1. Nhà thờ Công Giáo Angola bị mạo phạm, Thánh Thể vương vãi
Nhà thờ của Giáo xứ Thánh Gioan Calabria của Tổng giáo phận Công Giáo Luanda ở Ăng-gô-la đã bị mạo phạm, với những kẻ mạo phạm đã lấy đi hai bình đựng Mình Thánh Chúa sau khi phá tung Nhà tạm, Linh mục Giáo xứ cho biết.
Phát biểu với các nhà báo vào thứ Năm, ngày 13 tháng 7, Cha Lino Aguiar giải thích về các sự kiện ngày 10 tháng 7, nói rằng, “Giáo xứ của chúng tôi đã bị đột nhập bởi một số tên tội phạm không rõ danh tính, những kẻ đã mạo phạm Nhà thờ, phá Nhà Tạm và lấy Mình Thánh ra, ném chúng xuống sàn, rồi lấy đi hai chiếc bình đựng Mình Thánh Chúa.”
Thành viên của Tu hội Tôi tớ Nghèo của Chúa Quan Phòng, gọi tắt là PSDP nói thêm rằng họ chỉ biết về sự mạo phạm khi đến nhà thờ dự Thánh lễ sáng.
“Chúng tôi đã gọi cho Bề trên của chúng tôi,là Cha Alberto Sissimo, người đã khuyên chúng tôi không thể cử hành Thánh lễ; rằng chúng tôi phải đợi Đức Giám Mục khởi động quá trình phạt tạ,” Linh mục Công Giáo người Angola nói.
“Cảnh sát đã được thông báo và họ đã mở một cuộc điều tra,” ngài nói thêm, và nhấn mạnh rằng, “Đây là vụ cướp thứ tư.”
Trong ba vụ trước, thành viên PSDP cho biết, bọn cướp “không làm ô uế Nhà thờ; họ chỉ mở két và lấy tiền từ đó. Lần này, họ đã đi quá xa.”
“Chúng tôi kêu gọi dân Chúa giữ bình tĩnh và tham gia vào những lời cầu nguyện đền tạ,” Cha Aguiar nói với các nhà báo ở Luanda vào ngày 13 tháng 7.
Ngài nói thêm, “Chúng ta cũng cần cầu nguyện cho những thủ phạm của hành động này được hoán cải.”
Source:aciafrica.org
2. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia
Trong phiên khoáng đại lần thứ 88, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu sau tại Đại hội đồng về Tình hình tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị tạm chiếm.
New York, ngày 18 tháng 7 năm 2023
Thưa bà chủ tịch,
Tòa Thánh tiếp tục quan ngại sâu sắc về cuộc chiến đổ máu ở Ukraine và nhắc lại lời khẩn cầu rằng hãy làm cho vũ khí im tiếng, thúc giục “tất cả những nhân vật chính trong đời sống quốc tế và các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia hãy làm mọi điều có thể để chấm dứt chiến tranh.”
Cách đây vài ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét cuộc chiến hiện tại ở Ukraine, giống như tất cả các cuộc chiến, là một thảm họa hoàn toàn: “đối với các dân tộc và gia đình, đối với trẻ em và người già, đối với những người buộc phải rời bỏ đất nước của họ, đối với các thành phố và làng mạc, và đối với kỳ công sáng tạo, như chúng ta đã thấy sau khi đập Nova Kakhovka bị phá hủy.”
Tòa Thánh, trong khi cảm ơn những Quốc gia đã tiếp đón và hỗ trợ những người tị nạn, khẩn cầu rằng những người phải di dời tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhân đạo cho đến khi họ có thể trở về nhà của mình một cách an toàn, tự nguyện và đàng hoàng.
Mặt khác, Tòa thánh kêu gọi rằng không có nỗ lực nào được bỏ qua để cung cấp sự đoàn tụ nhanh chóng cho tất cả các gia đình bị chia cắt bởi bạo lực hiện nay ở Ukraine, bảo đảm rằng lợi ích tốt nhất của trẻ em bị ảnh hưởng được tôn trọng.
Trước những đau khổ như vậy, cộng đồng quốc tế “không được cam chịu chiến tranh nhưng cùng nhau hợp tác vì hòa bình.” Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao cho Đức Hồng Y Matteo Zuppi trách nhiệm lãnh đạo các sứ mệnh nhằm lắng nghe và xác định các hoạt động nhân đạo, và những cử chỉ có thể hướng tới con đường hòa bình. Tòa thánh kêu gọi tất cả các bên hỗ trợ những nỗ lực nhân đạo như vậy để giảm bớt một số đau khổ to lớn do cuộc chiến ghê tởm này gây ra.
Hơn nữa, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, có một nhu cầu cấp bách là “sử dụng tất cả các phương tiện ngoại giao, ngay cả những phương tiện có thể chưa được sử dụng cho đến nay, để chấm dứt thảm kịch khủng khiếp này. Chiến tranh tự nó là một sai lầm và là một nỗi kinh hoàng!” Tòa Thánh một lần nữa kêu gọi ngừng bắn và bắt đầu đàm phán hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài.
Xin cảm ơn, thưa bà chủ tịch.
Source:Sismografo
3. Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi ngày có 11 trẻ em chết trên đường vượt biên vào Âu châu
Theo tổ chức Nhi đồng quốc tế, Unicef, từ đầu năm đến nay, có ít nhất 289 trẻ em chết hoặc mất tích trên đường từ Bắc Phi vượt Địa Trung Hải để tìm cách vào Âu châu, bình quân có 11 trẻ em chết hoặc mất tích mỗi ngày.
Từ năm 2018, theo Unicef, có khoảng 1.500 trẻ em đã chết hoặc mất tích như thế. Con số này tương ứng với một phần năm tổng số 8.274 người chết hoặc mất tích trên đường vượt biên, theo các dữ kiện của “Chương trình Những người di dân mất tích” của Tổ chức quốc tế về di dân, OIM.
Nhiều vụ đắm tàu trong khi vượt biên qua miền trung của Địa Trung Hải không có người nào sống sót, những vụ ấy không được ghi danh, khiến người ta không thể kiểm chứng trong thực tế con số trẻ em bị thiệt mạng. Trong những tháng gần đây, các trẻ em và các hài nhi sơ sinh cũng thuộc vào số những người mất mạng trên tuyến đường khác vượt qua Địa Trung Hải và tuyến đường miền tây Phi châu qua Đại Tây Dương, kể cả những thảm trạng gần đây ở ngoài khơi Hy Lạp và quần đảo Canarie thuộc Tây Ban Nha.
Tổng giám đốc tổ chức Unicef, bà Catherine Russell, tuyên bố rằng: “Trong toan tính tìm kiếm an ninh, đoàn tụ gia đình và một tương lai hy vọng hơn, quá nhiều trẻ em được đưa xuống thuyền ở ngoài khơi Địa Trung Hải, rồi bị mất mạng hoặc bị mất tích trong hành trình. Đó là một dấu hiệu cho thấy rõ ràng cần phải làm hơn nữa để kiến tạo những con đường chắc chắn và hợp pháp để các trẻ em được hưởng quyền tị nạn, đồng thời củng cố những hành động để cứu vớt các sinh mạng trên biển cả. Xét cho cùng, cần làm rất nhiều để đương đầu với những nguyên nhân cội rễ khiến cho các trẻ em bị nguy cơ mất mạng”.
Theo Unicef, có 11.500 trẻ em, bình quân 428 em mỗi tuần, từ Bắc Phi đến được bờ biển nước Ý, kể từ tháng Giêng năm nay. Con số này nhiều gấp đôi so với cùng thời kỳ trong năm ngoái, 2022, mặc dù có những rủi ro trầm trọng mà các trẻ em gặp phải. Phần lớn khởi hành từ Libya và Tunisi, sau khi trải qua những hành trình nguy hiểm từ các nước Phi châu và Trung Đông.
Trong ba tháng đầu năm nay, có 3.300 trẻ em, tức là 71% tổng số các trẻ em, đến Âu châu, qua con đường vừa nói, các em được ghi danh như những trẻ vị thành niên không có cha mẹ hoặc người giám hộ cùng đi, khiến các em dễ bị bạo hành, hãm hiếp, bóc lột và lạm dụng. Các trẻ nữ đi một mình đặc biệt bị bạo hành trước, trong khi và sau cuộc du hành.