1. Đại nghịch bất đạo: giáo dân Ấn Độ ngăn cản không cho Đức Tổng Giám Mục vào Tòa Giám Mục

Các giáo dân tại một tổng giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar của Ấn Độ đã bắt đầu một cuộc cầu nguyện suốt ngày đêm để ngăn chặn vị Giám Quản Tông Tòa do Vatican bổ nhiệm được vào Tòa Tổng Giám Mục.

Các nhà lãnh đạo giáo dân trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly có trụ sở tại Kochi cho biết Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath, vị Giám Quản Tông Tòa được vatican bổ nhiệm, đã đơn phương thu hồi một miễn chuẩn đã cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ quay về phía giáo dân. Các nhóm biểu tình muốn tiếp tục với Thánh lễ truyền thống, trong đó linh mục phải đối mặt với giáo đoàn trong suốt thánh lễ, bất chấp một quy định có hiệu lực vào năm 2021.

Theo quy luật này, được đưa ra như một sự thỏa hiệp, thượng hội đồng Syro-Malabar đã phán quyết rằng linh mục “sẽ đối mặt với giáo dân cho đến kinh nguyện thánh thể thì ngài quay mặt lại hướng về bàn thờ; và sau đó từ Rước lễ đến khi kết thúc Thánh lễ lại quay xuống giáo dân.”

Buổi canh thức tại Tòa Tổng Giám Mục Kochi được khởi động vào ngày 16 tháng 10, và các nhóm giáo dân từ các giáo xứ khác nhau đã được chỉ định để bảo đảm canh gác 24 giờ.

Riju Kanjookaran, phát ngôn viên của Phong trào Minh bạch của Tổng giáo phận, nói với ucanews.com ngày 17 tháng 10: “Chúng tôi không còn muốn vị giám quản tông tòa vào bên trong tòa tổng giám mục của chúng tôi”.

Là tổng giám mục của Thrissur, Đức Tổng Giám Mục Thazhath có tư dinh ở Thrissur, cách Kochi khoảng 53 dặm hoặc khoảng hai giờ lái xe.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo phận Ernakulam-Angamaly vào ngày 30 tháng Bảy, với nhiệm vụ giải quyết tranh chấp về phụng vụ gây ra bởi sự phản đối gay gắt đối với quyết định của Thượng hội đồng về sự thống nhất trong việc cử hành Thánh lễ.

Trước đó vài ngày, Tòa thánh Vatican đã yêu cầu người tiền nhiệm của ngài, là Đức Tổng Giám Mục Antony Kariyil, từ chức. Đức Tổng Giám Mục Kariyil đã cho phép các linh mục của Tổng giáo phận được miễn trừ sau khi phán quyết về Thánh lễ được Thượng hội đồng phê chuẩn.

Sự phản kháng đối với Đức Tổng Giám Mục Thazhath đã xảy ra vào ngày 30 tháng 9 khi ngài ra lệnh cho tất cả các linh mục phải cử hành thánh lễ được Thượng hội đồng phê chuẩn ngay lập tức và thu hồi miễn chuẫn do vị tiền nhiệm ban bố.

Hầu hết các linh mục công khai bất chấp quyết định này và tiếp tục cử hành Thánh lễ quay mặt về phía dân chúng. Các linh mục cũng từ chối đọc thông điệp của Đức Tổng Giám Mục Thazhath, trong đó thông báo việc thu hồi miễn chuẩn.

Kanjookaran nói với ucanews.com rằng hơn 450 cơ sở giáo dục, bao gồm 328 giáo xứ và giáo xứ, đã từ chối tuân theo mệnh lệnh của vị Giám Quản Tông Tòa.

Tranh chấp về phụng vụ trong Giáo Hội Syro-Malabar có từ gần năm thập kỷ trước, khi Giáo Hội bắt đầu sửa đổi phụng vụ của mình. Cuộc tranh cãi sôi nổi đã được khơi lại vào tháng 8 năm 2021 khi Thượng hội đồng quyết định thực hiện quyết định năm 1999 về việc áp dụng sự đồng nhất trong Thánh lễ trên tất cả các giáo phận.

Tất cả 35 giáo phận của Giáo Hội Syro-Malabar, ngoại trừ Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, đã bắt đầu cử hành Thánh lễ theo chỉ dẫn được Thượng hội đồng phê chuẩn vào tháng 11 năm ngoái.

Đức Tổng Giám Mục Thazhath, trong một tin nhắn video, đã bảo vệ quyết định của mình, nói rằng ngài chỉ đang làm theo hướng dẫn từ Vatican.
Source:Crux

2. Buổi yết kiến chung, Thứ tư ngày 19 tháng 10, 2022

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 19 tháng 10, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến yếu tố thứ tư của nó là đọc lại câu chuyện đời mình. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong các bài giáo lý của những tuần lễ này, chúng ta đang tập trung vào những điều kiện tiên quyết để có thể biện phân cách tốt đẹp. Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đưa ra quyết định, và để đưa ra quyết định, chúng ta phải đi theo một hành trình, một nẻo đường biện phân. Mọi sinh hoạt quan trọng đều có những “hướng dẫn” cần tuân theo, những hướng dẫn này phải được biết trước để chúng tạo ra những hiệu quả cần thiết. Hôm nay chúng ta sẽ xem xét một thành phần không thể thiếu khác để biện phân: câu chuyện đời sống của chính người ta. Biết được câu chuyện đời sống của mình là một yếu tố cần thiết để biện phân.

Cuộc sống của chúng ta là “cuốn sách” quý giá nhất được ban tặng cho chúng ta, một cuốn sách mà rất tiếc là nhiều người không đọc, hay nói đúng hơn họ đọc quá muộn, trước khi chết. Tuy nhiên, chính trong cuốn sách đó, người ta tìm thấy những gì họ tìm kiếm một cách vô ích ở nơi khác. Thánh Augustinô, một người vĩ đại tìm kiếm sự thật, đã hiểu điều này chỉ bằng cách đọc lại cuộc đời của mình, ghi nhận trong đó những bước đi âm thầm và kín đáo, nhưng sâu sắc của sự hiện diện của Chúa. Vào cuối cuộc hành trình này, ngài ngạc nhiên ghi nhận: “Chúa ở bên trong, còn con thì ở bên ngoài, và con đã tìm kiếm Chúa ở đó; Con, một cách thiếu yêu thương, vội vàng lơ đễnh giữa những thứ Chúa đã tạo ra. Chúa ở với con, nhưng con không ở với Chúa” (Tự Thú X, 27.38). Do đó, ngài mời gọi chúng ta trau dồi đời sống nội tâm để tìm ra điều mà chúng ta tìm kiếm: “Hãy trở về bên trong chính bạn. Sự thật ngự trị trong con người bên trong” (Về Tôn giáo Chân chính, XXXIX, 72). Đây là lời mời gọi tôi muốn gửi đến tất cả anh chị em, và ngay cả đến chính tôi: “Hãy trở về bên trong chính anh chị em. Hãy đọc chính cuộc sống của anh chị em. Hãy đọc chính anh chị em từ bên trong, nẻo đường anh chị em đã chọn. Một cách thanh thản. Hãy trở về bên trong chính anh chị em”.

Nhiều lần, chúng ta cũng có kinh nghiệm của Thánh Augustinô, khi thấy mình bị giam cầm bởi những suy nghĩ khiến chúng ta xa rời bản thân, những thông điệp rập khuôn gây hại cho chúng ta: Thí dụ, “Tôi vô dụng” - và nó khiến anh chị em thất vọng; "Mọi thứ đều không ổn đối với tôi" - và nó khiến anh chị em thất vọng; “Tôi sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì đáng giá” - và nó khiến anh chị em thất vọng, và nó trở thành cuộc sống của anh chị em. Những cụm từ bi quan khiến anh chị em thất vọng! Đọc lịch sử của chính mình cũng có nghĩa là nhận ra sự hiện diện của những yếu tố “độc hại” này, nhưng sau đó mở rộng câu chuyện của chúng ta, học cách chú ý đến những điều khác, làm cho nó trở nên phong phú hơn, tôn trọng sự phức tạp hơn, cũng thành công trong việc nắm bắt những cách thức kín đáo trong đó Thiên Chúa hành động trong đời sống. Tôi từng biết một người mà người ta nói xứng đáng nhận giải Nobel về sự tiêu cực: mọi thứ đều tồi tệ, mọi thứ, và người này luôn cố gắng làm mình thất vọng. Người này là một người cay đắng, dù có nhiều phẩm chất. Và rồi người này tìm được người khác giúp đỡ mình, và mỗi khi phàn nàn về điều gì đó, người kia thường nói: “Nhưng bây giờ, để bù trừ, hãy nói điều tốt về bản thân bạn”. Và người này nói: “Vâng, vâng… tôi cũng có phẩm chất này”, và từng chút, điều này đã giúp người này tiến lên phía trước, đọc tốt cuộc sống của mình, cả những điều xấu lẫn những điều tốt. Chúng ta phải đọc cuộc đời của mình, và làm như vậy chúng ta sẽ nhìn thấy những điều chưa tốt và cả những điều tốt mà Chúa đã gieo vào chúng ta.

Chúng ta đã thấy rằng sự biện phân có phương thức tường thuật; nó không dựa vào hành động đúng như in, mà đặt nó vào một bối cảnh: suy nghĩ này đến từ đâu? Điều tôi đang cảm thấy bây giờ, nó đến từ đâu? Nó dẫn tôi đến đâu, tôi đang nghĩ gì bây giờ? Trước đây, tôi đã gặp nó bao giờ chưa? Nó có phải là điều mới xuất hiện trong tâm trí tôi bây giờ, hay tôi đã thấy nó ở một lần khác? Tại sao nó dai dẳng hơn những điều khác? Với điều này, cuộc sống đang cố gắng nói gì với tôi?

Kể lại các sự kiện trong cuộc đời cũng giúp chúng ta nắm bắt được các sắc thái và chi tiết quan trọng, những điều tự tỏ ra là những trợ cụ có giá trị, cho đến nay vẫn bị che giấu. Thí dụ, một bài đọc, một phục vụ, một cuộc gặp gỡ, thoạt nhìn bị coi là ít quan trọng, theo thời gian sẽ truyền tải sự bình an nội tâm; chúng truyền tải niềm vui sống và gợi thêm nhiều sáng kiến hơn nữa. Dừng lại và thừa nhận điều này là điều chủ yếu. Dừng lại và thừa nhận: nó quan trọng cho việc biện phân; đó là nhiệm vụ thu thập những viên ngọc quý giá và ẩn giấu mà Chúa đã rải rác trong mảnh đất của chúng ta.

Sự tốt lành luôn luôn bị che giấu, bởi vì sự tốt lành khiêm tốn và hay ẩn mình: sự tốt lành bị che giấu; nó im lặng, nó đòi hỏi sự khai quật chầm chậm và liên tục. Bởi vì phong cách của Thiên Chúa là kín đáo: Thiên Chúa thích không bị nhìn thấy, kín đáo, Người không áp đặt; Người giống như không khí chúng ta hít thở - chúng ta không nhìn thấy nó nhưng nó giúp chúng ta sống, và chúng ta chỉ nhận ra nó khi thiếu nó.

Làm quen với việc đọc lại cuộc đời mình sẽ giáo dục cách nhìn, làm sắc nét nó, giúp nó ghi nhận những phép lạ nhỏ mà Thiên Chúa nhân lành làm cho chúng ta mỗi ngày. Khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta nhận thấy những hướng khả hữu khác giúp củng cố hương vị bên trong, sự bình yên và sự sáng tạo của chúng ta. Trước hết, nó giúp chúng ta thoát khỏi những định kiến độc hại. Người ta đã nói một cách khôn ngoan rằng người không biết quá khứ của mình bị kết án phải lặp lại nó. Thật kỳ lạ: nếu chúng ta không biết con đường mình đã đi, tức quá khứ, chúng ta luôn lặp lại nó, chúng ta đi vòng vòng. Người đi vòng vòng không bao giờ tiến về phía trước; nó không phải là tiến bộ, nó giống như con chó tự đuổi theo đuôi của mình; họ luôn đi theo cách này, lặp đi lặp lại mọi điều.

Chúng ta có thể tự hỏi: đã có bao giờ tôi kể lại cuộc đời mình cho ai chưa? Đây là một trải nghiệm tuyệt vời của các cặp đính hôn, khi họ trở nên nghiêm túc, kể câu chuyện cuộc đời của họ… Đây là một trong những hình thức giao tiếp đẹp đẽ và thân mật nhất, kể lại cuộc đời của mình. Nó cho phép chúng ta khám phá những điều chưa biết cho đến nay, dù nhỏ bé và đơn giản, nhưng như Tin Mừng nói, chính từ những điều nhỏ bé mà những điều lớn lao mới phát sinh (xem Lc 16:10).

Cuộc đời của các thánh cũng tạo nên một trợ cụ quý giá trong việc nhận biết phong cách của Thiên Chúa trong đời sống của ta: cho phép ta làm quen với cách hành động của Người. Hành vi của một số vị thánh thách thức chúng ta, cho chúng ta thấy những ý nghĩa và cơ hội mới. Thí dụ, đây là điều đã xảy ra với Thánh Inhaxiô thành Loyola. Khi mô tả khám phá căn bản của đời mình, ngài bổ sung một minh xác quan trọng, và ngài nói: “Từ kinh nghiệm, ngài suy ra rằng một số suy nghĩ khiến ngài buồn bã, những suy nghĩ khác khiến ngài vui vẻ; và từng chút một, ngài học biết tính đa dạng của các suy nghĩ, tính đa dạng của những tinh thần khuấy động trong ngài” (xem Tự truyện, số 8). Biết điều xảy ra trong chúng ta, biết, ý thức được.

Biện phân là đọc một cách tường thuật những khoảnh khắc tốt đẹp và những khoảnh khắc đen tối, những niềm an ủi và nỗi buồn mà chúng ta trải qua trong đời mình. Trong biện phân, chính trái tim nói với chúng ta về Thiên Chúa, và chúng ta phải học cách hiểu ngôn ngữ của nó. Thí dụ, chúng ta hãy hỏi vào cuối ngày: điều gì đã xảy ra hôm nay trong lòng tôi? Một số người nghĩ rằng việc xét mình này là để tính toán tính cân bằng của tội lỗi - và chúng ta phạm bao nhiêu tội lỗi - nhưng đó cũng là để tự hỏi bản thân, “Điều gì đã xảy ra trong tôi, tôi đã trải nghiệm niềm vui chưa? Điều gì đã mang lại cho tôi niềm vui? Tôi có buồn không? Điều gì đã mang lại cho tôi nỗi buồn? Và bằng cách này, chúng ta học cách biện phân những gì xảy ra bên trong chúng ta.