1. Zelenskiy cảnh báo Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng cuộc chiến của Nga “không chỉ liên quan đến Ukraine”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng mục tiêu của Nga trong cuộc xâm lược “không chỉ là về Ukraine”.
Đầu tiên, ông đưa ra ví dụ về việc Nga phong tỏa các cảng Hắc Hải khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc vận chuyển ngũ cốc, làm dấy lên lo ngại về việc giá lương thực tăng cao góp phần gây ra nạn đói toàn cầu.
“Rõ ràng là Nga đang cố gắng vũ khí hóa tình trạng thiếu lương thực trên thị trường toàn cầu để đổi lấy sự công nhận đối với một số, nếu không phải tất cả, các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Nga đang coi giá lương thực là vũ khí. Tác động của chúng trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương của Phi Châu đến Đông Nam Á. Và đây là thang đo mối đe dọa.”
Sau đó, Zelenskiy chỉ ra việc Nga đang cố gắng chặn nguồn cung cấp khí đốt và dầu cho các nước Âu Châu phụ thuộc vào nước này, gọi đó là “vũ khí hóa năng lượng”.
“Cẩm Linh đã vũ khí hóa dầu khí để làm suy yếu lãnh đạo các nước khác”, ông nói và nhấn mạnh thêm rằng “Bây giờ, mối đe dọa này còn lớn hơn”.
“Nó cũng đang biến các nhà máy điện của nước khác thành những quả bom bẩn thực sự. Hãy nhìn xem, Nga đã làm gì với nhà máy điện Zaporizhzhia của chúng tôi – pháo kích, xâm lược và sau đó tống tiền những người khác bằng rò rỉ phóng xạ”.
Zelenskiy cũng chỉ ra mối quan hệ của Nga với các nước khác. Ukraine không phải là nước duy nhất bị Nga xâm lược. Có một lịch sử dài các quốc gia bị Putin tấn công. “Khi sự thù hận được vũ khí hóa để chống lại một quốc gia, nó sẽ không bao giờ dừng lại ở đó. Mỗi thập kỷ Nga lại bắt đầu một cuộc chiến mới. Các khu vực của Moldova và Georgia vẫn bị tạm chiếm. Nga đã biến Syria thành đống đổ nát. Nga gần như đã nuốt chửng Belarus. Rõ ràng nó đang đe dọa Kazakhstan và các quốc gia vùng Baltic khác.”
Zelenskiy cảnh báo mục tiêu của Nga trong cuộc xâm lược là biến Ukraine thành vũ khí chống lại “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”.
“Nhiều ghế trong hội trường Đại hội đồng này có thể trống nếu Nga thành công với sự phản bội và gây hấn của mình”, ông Zelenskiy nói và nói thêm rằng Nga phải dừng lại. “Chúng ta phải đoàn kết hành động để đánh bại kẻ xâm lược.”
2. Nga đang vũ khí hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, Zelenskiy nói
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba đã đưa ra lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hạn chế việc Nga vũ khí hóa các nhà máy hạt nhân.
Nga đang vũ khí hóa năng lượng hạt nhân và “biến các nhà máy điện của các nước khác thành bom bẩn thực sự”, ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông đang đề cập đến việc Nga xâm lược nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Nga “đã pháo kích, xâm lược và bây giờ tống tiền những người khác bằng rò rỉ phóng xạ. Liệu có ý nghĩa gì khi chúng ta hô hào giảm bớt vũ khí hạt nhân trong khi Nga đang vũ khí hóa các nhà máy điện hạt nhân”, tổng thống hỏi.
Zelenskiy nói rằng thế giới không có cơ chế phản ứng hay các biện pháp bảo vệ trước mối đe dọa như vậy. Ông nói: “Cho đến nay, những kẻ tống tiền bằng phóng xạ chẳng phải chịu trách nhiệm nào cả”.
Một số bối cảnh: Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, với sáu lò phản ứng, là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Âu Châu. Nó chủ yếu được xây dựng từ thời Xô Viết và trở thành tài sản của Ukraine sau khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991.
Nhà máy nằm ở bờ phía đông của sông Dnipro. Khu vực này và tổ hợp hạt nhân đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ đầu chiến tranh, nhưng nhà máy này chủ yếu vẫn do công nhân Ukraine vận hành.
Vào tháng 6, Tổng thống Zelenskiy cho biết tình báo Ukraine đã “nhận được thông tin rằng Nga đang xem xét kịch bản về một cuộc tấn công khủng bố tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia” và rằng cuộc tấn công bị cáo buộc sẽ liên quan đến “rò rỉ phóng xạ”.
3. Chúng ta phải đoàn kết hành động để đánh bại Nga, Zelenskiy nói với các nhà lãnh đạo thế giới
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng thế giới phải đoàn kết để đánh bại sự xâm lược của Nga ở Ukraine.
“Chúng ta phải ngăn chặn nó. Chúng ta phải đoàn kết hành động để đánh bại kẻ xâm lược và tập trung mọi khả năng, sức lực để giải quyết những thách thức này. Vũ khí hạt nhân bị hạn chế thế nào thì bọn xâm lược cũng phải bị kiềm chế như thế”, ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba.
Zelenskiy cho biết ông đang chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu nhưng không cho biết khi nào nó sẽ được tổ chức.
Ông nói: “Trong khi Nga đang đẩy thế giới đến cuộc chiến cuối cùng thì Ukraine đang làm mọi cách để bảo đảm rằng sau sự xâm lược của Nga, không kẻ nào trên thế giới dám tấn công bất kỳ quốc gia khác”.
4. Zelenskiy nói về việc Nga bắt cóc trẻ em Ukraine: “Đây rõ ràng là một cuộc diệt chủng”
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã lên án hành động cưỡng ép đưa trẻ em Ukraine sang Nga trong thời chiến của Nga, gọi đó là hành vi “diệt chủng”.
Ông nói hôm thứ Ba: “Chúng tôi biết tên của hàng chục nghìn trẻ em và có bằng chứng về hàng trăm nghìn trẻ khác bị Nga bắt cóc tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine và sau đó bị trục xuất”.
Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ vào tháng 3 đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và quan chức Nga Maria Lvova-Belova vì cáo buộc âm mưu bắt cóc trẻ em Ukraine về Nga.
“Chúng tôi đang cố gắng đưa các em trở về nhà nhưng thời gian trôi qua. Điều gì sẽ xảy ra với họ? Điều gì sẽ xảy ra với họ? Những đứa trẻ ở Nga được dạy phải ghét Ukraine. Và mọi mối quan hệ với gia đình họ đều bị cắt đứt. Và đây rõ ràng là một cuộc diệt chủng”, ông nói.
Zelenskiy cho biết cuộc chiến ở Ukraine là cuộc xung đột mới nhất trong danh sách dài các cuộc xung đột ở Nga.
“Mỗi thập kỷ Nga lại bắt đầu một cuộc chiến mới. Các khu vực của Moldova và Georgia vẫn bị tạm chiếm. Nga đã biến Syria thành đống đổ nát”, ông lập luận.
Zelenskiy cảnh báo: “Mục tiêu của cuộc chiến chống Ukraine hiện nay là biến đất đai, con người, cuộc sống và tài nguyên của chúng tôi thành vũ khí chống lại các bạn, chống lại trật tự dựa trên luật pháp quốc tế”.
5. Zelenskiy nói Nga đang vũ khí hóa thực phẩm bằng cách ngăn chặn xuất khẩu của Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp lương thực toàn cầu trong cuộc chiến ở Ukraine trong bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraine trực tiếp phát biểu trước hội đồng.
Ông cho biết ngoài đạn dược và thiết bị quân sự, Nga đang “vũ khí hóa nhiều thứ khác”, như nguồn cung cấp thực phẩm, điều này đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, không chỉ Ukraine.
Ông cho biết các thành phố cảng và cơ sở hạ tầng là đối tượng bị Nga tấn công ngày càng nhiều.
“Rõ ràng là nỗ lực của Nga nhằm vũ khí hóa tình trạng thiếu lương thực trên thị trường toàn cầu để đổi lấy sự công nhận đối với một số, nếu không phải tất cả, các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”, Tổng thống Zelenskiy nói và nhấn mạnh rằng “Nga đang coi giá lương thực là vũ khí.”
Tổng thống cho biết Ukraine đang nỗ lực thiết lập các tuyến đường bộ để xuất khẩu thực phẩm Ukraine và kêu gọi các nhà lãnh đạo ủng hộ các sáng kiến này.
6. Biden phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 78 hôm thứ Ba và đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ để tổ chức liên chính phủ này đứng lên chống lại việc Nga xâm lược Ukraine.
“Nga tin rằng thế giới sẽ ngày càng mệt mỏi và cho phép nước này tàn bạo đối với Ukraine mà không phải chịu hậu quả. Nhưng tôi hỏi các bạn điều này: Nếu chúng ta từ bỏ các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hiệp Quốc để xoa dịu kẻ xâm lược, liệu còn có quốc gia thành viên nào dám tự tin rằng họ được bảo vệ?”
Biden cũng phản đối những người cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nên từ bỏ các khu vực của Ukraine bao gồm Crimea và Donbas.
“Nếu chúng ta cho phép Ukraine bị chia cắt thì nền độc lập của quốc gia nào có thể được bảo đảm đây?” ông hỏi.
“Câu trả lời là không. Chúng ta phải đứng lên chống lại hành vi xâm lược trắng trợn này ngay hôm nay để ngăn chặn những kẻ xâm lược khác vào ngày mai
Ukraine là vấn đề “nổi bật” trong bài phát biểu của Biden hôm thứ Ba, mặc dù ông cũng đề cập đến các vấn đề khác bao gồm biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế.
7. Lính Nga đang mang thai bị bỏ tù vì trốn quân dịch
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Pregnant Russian Soldier Jailed for Draft Dodging”, nghĩa là “Lính Nga đang mang thai bị bỏ tù vì trốn quân dịch.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Một binh sĩ Nga đang mang thai đã bị bỏ tù vì trốn quân dịch. Đó là trường hợp đầu tiên thuộc loại này kể từ khi Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Ukraine tháng 2 năm 2022.
Hạ sĩ Madina Kabaloyeva đã bị Tòa án quân sự Vladikavkaz Garrison của miền Nam nước Nga kết án sáu năm tù vì không trình diện nhập ngũ sau khi Putin tuyên bố “huy động một phần” dân chúng vào tháng 9 năm 2022, nhật báo Nga Kommersant đưa tin hôm thứ Hai.
Kabaloyeva là nữ quân nhân đầu tiên bị kết tội trốn quân dịch, có thể bị phạt tới 10 năm tù ở Nga.
Theo Kommersant, vì Kabaloyeva đang mang thai và sinh con nhỏ vào năm 2018 nên cô đã nhận được đề nghị chính thức từ y tế của đơn vị quân đội rằng cô được tạm thời miễn nghĩa vụ quân sự.
Cô đã không thi hành quân dịch và cho biết cô tin tưởng rằng y tế thuộc đơn vị quân đội của mình sẽ thông báo cho chính quyền về khuyến nghị này.
Tuy nhiên, các công tố viên quân sự cho biết Kabaloyeva vẫn tiếp tục nhận được trợ cấp và phúc lợi quân sự, do đó cô đang phục vụ trên giấy tờ và do đó có thể bị buộc tội trốn điều động.
Tòa án quân sự Vladikavkaz Garrison đã hoãn thi hành án tù cho cô cho đến năm 2032, khi con cô tròn 14 tuổi.
Động thái của Putin vào tháng 9 năm 2022 ra lệnh huy động 300.000 quân dự bị tham chiến ở Ukraine đã làm dấy lên một số cuộc biểu tình trên khắp cả nước và một làn sóng di cư của người Nga qua biên giới sang các nước láng giềng như Georgia, Phần Lan, Kazakhstan và Mông Cổ để tránh bị bắt đi lính.
Tổng thống Nga đã áp dụng các biện pháp trong những tháng gần đây để trấn áp những công dân Nga tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Vào tháng 4, Hạ viện Nga, hay Duma Quốc gia, đã thông qua việc triển khai một hệ thống ghi danh kỹ thuật số mới đối với tất cả những người đủ điều kiện thi hành quân dịch, khiến những người cố gắng tránh chiến đấu ở Ukraine với quân đội Nga gặp khó khăn hơn để né tránh chính quyền.
Biện pháp này nhằm cho phép các cơ quan ghi danh quân sự và nhập ngũ ở Nga gửi trát đòi hầu tòa qua thư bảo đảm hoặc điện tử. Sau khi được ban hành, cá nhân được trao giấy triệu tập sẽ bị cấm rời khỏi đất nước cho đến khi họ đến văn phòng ghi danh và nhập ngũ của quân đội. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, một “kẻ trốn quân dịch” sẽ bị tước quyền lái xe hơi, ghi danh bất động sản và vay vốn.
Khi làm như vậy, chính phủ Nga đã loại bỏ một cách hiệu quả “một trở ngại mà trước đây đã cho phép một số người trốn tránh quân dịch”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào thời điểm đó.
Và vào tháng 7, Tổng thống Nga đã ký ban hành luật tăng mức phạt nếu không đến văn phòng nhập ngũ sau khi nhận được thông báo dự thảo. Luật có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10, tăng mức phạt từ mức hiện tại là 500-3.000 rúp ($5-31) lên 10.000-30.000 ($103-310).
8. Xe phá mìn của Hàn Quốc sẽ giúp Ukraine thay thế những chiếc bị hư hại trong cuộc phản công
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “South Korean Breaching Vehicles Will Help Ukraine Replace Its Counteroffensive Losses”, nghĩa là “Xe phá mìn của Hàn Quốc sẽ giúp Ukraine thay thế những chiếc bị hư hại trong cuộc phản công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Trong một cuộc tấn công thảm khốc duy nhất nhằm vào một bãi mìn dày đặc của Nga ở tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine vào đầu tháng 6, Lữ đoàn cơ giới số 47 của quân đội Ukraine đã bỏ lại ba phương tiện phá mìn Leopard 2R cũ của Phần Lan cùng vài chục phương tiện bọc thép khác.
Công ty Patria của Phần Lan chỉ sản xuất sáu chiếc Leopard 2R dành cho hai người bằng cách tháo rời tháp pháo của xe tăng Leopard 2 nặng 69 tấn và bổ sung thêm một máy cày mìn cỡ lớn từ công ty Pearson Engineering của Anh.
Phần Lan đã tặng toàn bộ số xe Leopard 2R cho Ukraine, nghĩa là mỗi phương tiện rà phá bom mìn mà Ukraine bị mất đều là phương tiện mà nước này không thể thay thế. Ít nhất là không phải với một thiết bị giống hệt nhau.
May mắn thay cho Ukraine, công ty Hyundai của Hàn Quốc cũng sản xuất một loại xe phá mìn tương tự: là xe K600. Và Hán Thành vừa mới trao hai chiếc xe 62 tấn như thế cho Kyiv. Một nguồn tin chính phủ nói với tờ Chosun rằng Hàn Quốc sẽ giao K600 “càng sớm càng tốt”.
Huyndai chế tạo một chiếc K600 dành cho hai người bằng cách tháo tháp pháo khỏi xe tăng K1 - một biến thể Hàn Quốc của chiếc M-1 của Mỹ - và bổ sung thêm một chiếc máy cày, một cánh tay máy xúc có khớp nối và một thiết bị kích hoạt mìn từ tính một cách an toàn.
K600 tương thích với hai lưỡi máy ủi, cả hai đều do Pearson sản xuất. Một lưỡi dao hình nêm hoạt động tốt nhất để đào và đẩy các quả mìn bị chôn vùi sang một bên. Lưỡi thẳng hoạt động tốt hơn cho các nhiệm vụ kỹ thuật chung: lấp rãnh, đào kè, v.v.
Hyundai đã giao những chiếc K600 đầu tiên cho quân đội Hàn Quốc vào năm 2020. Chính phủ Hàn Quốc và Ukraine đã bắt đầu thảo luận về việc chuyển giao K600 vào tháng 5; Người Hàn Quốc cuối cùng đã chấp thuận thỏa thuận trong tháng này. Có một lưu ý. Người Ukraine chỉ được triển khai các phương tiện này với vai trò “nhân đạo”.
Lời cảnh báo là vô nghĩa. Có thể cho rằng bất kỳ hoạt động rà phá bom mìn nào - ngay cả hoạt động diễn ra khi các kỹ sư đang ở dưới hỏa lực của đối phương - đều mang tính nhân đạo.
Vẫn còn phải xem đơn vị Ukraine nào sẽ vận hành K600: đó có thể không phải là Lữ đoàn cơ giới số 47, vì ít nhất họ đã thu hồi được 3 chiếc Leopard 2R bất động từ bãi mìn Zaporizhzhia đó và có thể tự sửa chữa một cặp ít bị hư hại nhất.
Trong 14 tuần giao tranh cam go kể từ khi phát động cuộc phản công được mong đợi từ lâu ở miền Nam, các lữ đoàn Ukraine đã vượt qua hoặc đánh vòng quanh các bãi mìn dày đặc nhất làm đệm cho tuyến chiến hào đầu tiên trong số ba chiến hào, hình thành nên cái gọi là Phòng tuyến Surovikin của Nga ở tỉnh Zaporizhzhia và Donetsk.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bom mìn không còn là vấn đề đối với người Ukraine. Có khả năng vẫn còn hàng trăm nghìn quả mìn nằm giữa đường giới tuyến hiện tại và các mục tiêu chính của Ukraine: các thành phố Melitopol và Mariupol do Nga nắm giữ, cả hai đều cách 50 dặm về phía nam.
Như một phần thưởng, K600 — trái ngược với Leopard 2R — có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ dọn mìn. Không giống như Leopard 2R, K600 có tay máy xúc để đào hào và giảm gờ. Và bằng cách hoán đổi các lưỡi máy ủi, đội K600 có thể xoay vòng giữa vai trò rà phá bom mìn và xây dựng.
Pearson lưu ý: “Do đó, cùng một phương tiện hoặc một bộ phương tiện có thể dễ dàng thực hiện việc phá bãi mìn, di chuyển đất và chướng ngại vật, thu hồi phương tiện và tấn công vượt qua khoảng trống theo yêu cầu của nhiệm vụ”.
Tất cả những gì có thể nói là K600 của Ukraine sẽ vẫn hữu ích ngay cả sau khi tất cả các quả mìn đã được rà phá. Không phải điều đó sẽ sớm xảy ra ở một đất nước có đất đai nằm trong số những nơi dễ bùng nổ nhất trên trái đất.
9. Moldova cầu xin đừng để Putin đẩy chúng tôi ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu
Ký giả Gabriel Gavin của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Don’t let Putin keep us out of the EU, Moldova implores”, nghĩa là “Moldova cầu xin đừng để Putin đẩy chúng tôi ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu”.Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Moldova muốn trở thành thành viên mới nhất của Liên Hiệp Âu Châu, thúc đẩy việc đưa ra một con đường rõ ràng để gia nhập khi Brussels công bố kế hoạch mở rộng mới nhất vào tháng tới bất chấp lo ngại rằng việc gia nhập của nước này có thể kéo Liên Hiệp Âu Châu vào cuộc xung đột đóng băng hàng thập kỷ với Nga.
Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu nhấn mạnh rằng nguyện vọng Liên Hiệp Âu Châu của đất nước ông KHÔNG nên phụ thuộc vào Mạc Tư Khoa, là quốc gia tiếp tục hỗ trợ khu vực ly khai Transnistria.
Ông thừa nhận: “Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu một quốc gia như đất nước của chúng tôi không xảy ra xung đột ly khai - nó ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, khả năng kiểm soát biên giới của chúng tôi - nó có những tác động tiêu cực lớn”. Được hỗ trợ bởi Điện Cẩm Linh, Transnistria, một khu vực nằm dọc biên giới Moldova với Ukraine, đã hoạt động như một quốc gia không được quốc tế công nhận kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nó vẫn giữ lá cờ búa liềm thời Liên Xô và sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức.
Tuy nhiên, Popescu nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận được việc bế tắc này làm tổn hại đến tham vọng trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Moldova.
Ông nói: “Lãnh thổ do chính phủ của chúng tôi kiểm soát ở Chişinău có thể gia nhập Liên Hiệp Âu Châu bất kể điều gì xảy ra ở phía đông của chúng tôi, và điều đó bao gồm cả tình hình xung quanh Transnistria”. “Không ai muốn các quốc gia bị chia rẽ trong Liên Hiệp Âu Châu, nhưng việc để các quốc gia rơi vào tình trạng bị thao túng địa chính trị và xung đột ly khai sẽ còn tồi tệ hơn đối với lục địa này, đối với Liên Hiệp Âu Châu và đối với chúng tôi”.
Các nhà ngoại giao của Moldova tại Brussels trình bày quan điểm trước Ủy ban vào thứ Ba, lập luận rằng chính phủ của họ “đã và đang nỗ lực để giữ đất nước vững chắc trong gia đình các quốc gia Âu Châu”. Theo một dự thảo mà POLITICO xem được, trong những tuần tới “Moldova cũng sẽ khởi động một quy trình tự sàng lọc để xác định các nhu cầu lập pháp cho các cuộc đàm phán gia nhập dự kiến”, mở đường cho việc gia nhập khối ngay lập tức.
Tổng thống thân Âu Châu của Moldova Maia Sandu đã nhiều lần lên án việc Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine và cho biết đất nước chỉ có 2,6 triệu dân của bà phải cắt đứt quan hệ chặt chẽ về phương diện lịch sử với Mạc Tư Khoa. Tháng 6 năm ngoái, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã trao quy chế ứng cử viên cho nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này cùng với Ukraine.
Brussels cũng đã cung cấp hàng trăm triệu euro để giúp Moldova chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và triển khai một phái đoàn dân sự tới nước này sau cảnh báo từ cơ quan tình báo Ukraine rằng các chính trị gia thân Nga đang lên kế hoạch đảo chính và lật đổ chính phủ. Trong khi đó, các cuộc thăm dò liên tục cho thấy phần lớn công dân Moldova ủng hộ việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và gần một nửa dân số đã có hộ chiếu Liên Hiệp Âu Châu, phần lớn nhờ vào mối quan hệ gia đình với nước láng giềng Rumani.
Trong chuyến thăm đất nước này vào tháng 5, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, đã được hỏi liệu xung đột Transnistria có cản trở quá trình trở thành thành viên của Moldova hay không. Ông nói: “Đã có tiền lệ về việc các quốc gia thành viên trở thành quốc gia thành viên dù đang gặp vấn đề bên trong lãnh thổ - đó là trường hợp của Síp”.
Tuy nhiên, đầu năm nay, Siegfried Mureșan của Rumani, chủ tịch phái đoàn Nghị viện Âu Châu tại nước này, nói với POLITICO rằng “Moldova không thể trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu khi quân đội Nga tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ của mình trái với ý muốn của chính Cộng hòa Moldova”. Theo ông, mặc dù ủng hộ xu hướng thân phương Tây nhưng “chúng tôi sẽ cần giải quyết vấn đề này trước khi trở thành thành viên”.
Brussels sẽ đưa ra thông tin cập nhật về kế hoạch mở rộng vào tháng 10. Ba trong số các quốc gia có triển vọng trở thành thành viên – Moldova, Ukraine và Georgia – đều phải đối mặt với việc quân đội Nga xâm lược một số lãnh thổ của họ.
Với cuộc chiến ở Ukraine đang hoành hành ngay bên kia biên giới, không rõ liệu các nước Liên Hiệp Âu Châu có sẵn sàng mạo hiểm vì giấc mơ Âu Châu của Moldova hay không.
10. Nga triệu tập đại sứ Pháp để phản đối việc loại các nhà báo khỏi cuộc họp báo của Macron
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết họ đã triệu tập đại sứ Pháp Pierre Levy hôm thứ Hai để phản đối điều mà họ gọi là hành động “phân biệt đối xử và công khai bài Nga” của chính quyền Pháp đối với các nhà báo Nga tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở New Delhi.
Họ cho biết các phóng viên của RIA Novosti và tổng biên tập tờ Russia-News đã bị “từ chối một cách thô bạo” quyền được có mặt tại cuộc họp báo của tổng thống Pháp Emmanuel Macron
11. Georgia cáo buộc quan chức Ukraine âm mưu đảo chính
Georgia hôm thứ Hai cáo buộc một quan chức cao cấp Ukraine đang âm mưu lật đổ chính phủ của họ bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình hàng loạt.
Cơ quan an ninh Georgia cáo buộc rằng ông Giorgi Lortkipanidze, nguyên là thứ trưởng bộ nội vụ Georgia hiện nay được Ukraine tuyển dụng làm phó giám đốc cơ quan phản gián quân sự Ukraine dưới quyền của Trung Tướng Kyrylo Budanov.
Cơ quan an ninh Georgia nói rằng ông Giorgi Lortkipanidze đang âm mưu “gây bất ổn nhằm mục đích lật đổ chính phủ bằng bạo lực”.
Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, nhận xét rằng cáo buộc này cực kỳ khôi hài và bác bỏ khả năng ông Giorgi Lortkipanidze được Ukraine tuyển dụng làm phó giám đốc cơ quan phản gián quân sự.
Lực lượng Nga đã triển khai tới các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia kể từ năm 2008, khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm quốc gia nhỏ bé này. Từ đó, nội bộ Georgia bị chia rẽ. Đám con cháu người Nga giành được nhiều vị trí trong chính phủ và Quốc Hội Georgia, và tìm mọi cách để phá hỏng kế hoạch của Tổng thống nước này là người muốn Georgia gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và cả NATO.
Cơ quan an ninh Georgia cáo buộc rằng những người Georgia đang chiến đấu bên cạnh quân Ukraine chống lại lực lượng Nga ở Ukraine, bao gồm cả vệ sĩ của cựu tổng thống Georgia đang bị giam giữ Mikhail Saakashvili, nằm trong số những kẻ âm mưu được huấn luyện gần biên giới Ukraine với Ba Lan.
Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Georgia trả tự do cho Saakashvili, là người hiện mang quốc tịch Ukraine và là cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Kyiv nói rằng chính quyền Georgia đang “giết chết” chính trị gia ốm yếu theo lệnh của Điện Cẩm Linh và yêu cầu chuyển ông ta đến một phòng khám ở nước ngoài.
Ngược lại, Georgia đã lên án điều mà nước này gọi là “một hình thức leo thang cực đoan trong quan hệ ngoại giao”.
Cơ quan an ninh Georgia cho biết các cuộc biểu tình chống chính phủ “đang được lên kế hoạch vào tháng 10 và tháng 12, khi Ủy ban Âu Châu chuẩn bị công bố quyết định về đơn ghi danh thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Georgia”.
Họ cho biết âm mưu này “được thực hiện với sự phối hợp và tài trợ từ nước ngoài”.