Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 19 tháng 4 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của các vị tử đạo. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Sau khi… nói về việc loan báo Tin Mừng và nói về lòng nhiệt thành tông đồ, sau khi xem xét chứng tá của Thánh Phaolô, “nhà quán quân” đích thực của lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta sẽ hướng sự chú ý của chúng ta không phải đến một nhân vật đơn nhất, mà là hàng loạt các vị tử đạo, nam nữ, thuộc mọi thời đại, ngôn ngữ và quốc gia, những người đã hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô, những người đã đổ máu để tuyên xưng Chúa Kitô. Sau thế hệ của các Tông đồ, các vị là những “nhân chứng” tinh túy của Tin Mừng. Các vị tử đạo: đầu tiên là phó tế Stêphanô, bị ném đá chết bên ngoài tường thành Giêrusalem. Chữ “tử vì đạo” có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp “martyria”, thực ra có nghĩa là chứng nhân. Nghĩa là, tử đạo là chứng nhân, người làm chứng đến chỗ đổ máu. Tuy nhiên, rất nhanh trong Giáo hội, chữ tử đạo bắt đầu được dùng để chỉ những người làm chứng đến chỗ đổ máu [1]. Nghĩa là, một vị tử đạo có thể là một người làm chứng hàng ngày. Nhưng sau đó nó được sử dụng để chỉ người hiến máu mình, người hiến cuộc sống mình.
Tuy nhiên, các vị tử đạo không được coi như những “anh hùng” hành động cá nhân, như những bông hoa nở trong sa mạc, nhưng như hoa trái chín mọng và tuyệt vời trong vườn nho của Chúa, nghĩa là Giáo hội. Đặc biệt, các Kitô hữu, nhờ sốt sắng tham dự việc cử hành Thánh Thể, đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đặt cuộc sống của họ trên cơ sở mầu nhiệm tình yêu đó: nghĩa là, trên sự kiện Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì họ, và do đó cả họ nữa cũng có thể và nên hiến mạng sống của họ cho Người và cho anh chị em của họ. Một sự quảng đại tuyệt vời, cuộc hành trình chứng nhân Kitô giáo. Thánh Augustinô thường nhấn mạnh động lực này của lòng biết ơn và sự đền đáp cho đi nhưng không. Chẳng hạn, đây là những gì ngài đã giảng vào ngày lễ Thánh Lôrensô: Thánh Augustinô nói, trong Giáo Hội Rôma đó, “ngài đã thi hành chức vụ phó tế; chính tại đó, ngài đã ban chén thánh chứa máu Chúa Kitô; ở đó, ngài đã đổ máu của mình ra vì danh Chúa Kitô. Tông đồ diễm phúc Gioan đã giải thích rõ ràng về mầu nhiệm bữa tiệc ly của Chúa khi ngài nói: 'Như Đức Kitô đã hiến mạng sống Người cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải hiến mạng sống cho anh em mình' (1 Ga 3:16). Thưa anh em, Thánh Lôrensô hiểu điều này, và ngài đã làm điều này; và chắc chắn ngài đã chuẩn bị những thứ tương tự như những thứ ngài đã nhận được tại chiếc bàn đó. Ngài yêu Chúa Kitô trong cuộc sống của mình, ngài bắt chước Người trong cái chết của Người” (Các Bài Giảng 304, 14; PL 38, 1395-1397). Bằng cách này, Thánh Augustinô đã giải thích động lực thiêng liêng đã truyền cảm hứng cho các vị tử đạo. Với những lời này: các vị tử đạo yêu mến Chúa Kitô trong cuộc sống của mình và bắt chước Người trong cái chết của mình.
Anh chị em thân mến, hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến tất cả các vị tử đạo đã đồng hành với đời sống của Giáo hội. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, các ngài nhiều hơn trong thời đại của chúng ta so với những thế kỷ đầu tiên. Ngày nay có nhiều vị tử đạo trong Giáo hội, nhiều người trong số họ, vì tuyên xưng đức tin Kitô giáo mà bị trục xuất khỏi xã hội hoặc kết cục phải ngồi tù… có rất nhiều. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng “Giáo hội coi việc tử đạo”, người môn đệ này, “như một hồng phúc phi thường và như bằng chứng đầy đủ nhất của tình yêu. Nhờ tử đạo, người môn đệ được biến đổi nên hình ảnh của Thầy mình bằng cách tự nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới – cũng như việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong việc đổ máu của Người” (Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 42). Các vị tử đạo, noi gương Chúa Kitô và với ân sủng của Người, biến bạo lực của những người bác bỏ lời loan báo thành một cơ hội tuyệt vời của tình yêu, cao cả, đi xa đến mức tha thứ cho những kẻ hành hạ chính mình. Điều này thật đáng lưu ý: các vị tử đạo luôn tha thứ cho những kẻ hành hạ các ngài. Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên, đã chết khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm”. Các vị tử đạo cầu nguyện cho những kẻ hành hạ mình.
Mặc dù chỉ một số ít người được yêu cầu tử đạo, “tuy nhiên, tất cả phải sẵn sàng để tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt người ta. Họ phải sẵn sàng để tuyên xưng đức tin ngay cả giữa những cuộc bách hại, là điều không bao giờ thiếu đối với Giáo hội, khi đi theo con đường thập giá” (ibid., 42). Nhưng, những cuộc bách hại này có phải là một điều chỉ thuộc thời đó mà thôi không? Không, không: hôm nay. Ngày nay, có rất nhiều cuộc bách hại các Kitô hữu trên khắp thế giới. Ngày nay có nhiều người tử vì đạo hơn những thời đầu tiên. Nhiều. Các vị tử đạo cho chúng ta thấy rằng mọi Kitô hữu đều được kêu gọi làm chứng nhân bằng đời sống, ngay cả khi điều này không đi đến mức đổ máu, hiến thân cho Thiên Chúa và cho anh em mình, noi gương Chúa Giêsu.
Và tôi muốn kết thúc bằng cách nhắc lại chứng tá Kitô giáo hiện diện ở mọi nơi trên thế giới. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến Yemen, một vùng đất đã nhiều năm bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến khủng khiếp, bị lãng quên, gây ra nhiều cái chết. và vẫn còn khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em, đau khổ cho đến tận ngày nay. Trên chính mảnh đất này đã có những chứng nhân đức tin sáng chói, chẳng hạn như các Nữ tu Thừa sai Bác ái, những người đã hy sinh mạng sống của mình ở đó. Ngày nay họ vẫn còn hiện diện ở Yemen, nơi họ giúp đỡ người già ốm yếu và người khuyết tật. Một số người trong số họ đã chịu tử vì đạo, nhưng những người khác vẫn tiếp tục, mạo hiểm mạng sống của họ, nhưng họ vẫn tiếp tục. Các nữ tu này chào đón tất cả mọi người, thuộc bất cứ tôn giáo nào, vì bác ái và tình huynh đệ không có ranh giới. Tháng 7 năm 1998, Sơ Aletta, Sơ Zelia và Sơ Michael, trong khi trở về nhà sau Thánh Lễ, đã bị giết bởi một kẻ cuồng tín, vì các sơ là Kitô hữu. Gần đây hơn, ngay sau khi bắt đầu cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn, vào tháng 3 năm 2016, Sơ Anselm, Sơ Marguerite, Sơ Reginette và Sơ Judith đã bị giết cùng với một số giáo dân, những người đã giúp đỡ các sơ trong công việc bác ái giữa những người bé nhỏ nhất. Các sơ là những vị tử đạo của thời đại chúng ta. Giữa những giáo dân bị giết này, cũng như các Kitô hữu, có một số tín hữu Hồi giáo làm việc với các nữ tu. Điều này thúc đẩy chúng ta thấy việc làm chứng bằng máu có thể đoàn kết những người thuộc các tôn giáo khác nhau ra sao. Người ta không bao giờ được giết người nhân danh Thiên Chúa, vì đối với Người, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Nhưng cùng với nhau, người ta có thể hiến mạng sống của mình cho người khác.
Vậy chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta không bao giờ mệt mỏi trong việc làm chứng cho Tin Mừng, ngay cả trong những lúc gian truân. Xin cho tất cả các thánh tử đạo trở thành hạt giống hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc, cho một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn, khi chúng ta chờ đợi Nước Trời biểu hiện trọn vẹn, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi người (x. 1Cr 15:28). Cảm ơn anh chị em.
___________________________
[1] Origen, In Johannem, II, 210: “Giờ đây, tất cả những ai làm chứng cho sự thật, dù ủng hộ nó bằng lời nói hay việc làm, hoặc bằng bất cứ cách nào, đều có thể được gọi một cách thích đáng là chứng nhân (tử vì đạo); nhưng nó đã trở thành thông lệ của tình anh em, vì họ được sự ngưỡng mộ như những người đã chiến đấu đến chết vì chân lý và lòng dũng cảm, để giữ danh hiệu tử đạo đúng đắn hơn cho những người đã làm chứng cho mầu nhiệm Thiên Chúa bằng cách đổ máu vì nó.”