1. Không quân và pháo binh Ukraine phá tan một kho đạn khổng lồ của Nga trong vùng Kherson. Bác bỏ tuyên bố của Putin đã phá hủy 5 hệ thống Patriot của Ukraine. Hoan hô Piatykhatky hoàn toàn giải phóng.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 18 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết sáng sớm Chúa Nhật các lực lượng không quân và pháo binh Ukraine đã phối hợp tấn công một kho đạn dược “rất quan trọng” tại thị trấn Partyzany, hay còn gọi là Rykove, gần thành phố cảng Henichesk do Nga xâm lược ở khu vực phía nam Kherson.

Partyzany, người Nga gọi là Rykove, nằm trên tuyến đường sắt cách Henichesk khoảng 20km, thành phố cảng dọc biển Azov ở miền nam Ukraine, nơi bị lực lượng Cẩm Linh xâm lược từ những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Kho đạn được bảo vệ cẩn mật bằng một hệ thống phòng không dày đặc. Khoảng 5 giờ sáng, không quân Ukraine từ hai hướng thành phố Kherson và thành phố Zaporizhzhia đã phóng các hỏa tiễn Storm Shadow để làm câm nín hệ thống phòng không của quân xâm lược.

Sau đó, Lữ Đoàn pháo binh số 44 của Ukraine đang tham chiến tại thị trấn Piatykhatky ở khu vực phía nam Zapororizhzhia đã nã pháo liên tục suốt buổi sáng. Từ xa người ta có thể nghe thấy những tiếng nổ rất lớn và những cột khói bốc lên cao, và đạn cháy bay lên bầu trời.

Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, cho rằng Nga đã phá hủy được 5 hệ thống Patriot của Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết “Chúng tôi chỉ có 2 hệ thống Patriot. Và cả hai đều còn nguyên, tôi không hiểu ông ta lấy đâu ra 5 cái để mà phá hủy. Tôi cho rằng ông ta có thể không hiểu Patriot là gì, hay người ta đã báo cáo sai lầm cho ông ta.”

Trong khi đó, Vladimir Rogov, người Ukraine, một tên phản bội được Nga bổ nhiệm làm thị trưởng thành phố Melitopol xác nhận rằng quân Ukraine đã chiếm được thị trấn Piatykhatky. Tuy nhiên, tên phản bội cho rằng quân Ukraine đang cố thủ ở đó trong khi hứng chịu hỏa lực từ pháo binh Nga.

Ông Ivan Fedorov, là thị trưởng chính thức của thành phố Melitopol cho biết thực ra quân Ukraine đã vượt qua Piatykhatky và đang tiến đánh Tokmak; và tốt nhất là tên phản bội đừng để cho người Ukraine bắt được.

Trong khi đó, BBC Nga và hãng tin Mediazona tiếp tục thu thập dữ liệu về thương vong của quân đội Nga ở Ukraine. Đến ngày 16 tháng 6, họ đã xác minh được cái chết của 251 sĩ quan Nga có cấp bậc từ Trung tá trở lên.

Hai cơ quan truyền thông này lưu ý rằng số người chết thực sự cao hơn nhiều và số các sĩ quan mất tích trong chiến đấu hoặc bị bắt không được biết.

Trong 24 giờ qua, 650 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 7 xe tăng, 23 xe thiết giáp, 13 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 máy bay trực thăng, và 14 xe chuyển quân và nhiên liệu. 2 chiếc máy bay trực thăng Ka-52 được tường trình nằm trong số các máy bay trực thăng đến tiếp cứu cho bộ binh Nga tại Piatykhatky nhưng đã bị Lữ Đoàn 128 tấn công sơn cước bắn rớt bằng hỏa tiễn phòng không vác trên vai.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 18 Tháng Sáu, 219.820 quân xâm lược Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.984 xe tăng, 7.729 xe thiết giáp, 3.847 hệ thống pháo, 610 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 364 hệ thống phòng không, 314 chiến đấu cơ, 304 máy bay trực thăng, 3.371 hệ thống máy bay không người lái chiến thuật, 1.211 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.571 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 522 thiết bị chuyên dụng.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Nga thừa nhận Nga đang thiếu xe tăng

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thừa nhận rằng các lực lượng của Nga đang thiếu xe tăng khi cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam và phía đông tiếp tục đẩy lùi tiền tuyến với sự trợ giúp của khí tài phương Tây.

Sergei Shoigu, trong chuyến thăm một nhà máy quân sự ở phía tây Siberia, nói rằng cần phải tăng cường sản xuất xe bọc thép, khi Kyiv tiếp tục công bố những tổn thất nặng nề mà Nga phải gánh chịu.

Shoigu cho rằng việc tăng cường sản xuất xe tăng là cần thiết “để đáp ứng nhu cầu của các lực lượng Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt”, trong các bình luận lặp lại ý kiến của Vladimir Putin hồi đầu tuần.

Tổng thống Nga đã nói rằng quân đội của ông thiếu “đạn dược chính xác cao, thiết bị liên lạc, máy bay, máy bay không người lái, v.v.”, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Ukraine đã phải đối mặt với “tổn thất thảm khốc” trong hai tuần đầu tiên của cuộc phản công.

3. Nga tuyên bố đẩy lùi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào nhà máy lọc dầu

Mạc Tư Khoa cho biết họ đã phá hủy ba máy bay không người lái nhắm vào một nhà máy lọc dầu ở khu vực biên giới phía nam Bryansk, AFP đưa tin.

Thống đốc vùng Bryansk Alexander Bogomaz cho biết: “Các hệ thống phòng không của Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công trong đêm của lực lượng vũ trang Ukraine vào nhà máy lọc dầu Druzhba ở quận Novozybkov.”

“Nhờ sự chuyên nghiệp của quân đội chúng ta, ba máy bay không người lái đã bị tiêu diệt.”

Ông không đề cập đến bất kỳ thiệt hại. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tăng lên gấp bội trong những tháng gần đây.

4. Những kẻ xâm lược muốn sử dụng cảng Mariupol để cung cấp đạn dược cho Vuhledar

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật 18 tháng Sáu, Vadym Boychenko, thị trưởng thành phố Mariupol, cho biết tại Mariupol bị Nga tạm chiếm, những kẻ xâm lược đang dọn dẹp một tuyến đường sắt chạy từ cảng đến nhà ga để tổ chức vận chuyển đạn dược đến thành phố này, cũng như đến Volnovakha và Vuhledar, vùng Donetsk.

“Quân xâm lược bắt đầu dọn đường ray chạy từ cảng Mariupol đến nhà ga. Họ quyết định sử dụng cảng để cung cấp đạn dược cho tuyến Volnovakha vàVuhledar”

Theo ông, việc giao hàng được lên kế hoạch theo lộ trình sau: từ cảng Mariupol, vũ khí và đạn dược được đưa theo đường sắt đến ngã ba đường sắt Volnovakha rồi dùng xe đưa đến Vuhledar hay thành phố Berdiansk bằng các xe tải, thậm chí bằng xe cứu thương.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Bẩy 17 Tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar xác nhận các báo cáo của Nga cho rằng quân Ukraine đã bất ngờ tiến đánh thành phố Mariupol, rõ ràng với ý định cắt đứt tuyến đường tiếp tế này.

5. Các quan chức NATO yêu cầu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu nhiệm thêm một năm nữa khi cuộc tổng phản công của Ukraine đang diễn ra

Jens Stoltenberg dự kiến sẽ được đề nghị tiếp tục làm tổng thư ký NATO thêm một năm nữa, theo một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Nhiệm kỳ của Stoltenberg đã được kéo dài ba lần và ông sẽ từ chức vào tháng 9 sắp tới, sau 9 năm làm tổng thư ký của liên minh quân sự.

Vị Tổng Thư Ký người Na Uy này nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong liên minh và tiếp tục là một nhà lãnh đạo hiệu quả, theo thông tấn xã Reuters.

Chính quyền Biden đang đưa ra ý tưởng về việc Stoltenberg nên ở lại thêm một năm nữa.

Có vẻ như không có sự đồng thuận vào lúc này trong liên minh về ai sẽ là người thay thế ông.

Khả năng ông Stoltenberg được yêu cầu gia hạn nhiệm kỳ lần thứ tư đã tăng lên khi hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius đang đến gần, với các đồng minh lo ngại về sự mất đoàn kết khi NATO tiếp tục đáp trả cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Stoltenberg cho biết vào tháng Hai rằng ông không tìm cách gia hạn thêm nhiệm kỳ của mình. Nhưng ông đã từ chối không trả lời khi được hỏi ông sẽ phản ứng ra sao nếu các thành viên NATO yêu cầu ông ở lại.

Bất cứ ai đóng vai trò này đều phải đối mặt với thách thức kép là giữ các đồng minh cùng hỗ trợ Ukraine trong khi đề phòng bất kỳ sự leo thang nào có thể kéo NATO trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.

Trong số những người có khả năng thay thế Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh Ben Wallace là một nhân vật nổi bật, đặc biệt là sau khi ông đề nghị Vương Quốc Anh trao cho Ukraine hỏa tiễn Storm Shadow. Đây là một trong những quyết định thay đổi sâu sắc tình hình chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại trong tư cách là Tổng thư ký NATO, Ben Wallace sẽ đưa NATO đến một cuộc chiến trực tiếp với Nga vì lập trường thân thiện của ông với nhóm Bucarest Nine.

Nhóm Bucarest Nine bao gồm 9 nước Đông Âu chủ trương một chính sách cứng rắn với Nga đến mức nếu cần thiết, NATO phải đưa quân vào cứu Ukraine nếu cuộc tổng phản công hiện nay thất bại. Trước mắt, họ cho rằng NATO phải bảo vệ không phận Ukraine và an ninh ở Hắc Hải.

Trong cuộc phỏng vấn với thông tấn xã UkrInform của Ukraine, Tướng Waldemar Skrzyczak, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Ba Lan nói:

“Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, chúng ta cần đưa ra quyết định mà Kyiv đã yêu cầu từ lâu – đó là đóng cửa không phận đối với Ukraine. Trong trường hợp này, Nga sẽ không thể phóng hỏa tiễn vào Ukraine và máy bay của họ sẽ không thể bay tới đó”.

Nếu Nga tiếp tục không kích vào Ukraine, NATO phải bảo đảm an ninh cho không phận Ukraine bằng cách “gửi lực lượng không quân của mình tới Ukraine để bảo vệ bầu trời Ukraine”. Ông nói thêm rằng đó là lập trường của Ba Lan, Rumani và các quốc gia vùng Baltic; và Liên minh có khả năng bảo đảm điều này.

Ông nói, bước thứ hai là bảo đảm an ninh ở Hắc Hải.

“Cần phải tiến hành một chiến dịch dưới sự bảo trợ của NATO để dọn sạch biển mìn hạn chế hoạt động của nền kinh tế Ukraine, sau đó mở các cảng của Ukraine. Đồng thời, chúng ta cần gửi một tín hiệu rõ ràng tới Nga: trong trường hợp có thêm các hành động gây hấn ở khu vực này, NATO sẽ cử lực lượng của mình để bảo vệ đối tác của mình”, Tướng Skrzyczak nói.

Ông tin rằng Liên minh cuối cùng sẽ bảo đảm an ninh ở Ukraine bằng quân đội của mình, điều này sẽ cho phép tái thiết và phát triển đất nước hơn nữa.

6. Bồ Đào Nha sẽ cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine

Nhà sản xuất máy bay không người lái của Bồ Đào Nha Tekever cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine một số hệ thống có thể bay xa và trong một thời gian dài để hỗ trợ các hoạt động trên bộ và trên biển. Đây là một động thái sẽ được tài trợ bởi Quỹ Quốc tế Vương quốc Anh cho Ukraine.

Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Anh đã chia sẻ một video trên mạng xã hội giới thiệu các thiết bị quân sự được cung cấp cho Ukraine.

Ra mắt vào mùa hè năm ngoái, những đợt giao hàng đầu tiên — được tài trợ bởi Đan Mạch, Iceland, Lithuania, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan và Vương quốc Anh — sẽ bắt đầu đến Ukraine vào tháng Bảy.

Báo cáo cho biết: “Các nhà phân tích tình báo nguồn mở đã nhanh chóng xác định được những thứ cần thiết trên chiến trường Ukraine hiện nay như máy bay quadCopticrs Malloy T150 do công ty Malloy Aeronautics của Anh sản xuất, máy bay không người lái DeltaQuad Pro VTOL do công ty DeltaQuad của Hà Lan sản xuất và hệ thống Astero ISR từ Nordic Wing của Đan Mạch”.

Bộ Quốc phòng Anh từ chối bình luận về các nền tảng cụ thể trong video. Defense News xác nhận rằng một trong hai máy bay không người lái không xác định là hệ thống cất cánh và hạ cánh thẳng đứng Tekever AR3, được sản xuất bởi công ty Tekever có trụ sở tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

Giám đốc điều hành và người sáng lập của Tekever, Ricardo Mendes, nói với ấn phẩm rằng công ty “rất tự hào được hỗ trợ Ukraine và cảm ơn Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã cho phép chúng tôi đóng góp vào một trong những chính nghĩa quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng tôi.”

Như đã đưa tin, tại cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước tham gia Lực lượng viễn chinh chung ở Hà Lan, Ukraine được thông báo sẽ nhận được gói viện trợ quân sự mới trị giá 92 triệu euro nhằm tăng cường khả năng phòng không.

7. Điện Cẩm Linh tiếp tục dùng lương thực để tống tiền thế giới

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết dường như “không có cơ hội” gia hạn thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn qua Hắc Hải thông qua vùng biển do Nga kiểm soát.

“Khó có thể dự đoán bất kỳ quyết định cuối cùng nào ở đây, nhưng tôi có thể nói rằng, xét trên thực tế dựa trên hiện trạng mà chúng tôi có, thỏa thuận này không có cơ hội,” Peskov nói với hãng tin Nga Izvestia trong đoạn phim được đăng trên kênh Telegram của họ.

Peskov cũng nói thêm rằng Nga sẽ xem xét “hành vi” của truyền thông phương Tây và thái độ của các nước này đối với các phóng viên Nga ở nước ngoài khi quyết định có cấp quyền tham dự cho các nhà báo của họ tại các diễn đàn lớn ở Nga hay không.

Các nhà báo từ các quốc gia mà Nga gọi là “không thân thiện” đã không được phép tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg đang diễn ra.

Reuters báo cáo rằng khi được hỏi liệu Mạc Tư Khoa có cho phép các nhà báo phương Tây tham dự các diễn đàn ở Nga trong tương lai hay không, Peskov nói:

“Hãy xem truyền thông nước ngoài sẽ hành xử như thế nào.”

Peskov nói thêm rằng vấn đề cấp phép cũng sẽ phụ thuộc vào cách các nhà báo Nga được đối xử ở các quốc gia “không thân thiện”.

Mạc Tư Khoa sử dụng nhãn hiệu các quốc gia “không thân thiện” cho các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

8. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhắc lại rằng việc Nga chuyển vũ khí hạt nhân vào Belarus là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.

Phát biểu khi rời đi Philadelphia, tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên: “Tôi đã bình luận về điều đó nhiều lần – điều đó hoàn toàn vô trách nhiệm,” Sky News đưa tin.

Khi được hỏi liệu ông có giúp Ukraine gia nhập NATO dễ dàng hơn không, ông trả lời: “Không. Bởi vì họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước khác.”

“Vì vậy, tôi sẽ không làm cho nó dễ dàng. Tôi nghĩ họ đã làm mọi thứ liên quan đến việc thể hiện khả năng phối hợp quân sự. Nhưng có toàn bộ vấn đề của hệ thống của chúng tôi nhằm bảo đảm cho liên minh. Đó là những vấn đề như có tham nhũng không? có đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà mọi quốc gia khác trong NATO làm không? Tôi nghĩ Ukraine chắc chắn sẽ làm được. Nhưng những điều như thế không tự động.”

9. Putin chửi thề khi đưa ra thông điệp thẳng thừng về cắt giảm vũ khí hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Delivers Blunt Message About Nuclear Arms Reduction”, nghĩa là “Putin đưa ra thông điệp thẳng thừng về cắt giảm vũ khí hạt nhân.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thông điệp lạnh lùng gửi lãnh đạo phương Tây trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân tiếp tục leo thang giữa Mạc Tư Khoa và Washington D.C.

“Chúng tôi có nhiều vũ khí hạt nhân hơn các nước NATO,” Putin nói trong Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm thứ Sáu. “Họ biết về điều đó và họ tiếp tục thúc giục chúng tôi bắt đầu đàm phán để giảm bớt. Đồ chết tiệt, như người ta vẫn nói.”

Bình luận của Putin đã được dịch sang tiếng Anh bởi Anton Gerashchenko, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, trên Twitter. Các bản dịch khác về tuyên bố của Putin còn kèm thêm một tiếng chửi thề.

Những lời lẽ gay gắt được đưa ra chỉ vài phút sau khi ông Putin tuyên bố Nga đã chính thức chuyển một số đầu đạn hạt nhân chiến thuật tới Belarus như đã hứa trước đó với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, là một đồng minh của Điện Cẩm Linh. Tuy nhiên, Putin nhấn mạnh rằng ông thấy Nga không cần phải ngay lập tức sử dụng những vũ khí như vậy trong cuộc chiến ở Ukraine và nói rằng việc di chuyển các đầu đạn “chính xác là một yếu tố răn đe để tất cả những ai đang nghĩ đến việc gây ra một cuộc tấn công chiến lược nhằm đánh bại chúng tôi hiểu rõ về hoàn cảnh này”.

Chính quyền Nga đã nhiều lần đưa ra khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Hôm thứ Năm, Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, nói với các phóng viên rằng Điện Cẩm Linh không loại trừ khả năng này trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ, đồng thời nói thêm rằng “việc sử dụng vũ khí hạt nhân theo giả thuyết rõ ràng bị hạn chế bởi các tình huống bất thường trong khuôn khổ các mục đích phòng thủ nghiêm ngặt”.

Putin đã làm căng thẳng thêm các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Nga sau khi tuyên bố trong năm nay rằng Mạc Tư Khoa sẽ đình chỉ việc chấm dứt thỏa thuận được nêu trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, gọi tắt là START. Tòa Bạch Ốc đã nói rằng họ sẵn sàng nói chuyện “không có điều kiện” về tương lai của một hiệp ước vũ khí hạt nhân với Điện Cẩm Linh, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Serge Ryabkov, cho biết hôm thứ Năm rằng các cuộc trò chuyện gần đây giữa hai đối thủ chỉ “xác nhận quan điểm đối lập, không thể hòa giải của họ”

“Việc đình chỉ New START vẫn có hiệu lực và quyết định này chỉ có thể bị thu hồi hoặc xem xét lại nếu Mỹ thể hiện thiện chí từ bỏ chính sách thù địch cơ bản đối với Liên bang Nga”, Ryabkov nói với trang tin TASS của nhà nước Nga.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, đã tiếp tục phát biểu của Putin vào thứ Sáu, nói với TASS rằng cụm từ “Đồ chết tiệt” không có nghĩa là Mạc Tư Khoa phản đối các cuộc thảo luận về tương lai của các thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Washington.

“Nga sẵn sàng đàm phán,” Peskov nói.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để bình luận.

10. Tướng Mỹ: Trao xe tăng mà không trao chiến đấu cơ thế hệ thứ tư là không hợp lý

Phân tích tình hình chiến sự trong hai tuần qua, Mark Hertling, cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở Âu Châu, nói với NBC News rằng “Trao xe tăng mà không trao chiến đấu cơ thế hệ thứ tư là không hợp lý. Ông kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây đừng tự dọa mình bằng các luận điệu hù dọa vũ khí hạt nhân của Nga.”

Phân tích về quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép các đồng minh huấn luyện lực lượng Ukraine cách vận hành chiến binh F-16 - và cuối cùng là cung cấp máy bay cho họ - có vẻ như là một sự thay đổi lập trường đột ngột, nhưng theo Tướng Mark Hertling, trên thực tế, đó là một quyết định diễn ra sau nhiều tháng tranh luận nội bộ và lặng lẽ đàm phán với các đồng minh.

Biden đã tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 5 tại Hiroshima, Nhật Bản, rằng Hoa Kỳ sẽ tham gia liên minh F-16. Ông bật đèn xanh sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy dành nhiều tháng để thúc ép phương Tây cung cấp cho lực lượng của ông các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất khi ông cố gắng đẩy lùi cuộc xâm lược kéo dài hơn 15 tháng của Nga.

Ẩn sau tính toán của chính quyền Biden là những lo ngại rằng một động thái như vậy có thể làm leo thang căng thẳng với Nga. Các quan chức Mỹ cũng lập luận rằng việc học bay và hỗ trợ hậu cần cho F-16 tiên tiến sẽ rất khó khăn và tốn thời gian.

Nhưng trong ba tháng qua, các quan chức chính quyền đã chuyển sang quan điểm rằng đã đến lúc phải cung cấp cho các phi công của Ukraine chương trình đào tạo và các máy bay cần thiết cho nhu cầu an ninh lâu dài của đất nước.

Tuy nhiên, sự thay đổi quan điểm của Biden dường như khá đột ngột.

Vào tháng 2, Biden đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với David Muir của ABC rằng Ukraine “hiện không cần F-16” và rằng “hiện tại tôi đang loại trừ khả năng đó”. Và vào tháng 3, một quan chức chính sách hàng đầu của Ngũ Giác Đài, Colin Kahl, nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng ngay cả khi tổng thống phê duyệt F-16 cho Ukraine, thì có thể mất tới hai năm để các phi công Ukraine được đào tạo và trang bị.

Nhưng khi chính quyền công khai hạ thấp triển vọng cung cấp F-16 cho Ukraine trong thời gian tới, một cuộc tranh luận nội bộ đang nóng lên.

Theo Tướng Mark Hertling các cuộc thảo luận thầm lặng tại Tòa Bạch Ốc đã được tăng cường vào tháng 2, vào khoảng thời gian Biden đến thăm Ukraine và Ba Lan.

Các quan chức cho biết sau chuyến đi, các cuộc thảo luận bao gồm các quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, gọi tắt là NSC, Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao đã bắt đầu bàn về những ưu và nhược điểm cũng như chi tiết về cách thức hoạt động của một cuộc chuyển giao như vậy. Các quan chức chính quyền cũng tham vấn sâu hơn với các đồng minh.

Vào tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã nghe các nhà lãnh đạo quốc phòng từ các nước đồng minh trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, những người đang tìm kiếm sự cho phép của Hoa Kỳ để huấn luyện người Ukraine sử dụng F-16. Austin đã nêu vấn đề này trong các cuộc thảo luận về chính sách của NSC và đã có sự đồng ý rằng đã đến lúc bắt đầu đào tạo.

Austin cũng nêu vấn đề với Biden trước hội nghị thượng đỉnh G7 với khuyến nghị “tiến hành phê duyệt các đồng minh” huấn luyện người Ukraine và chuyển giao máy bay, quan chức của bộ cho biết. Các quan chức cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy kế hoạch trong các cuộc đàm phán chính sách của Hoa Kỳ và truyền đạt tới Biden sự cấp bách ngày càng tăng của Âu Châu về vấn đề này.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã tới Luân Đôn vào ngày 8 tháng 5 để đàm phán với các đồng minh Anh, Pháp và Đức về Ukraine, và F-16 là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Họ đã thảo luận chi tiết về cách tiến hành đào tạo và quốc gia nào có thể sẵn sàng chuyển máy bay phản lực tới Ukraine. Theo một trong các quan chức, người ta đã đồng ý rằng trọng tâm sẽ là đào tạo trước.

Sullivan, trước khi rời London, đã nói chuyện qua điện thoại với những người đồng cấp từ Hà Lan và Ba Lan, cả hai quốc gia đều có F-16 và “sẽ rất cần thiết cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine cho bất kỳ mục đích sử dụng nào trong tương lai”. Quan chức này cho biết thêm Đan Mạch cũng có khả năng cung cấp máy bay phản lực.

Biden và Sullivan đã thảo luận về hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima có thể tạo cơ hội tốt như thế nào để ông thuyết phục các đồng minh chủ chốt về lập trường thay đổi của chính quyền Hoa Kỳ đối với chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.

Họ cũng thảo luận về việc Biden ủng hộ các đồng minh cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine - một ranh giới mà trước đây ông dường như không muốn gạch bỏ vì lo ngại rằng nó có thể lôi kéo phương Tây vào điều có thể được coi là đối đầu trực tiếp với Mạc Tư Khoa.

Biden, trong cuộc nói chuyện riêng với các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima, đã xác nhận rằng Hoa Kỳ sẽ đứng sau nỗ lực chung để đào tạo các phi công Ukraine về F-16 và khi mọi việc diễn ra, họ sẽ cùng nhau thảo luận về việc ai sẽ cung cấp chúng và bao nhiêu. sẽ được gửi đi.

Theo Tướng Mark Hertling, các quan chức Nhà nước, Ngũ Giác Đài và NSC hiện đang phát triển kế hoạch huấn luyện và “khi nào, ở đâu và làm thế nào để cung cấp F-16” cho Ukraine như một phần của nỗ lực an ninh dài hạn.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết sẽ mất vài tháng để xác định chi tiết, nhưng Không quân Hoa Kỳ đã âm thầm xác định rằng việc huấn luyện thực tế có thể được thực hiện trong khoảng bốn tháng. Lực lượng Không quân dựa trên ước tính ngắn hơn nhiều về chuyến thăm của hai phi công Ukraine tới căn cứ không quân Hoa Kỳ vào tháng 3, nơi họ tìm hiểu về F-16 và các thiết bị bay mô phỏng. Các quan chức cho biết, khóa đào tạo sẽ diễn ra ở Âu Châu.

Chính quyền đã tập trung vào việc cung cấp vũ khí cho Ukraine - bao gồm hệ thống phòng không, xe bọc thép, thiết bị cầu nối và pháo binh - cần thiết cho một cuộc phản công sắp tới. Cũng có những lo ngại rằng việc gửi F-16 sẽ ngốn một phần đáng kể số tiền được phân bổ cho Ukraine.

Theo Tướng Mark Hertling, một yếu tố thiết yếu dẫn đến sự thay đổi là các đồng minh khác đã sẵn sàng cung cấp máy bay phản lực của riêng họ như một phần của liên minh có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Chính quyền Biden vẫn đang xem xét liệu họ có trực tiếp cung cấp F-16 của riêng mình cho Ukraine hay không. Bất chấp điều đó, nó cần sự tham gia của các đồng minh khác vì Mỹ sẽ không thể cung cấp đầy đủ phi đội máy bay phản lực mà Zelenskiyy nói là cần thiết.

Một vấn đề tiềm năng khác trong cuộc trò chuyện về F-16 liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua 40 chiếc F-16 mới từ Mỹ, nhưng một số thành viên Quốc hội phản đối việc bán này cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển, quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập liên minh sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phản đối việc Thụy Điển ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK, nhóm cực đoan cánh tả DHKP-C và những người theo giáo sĩ Hồi giáo sống ở Mỹ Fethullah Gulen, người mà Ankara tuyên bố đứng sau một âm mưu đảo chính quân sự thất bại vào năm 2016.

Sau khi Erdogan giành được chiến thắng như dự kiến, các quan chức Tòa Bạch Ốc ngày càng hy vọng rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút lại sự phản đối việc Thụy Điển trở thành thành viên.

Nếu ông Erdogan không phản đối việc Thụy Điển gia nhập NATO, điều đó có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận được những chiếc F-16 mà họ mong muốn từ lâu và cuối cùng có thể bổ sung vào số lượng những chiếc F-16 cũ hơn đang lưu hành, điều này có thể mang lại lợi ích cho Ukraine.