Lm Nguyễn Trung Tây
Lễ Phục Sinh: Âm Mưu và Ý Nghĩa


Người tín hữu Kitô giáo tin rằng Đức Giêsu sau khi chôn trong mộ đã sống lại. Sự chết không còn quyền năng trên thân xác của Người.

Nhưng một số người vẫn nghi ngờ và đặt vấn đề về tính trung thực của Tin Mừng Phục Sinh. Họ nghĩ rằng câu chuyện Phục Sinh chỉ là một âm mưu, một câu chuyện được dàn dựng lên.

Âm Mưu
Ngoại trừ những nhân chứng đầu tiên, người tín hữu Kitô của muôn thế hệ không ai kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh. Họ chỉ tin theo vào niềm tin của những nhân chứng đầu tiên, thí dụ, Maria Mađalêna, Phêrô, Phaolô và rất nhiều tín hữu của Giáo hội thời tiên khởi.

Một lần nữa, bởi chỉ tin theo, người Kitô hữu phải chấp nhận một điều, có thể Giáo hội thời tiên khởi đã âm mưu cùng với nhau dựng nên một bộ phim ngắn về Ðức Kitô Phục Sinh. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao lại có bao nhiêu người sẵn sàng đổ máu đào, mạng sống của chính mình cho một âm mưu gian dối lừa đảo như vậy? Stêphanô, người thanh niên trẻ trong chương 7 của sách Tông Đồ Công Vụ, đã đổ máu đào, chết đi để làm chứng cho một âm mưu gian dối của Giáo hội tiên khởi.
Chương 7, 9 và19 chương còn lại của Sách Tông Ðồ Công Vụ cũng không tường thuật điều gì khác hơn ngoài những câu chuyện về những hoạt động của tông đồ dân ngoại Phaolô, một cựu hung thần đã từng giết hại rất nhiều tín hữu thời tiên khởi. Thế mà sau những giây phút gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh, cựu hung thần lột da đổi xác. Phaolô trở thành một chiến sĩ tiền phong, lên non cao, xuống biển sâu, bị hành hung, bị đánh đập, bị săn đuổi, bị tù đày, bị sỉ nhục, bị chìm tàu, cuối cùng chết đi, chỉ để làm chứng cho một âm mưu lừa bịp gian dối.

Ngoài Phaolô ra, còn biết bao nhiêu người khác nữa trong giai đoạn sơ khai của Giáo hội đã đổ máu đào, bị tra khảo, bị chặt đầu, bị đóng đinh, bị đốt cháy, tất cả đều dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho một âm mưu đen tối.
Hiện tượng tử đạo, sẵn sàng thí bỏ mạng sống mình, chết đi cho một niềm tin của bao nhiêu người Kitô vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên thật sự là khó hiểu, và khó mà giải thích cho hợp lý nếu không dựa vào niềm tin là họ đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh.

Ý Nghĩa Phục Sinh
- Tin Mừng minh họa Đức Giêsu là một Đấng Giải Phóng (Liberator). Người giải thoát người bệnh khỏi vòng kiềm tỏa của bệnh tật, người thấp cổ bé miệng khỏi địa vị thấp hèn, người mù khỏi bóng tối mù lòa, người chết bước ra cõi tử thần. Và khi phục sinh từ trong cõi chết, Đức Giêsu giải thoát phụ nữ Do Thái khỏi thân phận công dân hạng hai, bởi người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất không coi chứng từ của phụ nữ là bằng chứng đáng tin cậy. Nói một cách khác, những nhà lãnh đạo Do Thái không dùng phụ nữ làm nhân chứng trong tòa án.

Thế đấy, bất chấp chuẩn mực xã hội này, tất cả những nhân chứng đầu tiên của một sự kiện quan trọng nhất của Kitô giáo đều là phụ nữ. Nói một cách khác, Đức Giêsu Phục Sinh đã biến đổi những người phụ nữ không có tiếng nói trong xã hội Do Thái trở thành tiếng nói duy nhất của Tin Mừng Phục Sinh.

- Vì được giải thoát khỏi tình trạng công dân hạng hai, và sau đó được nâng lên thành người có tiếng nói của và cho một thời đại mới, những người phụ nữ quay trở về nhà. Họ công bố Tin Mừng Phục Sinh tới những người môn đệ của Đức Giêsu. Nhờ lời rao giảng của họ, Phêrô và người môn đồ yêu dấu đã vượt qua được nỗi sợ hãi thường tình. Cả hai cùng chạy đến ngôi mộ Đức Giêsu.
Trên tất cả, sau khi đối thoại với Đức Giêsu Phục sinh, Maria Mađalêna rời bỏ hiện trường ngôi mộ. Cô công bố Tin Mừng Phục Sinh tới mọi người: “Tôi đã diện kiến Đấng Phục sinh”. Lời công bố Tin Mừng của Maria Mađalêna cũng chính là cốt lõi Tin Mừng mà Phêrô, Phaolô và những tín hữu tiên khởi đã công bố tới những người dân thành phố Giêrusalem, vùng Samaria, Antiốt, và trên toàn lãnh thổ đế chế La Mã.

Hơn thế nữa, tin vui Phục Sinh không chỉ là tin vui được người Kitô hữu chia sẻ với nhau trong phạm vi bốn bức tường. Bắt đầu từ những ngày đầu tiên của Giáo hội, Maria Mađalêna, hai môn đệ trên đường Emmau, các vị tông Đồ, Phaolô, và những người tín hữu thời tiên khởi đã lên đường chia sẻ tin vui Phục Sinh tới những người họ gặp gỡ trên nẻo đường truyền giáo. Riêng Phaolô, ngài khẳng định rõ ràng, “Chúng ta ra đi rao giảng về một Đức Giêsu bị đóng đinh”. “Đức Giêsu bị đóng đinh” đã chết trên cây thập giá, chôn trong ngôi mộ đá. Nhưng “Đức Giêsu bị đóng đinh” đã sống lại vào ngày thứ ba như Lời Thánh Kinh.

Do đó, mỗi khi cử hành đại lễ Phục sinh, Giáo hội được chính Đức Giêsu Phục Sinh nhắc nhở về sứ vụ truyền giáo Ngài đã trao tới từng người tín hữu Kitô. Bởi thế mọi người tín hữu của mọi thế hệ đều có nhiệm vụ phải ra đi để loan báo tới mọi người về một Đức Kitô chịu đóng đinh, nhưng đã phục sinh.

- Ý nghĩa quan trọng nhất của biến cố phục sinh có liên quan đến ước mơ về một đời sống vĩnh hằng của con người. Theo như Kinh Thánh, Đức Giêsu đã chết, đã được chôn trong ngôi mộ, nhưng đã phục sinh. Phân tích dưới lăng kính thần học, phục sinh của Đức Giêsu là phục sinh cấu thành (constitutive resurrection). Nói một cách khác, phục sinh của Đức Giêsu là một biến cố đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Bởi Đức Giêsu đã sống lại từ trong cõi chết, sự chết không còn quyền năng trên Ngài nữa. Bởi phục sinh cấu thành của Đức Giêsu, bất cứ ai có niềm tin vào Đức Giêsu, người đó cũng sẽ được sống lại như Ngài.
Trong lá thư thứ nhất gửi công đoàn Côrintô, Phaolô đã đề cập đến nét phục sinh cấu thành này. Đối với Phaolô, biến cố phục sinh của Đức Giêsu là hoa trái đầu tiên hứa hẹn nhiều hoa trái khác xuất hiện trên cây Phục sinh. Vì vậy, Phaolô đã viết, “Nhưng thật ra, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, hoa trái đầu mùa của những kẻ đã chết”. Do đó, những ai tin vào Đức Giêsu Kitô và sự phục sinh của Ngài cũng sẽ được sống lại vào ngày sau hết.

Khởi đầu từ biến cố Phục Sinh đầu tiên, nhân loại không còn phải đối mặt với cụm từ nhị phân, “một thời để sinh ra và một thời để chết,” nhưng, “một thời để sinh ra và một thời để phục sinh.” Tin vui này là tin vui nhất cho tất cả những người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Vì tin vào Đức Giêsu Kitô, dù đã chết, chôn trong mồ, người Kitô hữu cũng sẽ được sống lại như Ngài vào ngày sau hết.
Do đó, khi hát vang, “Alleluia, Ngài đã sống lại,” thật sự ra tín hữu Kitô cũng đang hát vang cho một kỷ nguyên mới của chính họ, “Alleluia! Chúng ta sẽ được phục sinh vào ngày sau hết.”□
https://www.youtube.com/@nguyentrungtay