1. Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân lên án vụ thảm sát vô nghĩa thống đốc tỉnh Negros Oriental và năm người khác
Đức Cha Julito Cortes của giáo phận Dumaguete đã lên án vụ giết hại “khủng khiếp” Thống đốc Roel Degamo của tỉnh Negros Oriental và năm người khác vào hôm Thứ Bảy, ngày 4 tháng Ba. Một thông cáo báo chí của Hội Đồng Giám Mục Phi cũng đã mô tả vụ việc là một “hành động giết người đau lòng và vô nghĩa”.
“Làm sao chúng ta có thể có hòa bình lâu dài nếu chúng ta tiếp tục sống trong một nền văn hóa bạo lực?” Đức Cha Cortes nói. “Khi nào chu kỳ giết chóc này mới dừng lại?”
Báo cáo của cảnh sát cho biết một nhóm người được trang bị vũ khí hùng hậu đã xông vào tư dinh của Ông Degamo và nổ súng vào thống đốc và những người dân đang tụ tập trước khi trốn thoát.
Đức Cha gửi lời chia buồn đến gia đình của cố thống đốc và gia đình tang quyến của những người khác đã thiệt mạng,
“Cầu xin Thiên Chúa từ bi tuôn đổ trên anh chị em tất cả sức mạnh và sự an ủi mà anh chị em cần trong thời điểm vô cùng đau buồn này.”
Ngài kêu gọi chính quyền đưa những thủ phạm gây đổ máu ra trước công lý.
Ít nhất ba nghi phạm cho đến nay đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ liên quan đến vụ giết người.
Vị giám chức cũng khuyến khích các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho đến khi các vụ giết người trên đảo được giải quyết.
“Thiên Chúa biết nỗi thống khổ trong lòng chúng ta, thưa anh chị em. Vì vậy, đừng nản lòng. Chúa của tình yêu và lòng thương xót sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta,” Đức Cha Cortes nói.
Cảnh sát cho biết 6 nghi phạm mang theo súng trường và mặc đồng phục tương tự như đồng phục của lực lượng vũ trang đã xông vào nhà của thống đốc và nổ súng.
“Thống đốc Degamo không đáng phải chịu cái chết như vậy. Ông ấy đang phục vụ các cử tri của mình vào ngày thứ Bảy,” Janice Degamo, là thị trưởng của Pamplona, cho biết trong một video đăng trên Facebook.
Tổng thống Ferdinand Marcos đã lên án điều mà ông mô tả là “vụ ám sát” đồng minh chính trị của mình và cảnh báo những thủ phạm “hãy đầu hàng ngay bây giờ, đó sẽ là lựa chọn tốt nhất của các người”.
“Chính phủ của tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng tôi đưa những thủ phạm của tội ác ghê tởm và hèn hạ này ra trước công lý,” Marcos nói thêm.
Phát ngôn nhân cảnh sát tỉnh Kym Lopez nói với AFP rằng viên thống đốc đang phân phát viện trợ cho các cử tri thì bị bắn.
Cảnh sát cho biết họ đang truy lùng 10 nghi phạm, trong đó có 6 tay súng, những kẻ đã chạy trốn khỏi hiện trường trên 2 chiếc SUV và một chiếc xe bán tải trước khi bỏ lại các phương tiện ở một thành phố gần đó.
Bộ trưởng Nội vụ và Chính quyền địa phương Benjamin Abalos đã kêu gọi các nhân chứng tiến ra và giúp cảnh sát “đòi lại công lý” cho Degamo.
Degamo, 56 tuổi, là mục tiêu mới nhất trong lịch sử dài các vụ tấn công các chính trị gia ở Philippines. Anh ta ít nhất là người thứ ba bị bắn kể từ cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.
Tòa án Tối cao vào tháng trước đã tuyên bố ông là người chiến thắng hợp pháp trong cuộc tranh cử chức thống đốc Negros Oriental sau cuộc kiểm phiếu lại đã đánh bại đối thủ địa phương của ông, người trước đó đã được tuyên bố là người chiến thắng.
Degamo cũng đã vận động cho Marcos trong thời gian ông Marcos ra ứng cử tổng thống vào năm ngoái.
Mamintal Adiong, thống đốc tỉnh Lanao del Sur ở miền nam, đã bị bắn và bị thương vào tháng 2 trong một vụ tấn công khiến tài xế của ông và 3 cảnh sát hộ tống thiệt mạng.
Cùng tháng đó, phó thị trưởng của thị trấn phía bắc Aparri, Rommel Alameda, và năm người khác đi cùng ông đã bị bắn chết trong một cuộc phục kích trên đường cao tốc.
Lý do chính khiến người ta nghi ngờ đường hướng của Giáo hội ở Đức là những nỗ lực tương tự để theo đuổi hệ tư tưởng thời đại đã thất bại ở Hoa Kỳ bốn mươi năm trước và tiếp tục thất bại cho đến ngày nay.
2. Nhận định của Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin về Tiến Trình Công Nghị Đức
Mạng Kath.net đã đăng một bài nhận định của Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin về Tiến Trình Công Nghị Đức nhan đề “Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đánh giá tình hình của giáo hội ở Đức như thế nào?”
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đánh giá tình hình của giáo hội ở Đức như thế nào? Thưa: Câu trả lời cho câu hỏi này rõ ràng phụ thuộc vào người được anh em hỏi, nhưng công bằng mà nói đối với nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân dấn thân đang chú ý ở Hoa Kỳ, họ nghi ngờ sâu sắc về những gì Giáo Hội Công Giáo Đức đang làm liên quan tới tính đồng nghị. Đôi khi điều này gần như tuyệt vọng, vì rõ ràng là các giám mục Đức không quan tâm đến việc lắng nghe Giáo hội hoàn vũ, để lại rất ít hy vọng rằng người Đức sẽ tự sửa sai. Ấn tượng rõ ràng là họ có một nghị trình muốn thay đổi Giáo hội, và họ muốn áp đặt tầm nhìn của mình lên toàn bộ Giáo hội hoàn vũ.
Các giám mục Đức đã nhận được những lời quở trách từ các Hồng Y bộ trưởng của các bộ quan trọng của Vatican, một bức thư ngỏ của 103 Hồng Y và Giám mục từ khắp nơi trên thế giới, một cuộc trao đổi rất công khai với một Tổng Giám mục từ Hoa Kỳ, cùng với vô số những lời kêu gọi khác phải thận trọng, kể cả từ các giám mục Ba Lan và Scandinavia, chưa kể đến sự dè dặt sâu xa do chính Đức Giáo Hoàng bày tỏ.
Ấy thế nhưng, người Đức vẫn tiếp tục như thể không có điều gì trong số này xảy ra và hành động như thể họ được ban cho một sứ mệnh đặc biệt để cứu Giáo hội. Điều này cho thấy một mức độ kiêu ngạo nói lên một sự bác bỏ tinh thần đồng nghị như đã được Đức Thánh Cha cổ vũ. Về phương diện này, người Đức đã bác bỏ viễn kiến của Đức Thánh Cha về một Giáo hội khiêm tốn, biết lắng nghe và mãi là Công Giáo.
Người ta cũng nói rằng không ai trong số hơn 270 giám mục từ Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với các giám mục Đức. Ngoài một vài trường hợp ngoại lệ ở Bắc Âu, hàng giám mục trên khăp thế giới cũng không đưa ra một lời khuyến khích nào. Sự im lặng này rất có ý nghĩa. Giáo Hội Đức phần lớn đã tự cô lập và dường như không quan tâm đến hàng Giám Mục thế giới.
Một trong những mối quan tâm sâu xa nhất mà tôi đã nghe được từ những tiếng nói quan trọng từ Hoa Kỳ là người Đức sẽ làm suy yếu một sáng kiến có tầm quan trọng tiềm tàng của Đức Thánh Cha. Trong khi có những lo ngại nghiêm trọng về việc nhấn mạnh vào quy trình và các tài liệu ban đầu do Tiến Trình Công Nghị đưa ra, phong trào hướng tới một Giáo hội đồng nghị hơn có những khả thể đang bị bắt cóc bởi một nhóm giám mục được thúc đẩy bởi ý thức hệ từ Đức. Nếu họ tiếp tục thống trị cuộc đàm luận, điều tốt đẹp vốn tiềm tàng nằm trong tầm tay với sẽ bị mất đi vì lợi ích vị kỷ của Giáo Hội Đức. Bất cứ cơ hội nào để Giáo hội mở rộng quan điểm của mình một cách hữu hiệu và thực sự Công Giáo sẽ bị mất đi bởi những tiếng ồn ào xung quanh những nỗ lực của các giám mục Đức nhằm thay đổi tận căn bản các giáo huấn chính của Giáo hội.
Ấn tượng ở đây là Giáo hội Đức được thúc đẩy bởi ý muốn thu hút nhiều người hơn trở lại với Giáo Hội thông qua việc thoả hiệp với ý thức hệ thời đại. Người Đức đề xuất rằng càng thế tục hóa, Giáo Hội càng tăng trưởng. Tuy nhiên, đây là trải nghiệm hoàn toàn ngược lại với trải nghiệm của Giáo Hội ở Hoa Kỳ. Các nhà thờ và cộng đồng địa phương đang phát triển ở Mỹ là những cộng đồng luôn trung thành với mọi giáo huấn của Giáo hội. Điều này cũng xảy ra ở các châu lục khác, đặc biệt là Phi Châu. Thật đáng xấu hổ khi các giám mục Đức không muốn học hỏi từ kinh nghiệm của những người khác.
Việc tự do hóa Giáo hội Hoa Kỳ trong những năm 1970 và 1980 đã dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt ra khỏi các hàng ghế nhà thờ, nhưng xu hướng này đã được đảo ngược ở những nơi có đức tin trong đó, tinh thần tin mừng, bắt nguồn từ mối quan hệ bản thân với Chúa Giêsu, và sự viên mãn của Giáo huấn Giáo Hội, được cử hành. Chính trong các giáo xứ biết giảng dạy đức tin một cách yêu thương và không cần xin lỗi, đầy những gia đình trẻ, chứ không phải những người đã sa vào tinh thần và giá trị của thời đại.
Đây là lý do chính dẫn đến sự nghi ngờ về đường hướng của Giáo hội ở Đức. Những nỗ lực tương tự đã thất bại ở Hoa Kỳ bốn mươi năm trước và tiếp tục thất bại cho đến ngày nay. Tự do hóa đức tin không đưa mọi người trở lại hàng ghế nhà thờ. Điều hữu hiệu là một nhân chứng đi ngược lại ý thức hệ thời đại - một người trung thành với niềm tin vào tất cả vẻ đẹp của đức tin, luôn cổ kính và luôn mới mẻ. Mầu nhiệm của đức tin viên mãn mới là điều hấp dẫn. Gần đây, tôi đã viết một thí dụ về điều này mà có lẽ có thể mang tính hướng dẫn cho các giám mục Đức.
Những người khác ở Hoa Kỳ đặt câu hỏi về mối tương quan tài chánh giữa Giáo Hội Công Giáo Đức và chính phủ. Việc sắp xếp thuế tín ngưỡng không quen thuộc với kinh nghiệm của người Mỹ, và đương nhiên là có sự nghi ngờ lớn về sự can dự của chính phủ vào các vấn đề của Giáo Hội. Ít nhất, Dường như cũng có mùi thỏa hiệp thực tế của Giáo Hội Đức để duy trì dòng tiền thuế khá lớn. Cho dù có đúng như thế hay không, đây là một ấn tượng đang hiện hữu và khiến cho các động cơ của người Đức bị nghi ngờ.
Người ta cũng nhận thấy rằng các giám mục Đức thường sử dụng kinh nghiệm của họ về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ như một chiêu bài biện minh cho những lời kêu gọi xa rời các giáo huấn chính của Giáo hội. Một lần nữa, tại Hoa Kỳ câu trả lời không phải là thỏa hiệp các giá trị của chủ trương tự do hóa tình dục mà là tuân thủ các giáo huấn của Giáo hội một cách đầy đủ hơn. Sử dụng sự thất bại trong vai trò lãnh đạo của các giám mục Đức để hùng hổ thúc đẩy Giáo hội hoàn vũ phải tuân theo phán quyết của họ về luật luân lý là điều quả thực kỳ lạ. Đó hẳn là một mức độ kiêu ngạo chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thất bại về lãnh đạo.
Một số người lập luận rằng Giáo Hội Đức phản ảnh chặt chẽ hơn suy nghĩ của Đức Thánh Cha liên quan tới tính đồng nghị. Đây cũng là một tuyên bố kỳ lạ, gần như buồn cười, vì chính các giám mục Đức đã bị Vatican quở trách. Chính người Đức đã nhất tâm theo đuổi chủ nghĩa bất chính thống thông qua Tiến Trình Công Nghị của họ. Trên thực tế, cuộc thăm dò do các giám mục Đức ủy quyền đã tiết lộ rằng những nỗ lực của họ không phản ảnh ngay cả những nỗ lực gần gũi nhất với Giáo hội Đức trên khắp thế giới. Có một chủ nghĩa đế quốc thần học và giáo hội học phát xuất từ nước Đức đang đe dọa Giáo hội hoàn cầu.
Nỗi sợ hãi liên quan đến các nỗ lực của Đức là điều có thật, nhưng vẫn có hy vọng rằng Tòa thánh sẽ can thiệp. Chỉ có Đức Thánh Cha mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng do người Đức tạo ra, và tại Hoa Kỳ, người ta kỳ vọng rằng trong thời gian tới, ngài sẽ hành động dứt khoát để ngăn chặn sự hỗn loạn mà các giám mục Đức đã tạo ra. Nó sẽ phải trả giá bằng sự nhầm lẫn đã gieo rắc, nhưng có một kỳ vọng rằng người Đức sẽ được sửa chữa.
Làm thế nào họ thực hiện sự sửa đổi đó lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.
3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tháng Ba
Chúa Nhật 5 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay.
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.
Khi ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay này, Tin Mừng Biến Hình được công bố. Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi và tỏ cho các ông thấy Người trong tất cả vẻ đẹp của Người như là Con Thiên Chúa (x. Mt 17,1-9).
Chúng ta hãy dừng lại một chút trước cảnh tượng này và tự hỏi: Vẻ đẹp này bao gồm những gì? Các môn đệ thấy gì? Một hiệu ứng đặc biệt chăng? Thưa: Không, đó không phải như thế. Họ nhìn thấy ánh sáng thánh thiện của Thiên Chúa chiếu tỏa trên khuôn mặt và y phục của Chúa Giêsu, là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Sự uy nghi của Chúa, vẻ đẹp của Chúa được tỏ lộ. Nhưng Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế, các môn đệ đã được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự huy hoàng của Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Kitô. Họ đã được nếm trước thiên đường. Thật là một bất ngờ cho các môn đệ! Họ đã có khuôn mặt của Tình yêu trước mắt họ quá lâu mà không bao giờ nhận thức được nó đẹp như thế nào! Chỉ đến bây giờ họ mới nhận ra điều đó với niềm vui như vậy, với niềm vui vô cùng.
Thực ra, qua kinh nghiệm này, Chúa Giêsu đang huấn luyện họ, chuẩn bị họ cho một bước quan trọng hơn. Trên thực tế, ngay sau đó, họ sẽ phải nhận ra vẻ đẹp tương tự ở Ngài khi Ngài bị treo trên thập tự giá và khuôn mặt của Ngài sẽ bị biến dạng. Thánh Phêrô đấu tranh để hiểu: thánh nhân muốn dừng thời gian, “tạm dừng” khung cảnh, ở lại đó và kéo dài trải nghiệm tuyệt vời này. Nhưng Chúa Giêsu không cho phép. Thật vậy, ánh sáng của Ngài không thể bị giản lược thành một “khoảnh khắc kỳ diệu”! Như vậy nó sẽ trở thành một cái gì đó giả tạo, giả tạo đúng thế, một cái gì đó sẽ tan biến vào làn sương mù của tình cảm thoáng qua. Ngược lại, Đức Kitô là ánh sáng soi đường cho chúng ta như cột lửa cho dân trong hoang địa (Xh 13,21). Vẻ đẹp của Chúa Giêsu không làm cho các môn đệ xa rời thực tế cuộc sống, nhưng ban cho họ sức mạnh để theo Người cho đến tận Giêrusalem, cho đến tận thập giá. Vẻ đẹp của Chúa Kitô không xa lạ. Nó luôn đưa anh chị em về phía trước. Nó không làm cho anh chị em phải thoái lui nhưng tiến lên!
Anh chị em thân mến, Tin Mừng này cũng vạch ra một con đường cho chúng ta. Nó dạy cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc ở lại với Chúa Giêsu ngay cả khi không dễ hiểu mọi điều Người nói và làm cho chúng ta. Thực vậy, chính nhờ ở với Người mà chúng ta học cách nhận ra trên khuôn mặt Người vẻ đẹp rạng ngời của tình yêu Người ban cho chúng ta, ngay cả khi nó mang dấu thánh giá. Và chính ở ngôi trường của Ngài, chúng ta học cách nhìn thấy vẻ đẹp giống nhau trên khuôn mặt của những người đi bên cạnh chúng ta hàng ngày - gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người chăm sóc chúng ta theo những cách khác nhau nhất. Bao nhiêu khuôn mặt rạng ngời, bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu nếp nhăn, bao nhiêu nước mắt và vết sẹo biểu lộ tình yêu xung quanh chúng ta! Chúng ta hãy học cách nhận ra chúng và lấp đầy tâm hồn chúng ta với những biểu lộ ấy. Và rồi chúng ta hãy lên đường để đem ánh sáng mà chúng ta đã nhận được đến cho cả những người khác nữa, qua những hành động yêu thương cụ thể (x. 1 Ga 3:18), dấn thân vào những công việc hàng ngày của chúng ta một cách quảng đại hơn, yêu thương, phục vụ và tha thứ với nhau, nghiêm túc và sẵn sàng hơn. Việc chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của Thiên Chúa, chiêm ngưỡng khuôn mặt của Thiên Chúa, khuôn mặt tình yêu của Chúa, phải thúc đẩy chúng ta phục vụ người khác.
Chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta có biết nhận ra ánh sáng tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có nhận ra niềm vui và lòng biết ơn trên khuôn mặt của những người yêu mến chúng ta không? Chúng ta có nhìn xung quanh mình để tìm kiếm những dấu hiệu của ánh sáng lấp đầy tâm hồn chúng ta và mở rộng chúng ra để chúng ta có thể đón nhận tình yêu và sự phục vụ không? Hay chúng ta thích ngọn lửa rơm của những ngẫu tượng khiến chúng ta xa lánh và khép kín chúng ta? Ánh sáng vĩ đại của Chúa hay ánh sáng giả tạo của ngẫu tượng. Tôi thích cái nào hơn?
Xin Mẹ Maria, Đấng đã giữ trong lòng ánh sáng của Con Mẹ trong bóng tối đồi Canvê, luôn đồng hành với chúng ta trên con đường tình yêu.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Những ngày qua, tôi thường nghĩ đến những nạn nhân của vụ tai nạn xe lửa xảy ra ở Hy Lạp. Nhiều người là sinh viên trẻ. Tôi đang cầu nguyện cho những người đã khuất. Tôi ở gần những người bị thương và thân nhân của họ. Xin Đức Mẹ an ủi họ.
Bây giờ tôi xin bày tỏ sự đau buồn về thảm kịch xảy ra ở vùng biển Cutro, gần Crotone. Tôi đang cầu nguyện cho vô số nạn nhân của vụ đắm tàu, cho người thân của họ và cho những người sống sót. Tôi bày tỏ lòng cảm kích và lòng biết ơn của mình đối với người dân và các tổ chức địa phương vì sự đoàn kết và lòng hiếu khách của họ đối với những anh chị em của chúng ta. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình với mọi người để những bi kịch tương tự không lặp lại. Hãy ngăn chặn những kẻ buôn người để chúng không tiếp tục cướp đi mạng sống của biết bao người dân vô tội! Xin cho những cuộc hành trình của hy vọng không bao giờ bị biến thành những cuộc hành trình của cái chết. Cầu mong vùng nước trong vắt của Địa Trung Hải không bao giờ bị nhuộm máu bởi những tai nạn thương tâm như vậy nữa! Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để hiểu và để khóc.
Tôi xin chào tất cả anh chị em, những người từ Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi xin chào cộng đồng Ukraine từ Milano đã đến đây nhân dịp kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Giám mục Josaphat, người đã hiến mạng sống mình cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Anh chị em thân mến, tôi ca ngợi những nỗ lực của anh chị em trong việc chào đón những đồng bào của anh chị em đã chạy trốn khỏi chiến tranh. Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Josaphat, ban bình an cho người dân Ukraine đang bị vùi dập.
Tôi chào những người hành hương từ Lithuania và cộng đồng Lithuania ở Rôma đang mừng lễ Thánh Casimir, cũng như cộng đồng Công Giáo Rumani từ Zaragoza, Tây Ban Nha, và các nhóm giáo xứ đến từ Murcia và Jerez de la Frontera, Tây Ban Nha; và từ Tbilisi, Georgia.
Tôi chào các tín hữu từ Burkina Faso, các ứng viên Thêm Sức từ Scandicci và từ Anzio; các tín hữu từ Capaci, Ostia và San Mauro Abate ở Rôma.
Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.