1. Đức Tổng Giám Mục Gänswein rời Vatican trở về Freiburg “rất cay đắng”: “Tôi im lặng và tuân theo”
Tờ Il Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều cho biết “Cuộc chia tay của Đức Tổng Giám Mục với Vatican thật buồn bã, những người thân của ngài mô tả ngài cảm thấy rất cay đắng”. Tờ báo cho biết như trên khi mô tả việc Đức Tổng Giám Mục rời Rôma 28 năm sau khi đến Thành phố vĩnh cửu
Hôm nay, ngày đầu tiên trong cuộc đời mới của mình, ngài đã dành nó để đồng tế trong thánh lễ phong chức linh mục trên Hồ Constance, ở Bregenz, Áo, gần biên giới Đức, cách điểm đến của ngài là thành phố Freiburg chưa đầy hai trăm cây số, nơi ngài sẽ đến vào đầu tuần này.
“Tôi phải rời Vatican vào ngày 1 tháng 7 và tôi đã làm thế, thế thôi: tôi im lặng và tôi tuân theo”. Đây là những lời Đức Tổng Giám Mục diễn đạt một cách “khô khan” với tờ Il Corriere della Sera. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người từng là thư ký của Đức Bênêđíctô XVI cho biết, “trong thời điểm này”, ngài đã được gửi trở lại giáo phận Freiburg, quê hương của mình, vì trong bốn lần ngài được Đức Phanxicô tiếp kiến kể từ khi vị giáo hoàng danh dự qua đời, vào ngày 31 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục đã không chấp nhận lời đề nghị của Giáo hoàng bổ nhiệm ngài làm một Tổng Giám Mục ở Đức.
Đó là hành trình chậm chạp trước khi đến Collegium Borromaeum, nơi ngài đã từng sống khi còn là một chủng sinh trẻ. Tất nhiên bây giờ ngài sẽ không ở cùng một căn phòng như trước. Theo thông tin được công bố bởi Gian Guido Vecchi, là người bạn tâm giao và là người bảo vệ tất cả những bí mật của Đức Bênêđictô XVI, cho đến khi ông quyết định tiết lộ một số bí mật trong cuốn hồi ký gây tranh cãi nhan đề Không gì ngoài sự thật. Một căn hộ rộng 150 mét vuông đã được chuẩn bị cho vị Tổng Giám Mục trong chủng viện giáo phận bên cạnh Nhà thờ Chính tòa Freiburg, không xa nơi vị tổng giám mục hiệu tòa đang sống.
2. Đặc phái viên của Giáo hoàng nói chuyến thăm Mạc Tư Khoa chỉ có thể tập trung vào các vấn đề nhân đạo, không có kế hoạch hòa bình nào
Đặc phái viên của Giáo hoàng, Hồng Y Matteo Zuppi, cho biết hôm Chúa Nhật, sứ mệnh của ngài tới Mạc Tư Khoa về cuộc chiến Ukraine chỉ có thể tập trung vào các vấn đề nhân đạo và không liên quan đến bất kỳ cuộc thảo luận nào về kế hoạch hòa bình.
Vào tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Zuppi, người đứng đầu hội đồng giám mục Ý, thực hiện một sứ mệnh hòa bình để cố gắng giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Đức Hồng Y Zuppi đã gặp một trong những cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin, Yuri Ushakov, và người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, tại Mạc Tư Khoa trong tuần này. Đầu tháng 6, ông cũng đã đến Kyiv để hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.
Tất cả các cuộc họp “đều quan trọng, đặc biệt là về khía cạnh nhân đạo, đó là những gì chúng tôi đã tập trung vào. Không có kế hoạch hòa bình, không có hòa giải”, Đức Hồng Y Zuppi nói với đài truyền hình nhà nước RAI.
“Có một nguyện vọng lớn là bạo lực sẽ chấm dứt và cuộc sống con người có thể được bảo tồn, bắt đầu bằng việc bảo vệ những đứa trẻ nhỏ”, ngài nói và cho biết thêm rằng ngài sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong những ngày tới để thảo luận về kết quả của các cuộc gặp gỡ mà ngài đã tham dự.
Phát biểu trước một phái đoàn tôn giáo từ Thượng phụ Constantinople hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng cuộc chiến ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc rõ ràng khi đặc phái viên hòa bình của ngài kết thúc hai ngày đàm phán tại Mạc Tư Khoa.
Cùng ngày, một tuyên bố của Vatican cho biết chuyến thăm “nhằm xác định các sáng kiến nhân đạo, có thể mở ra con đường dẫn tới hòa bình”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đã phá hủy các làng mạc và thị trấn của Ukraine, gây ra cái chết của hàng chục ngàn người và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 Tháng Bẩy, Đức Phanxicô kêu gọi những người hành hương tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, “ngay cả trong thời gian mùa hè và đặc biệt là cho người dân Ukraine”.
3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 Tháng Bẩy
Chúa Nhật 2 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 13 Mùa Quanh Năm.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ” (Mt 10,41). Từ ngữ “ngôn sứ” xuất hiện ba lần. Nhưng loại ngôn sứ nào? Có một số người tưởng tượng một ngôn sứ là một loại pháp sư nói trước tương lai. Nhưng đây là một ý tưởng mê tín dị đoan và Kitô hữu không thể tin vào những điều mê tín, chẳng hạn như ma thuật, bài tarot, lá số tử vi và những thứ tương tự khác. Trong ngoặc đơn, nhiều, rất nhiều Kitô hữu đi xem chỉ tay. Xin vui lòng, đừng làm như thế. Những người khác mô tả một ngôn sứ như những nhân vật chỉ có trong quá khứ, là những người tồn tại trước Chúa Kitô để báo trước sự xuất hiện của Ngài. Tuy nhiên, hôm nay chính Chúa Giêsu nói về sự cần thiết phải chào đón các ngôn sứ. Do đó, họ vẫn hiện hữu. Nhưng họ là ai? Ngôn sứ là gì?
Thưa anh chị em, mỗi người chúng ta đều là một vị ngôn sứ;. Thật vậy, với Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sứ vụ ngôn sứ (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1268). Ngôn sứ là người, nhờ Phép Rửa, giúp người khác đọc hiện tại dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này rất quan trọng: đọc hiện tại không giống như tin tức, không phải như thế. Chúng ta phải đọc nó như được soi sáng và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp hiểu các kế hoạch của Thiên Chúa và đáp lại những kế hoạch ấy. Nói cách khác, ngôn sứ là người chỉ Chúa Giêsu cho người khác, là người làm chứng cho Người, là người giúp sống hôm nay và xây dựng tương lai theo ý định của Người. Vì vậy, tất cả chúng ta đều là những ngôn sứ, những chứng nhân của Chúa Giêsu, để “sức mạnh của Tin Mừng được chiếu tỏa trong đời sống xã hội và gia đình hàng ngày” (Lumen Gentium, 35). Ngôn sứ là một dấu chỉ sống động, người chỉ ra Chúa cho người khác. Ngôn sứ là phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô trên con đường của anh chị em. Và như vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi, -- mỗi người chúng ta, có phải là “ngôn sứ được tuyển chọn” nhờ Bí Tích Rửa Tội, tôi có nói, và trên hết, tôi có sống như một chứng nhân của Chúa Giêsu không? Tôi có mang một chút ánh sáng của Ngài vào cuộc sống của người khác không? Tôi có tự đánh giá mình về điều này không? Tôi tự hỏi: Tôi làm chứng như thế nào, lời tiên tri của tôi như thế nào?
Trong Tin Mừng, Chúa cũng yêu cầu chúng ta đón tiếp các ngôn sứ. Vì vậy, điều quan trọng là phải chào đón nhau như những người mang sứ điệp của Thiên Chúa, mỗi người tùy theo bậc và ơn gọi của mình, và thực hiện điều đó ngay tại nơi chúng ta sống – nghĩa là trong gia đình, trong giáo xứ, trong cộng đoàn tu trì., ở những nơi khác trong Giáo hội và ngoài xã hội. Thánh Thần đã phân phát các ơn tiên tri trong Dân thánh của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao thật tốt khi lắng nghe mọi người. Ví dụ, khi cần đưa ra một quyết định quan trọng – chúng ta hãy nghĩ về điều này – điều tốt trước hết là cầu nguyện, kêu cầu Chúa Thánh Thần, nhưng sau đó phải lắng nghe và đối thoại với niềm tin tưởng rằng mỗi người, dù là người nhỏ nhất, bởi vì họ có điều gì đó quan trọng để nói, một món quà tiên tri để chia sẻ. Do đó, sự thật được tìm kiếm và bầu không khí lắng nghe Chúa và anh chị em của chúng ta lan rộng, nơi mọi người không cảm thấy chỉ được chào đón khi họ nói những gì tôi thích, nhưng họ cảm thấy được chấp nhận và đánh giá cao như những món quà mà họ đang có.
Chúng ta hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu xung đột có thể tránh được và giải quyết được theo cách này, khi chúng ta lắng nghe người khác với mong muốn chân thành để hiểu nhau! Vì vậy, cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có biết đón nhận anh chị em của mình như những món quà mang tính ngôn sứ không? Tôi có tin rằng tôi cần họ không? Tôi có lắng nghe họ một cách tôn trọng, với mong muốn học hỏi không? Bởi vì mỗi chúng ta cần phải học hỏi từ những người khác. Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta cần phải học hỏi từ những người khác.
Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các Ngôn sứ, giúp chúng ta nhìn thấy và đón nhận điều tốt lành mà Thần Khí đã gieo vào người khác.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Ngay cả trong mùa hè, chúng ta đừng mệt mỏi cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là cho người dân Ukraine đang bị bao vây. Và chúng ta đừng thờ ơ với những cuộc chiến khác thường bị lãng quên một cách đáng tiếc, và vô số các cuộc xung đột đã làm vấy máu nhiều nơi trên thế giới. Có rất nhiều cuộc chiến ngày nay. Chúng ta hãy quan tâm đến những gì đang xảy ra, chúng ta hãy giúp đỡ những người đau khổ và chúng ta hãy cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện là sức mạnh nhẹ nhàng bảo vệ và nâng đỡ thế giới.
Tôi chào tất cả anh chị em, những tín hữu đến từ Rôma và từ nhiều quốc gia và từ những nơi khác nhau ở Ý; đặc biệt là các Sơ của Thánh Giuse Bênêđictô Cottolengo, các em trẻ chịu phép Thêm Sức từ Ibiza và Formentera, các em từ cộng đoàn Tremignon và Vaccarino ở Vicenza. Tôi cũng chào “Nhóm Thánh Mauro” từ Cavarzere và trường mẫu giáo “Đức Mẹ Olmo” từ Verdellino. Và tôi chào các thành viên của nhóm Immaculata.
Tôi hy vọng tất cả anh chị em có một ngày Chúa nhật tốt lành và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana