1. Đức Hồng Y Müller nhận định: Một thời điểm rất thê thảm cho Giáo hội tại Đức đang diễn ra

Đức Hồng Y Gerhard Müller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, mô tả tình trạng nảy sinh trong Giáo Hội Công Giáo tại Đức, liên quan tới tiến trình “Tiến trình Công nghị” là một thời điểm rất bi thảm.

Đức Hồng Y bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo “Tagespost”, tại thành phố Wurzburg. Một bản tin về nội dung tổng quát được công bố, hôm 28 tháng Ba nhưng toàn bộ cuộc phỏng vấn sẽ được đăng tải trong những ngày tới đây.

Theo Đức Hồng Y Müller, giới hữu trách tại Vatican ngay từ đầu đã coi nhẹ toàn bộ tiến trình và hiện tượng “Tiến trình Công nghị” ở Đức, hiện tượng mà ngài mô tả là “furor teutonicus”, sự phẫn nộ của Đức. Ngài nhắc lại rằng trong thời Cải Cách của Tin lành, Rôma một phần có trách nhiệm về sự bội giáo của Giáo Hội Công Giáo ở miền Bắc Âu châu, hoặc vì không làm gì, hoặc vì hành động quá trễ. “Điều rất đáng tiếc là trong trường hợp Tiến trình Công nghị, các giới chức thẩm quyền ở Vatican không lượng định một cách thực tế về hoàn cảnh của Đức và không chu toàn trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc đối với nguyên tắc ngàn đời và nền tảng hiệp nhất của Giáo hội trên chân lý mạc khải của Chúa Kitô”.

Về Công nghị đồng hành của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ hiện nay, Đức Hồng Y Müller nhắc lại rằng Synodality, tính đồng hành hay công nghị tính, ăn rễ trong đường lối thực hành của Giáo hội. Nay ý niệm Synodality trừu tượng được biến thành nguyên lý của Giáo hội. Và rồi được nói về Giáo hội đồng hành. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng Giáo hội là “Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo và Tông truyền”. Theo Đức Hồng Y Müller, những kẻ “tiếp quản thù địch” Synodality là những giám mục và nhà thần học “không còn nhìn nhận nội dung cơ bản của đức tin Công Giáo” nữa.

Đức Hồng Y nghiêm khắc phê bình việc chúc lành cho những cặp đồng phái do “Tiến trình Công nghị” ở Đức quyết định. Ngài nhận xét rằng quyết định này là “vô hiệu và lạc giáo” về nội dung, vì nó trái ngược rõ ràng với đạo lý mạc khải về hôn nhân, cũng như nhân học tự nhiên, dựa trên lý trí”.

Đức Hồng Y nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin vạch rõ sai lầm xảy ra ngay từ đầu “Tiến trình Công nghị” ở Đức: “Nghĩa là khi những người chủ trương Con đường này tuyên bố rõ ràng rằng những quyết định của các tham dự viên Công nghị có giá trị, cả khi chúng đi ngược nội dung đức tin Công Giáo”. Nói theo kiểu đời là một sự vi phạm hiến pháp. Về mặt chính thức, trước hết thành phần “Tiến trình Công nghị” không hề hành động ở cấp độ huấn quyền, tiếp đến một số thành phần của Hội đồng Giám mục Đức không thể đại diện toàn thể Huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo.

2. Tổng giám đốc IAEA cho biết tình hình tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia không được cải thiện. Nguy cơ nhiễm phóng xạ còn rất cao

Theo Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi, tình hình tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia vẫn chưa được cải thiện.

Nhà máy đã bị lực lượng Nga xâm lược từ tháng 3 năm ngoái và hiện được điều hành bởi cơ quan nguyên tử Nga, ROSATOM.

Grossi cho biết hoạt động quân sự và số lượng binh sĩ trong khu vực đang gia tăng, nhưng không nói rõ liệu ông có nói đến cả lực lượng Nga và Ukraine hay không. Quân đội Ukraine đang đóng quân cách nhà máy vài dặm bên kia hồ chứa.

Ông cho biết các kế hoạch ban đầu nhằm tạo ra một khu vực phi quân sự xung quanh nhà máy đã “phát triển” theo hướng bảo vệ tốt hơn cho chính nhà máy và nói thêm rằng không nên có các thiết bị quân sự hạng nặng tại nhà máy. Ukraine đã cáo buộc người Nga đặt các hệ thống hỏa tiễn tại nhà máy, là điều mà Mạc Tư Khoa cho đến nay đã phủ nhận.

Grossi cho biết ông đang cố gắng đưa ra “các đề xuất thực tế, khả thi” để cả hai bên có thể chấp nhận.

“Hành động quân sự vẫn tiếp tục,” ông nói với CNN. “Thực tế là nó đang tăng lên. Ngày càng có nhiều binh lính, xe quân sự, pháo binh hạng nặng, nhiều hành động quân sự hơn xung quanh nhà máy.”

Grossi cho biết thêm, nhà máy điện đã “bị mất điện nhiều lần”.

Chuyến thăm của tổng giám đốc sẽ là chuyến thăm thứ hai của ông tới nhà máy và là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi IAEA thiết lập sự hiện diện thường trực tại địa điểm này vào tháng 9 năm ngoái, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

“Tôi muốn tự mình xem tình hình thế nào, nói chuyện với ban quản lý ở đó, đó là ban quản lý của Nga,” Grossi nói với CNN.

Công ty độc quyền năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga, Rosatom, cho biết hôm thứ Ba rằng Nga sẵn sàng thảo luận về tình hình tại nhà máy với người đứng đầu IAEA.

“Trong vài giờ nữa, bản thân tôi và nhóm của mình, chúng tôi sẽ lại vượt qua chiến tuyến – như chúng tôi đã làm năm ngoái,” Grossi nói. “Tôi sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn của mình để cố gắng thiết lập sự bảo vệ xung quanh nhà máy và cứu tất cả chúng ta khỏi một tai nạn hạt nhân với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra.”

Người đứng đầu IAEA cho biết mức độ rủi ro hiện tại tại nhà máy là “cực kỳ cao và hoàn toàn không thể đoán trước, chính xác là vì chúng ta đang ở trong vùng chiến sự.”

Hôm thứ Hai, Grossi đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, người đang đến thăm các vùng Zaporizhzhia và Dnipro. Sau đó, trong bài phát biểu hàng đêm vào thứ Hai, Zelenskiy đã cảm ơn Grossi vì sự hỗ trợ của ông.

3. 160 bài giảng của Đức Bênêđíchtô XVI sẽ được xuất bản

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, bí thư riêng của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíchtô XVI cho biết 160 bài giảng của Đức nguyên Giáo hoàng sẽ được xuất bản.

Đây là những bài Đức Cố Giáo hoàng giảng cho những người trong nhà hưu dưỡng của ngài, là Đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican, từ sau khi từ nhiệm hồi tháng Ba năm 2013 cho đến khi qua đời hồi cuối năm ngoái, 2022. Các bài này được thu băng và ghi lại.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein tiết lộ tin trên đây, trong bài thuyết trình tại cuộc hội thảo tại Đan viện Thánh Giá của Dòng Xitô, gần thủ đô Vienna của Áo trong những ngày qua, về yếu tố ngôn sứ trong thần học của Đức Bênêđíchtô XVI - Joseph Ratzinger. Trong bài thuyết trình, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phụng vụ trong đời sống thiêng liêng của Đức Cố Giáo hoàng Bênêđíchtô, và nói rằng: “Người cảm thấy bị thúc đẩy phải công bố niềm vui Phúc âm và chia sẻ niềm vui này với tha nhân. Đức Joseph Ratzinger sớm nhận ra rằng sự rời bỏ sự thật sẽ dẫn đến chế độ độc tài của sự độc đoán. Nhưng người cũng thấy rằng lý trí khép kín nơi mình cũng là một chướng ngại cản trở đức tin... Người muốn cùng suy tư với các đại tư tưởng gia về đức tin. Người thấy trách vụ của Huấn quyền là bảo về niềm tin chung của những người dân thường và của các học giả”.