Elise Ann Allen của tạp chí mạng CruxNow, ngày 1 tháng 8, 2023, nhận định rằng: Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Lisbon vào ngày mai để dự Đại hội Giới trẻ Thế giới, một sự kiện thường được mệnh danh là “Buổi lễ Woodstock Công Giáo” do luôn thu hút những đám đông lớn, ngài phải đối mặt với thách thức độc đáo là làm sống lại đức tin giữa chủ nghĩa thế tục đang gia tăng ở châu Âu và những hàng ghế ngày càng trống rỗng sau đại dịch COVID-19.
Hàng trăm ngàn người hành hương đã đổ về Lisbon để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD), sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 với chủ đề “Đức Maria trỗi dậy và vội vã ra đi”. Vào thời điểm Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ kết thúc biến cố vào ngày 6 tháng 8, số người tham dự dự kiến sẽ đạt hơn một triệu người, và có lẽ còn hơn thế nữa.
Một câu hỏi xác định sẽ ám ảnh biến cố này là liệu những đám đông khổng lồ đó có thể được chuyển thành một cuộc thúc đẩy việc thực hành đức tin thường xuyên hay không, một khi sức hút tinh cầu của Đức Giáo Hoàng trở về Rôma.
Dù sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có mang lại lợi ích cho giáo hội địa phương hay không, một cố vấn chủ chốt của Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài tin chắc rằng ít nhất một bên sẽ có được sức mạnh từ cuộc gặp gỡ với đám đông khổng lồ những người Công Giáo trẻ tuổi đang tụ tập ở thủ đô Bồ Đào Nha: chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
“Ngài rất hòa đồng với những người trẻ tuổi; chúng tôi đã thấy nó trong nhiều dịp khác nhau,” Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro nói với Crux như thế.
Cha Spadaro nói rằng “Như thể có năng lực tuôn chảy”, lưu ý rằng khi Đức Giáo Hoàng tông du, cuộc gặp gỡ của ngài với những người trẻ tuổi thường diễn ra vào cuối chuyến đi khi ngài đã mệt mỏi, nhưng bất cứ khi nào ngài đến đó, “ngài luôn được hồi sinh, có được năng lực năng động này mà ngài vốn hiện thân”.
Ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2022 nhưng bị hoãn lại do COVID-19, biến cố năm nay đánh dấu cuộc tụ họp Ngày Giới trẻ Thế giới quốc tế đầu tiên kể từ sau đại dịch.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu nhiệm kỳ giáo hoàng của mình với Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro vào năm 2013, chuyến tông du quốc tế đầu tiên của ngài, diễn ra chỉ bốn tháng sau cuộc bầu cử ngài. Lisbon sẽ đánh dấu Ngày Giới trẻ Thế giới quốc tế lần thứ tư của ngài trong tư cách giáo hoàng, sau các cuộc gặp gỡ trước đó tại Krakow vào năm 2016 và Panama vào năm 2019.
Khi đến Lisbon vào thứ Tư, ngài sẽ đặt chân đến một đất nước gần đây đã bị rung chuyển bởi một loạt vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ vào thời điểm mà việc tham dự Thánh lễ nói chung đang giảm trên khắp châu Âu, và nơi mà việc thực hành đức tin công khai dường như đang bị thu hẹp lại từng ngày.
Phát biểu với các nhà báo trước chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, Thượng phụ Lisbon, Đức Hồng Y Manuel Clemente, nói rằng trong khi phần lớn dân số Công Giáo truyền thống của Bồ Đào Nha, khoảng 70%, tuyên bố mình là người Công Giáo, thì rất ít người được xếp vào loại “thực hành đạo”, nghĩa là ít nhất họ tham dự Thánh lễ hàng tuần.
Đức Hồng Y Clemente nói, “Tôi tin rằng những gì đang xảy ra, không chỉ ở Bồ Đào Nha mà trên khắp châu Âu, là một điều gì đó khác biệt, bởi vì chúng ta đã chuyển từ một quốc gia tuyên tín… sang một trạng thái mà ở đó lòng sùng kính là một điều gì đó rất bản thân.”
Theo ngài, đức tin giờ đây “mang tính bản thân hơn, nó không phải là thứ gì đó mang tính xã hội hay văn hóa cho mọi người, tôn giáo được bản vị hóa”.
Được thành lập bởi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1986 như một cách để tiếp cận với giới trẻ và thu hút họ vào đời sống Giáo Hội, Ngày Giới trẻ Thế giới được tổ chức hàng năm ở cấp địa phương, nhưng các cuộc tụ họp quốc tế ba năm một lần hay gần như thế nổi tiếng với đám đông đông đảo, với những người trẻ tuổi lũ lượt đổ về thành phố chủ nhà, thường nhộn nhịp với sự phấn khích và ca hát.
Các bạn trẻ đã tham dự các cuộc họp mặt của Ngày Giới trẻ Thế giới cho biết biến cố này có tác động suốt đời và nhiều người đã coi đó là thời điểm họ gặp người bạn đời của mình hoặc lần đầu tiên cảm nhận được ơn gọi sống đời tu trì.
Gần gũi với Đức Giáo Hoàng luôn là một trong những khía cạnh thú vị nhất đối với giới trẻ đến đây, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không làm thất vọng tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio năm 2013, khi nổi tiếng tập hợp một nhóm thanh niên Argentina, bảo họ hãy gây “xáo trộn” và ra ngoài đường gieo rắc niềm tin mà không cần lo lắng làm mất lòng ai.
Các nhà tổ chức hy vọng Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay tại Lisbon là mũi chích mà châu Âu cần khi nó cố gắng phục hồi sau sự suy sụp tinh thần do COVID-19 và sự thờ ơ tôn giáo ngày càng gia tăng trong nhiều năm gây ra.
Trong thời gian ở đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp gỡ các chính quyền dân sự, bao gồm Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa và Thủ tướng António Costa, cũng như hàng giáo phẩm, linh mục và tu sĩ Công Giáo của đất nước.
Ngài cũng dự kiến sẽ gặp gỡ các sinh viên đại học và giới trẻ thuộc các tổ chức khác nhau ngoài việc chủ trì các hoạt động chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới, bao gồm lễ chào mừng chính thức vào Thứ Năm, nghi thức Via Crucis [Đàng Thánh Giá] truyền thống của Đại hội Giới trẻ vào Thứ Sáu, một buổi canh thức cầu nguyện lớn vào Thứ Bảy, và một Thánh lễ công khai vào Chúa nhật.
Đức Giáo Hoàng cũng dự kiến sẽ nghe những lời xưng tội của những người trẻ tuổi và tổ chức một cuộc gặp riêng với những người sống sót lạm dụng trong thời gian ngài ở đây.
Vào thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm đền thờ Đức Mẹ Fatima nổi tiếng, cách Lisbon khoảng 80 dặm, và là nơi diễn ra các cuộc hiện ra nổi tiếng năm 1917 của Đức Mẹ với ba trẻ chăn chiên, hai trong số này đã được Đức Phanxicô phong thánh trong chuyến viếng thăm Fatima năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 100 năm các cuộc hiện ra.
Phát biểu với tạp chí Crux, Cha Antonio Spadaro, Dòng Tên, chủ nhiệm tạp chí La Civilta Cattolica do Dòng Tên điều hành và là một người bạn tâm giao của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong tất cả các chuyến tông du quốc tế của ngài, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô có vị trí đặc biệt để tiếp cận những người trẻ tuổi, vì ngài coi họ như những nhân vật chính, không những trong tương lai của Giáo Hội mà còn trong hiện tại.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô “cảm thấy rằng giới trẻ là hiện tại, không phải là tương lai, vì vậy trách nhiệm là dành cho ngày hôm nay,” ngài nói, đồng thời cho biết Đức Giáo Hoàng muốn họ trở thành “nhân vật chính trong các vấn đề chính của thế giới hiện tại.”
Ngài nói, “Khi Đức Giáo Hoàng nói ‘hãy gây xáo trộn’, sử dụng một cách diễn đạt mạnh mẽ như vậy, điều đó có nghĩa là: Hãy nắm lấy vận mệnh của bạn ngay bây giờ” và tiến về phía trước.
Cha Spadaro cho biết trên thế giới cần có “nhân vật chính là người trẻ”, đặc biệt là vào thời điểm “những người trẻ tuổi phải tuân theo các quy tắc mà người khác đặt ra cho họ và họ không phải là nhân vật chính theo cách thế giới đang phát triển”.
Ngài lưu ý rằng trong nhiều trường hợp, những người trẻ đợi cho đến khi họ lớn hơn mới hoạt động hoặc tham gia vào các dự án; ý ngài muốn nói: những người trẻ này, như những người trẻ, “đã trở thành già một cách nào đó, thành người trung niên.”
Cha Spadaro nói: “Ý tưởng về giới trẻ ngày nay đã được mở rộng theo thời gian, có một kiểu lai tạo giữa người già và người trẻ,” nhưng lưu ý rằng điều quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là giới trẻ “sớm bắt đầu đảm nhận trách nhiệm của mình”, trong khi họ vẫn còn trẻ.
Theo Cha Sparado, mong muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi giới trẻ “bồn chồn” và cả những người dường như “không thích nghi” dấn thân, để họ không bọc đường cho các ý nghĩ của họ, đã có từ những ngày ngài còn ở Buenos Aires. Đồng thời, Cha cho biết mong muốn này đã đồng hành cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong suốt triều giáo hoàng của ngài và được “tích nhập hoàn hảo” vào chương trình mục vụ tổng thể của ngài.
“Có một sự tích nhập hoàn hảo, và điều này là do mong muốn đối thoại của ngài,” Cha nói như thế, và đặc biệt trích dẫn lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Đức Phanxicô để những người trẻ tuổi đối thoại với người lớn tuổi.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Clemente cho biết Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đề cập đến các vấn đề quan tâm chính trong chuyến thăm của ngài, chẳng hạn như vấn đề di cư, các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Điều này có thể sẽ xảy ra trong chuyến viếng thăm Fatima của Đức Giáo Hoàng và trong suốt Chặng Đàng Thánh Giá của Ngày Giới trẻ Thế giới, ngài nói, “Đó là Chặng Đàng Thánh Giá của thế giới, và [thế giới] sẽ hiện diện trong những lời cầu nguyện, suy tư và suy niệm.”
Các vấn đề khác dự kiến sẽ là chủ đề chính và là những ưu tiên chính của Đức Giáo Hoàng, chẳng hạn như mối quan tâm của ngài về biến đổi khí hậu, bất công xã hội, tình huynh đệ hoàn cầu và chiến tranh Ukraine-Nga, có thể sẽ xuất hiện trong chuyến viếng thăm đền thánh Fatima của ngài.
Lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trải qua ca phẫu thuật bụng vào tháng 6 sau một thời gian ngắn nằm viện vào đầu năm nay, ngoài chứng đau thần kinh tọa mãn tính và đau đầu gối, Cha Spadaro nói rằng ngài không nghĩ sức khỏe của Đức Giáo Hoàng là một vấn đề, và Đức Phanxicô “hoàn toàn nhận thức được và, tôi dám nói, thoải mái với những hạn chế của ngài.
“Ngài thực sự thích được hoạt động, gặp gỡ, đụng chạm, nhìn xem và tham gia. Vì vậy, rõ ràng những hạn chế nghiêm trọng như cái chân và tất cả những phần còn lại là một mối lo ngại, tuy nhiên, mối quan tâm này không [ngăn cản] ngài,” Cha Spadaro nói thế, đồng thời cho biết Đức Phanxicô “biết cách điều chỉnh năng lực của ngài, ngài luôn làm điều này rất tốt ngay từ đầu.”
“Vì vậy, tôi có thể nói là có, có những vấn đề về sức khỏe, nhưng điều này sẽ không kìm hãm được năng lực…Tôi nghĩ những người trẻ tuổi sẽ phản ứng rất, rất tốt, bởi vì họ rất, rất nhạy cảm với những giới hạn này, và họ biết Đức Giáo Hoàng yêu họ xiết bao.”