Trong buổi kinh tối ngày 1 tháng 2 tại Nhà thờ Chính tòa St Mary, Sydney, Cha Joseph Hamilton, thư ký của Đức Cố Hồng Y George Pell, đã đọc bài giảng với tựa đề như trên, và ngày 6 tháng 2, ngài đã cho đăng nguyên văn bài giảng đó trên tạp chí First Things:



Khi màn đêm buông xuống, và mặt trời di chuyển về phía vành đai phía Tây của lục địa Úc, Vùng đất phương Nam vĩ đại của Chúa Thánh Thần—Giáo Hội ở Sydney—tụ họp với chúng ta để cầu nguyện cho vị giám mục của mình như các Kitô hữu vốn làm từ thời xa xưa. Nhưng đối với chúng ta, Buổi Kinh Chiều hôm nay hơi khác thường lệ. Trong 22 ngày nay, chúng ta bị tràn ngập bởi những lời ca ngợi, phản đối và bình luận xung quanh sự ra đi của vị Hồng Y của chúng ta. Mặc dù tại địa phương, điều này có vẻ giống như một cơn sóng thần thù hận, nhưng nó sẽ mờ dần thành một gợn sóng khi nhìn từ quan điểm của Giáo hội hoàn cầu. Đối với đại đa số gia đình Công Giáo trên toàn thế giới, Đức Hồng Y George Pell là một Clemens August Graf Von Galen khác, một con sư tử của Giáo hội, một thỏi nam châm thu hút các ơn gọi, một giám mục giải tội, một linh mục Hồng Y thực thụ. Và giờ đây, vào giờ Kinh chiều, chúng ta quy tụ để làm cho ngài những gì mà các Kitô hữu đã làm từ những thế kỷ đầu tiên: hát thánh vịnh, lắng nghe Kinh thánh, nghe chứng từ của các Giáo phụ, và cầu nguyện cho sự yên nghỉ của linh hồn ngài.

Kinh chiều tối nay bắt đầu với bản Dies Irae [ngày phẫn nộ], yêu cầu chúng ta nhớ lại tứ chung: cái chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Đức Hồng Y của chúng ta không coi đây là những di tích tâm linh tiêu cực kế thừa từ thời trung cổ để sợ hãi và đàn áp, mà đúng hơn là những thực tại hợp thời và vượt thời gian của đức tin Kitô giáo. Cái chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Bây giờ cả ngài cũng đang đứng trước ngai vàng đáng sợ, trước Rex Tremendae Maiestatis [Vua Uy nghi Đáng sợ], nhưng ngài đứng như vậy trong chiếc áo choàng của một người giải tội. Việc đưa vào buổi tối hôm nay bản Dies Irae, một trong những kiệt tác vĩ đại của kho tàng thánh nhạc của Giáo hội, càng trở nên thích hợp hơn bởi sự kiện Đức Hồng Y của chúng ta rất yêu mến, vun trồng và bảo vệ di sản âm nhạc tuyệt vời của nhà thờ chính tòa này.

Cả tu sĩ dòng Phanxicô và tu sĩ dòng Đa Minh đều khẳng định quyền tác giả của Dies Irae. Nhưng giờ kinh tối nay mời gọi chúng ta quay ngược thời gian xa hơn những cuộc cãi vã phù phiếm của những người hành khất thời trung cổ. Viết vào đầu thế kỷ thứ năm và thứ sáu, Braulio thành Saragossa, một giám mục giải tội khác, người mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai tối hôm nay, đã áp dụng một nét mục vụ vào Kinh thánh mà trong nhiều thế kỷ đã hình thành nên cốt lõi của phụng vụ cầu nguyện Rôma. Braulio thừa nhận thực tại tâm lý thô thiển của sự mất mát. Đức Hồng Y của chúng ta đã chết. Chúng ta đang đau buồn. Chúng ta sẽ nhớ thương ngài. Sự ra đi của ngài là một mất mát đối với chúng ta, đối với Giáo hội, đối với các Hồng Y anh em của ngài, đối với Đức Thánh Cha, đối với cộng đồng Công Giáo hoàn cầu. Phụng vụ tối hôm nay thừa nhận tất cả những điều này. Tuy nhiên, Braulio an ủi chúng ta bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng quá trình đau buồn là tự nhiên. Nhưng đối với các Kitô hữu, bóng tối của đau buồn được đánh bật bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần—giống như lễ phục màu đen và bạc thời xưa—để mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và niềm an ủi sáng ngời, đó là Sự Phục Sinh. Không phải tất cả những giọt nước mắt đều xấu xa. Những giọt nước mắt chúng ta nhỏ ra cho Đức Hồng Y của chúng ta có thể là những giọt nước mắt của lòng biết ơn và sự chữa lành, cũng như của sự mất mát.

Braulio và nhà dìu dắt của ngài, Thánh Isidore thành Seville, đã sống và chiến đấu qua thời điểm khủng hoảng sâu sắc trong đời sống của Giáo hội Kitô giáo ở Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ thứ bảy. Với sự sụp đổ của Rome và sự rút lui các quân đoàn của nó, đất nước đã bị tàn phá bởi những người Visigoth man rợ, những người coi thường Kitô giáo tin Ba ngôi và học thuật cổ điển y như nhau. Isidore nhận thấy gốc rễ của văn hóa cổ điển cần được bảo tồn để Giáo hội tồn tại. Ngài đã làm việc không mệt mỏi để làm như vậy và đặt nền móng cho Công Giáo không chỉ tồn tại mà còn phát triển bất chấp cuộc chinh phục của người Ả Rập vào thế kỷ thứ tám. Ở Sydney, khi chúng ta nhìn xuống khuôn viên Đại Học Notre Dame ở Broadway, và Cao đẳng Campion, chúng ta có thể nhận thấy vị Hồng Y của chúng ta cũng làm y hệt như vậy, mặc dù những kẻ man rợ mà ngài phải đối đầu chắc chắn đã tỉnh ngủ (woke) hơn so với tổ tiên người Visigoth nguyên khởi của họ.

Trong khi Tây Ban Nha theo Rôma nhanh chóng thất thủ trước sự tàn phá của người Visigoth, thì nước Úc theo Kitô giáo vẫn tiếp tục chiến đấu. Chứng tá không mệt mỏi của Đức Hồng Y đối với đức tin Kitô giáo giống như chứng tá của một giám mục giải tội khác—Thánh Basilêô Cả. Vào tháng 1 năm 381, Thánh Grêgôriô thành Nazianzus tường trình về cuộc đối đầu giữa Thánh Basilêô và thống đốc La Mã Modestus. Khi Modestus tìm cách đe dọa Thánh Basilêô bằng những lời đe dọa tra tấn, giết chết và bỏ tù, Thánh Basilêô trả lời: "Anh không có gì khác để đe dọa tôi sao?" Trong cơn tuyệt vọng, vị tổng trấn đã viết thư cho Hoàng đế Valens, nói rằng, "Vị giám mục Kitô giáo này đã đánh bại chúng ta." Tôi sẽ không khẳng định rằng vị Hồng Y của chúng ta là bất khả chiến bại trong tranh luận, nhưng chắc chắn ngài vượt trội hơn các mối đe dọa, và ngài đã vượt lên trên chất độc của tin đồn nhảm trong giáo hội. Giống như Thánh Basilêô, ngài không sợ quyền lực thế tục và không nao núng trước dư luận, và tin rằng nhiệm vụ đầu tiên của một giám mục là bảo vệ và truyền lại những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô một cách nguyên vẹn và không thay đổi.

Mỗi ngày trong Thánh lễ tại nhà nguyện của mình, ngài nêu tên những người kế vị của ngài tại các tòa Sydney và Melbourne trong Kinh nguyện Thánh thể Rôma, cùng với Đức Thánh Cha. Những người có đầu óc chữ đỏ hơn trong số chúng ta có thể đã tròn mắt ngạc nhiên, nhưng chúng ta đánh giá cao các ý định đầy trái tim lớn của ngài. Cả lòng dũng cảm lẫn tinh thần hào phóng của ngài đều nổi tiếng khắp Kinh thành Vĩnh cửu, và được công nhận ngay cả bởi những người không đồng tình với ngài.

Dòng dõi các giám mục giải tội của Giáo hội Rôma trải dài suốt từ Irênê, Cyprianô, Basilêô, Gregoriô và Augustinô cho đến ngày nay, và giờ đây, Đức Hồng Y của chúng ta sẽ chiếm vị trí của ngài trên vòng cung sáng chói đó. Ngay sau khi Đức Hồng Y của chúng ta trở lại Vatican, vào ngày 12 tháng 10 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi Đức Hồng Y của chúng ta đến dự một buổi tiếp kiến riêng. Khi chúng tôi đi qua các phòng khách của Tông Điện cho đến tận tiền sảnh của phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng, người ta có thể nghe đi nghe lại lời chào “ben Tornato Eminenza”: “Chào mừng trở lại, thưa Đức Hồng Y.” Đức Hồng Y của chúng ta được Đội Vệ binh Thụy Sĩ của Giáo hoàng vô cùng kính trọng và yêu mến, những người nhìn thấy nơi ngài phản ảnh lời thề phục vụ và bảo vệ của chính họ—một số lính canh đã nói với tôi như vậy, kể cả những người gác vào buổi sáng Thánh lễ cầu hồn cho ngài ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Trước khi bước vào phòng làm việc của Đức Giáo Hoàng để gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong một khung cảnh sẽ ở lại với tôi cho đến cuối đời, Đức Ông Leonardo Sapienza, nhiếp chính của phủ giáo hoàng, bước ra chào đón chúng tôi và dẫn chúng tôi vào. Nhưng, đột nhiên, ngài dừng lại, quỳ xuống trước mặt Đức Hồng Y, nắm lấy tay ngài, hôn và nói, “Chào mừng, chào mừng vị hiển tu của Giáo hội chúng ta.” Hôm nay, chúng ta, những người thương tiếc sự ra đi của ngài, hy vọng một cách đầy tin tưởng và cầu nguyện rằng ba tuần trước, khi vị Hồng Y của chúng ta trút hơi thở cuối cùng, ngài đã nghe thấy tiếng Chúa của ngài nói: “Chào mừng vị hiển tu của Giáo hội Ta.”