Gavin Ashenden, trên Catholic Herald ngày 9 tháng 11 năm 2022, viết rằng những người cựu Anh giáo đã thấy những trò gian xảo này đối với Giáo Hội trước đây.



Trong một bài báo gần đây của một ấn phẩm Công Giáo khác, nhà trí thức Công Giáo nổi tiếng và là người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Austin Ivereigh, đã bày tỏ sự lo lắng về ảnh hưởng của những người cựu Anh giáo khi họ đưa ra lời khuyên về tiến trình đồng nghị cho nhà báo Christopher Lamb.

Bản thân Austin Ivereigh đã đầu tư nhiều vào Con đường Đồng nghị. Ông là một trong những tác giả đã tổng hợp các quan điểm về kinh nghiệm của đất nước này. Ông lo lắng về những đóng góp cho báo cáo của những người cựu Anh giáo, những người đã cảnh cáo về mối nguy hiểm của việc tham khảo ý kiến những người không biết hoặc không thực hành đức tin.

Khi trình bày và biện minh cho mối quan tâm của Ivereigh, Lamb cho rằng những người đầu tư vào việc thành công của Con đường Đồng nghị đã hành động dưới sự hiện diện và linh hứng trực tiếp của Chúa Thánh Thần:

“Báo cáo không phải là một thăm dò ý kiến hay một thao tác xã hội học mà là một thao tác lắng nghe Chúa Thánh Thần thôi thúc dân Chúa - giáo dân, giáo sĩ và giám mục - tiếp tục 'cùng nhau bước đi' theo con đường đồng nghị, bất chấp các cạm bẫy”.

Điều đó đặt ra cho tất cả chúng ta câu hỏi liệu chúng ta có thể phân biệt được sự khác biệt giữa thao tác lắng nghe và thao tác “lắng nghe Chúa Thánh Thần” không?

Chủ yếu cho việc phát triển niềm tin vào diễn trình này, những người đề xuất phương pháp này không giải thích làm cách nào họ có thể chắc chắn rằng các cuộc trò chuyện và thao tác lắng nghe được đề xuất có thể được sự hiện diện và linh hứng của Chúa Thánh Thần bảo đảm.

Thật vậy, đó là nơi các người cựu Anh giáo tin rằng họ có thể giúp đỡ. Vì trong thế giới Anh giáo, một phần chủ yếu trong việc các nhà xã hội cánh tả tiếp quản Giáo Hội hầu như luôn đi kèm với lời hứa rằng Chúa Thánh Thần là một phần rất quan trọng trong dự án của họ. Nhưng hóa ra, ở phần cuối của diễn trình, phe cấp tiến đã thực sự nhầm lẫn tinh thần của thời đại với Chúa Thánh Thần. Sau khi chứng kiến mưu đồ này được sử dụng một lần nữa để gây chia rẽ và phá hoại, các cựu Anh giáo hy vọng sẽ chia sẻ kinh nghiệm của họ về mối nguy hiểm mà điều này tạo nên đối với tính toàn vẹn của Giáo hội.

Vấn đề dường như bắt nguồn từ sự kiện này là Con đường Đồng nghị đã tiếp nhận một thế giới quan thần học thuộc một loại đặc thù. Trong lĩnh vực linh đạo lịch sử, chúng ta có thể phân biệt nhiều khía cạnh khác nhau của cộng đồng giáo hội; giáo sĩ và giáo dân, tu trì và thế tục; vâng lời và bất tuân; chung thủy và bất trung; giữ đạo và chỉ có danh; đạo đức và phi luân; những người duy sùng kính và những người duy hoạt động, v.v.

Nhưng Con đường Đồng nghị, nếu bạn là người ủng hộ, đã hình dung trước (hoặc nếu bạn là người phê phán, đã dựng đứng) cuộc đàm luận bằng cách áp đặt các phạm trù “bị loại trừ” và “được bao gồm”. Đây có ý chỉ những người có quyền lực và những người không có quyền lực. Quan điểm trung thành hơn với các truyền thống của Giáo hội sẽ bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn đến những người có hoặc không có đức tin hơn là những người có hoặc không có quyền lực.

Chúng ta đã bị đẩy ra khỏi lĩnh vực linh đạo Kitô giáo để bước sang trò chơi quyền lực của chủ nghĩa Mácxít. Con đường Đồng nghị đã trở thành một nghiên cứu về "vong thân". Chúng ta đang quay trở lại thế giới chính trị bản sắc, nơi nhóm mà bạn thuộc về được ưu tiên hơn nhân đức bản thân của bạn (hoặc sự thiếu sót nó). Nếu bạn bị gạt ra ngoài lề, bị tha hóa hay vong thân, bị loại trừ, thì đây là cuộc đàm luận dành cho bạn.

Thủ bản hoặc sổ tay (vademecum) của tiến trình đồng nghị ghi như thế này:

“Sự tham gia rộng rãi là một phần quan trọng của tiến trình giáo phận, không ai bị loại trừ. ‘chúng ta phải đích thân tiếp cận với các vùng ngoại vi, những người đã rời bỏ nhà thờ, những người hiếm khi hoặc không bao giờ thực hành đức tin của họ, những người trải qua cảnh nghèo đói hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người tị nạn, những người bị loại trừ, những người không có tiếng nói, v.v.”

Điều này, đúng hơn, đã từ bỏ trò chơi. Đây là những phạm trù xã hội học, không phải là những phạm trù thần học hay tâm linh. Làm thế nào một người cố tình quay lưng lại với Giáo Hội, hoặc từ chối thực hành đức tin lại có thể cấu thành Giáo Hội? Há họ không có năng lực, không có ý chí, không có trách nhiệm đó sao?

Nhưng trong thế giới xã hội học bị chủ nghĩa Mác thâm nhập, trách nhiệm và sự lựa chọn ít quan trọng hơn là tư cách nạn nhân. Và tinh thần xã hội học đòi hỏi họ phải được bao gồm để khắc phục sự vong thân và vô quyền lực của họ. Và do đó, các phạm trù được quan tâm là “người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người tị nạn, người bị loại trừ và không có tiếng nói”. Đây là Mác hơn là Chúa Giêsu, hệ tư tưởng của thời đại hơn là Chúa Thánh Thần.

Vấn đề liệu quỹ đạo của những người bị loại trừ có vượt quá giới hạn của Giáo hội hay không? Các tác giả của Con đường Đồng nghị không nghĩ rằng nó vượt quá. Nó chỉ mô tả những tham vọng của diễn trình lắng nghe để bao gồm “Cộng đồng rộng lớn hơn, đặc biệt những người sống bên lề xã hội, là Kitô hữu hay không phải là Kitô hữu”.

Đây là một nhân tố quan trọng. Bởi vì Austin Ivereigh khẳng định rằng vấn đề với những người cựu Anh giáo là họ không hiểu rằng đạo Công Giáo liên quan đến cuộc đàm luận nơi những người tạo thành sensus fidelium [cảm thức các tín hữu].

“Tiến trình đồng nghị ở Anh và xứ Wales đã cho thấy rằng nhiều cựu tín hữu Anh giáo gặp khó khăn trong việc nắm bắt bản chất của tính đồng nghị Công Giáo, vốn giống với các diễn trình biện phân của giáo hội hơn là việc quản trị Giáo hội Anh, vốn được Quốc hội Vương quốc Anh ủy quyền”.

“Trong khi các thượng hội đồng của Giáo hội Anh “có tính biểu quyết”, thì trong truyền thống Công Giáo, các thượng hội đồng có tính tham vấn, với các quyết định do các giám mục cùng và dưới quyền Đức Giáo Hoàng đưa ra sau khi cẩn thận lắng nghe Chúa Thánh Thần nói qua sensus fidelium”.

Tất nhiên ông ta đúng. Không có diễn trình lập pháp nào liên quan đến Thượng hội đồng này. Nhưng những người Anh giáo, bất chấp sự lo lắng của ông Ivereigh, có thể phân biệt được sự khác nhau giữa tham vấn và lập pháp. Nó không khó lắm.

Trên thực tế, họ đang hỏi những câu hỏi liên quan rất nhiều đến sensus fidelium.

Rất may, nó đã được định nghĩa trong Sách Giáo lý:

“Sự đánh giá siêu nhiên đức tin của toàn thể dân chúng, khi, từ các giám mục cho đến những tín hữu cuối cùng, biểu lộ sự đồng ý phổ quát trong các vấn đề đức tin và luân lý” [1]

Điều mà ông Ivereigh vẫn chưa giải thích được là làm thế nào những người không thực hành, những người đã rời bỏ Giáo hội, và thực sự là những người không phải là Kitô hữu, lại tạo nên sensus fidelium mà Sách Giáo lý đang đề cập đến?

Sự kiện là những người cựu Anh giáo trước đây đã thấy trò lừa đảo này được thực hiện đối với Giáo Hội. Nó là một phần trong linh đạo của phái cấp tiến. Nói một cách rất đơn giản, họ bọc nội dung gần như Mácxít trong một tấm chăn êm ái thiêng liêng, và sau đó nói rất nhiều về Chúa Thánh Thần.

Đây là cách mà Đức Hồng Y Grech, tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đang làm. Ngài giải thích các mục tiêu và đặc điểm chính của diễn trình thượng hội đồng, mô tả nó là “một diễn trình thiêng liêng” đòi hỏi phải lắng nghe Chúa Thánh Thần cũng như lắng nghe lẫn nhau”.

Nổi bật trong số những người đưa ra lời cảnh cáo là Đức ông Nazir-Ali. Với chính sensus fidelium trong tâm trí, ngài đã phát biểu trước Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á vào ngày 28 tháng 10 tại Bangkok, Thái Lan. Ngài gợi ý rằng các cuộc tham vấn đồng nghị có giới hạn của chúng, nhấn mạnh rằng những người được tham vấn “cần được dạy giáo lý, thậm chí cần được truyền giảng Tin Mừng”, nếu không, làm thế nào họ có thể tạo thành Sensus Fidelium?

Một thao tác công bằng xã hội gần như có tính trị liệu, bao trùm, kêu gọi những người theo hệ tư tưởng thời đại bằng cách trao quyền và hòa nhập cho những người hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề và không có tiếng nói sẽ là một thao tác mạch lạc về mặt xã hội học tuyệt vời về sự liên quan chính trị và tìm kiếm công lý. Con đường Đồng nghị đề nghị đặt nền móng chỉ cho một quá trình như vậy mà thôi.

Những người cựu Anh giáo muốn trấn an ông Ivereigh rằng họ không những có thể cho biết sự khác nhau giữa lập pháp và tham vấn, mà còn muốn đưa ra một lời cảnh cáo khiêm tốn nữa.

Sau khi chứng kiến một diễn trình tương tự 'cùng đi với nhau trong phương thức tham vấn được đóng khung trong một trình thuật xã hội học' đã được thử trước đó trong bối cảnh trước đó, kết quả là chia rẽ, phá hoại đạo đức, nghèo nàn thiêng liêng, thiếu mạch lạc thần học, giảm sút đức tin, bội giáo và suy yếu nghiêm trọng cho Giáo hội. Và yêu mến Giáo Hội Công Giáo như họ yêu, và trung thành với sự toàn vẹn của Giáo hội như họ vốn trung thành, họ sẽ không làm nó phải chịu cùng một kết cục nữa.
________________________________________________
[1] Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 92.