1. Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho biết Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine
Liên Hiệp Quốc cho biết các nhà điều tra của họ đã kết luận rằng Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, bao gồm đánh bom các khu vực dân sự, nhiều vụ hành quyết, tra tấn và bạo lực tình dục khủng khiếp.
Liên Hiệp Quốc đã ưu tiên việc điều tra các vi phạm nhân quyền trong chiến tranh và vào tháng 5, cơ quan nhân quyền hàng đầu của họ đã ủy nhiệm một nhóm chuyên gia bắt đầu làm việc tại nước này.
Kể từ đó, các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc, đã liều mạng thu thập bằng chứng về tội ác gây ra đối với dân thường, bao gồm cả những khu vực vẫn bị quân địch đe dọa hoặc đặt mìn.
Nhóm ba chuyên gia độc lập hôm thứ Sáu đã trình bày bản cập nhật miệng đầu tiên của họ cho hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sau khi tổ chức này tiến hành các cuộc điều tra ban đầu xem xét các khu vực ở Kyiv, Chernihiv, Kharkiv và Sumy, nói thêm rằng họ sẽ mở rộng các cuộc điều tra của mình.
Phát biểu một ngày trước lễ kỷ niệm bảy tháng Nga xâm lược nước láng giềng, Erik Mose, người đứng đầu nhóm điều tra, nói với hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng, dựa trên bằng chứng do Ủy ban Điều tra về Ukraine thu thập được, “họ đã kết luận rằng Nga đã phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine “.
Nhóm điều tra viên đã đến thăm 27 thị trấn và khu định cư, cũng như các ngôi mộ và trung tâm giam giữ và tra tấn; phỏng vấn hơn 150 nạn nhân và nhân chứng; và gặp gỡ các nhóm vận động và các quan chức chính phủ.
Mose cho biết nhóm nghiên cứu đã đặc biệt “rúng động trước số lượng lớn các vụ hành quyết ở những khu vực mà chúng tôi đến thăm”, và thường xuyên có “các dấu hiệu hành quyết trên cơ thể, chẳng hạn như tay bị trói sau lưng, vết thương do súng bắn vào đầu và rạch đứt cổ họng”.
Ông nói thêm rằng họ đang điều tra những cái chết như vậy ở 16 thị trấn và khu định cư, và đã nhận được những cáo buộc đáng tin cậy về nhiều trường hợp khác mà họ sẽ tìm cách lập hồ sơ. Hội đồng cho biết: Các nhà điều tra cũng đã nhận được “các bản tường trình nhất quán về việc đối xử tệ bạc và tra tấn, được thực hiện trong quá trình giam giữ bất hợp pháp”.
Tại các khu định cư Bucha, Hostomel và Borodianka, bị quân đội Nga chiếm đóng khoảng một tháng, các nhà điều tra Ukraine đã tìm thấy hàng chục ngôi mộ tập thể, nơi chôn cất thi thể của thường dân, bị tra tấn và sát hại.
Kể từ khi người Nga rút khỏi khu vực này, một nhóm tình nguyện viên trẻ tuổi đã làm việc không mệt mỏi để khai quật các thi thể và gửi chúng đến các bác sĩ pháp y, những người đang thu thập bằng chứng về tội ác của quân đội Nga.
Một số nạn nhân đã nói với các nhà điều tra rằng họ bị chuyển đến Nga và bị giam nhiều tuần trong nhà tù. Những người khác đã “biến mất” sau các lần di chuyển như vậy. Mose nói: “Những người đối thoại đã mô tả việc đánh đập, điện giật và cưỡng bức khỏa thân, cũng như các loại vi phạm khác trong các cơ sở giam giữ như vậy”.
Ông cho biết các nhà điều tra cũng đã ghi nhận các trường hợp bạo lực tình dục và giới tính, trong một số trường hợp xác định rằng binh lính Nga là thủ phạm.
Ông nói: “Có những ví dụ về trường hợp người thân bị buộc phải chứng kiến tội ác. Trong các trường hợp chúng tôi đã điều tra, độ tuổi của nạn nhân bạo lực tình dục và giới tính từ 4 đến 82 tuổi. Các trường hợp trẻ em nhỏ bị buộc phải chứng kiến mẹ và chị của chúng bị lính Nga hiếp dâm là rất phổ biến”.
Mose cho biết thêm, ủy ban đã ghi nhận nhiều loại tội phạm đối với trẻ em, bao gồm cả những trẻ em bị “hãm hiếp, tra tấn và giam giữ bất hợp pháp”.
Vào tháng 4, các bác sĩ pháp y nói với Guardian rằng họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một số phụ nữ đã bị cưỡng hiếp trước khi bị quân Nga giết hại. “Chúng tôi đã có một vài trường hợp cho thấy những phụ nữ này đã bị cưỡng hiếp trước khi bị bắn chết”, Vladyslav Perovskyi, một bác sĩ pháp y người Ukraine, người đã thực hiện hàng chục cuộc khám nghiệm tử thi cho những người từ Bucha, Irpin và Borodianka, nói với Guardian.
Ít nhất hai người đàn ông trong danh sách bị cáo buộc tội phạm chiến tranh của Nga do các công tố viên Ukraine đưa ra đã bị cáo buộc tấn công tình dục và cưỡng hiếp.
Mose, trong báo cáo của mình trước hội đồng, cũng chỉ ra “việc Liên bang Nga sử dụng vũ khí nổ có hiệu ứng diện rộng trong các khu vực đông dân cư”, mà theo ông là “nguồn gây tổn hại và đau khổ to lớn cho dân thường”.
Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng một số vụ tấn công mà nhóm đã điều tra “đã được thực hiện mà không phân biệt dân thường và chiến binh”, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng bom, đạn chùm, bị thế giới cấm theo hiệp ước năm 2008.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa, quân đội Nga đã bị cáo buộc sử dụng một số vũ khí bất hợp pháp đã giết chết hàng trăm thường dân ở khu vực Kyiv của Ukraine, bao gồm cả những quả bom không điều khiển cực mạnh ở các khu vực đông dân cư, đã phá hủy ít nhất 8 tòa nhà dân sự.
Theo các bằng chứng, bom, đạn chùm đã được phóng ở những khu vực không có quân nhân và không có cơ sở hạ tầng quân sự.
Công việc của ủy ban cuối cùng có thể đóng góp vào công việc của các công tố viên tòa án hình sự quốc tế, những người có thể đưa ra cáo buộc về tội ác chiến tranh ở Ukraine, mặc dù vẫn chưa chắc chắn liệu Nga hoặc các thủ phạm bị cáo buộc khác cuối cùng có phải đối mặt với công lý hay không.
Trong một diễn biến riêng, hôm thứ Sáu, các quan chức Ukraine cho biết họ đã khai quật khoảng 436 thi thể từ một khu chôn cất ở thành phố Izium mới được tái chiếm gần đây và ít nhất 30 người trong số họ có dấu hiệu bị tra tấn.
Mose nói: “Tất nhiên đây là một sự việc mới nhưng chúng tôi chắc chắn cũng có ý định xem xét sự kiện Izium.”
https://www.theguardian.com/world/2022/sep/23/russia-has-comiled-war-crimes-in-ukraine-say-un-investigators
2. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cổ võ văn hóa đối thoại và cộng tác
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cổ võ nền văn hóa và đối thoại, đồng thời bài trừ sự kỳ thị những thành phần thiểu số.
Đức Hồng Y đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong bài tham luận hôm 21 tháng Chín vừa qua, tại khóa họp cấp cao của Liên Hiệp Quốc ở New York, nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên ngôn về quyền của những người thuộc các nhóm dân thiểu số về chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ. Ngài cổ võ sự từ khước không sự dùng từ “thiểu số”, khi nó chỉ một phần nhỏ dân cư, hoặc vì việc sử dụng này tạo nên tâm tình bị cô lập và thấp kém. Việc sử dụng các từ ngữ không được làm hao mòn nguyên tắc làm nền tảng cho các quyền tự do cơ bản, nghĩa là nguyên tắc “Tất cả đều có phẩm giá bình trạng và bình quyền”.
Theo Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khẳng định căn tính của mình và sống an bình với người khác, chính là những khát vọng được tất cả các sắc dân thiểu số về chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ trên thế giới chia sẻ: việc bảo vệ các sắc dân này phải tôn trọng các nguyên tắc, như bảo vệ cuộc sống, không loại trừ, không kỳ thị và không đồng hóa.
Đức Hồng Y Parolin nói thêm rằng Tòa Thánh rất quan tâm và lo âu về điều này: các tín hữu Kitô là nhóm bị bách hại nhiều nhất trên thế giới, chứ không phải chỉ nguyên tại các nước trong đó các Kitô hữu là nhóm thiểu số. “Người ta ước lượng có khoảng 360 triệu tín hữu Kitô tại 76 quốc gia bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bạo hành, bách hại vì tín ngưỡng của họ. Đây là một sự vi phạm quyền tự do căn bản về tư tưởng, lương tâm và tôn giáo”.
3. Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của Mạc Tư Khoa nói với Putin: “Hòa bình đang suy thoái”
“Thật không may, hòa bình dường như đang suy thoái”, Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám mục Mạc Tư Khoa và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nga, than thở sau bài phát biểu cuối cùng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Những lời nói vào ngày 21 tháng 9 của Putin dẫn đến “một tình huống không để bất cứ ai được yên”, theo vị giám mục Công Giáo.
“Thật khó cho tôi để nói tại sao quốc gia này lại ra nông nỗi như ngày hôm nay. Theo tổng thống và theo những gì chúng tôi đọc được trên các phương tiện truyền thông địa phương, đó là do xung đột mở rộng. Thật không may, hòa bình dường như đang lùi xa. Tôi tin rằng con đường đã được chỉ ra bởi Đức Thánh Cha Phanxicô. Và đó là luôn cố gắng giữ cho các kênh đối thoại mở, không bao giờ đóng chúng. Không phủ nhận mọi thứ như hiện tại đang bày ra trước mắt ctắt chúng ta, nhưng đồng thời không cần phải đóng cửa. Đối với tôi, đây tiếp tục là con đường khả thi nhất,” ngài nói với SIR, thông tấn xã của Hội Đồng Giám Mục Italia.
Theo Đức Tổng Giám Mục Pezzi, quan điểm của Putin về Ukraine sẽ khiến Nga chắc chắn rơi vào nguy cơ tự cô lập mình. “Tôi không nghĩ đây là vấn đề chính hiện tại. Đối với tôi, dường như vấn đề chính là tìm ra một lối thoát mà không làm cho bất kỳ ai cảm thấy bị đánh bại. Nhưng đây là điều khó khăn lớn nhất vì làm được như thế, thì mới thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng.”
“Về mặt khách quan, tôi thấy rất khó để ai đó sẵn sàng thực hiện bước đầu tiên. Đó là lý do tại sao cần phải tiếp tục nhấn mạnh những bước sáng tạo, như Đức Phanxicô nói, để dấn thân vào những con đường mới trên con đường hòa bình”
Đức Tổng Giám Mục cũng ca ngợi chứng tá của cộng đồng Công Giáo và việc bảo vệ tình hữu nghị và hòa bình, với những đề xuất khiêm tốn và đơn giản của con đường đối thoại và hy sinh.
Source:vidanuevadigital.com