. Giống như Thánh Phanxicô Xaviê ra đi đến những vùng đất mới, chúng ta có sẵn lòng và sẵn sàng đi thuyền tới lục địa mới này không?”

Ngài nói tiếp:

“Chúng ta phải được hướng dẫn bởi những người sống ở lục địa kỹ thuật số. Phần lớn chúng ta, các giám mục, không phải là những người tiên phong trong sứ mệnh này, mà là những người đang học theo con đường được các thành viên trẻ tuổi của dân Chúa mở ra. Chúng ta sẽ nghe nhiều hơn về điều này sau. Dù sao đi nữa, thí dụ này giúp chúng ta hiểu tại sao tựa đề của chúng ta nói lên tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi và có quyền tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội, tất cả đều có một sự đóng góp không thể thay thế được. Điều đúng đối với lục địa kỹ thuật số cũng đúng đối với các khía cạnh khác trong sứ mệnh của Giáo hội”.

Sau đó Đức Hồng Y Hollerich giải thích quan niệm của ngài về sứ mệnh của Giáo hội.

Ngài nói: “Sứ mệnh của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, bắt đầu từ việc rao giảng Tin Mừng. Sứ mệnh của Giáo hội gắn liền với sự cam kết đối với hệ sinh thái toàn diện, cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình, ưu tiên lựa chọn người nghèo và những vùng ngoại vi, và sự sẵn sàng cởi mở để gặp gỡ tất cả mọi người”.

Vị giáo phẩm kêu gọi sự cởi mở hơn nữa đối với các đặc sủng của phụ nữ và những người không được thụ phong:

“Phép rửa của phụ nữ không thua kém phép rửa của nam giới. Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng phụ nữ cảm thấy họ là một phần không thể thiếu của Giáo hội truyền giáo này? Chúng ta, những người nam, có nhận thấy sự đa dạng và phong phú của các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho phụ nữ không?...

“Mối liên hệ giữa thừa tác vụ thụ phong và các thừa tác vụ rửa tội khác là gì? Tất cả chúng ta đều biết hình ảnh thân xác được Thánh Phaolô sử dụng. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận rằng tất cả các bộ phận của cơ thể đều quan trọng không?”

Ngài nói thêm:

“Đây chính là lúc mỗi người được kêu gọi tạm gác quan điểm, suy nghĩ của mình sang một bên để chú ý đến sự cộng hưởng mà việc lắng nghe người khác khơi dậy trong họ. Đó không phải là sự kéo dài của vòng đầu tiên, mà là cơ hội để mở ra một điều gì đó mới, điều mà có thể chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới theo cách đó. Đây là món quà mà Chúa Thánh Thần dành sẵn cho mỗi người chúng ta”.

Các diễn giả khác

Sau đó, những người tham gia Thượng Hội đồng đã nghe nhập lượng thiêng liêng từ Mẹ Maria Ignazia Angelini, OSB; nhập lượng thần học từ Cha Carlos Maria Galli, Trưởng khoa Thần học tại Đại học Công Giáo Á Căn Đình; và các chứng từ của Nữ tu Gloria Liliana Franco Echeverri, của Ông José Manuel De Urquidi Gonzalez và Nữ tu Xiskya Lucia Valladares Paguaga; và từ Đức Hồng Y Stephen Ameyu Martin Mulla của Juba (Nam Sudan).

Suy tư của Mẹ Angelini về phụ nữ và sứ mệnh thật đáng chú ý vì lối giải thích mới lạ về Kinh Thánh. Mẹ nói:

Và vì vậy, Giáo hội đến Châu Âu, và thực hiện điều đó theo một hình thức mới, đáng ngạc nhiên: bắt đầu từ vùng ngoại ô, từ bờ sông, ngay bên ngoài một thành phố La Mã giàu có. Phụ nữ đã tụ tập ở đó để cầu nguyện.” Điều lạ là Thánh Phaolô đã được chào đón bằng một phụng vụ ngoài nghi lễ, giữa những người phụ nữ, ở ngoài trời. Thánh Tông đồ không bắt đầu ở đây, như thường lệ, trong hội đường (có lẽ không có hội đường nào ở Philíppi, thuộc địa của La Mã). Ngài tự lồng mình vào một phụng vụ nữ “không mang tính nghi lễ”, đưa vào đó lời lẽ của Tin Mừng. Giống như vào buổi sáng Phục sinh, điểm bắt đầu hay ngưỡng cửa này cũng không có đàn ông.

Khi thảo luận về sự trở lại của Lydia, Thánh Luca, tác giả nhân loại của Công vụ Tông đồ, không khẳng định Lydia và những người phụ nữ khác tham gia một buổi cử hành phụng vụ; ngài chỉ viết rằng Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng cho những phụ nữ tụ tập lại để cầu nguyện:

“Vì vậy, khởi hành từ Troas, chúng tôi đi thẳng đến Samothrace, và ngày hôm sau đến Neapolis, rồi từ đó đến Philippi, thành phố chính của quận Macedonia và là thuộc địa của La Mã. Chúng tôi ở lại thành phố này vài ngày; và vào ngày sabát, chúng tôi ra ngoài cổng tới bờ sông, nơi mà chúng tôi cho là có nơi cầu nguyện; và chúng tôi ngồi xuống và nói chuyện với những người phụ nữ đã đến với nhau. Người nghe chúng tôi nói là một phụ nữ tên Lydia, quê ở Thyatira, chuyên bán hàng màu tía và là người thờ phượng Thiên Chúa. Chúa đã mở lòng chị để chú ý đến những gì Thánh Phaolô đã nói. Và khi chị được rửa tội, cùng với gia đình chị, chị đã cầu xin chúng tôi rằng: “Nếu các ngài xét thấy tôi trung thành với Chúa, hãy đến nhà tôi và ở lại.” Và chị đã thắng chúng tôi. (Cv 16:11-15)