Sống Theo Nếp Văn Hóa Việt Nam

Văn hóa VN phong phú, có nhiều nét đẹp. Ở đây chúng tôi xin đề cập tới “Cái Ăn và Cái Mặc” thường ngày. Nét đẹp riêng biệt độc đáo không đâu có. Ăn để sống, chứ không sống để ăn. Mặc xứng với đạo đức. Hai nhu cầu thực tế cần thiết theo người Công Giáo VN. Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ăn chắc mặc bền. Vì cơm là gạo áo là tiền.

Ăn để sống, chứ không sống để ăn.

Người VN, không tham ăn, coi nhẹ miếng ăn. Như cha ông nhắc nhở mơ ước sống mãi mãi: Ăn để sống, chứ không sống để ăn. Nhưng ít khi tìm xem ‘sống là gì, sống ra sao mới đáng ăn’. Nên không biết ‘ăn là gì’ và ‘ăn như thế nào mới đáng sống’. Vì luôn cẩn thận bảo nhau:

Miếng ăn là miếng nhục

Miếng ăn là miếng tồi tàn

Cách đối sử trong ngày, ăn đối với người này thì nhỏ, mà với người khác lại lớn, đúng “một miếng giữa làng bằng một sang xó bếp”. Có người mất miếng ăn tỏ vẻ bực bội, để lộ con người nhỏ nhen, ích kỷ, thiếu văn hóa.

Ông cha ta rất hiếu khách, hướng miếng ăn cao cả cho mai sau hơn, nên căn dặn: Mình ăn thì hết, người ăn thì còn. Còn ở đây là tình nghĩa lâu dài:

Anh đi đâu cũng ghé lại nhà

Nghèo em, em chịu, vịt gà đãi anh

Sống thành thật có gì đãi nấy. Miền nào thức đó. Không cần đi chợ phiên xa. Cá ốc trong ao, rau trong vườn, gà vịt nuôi sẵn trong nhà.

Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.

Nhưng ăn cũng có cách, qui tắc và pha trộn, mới bảo đảm sức khỏe lâu dài

-Ăn chậm, nhai kỹ, no lâu

Ăn nhanh, chóng đói, lại đau dạ dày

-Muốn cho ngũ tạng được yên

Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau

-Ăn cơm không rau, như đau không thuốc

- Ăn cơm có canh, như tu hành có bạn

Quan trọng. Không gì đẹp bằng gói ghém thân tình trong bữa ăn mang hạnh phúc ấm no

-Rau tôm nấu với ruột bầu

Chồng khen vợ húp gật đầu khen ngon

-Thương chồng nấu cháo le le

Nấu canh hoa lý, nấu chè hột sen

Văn hóa hiệp thông ẩm thực xã hội Công Giáo

Người Việt vốn qúi trọng miếng ăn và giữ khí tiết trong sáng: Đói cho sạch, rách cho thơm. Khi ăn, người Việt hay mời trước, ngồi ăn theo ngôi thứ, trên dưới. Phân biệt thành phần trong mâm cơm. Mời ông bà, cha mẹ, khách đến. Vì thế, bữa ăn VN mang ý nghĩa hiệp thông. Người VN không chỉ ăn cho mình, qua tôn giáo họ còn nhớ và thờ kính tổ tiên bằng bâm cỗ giỗ riêng, dành cho người đã khuất. Người ta còn dành lễ vật cao qúy cho thần linh, xin thoát khỏi tai ương đền bù tội lỗi và các ân huệ khác. Như vậy, con người mắc nợ về sự sống với muôn loài.

Ngay khi cày cấy làm mùa, rõ ràng là liên kết hiệp thông qua nhiều giai đoạn mớ xong.

Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời, trông nước, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng

Ăn là hiệp thông, hòa nhập trong gia đình, cộng đoàn, dân tộc và nhân loại. Mỗi thành phần có nhiệm vụ xây dựng và hy sinh như những tế bào trong thân thể nhiệm mầu. Hiệp thông vào sự sống dẫn mỗi chúng ta đến Giao ước mới, thiêng liêng mới mẻ vĩnh cửu (x. Mc 14, 22-24). Đó là Bàn Tiệc Thánh (x. Mt 26, 26-28). Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với loài người.

Thánh Phaolô diễn tả sự hiệp nhất bằng những lời tha thiết: Khi ta nâng chén chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải dự phần vào máu Đức Kitô ư? Và khi ta bẻ bánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Ngài sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ một thân thể. (1Cr 10, 16-17)

Hiệp thông trong tình yêu. Động lực lớn và mạnh nhất. Để tạo dựng sự sống, bao người vất vả làm việc, đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí phải chết đổi lấy miếng cơm manh áo, vườn rau ao cá, bảo vệ đất nước quê hương. Hòa nhập là sẵn sàng quảng đại chia sẻ những gì Chúa ban cho ai thiếu thốn túng bấn. Người giáo dân thực hiện bữa ăn ‘agape’ khi bẻ bánh ăn chung (x. Cv 2, 42)

Mặc sao cho xứng với đạo đức.

Mặc theo phong cách VN, quần áo không phải che thân mà còn là bảo vệ sự sống phẩm giá con người. Cái mặc là để che thân, vỏ bên ngoài. Lột ra, bên trong ai ‘cũng như ai’. Cách sống chân tình vẫn không là chuyện cái cái áo đơn giản.

Hơn nhau tấm áo manh quần

Thả ra mình trần cũng như ai

Thi sỹ Nguyễn Trãi (1380-1442) dạy con thật kỹ :

Ăn mặc chớ mỹ miều chải chuốt

Hình dung đừng ve vuốt ngắm trông

Một vừa hai phải thì xong

Giọt dài giọt vắn cũng không ra gì? (GHC 9-12)

Ngày nay nét đẹp VN của áo dài. Văn hóa tình yêu mà không ai nghĩ tới bên ngoài. Chiếc áo dài, áo tứ thân, chiếc nón, dáng dấp quê hương dân tộc, thướt tha. Áo dài thành hình ba miền đất nước.

Chiếc áo quê hương dáng thướt tha

Non sông gấm vóc mở đôi tà…

Tà bên Đông Hải lung linh sóng.

Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa

Vạt rộng Nam phần theo cánh gió

Vòng eoTrung bộ thắt lưng ngà

Nhịp tim Hà Nội nhô gò ngực

Hương lúa ba miền thơm thịt da

(Lm Nguyễn Ngọc Sơn. Hội Nhập Văn Hóa Công GiáoVN)

Và còn áo Bà Ba, lịch sự cho đình đám, lễ hội.

Áo bà ba trắng không ngắn, không dài

Sao anh không bận, bận hoài áo thun

Không hợp thời trong xã hội mới, quần gì mà như ‘Cái trống thủng hai đầu’, bị tẩy chay:

Tháng Tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.

Người VN siêng năng chăm sóc chiếc áo cho sạch sẽ, gọn gàng và lịch sự

.

-Áo đen chẳng lẽ đen hoài

Mặc lâu cũng trổ, nắng phai bạc mầu

-Cha đời cái áo rách vai

Mất chồng mất bạn vì mày áo ơi



Mặc theo Công Giáo. Về ăn mặc, người Công Giáo có quan niệm khác biệt hướng về lãnh vực tinh thần đạo đức hơn là quần áo, trang sức bên ngoài.

Đúng như Chúa Giêsu nói: ‘Còn về áo mặc, anh em đừng lo lắng gì?... Anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho’. (x. Mt 6,28-33)

Vì thế, Thánh Phaolô khuyên và đề nghị: ‘Mặc lấy con người mới. Theo hình ảnh Tạo Hóa’ (x. Cl 3, 10). “Mặc lấy Đức Kitô (x. Gl 3, 25). Mặc sao cho hòa hợp ‘để chỉ có Đức Kitô, là tất cả và ở trong mọi người’ (x. Cl 3, 11)

Kết luận. Hai nét văn hóa vừa trình bày còn nhiều trao đổi. Bao giờ con người còn sống thì ăn mặc vẫn tồn tại. Cần nhìn con người qua nhân phẩm, chứ đừng nhìn qua cái áo. Muốn đánh giá con người nhìn vào bên trong, đừng nhìn bên ngoài.