Nhìn và lắng nghe kinh nghiệm của người dân

Sơ Bernadette Mary Reis, fsp, tường trình về ngày thứ hai của Phiên họp Châu Đại Dương tại Suva:



Hôm thứ Hai, ngày thứ hai của Phiên họp Lục địa tại Suva, những người tham gia bắt đầu thảo luận về việc trả lời cho Tài liệu về Giai đoạn Lục địa, và tiếp xúc với những người ở các vùng ngoại vi bằng cách đến thăm hai cộng đồng dễ bị tổn thương.

Mỗi một trong số bốn Hội đồng Giám mục tạo nên Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương đã cung cấp một video tập trung vào hành trình đồng nghị được thực hiện trong lãnh thổ của họ. Một video bổ sung nói lên một tiếng nói rất quan trọng khác đối với sự tồn tại của Châu Đại Dương – chính đại dương. Sự mất cân bằng đang được đưa ra, gây ra những hậu quả tàn khốc, không chỉ đối với thiên nhiên mà còn đối với những người có cuộc sống bắt nguồn từ thiên nhiên và các chu kỳ của nó. Nhiều người dân Châu Đại Dương tiếp tục sống hài hòa với thiên nhiên, kiên nhẫn chờ đợi và đáp ứng các chuyển động của thiên nhiên, thay vì cố gắng kiểm soát, khai thác hoặc bóc lột nó.

Để bắt đầu đặt tất cả những tiếng nói này lại với nhau, những người tham gia đã được dẫn nhập vào nghệ thuật trò chuyện tâm linh cho phép đối thoại thực sự: nói và nghe để tìm kiếm sự hiểu biết và biện phân. Sau đó, những người tham gia được giới thiệu về dự thảo Phản hồi của Châu Đại Dương đối với Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng cho Giai đoạn Châu lục của Susan Pascoe, được soạn tác vào tháng 1 bởi Nhóm Biện phân và Soạn thảo gồm 20 thành viên.

Nói, nghe, biện phân

Đầu tiên, Susan Pascoe nhắc nhở các đại biểu rằng diễn trình Thượng hội đồng hiện tại đang phát triển hơn nữa lời kêu gọi từ Công đồng Vatican II để trở thành một Giáo hội đồng hành với Chúa của mình cùng với tất cả các dân tộc trên khắp thế giới. Sau đó, cô giải thích quy trình mà cả Tài liệu làm việc cho Giai đoạn lục địa, được viết bởi một nhóm đã gặp nhau ở Frascati, bên ngoài Rome từ ngày 23 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10 năm 2022 và dự thảo phản hồi của Châu Đại Dương đối với tài liệu đó được xây dựng trong môi trường cầu nguyện và biện phân. Tiếp tục với phần dẫn nhập này, các Giám mục hiện diện đã suy nghĩ về bản thảo và bước vào cuộc trò chuyện thiêng liêng đầu tiên về nó, cùng với những người điều hành.



Lắng nghe sáng thế

Vào buổi chiều, nhóm hướng sự chú ý của họ đến việc lắng nghe tiếng nói của sáng thế và tiếng kêu cứu của nó. Điểm dừng chân đầu tiên là Làng Mau, nơi có một con sông mà sỏi được khai thác từ năm 1997. Kositino Tikomaibolatagane, đại diện của Caritas Fiji giải thích rằng sỏi khai thác được sử dụng để phát triển đường sá ở Suva. Nhưng do khai thác liên tục, mực nước sông đã giảm đáng kể và cũng làm thay đổi dòng chảy của nó. Một số tác động bao gồm nước nông hơn khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn đối với những người phụ thuộc vào nước để di chuyển; xói mòn; ít cá hơn; sự mất mát của một số loại cá do hệ sinh thái bị thay đổi; và sự tích tụ phù sa ở cửa sông. Ngoài ra, thực sự không có lợi ích kinh tế nào, vì công ty khai thác bán một đơn vị khối sỏi với giá 70 đô la và chỉ mang lại khoảng 6.95 đô la cho làng.

Làm hỏng thiên nhiên làm hỏng các mối liên hệ

Đức Cha Peter Loy Chong, Tổng Giám mục Fiji, nhắc nhở mọi người rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc nhở chúng ta rằng những gì chúng ta làm với thiên nhiên, về lâu dài, chúng ta sẽ làm cho chính mình. Ngài cũng kể lại rằng có rất nhiều “vật tổ” ở Fiji, một thứ gì đó thiêng liêng và đặc biệt đối với mỗi gia đình để thể hiện mối liên hệ của họ với thiên nhiên. “Nhưng khi bạn bỏ vài nghìn đô la vào phong bì và đưa cho người đứng đầu, ông ta lại quên vật tổ”. Ngài mô tả đây là “hình thức mới của chủ nghĩa thực dân”. Ngài tiếp tục giải thích rằng các nguồn sỏi khác trong núi cũng có sẵn. Nhưng người ta thấy dễ dàng hơn khi lấy nó từ sông. Ngài nói, “Mối nguy hiểm lớn hơn đối với chúng tôi là thiệt hại cho dòng sông, mất đa dạng sinh học và mất tính bền vững. Nó giống như cắt dây rốn của một đứa trẻ khỏi mẹ của em”. Mặc dù việc tham khảo ý kiến phải diễn ra, nhưng một số tù trưởng đưa ra quyết định mà không hỏi ý kiến dân làng của họ. Vì vậy, ngoài việc hủy hoại môi trường, Đức Tổng Giám Mục Chong kết luận, “nó còn hủy hoại các mối liên hệ trong làng”.

Mực nước biển dâng cao buộc phải di tản

Toguru là nơi tiếp theo mà nhóm đến thăm. Tại đây, nhóm đã nghe Frances, người đại diện cho Hội nghị các Giáo hội Thái Bình Dương, tổ chức sẽ can thiệp khi các cộng đồng ven biển buộc phải di tản. Frances giải thích mức độ khó khăn khi giải pháp duy nhất để cứu một cộng đồng là tái định cư vì đất đai và đại dương của họ định hình bản sắc của họ.



Barney Dunn, hậu duệ trực tiếp của James Dunn, một người Ái Nhĩ Lan định cư ở Suva, cho biết anh nhìn thấy hậu quả của biến đổi khí hậu xung quanh mình. Barney đã cho chúng ta thấy nước biển dâng cao đang làm giảm quy mô tài sản của anh. Anh ước tính rằng 5 km đất đai của anh, mảnh đất mà anh đã đến thị trấn khi còn nhỏ, hiện đang chìm trong nước, bao gồm cả nghĩa trang nơi chôn cất tổ tiên của anh. Thay vì có hai mùa xuân như thường lệ hàng năm, Barney nói rằng anh đã chứng kiến hai mùa xuân xảy ra trong cùng một tháng. Barney cũng kể rằng một số nỗ lực đã được thực hiện để cung cấp tiền ngõ hầu có thể xây dựng một bức tường biển. Anh ấy nói, số tiền đó luôn bị chuyển hướng.

Các Giám mục châu Đại Dương nhấn mạnh đến môi trường, giới trẻ và việc đào tạo đức tin

Trên trang mạng CruxNow, ngày 11 Tháng hai, 2023, ký giả Elise Ann Allen, tường trình rằng khi kết thúc cuộc họp các giám mục ở châu Đại Dương để thảo luận về Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đang diễn ra của Đức Giáo Hoàng, các vị giáo phẩm đã nhấn mạnh đến một số chủ đề có tầm quan trọng trong khu vực, bao gồm môi trường, giới trẻ và việc đào tạo đức tin tốt hơn.

Được tổ chức bởi Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo châu Đại Dương (FCBCO), Phiên họp Giám mục Châu Đại Dương diễn ra tại Fiji từ ngày 5 đến ngày 9 tháng Hai. Cuộc họp đã thu hút hàng chục giám mục từ khắp khu vực, bao gồm Úc, New Zealand, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và nhiều quốc gia Thái Bình Dương. Đó là một phần của Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị gồm nhiều giai đoạn đang diễn ra của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiện đang ở giai đoạn lục địa.

Phát động vào tháng 10 năm 2021, thượng hội đồng đã trải qua giai đoạn tham vấn cấp giáo phận ban đầu. Giai đoạn lục địa hiện tại bắt đầu một năm sau đó, vào tháng 9 năm 2022 và sẽ kết thúc vào tháng tới.

Giai đoạn cuối cùng, phổ quát của thượng hội đồng sẽ khai mạc vào tháng 10 tại Rôma, khi các giám mục từ khắp nơi trên thế giới quy tụ từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 để thảo luận về kết quả của diễn trình thu thập, và nó sẽ kết thúc với cuộc họp thứ hai tại Rôma vào tháng 10 năm 2024.

Cuộc họp lục địa cho Châu Đại Dương đã được khai mạc bởi Đức Hồng Y Michael Czerny, người đứng đầu Thánh Bộ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican, người đã kêu gọi những người tham gia có “sự táo bạo dám mơ những giấc mơ vĩ đại cho toàn thể nhân loại, cho thế giới được tạo dựng và cho Giáo hội của chúng ta.”

Các cuộc thảo luận trong 5 ngày bao gồm một loạt các vấn đề cụ thể, từ tác động của mực nước biển dâng cao và các ngành công nghiệp khai khoáng, đến việc chăm sóc thích hợp cho các đại dương, cùng với các thách thức mục vụ khu vực bao gồm làm thế nào để trở thành một “giáo hội đồng nghị” hơn, đón nhận và đem lại một cuộc đào tạo tốt hơn cho giáo dân của họ.

Trong một thông cáo, các giám mục nói rằng trong tư cách một mạng lưới gồm các đảo lớn nhỏ phong phú vì tính đa dạng sinh học, bản sắc và vị trí của Châu Đại Dương “cung cấp bối cảnh trong đó chúng ta tham gia vào sứ mệnh của Thiên Chúa”.

“Trong khu vực của chúng ta, khủng hoảng sinh thái là một mối đe dọa hiện hữu đối với người dân và cộng đồng của chúng ta,” và nó được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm mực nước biển dâng cao, axit hóa đại dương, hạn hán, lũ lụt và “các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn và nhiều hơn.”

Vì lý do này, điều gọi là “hoán cải sinh thái (là) ưu tiên truyền giáo khẩn cấp không chỉ đối với chúng ta, mà còn đối với toàn thể Giáo hội.”

Các ngài viết, “Chúng tôi cảm thấy được kêu gọi để làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe ở các bình diện chính quyền cao nhất ở các quốc gia của chúng tôi, và cả ở bình diện hoàn cầu – trong Giáo hội và xã hội rộng lớn hơn – vì lợi ích của ngôi nhà đại dương của chúng tôi và người dân của nó”.

Lưu ý rằng châu Đại Dương là quê hương của một số Giáo Hội trẻ nhất và mới nhất trên thế giới, cũng như “nền văn hóa tiếp tục lâu đời nhất trên thế giới”, các ngài nói rằng mặc dù làm một Giáo Hội trẻ đồng nghĩa với một mức độ dễ bị tổn thương nào đó, nhưng nó cũng đi kèm với “sự tươi mới và sức sống.”

Các giám mục quả quyết, “Chúng tôi biết được rằng các giáo hội trẻ nhất trong khu vực của chúng tôi có những bài học để dạy cho các giáo hội lâu đời hơn về tính đồng nghị và về việc duy trì sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ Tin Mừng với các nền văn hóa và xã hội địa phương”.

Các ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng hành tốt hơn với những người trẻ tuổi một cách “dũng cảm, sáng tạo và hấp dẫn hơn” như một “khía cạnh thiết yếu” của Giáo Hội trong nỗ lực truyền giảng Tin Mừng cho châu Đại Dương, và đặc biệt chào mừng việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới hoàn cầu sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 tại Lisbon, và sẽ có sự tham dự của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Các giám mục cho biết các ngài cũng đã có những cuộc thảo luận quan trọng về cách thức các ngài sống tính đồng nghị, và làm thế nào để các Giáo Hội của các ngài có thể trở nên “đồng nghị” hơn; các ngài thừa nhận rằng đã có lúc các ngài phạm phải “lối rẽ sai lầm” khi theo đuổi con đường này, nhưng tin tưởng rằng Thiên Chúa đang hướng dẫn diễn trình.

Các giám mục cho biết họ đã làm việc để bảo đảm rằng “một tiếng nói đặc trưng của người châu Đại Dương sẽ tiếp tục vang vọng thông qua các văn kiện của Thượng hội đồng,” và tường trình của các ngài về các kết luận của Phiên họp sẽ được hoàn thành trong những tuần tới.

Những người tham gia cũng được nghe nữ tu người Pháp Nathalie Becquart, phó thư ký của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, người đã đưa ra một cái nhìn hoàn cầu về Thượng hội đồng và nhấn mạnh rằng không có khuôn mẫu “một cỡ hợp với mọi người” về cách thức đáp ứng các thách thức mục vụ trong tư cách một Giáo Hội, vì tính đa dạng của từng khu vực và văn hóa.

“Chúng tôi cảm thấy được khẳng định trong việc đáp ứng theo cách riêng của chúng tôi trong bối cảnh của chúng tôi,” các giám mục nói thế, và nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo đức tin tốt hơn ở mọi bình diện - cho giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ - nếu trật tự cho Giáo Hội ở châu Đại Dương trở thành “ đồng nghị hơn.”



Các giám mục nói rằng làm chứng cho sự sống một cách thuyết phục có nghĩa là bảo vệ sự sống “từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”, cổ vũ một “sự tôn trọng lớn hơn đối với tất cả mọi người”, cũng như cổ vũ công lý và hòa bình, và “một sự hoán cải sinh thái có tính bản thân, cộng đồng và cấu trúc.”

Khi tiến trình thượng hội đồng tiến triển, các giám mục châu Đại Dương nhấn mạnh sự cần thiết phải nhấn mạnh hơn đến các chủ đề bao gồm, minh bạch, trách nhiệm giải trình, các kỹ thuật mới mẻ, “năng lực liên văn hóa,” và các phương pháp lãnh đạo mới dựa trên sự tham gia và hợp tác trong các chương trình đào tạo họ.

Các ngài nói: “Những nỗ lực của chúng ta nên trang bị cho Giáo hội của chúng ta để tiếp cận và [hiện thân] một nền văn hóa hiếu khách, gặp gỡ và đối thoại trong một thế giới được đánh dấu bởi cả tội lỗi lẫn ân sủng trên con đường hành hương của chúng ta đến vương quốc của Thiên Chúa”.

Trong Thánh lễ bế mạc hội nghị, Đức Giám Mục Peter Brown của Samoa-Pago Pago ở Samoa thuộc Mỹ lưu ý rằng các giám mục là những người nắm giữ quyền lực, ảnh hưởng và địa vị trong cộng đồng giáo hội, đồng thời thách thức họ về cách sử dụng nó để “nâng cao việc chăm sóc sáng thế” và phục vụ người dân của họ.

Sử dụng hình ảnh của một người có đất đai và sinh kế bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao, ngài cho biết nhiệm vụ của một giám mục là “giúp mọi người tìm được chỗ đứng”.

Ngài nói, “Xin cho chúng ta từ đây ra đi với niềm hy vọng này là, qua sự lãnh đạo của chúng ta cùng với Dân Thiên Chúa, chúng ta có thể tìm được chỗ cho tất cả mọi người – một nơi mà họ có thể đứng”.