Triết học Luân lý, Chính trị và Pháp luật
Triết học luân lý và chính trị của Maritain nằm trong điều có thể gọi là truyền thống luật tự nhiên Aristốt-Tôma. Tuy nhiên, Maritain cho rằng đạo đức học của Aristốt tự nó là không đủ vì nó thiếu nhận thức về cứu cánh cuối cùng của nhân loại. Quan điểm của phái Tôma - rằng có một quy luật trong bản chất con người bắt nguồn từ (mặc dù có thể biết được một cách tách biệt với) một quy luật thần linh hoặc vĩnh cửu, và ‘cứu cánh’ của nhân loại vượt quá bất cứ điều gì có thể đạt được trong cuộc sống này - theo Maritain, là một tiến bộ đáng kể đối với những gì Aristốt đã cung cấp.
Theo chân Thánh Tôma, Maritain khẳng định rằng có một quy luật tự nhiên “bất thành văn” nhưng nội tại trong tự nhiên. Một cách chuyên biệt, do bản chất tự nhiên có đặc tính cứu cánh, người ta có thể biết một sự vật nên làm gì hoặc nên được sử dụng ra sao bằng cách khảo sát “cùng đích” và “tính hợp qui tắc [normality] trong vận hành của nó”. Do đó, Maritain định nghĩa 'luật tự nhiên' như “Một trật tự hoặc một thiên hướng mà lý trí con người có thể khám phá ra và theo đó ý chí con người phải hành động để phù hợp với những mục đích cần thiết của con người” (La loi naturelle, 1986: 21, bản dịch của Sweet; xem Man and the State, 1951: 86).
Định luật này “quy định các bổn phận căn bản nhất của chúng ta” (Man and the State, 1951: 95) và cùng trương độ với luân lý tính.
Maritain cho rằng có một quy luật tự nhiên duy nhất dành cho mọi hữu thể có bản chất con người. Các nguyên tắc đệ nhất của luật này được biết đến một cách đồng bản tính, không theo lý trí hay thông qua các khái niệm, bởi một hoạt động mà Maritain, theo Thánh Tôma, gọi là synderesis [lương năng]. Như vậy, luật tự nhiên là ‘tự nhiên’ vì nó không chỉ phản ảnh bản chất tự nhiên của con người, mà còn được biết đến một cách tự nhiên. Tuy nhiên, Maritain thừa nhận rằng nhận thức về quy luật tự nhiên thay đổi khắp trong nhân loại và tùy theo năng lực và khả năng của mỗi cá nhân, và ông nói tới sự phát triển trong ý thức luân lý của một cá nhân hoặc một tập thể. Điều này cho phép ông trả lời thách thức cho rằng không thể có một quy luật tự nhiên, phổ quát vì không một quy luật nào như vậy được biết đến hoặc được tôn trọng một cách phổ quát. Một lần nữa, mặc dù định luật này được biết đến một cách tiệm tiến, nó không bao giờ được biết đến một cách hoàn toàn, và vì vậy luật tự nhiên không bao giờ được khai thác cạn kiệt trong bất cứ cách trình bày cụ thể nào về nó (La loi naturelle, xem Sweet 1998). Tuy nhiên, sự thừa nhận yếu tố lịch sử này trong ý thức con người đã không ngăn cản Maritain cho rằng định luật này là khách quan và có tính ràng buộc. (Tuy nhiên, các nhà phê bình đã lập luận rằng nói về 'nhận thức đồng bản nhiên' là điều tối nghĩa; nó hoàn toàn không giống với những gì chúng ta thường gọi là 'nhận thức' và do đó, không đủ để làm cơ sở cho nhận thức về luật lệ [Xem, thí dụ, Nielsen 1959 [1991].)
Một khái niệm chủ chốt trong triết học luân lý của Maritain là khái niệm tự do của con người. Ông nói rằng 'mục đích’ của nhân loại là được tự do nhưng ông không hiểu 'tự do' như buông thả hay quyền tự chủ thuần túy thuần lý, mà là việc thể hiện nhân vị phù hợp với bản chất của họ — nhất là, đạt được sự hoàn thiện về luân lý và tâm linh. Do đó, triết học luân lý của Maritain không thể được xem xét một cách độc lập với sự phân tích của ông về bản chất con người. Maritain phân biệt giữa con người với tư cách là một cá thể và với tư cách là một ngôi vị. Các hữu thể nhân bản là những ‘cá nhân’ có liên quan đến một trật tự chung, có tính xã hội mà họ là các bộ phận. Nhưng họ cũng là những ngôi vị. Ngôi vị (person) là một ‘toàn thể’, là một đối tượng có phẩm giá, “phải được cư xử như một cứu cánh” (Les droits de l’homme, 1942 [1943: 84]), và có một số phận siêu việt. Tuy nhiên, trong cả trật tự vật chất lẫn tinh thần, con người tham gia vào một lợi ích chung (xem D’Souza 2011). Người ta là một cá nhân vì là một hữu thể vật chất; người ta là một ngôi vị bao lâu họ có khả năng hoạt động trí thức và tự do. Tuy nhiên, trong khi khác biệt, cả hai yếu tố đều cần thiết như nhau để trở thành một hữu thể nhân bản. Vì tính cá nhân của họ, con người có nghĩa vụ đối với trật tự xã hội, nhưng vì tính ngôi vị của họ, họ không thể bị phụ thuộc vào trật tự đó. Hơn nữa, nhờ có sự lựa chọn và hành động tự do, một ngôi vị tự xác định mình (xem Toromczak 2008). Sự nhấn mạnh của Maritain về giá trị của nhân vị đã được mô tả như một hình thức của chủ nghĩa nhân vị (personalism), được ông coi như via media (con đường trung dung) giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xã hội.
Mặc dù một số nhà phê bình đã thách thức sự phân biệt của Maritain giữa ngôi vị và cá nhân, chẳng hạn như thiếu sự chặt chẽ về mặt siêu hình (Floucat 1996), nhiều học giả nghiên cứu về Maritain coi đó là một cách hữu ích để sáng lập một nền triết học chính trị tự do, nhưng không cá nhân chủ nghĩa (D'Souza 2008) hoặc dựa trên một nền đạo đức học áp dụng (Acevedo 2012).
Triết học luân lý của Maritain rõ ràng có liên quan đến triết học chính trị và triết học pháp luật của ông. Lập trường nhân vị mà ông bênh vực đã có từ trước vào thế kỷ 19, nhưng có lẽ lần đầu tiên nó trở thành một phần của giải trình về một mô hình văn minh mới (De Tavernier 2009). Trong một trong những tác phẩm chính trị đầu tiên của ông, Maritain đã mô tả quan điểm của mình là “Chủ nghĩa Nhân bản Kitô giáo toàn diện” - ‘toàn diện’, vì nó coi hữu thể nhân bản, một thực thể có cả chiều kích vật chất lẫn tinh thần, như một thể thống nhất và vì nó coi các hữu thể nhân bản trong xã hội như những người tham gia vào lợi ích chung. Mục tiêu triết học chính trị của Maritain là phác thảo những điều kiện cần thiết để biến cá nhân thành nhân bản trọn vẹn. Do đó, chủ nghĩa nhân bản toàn diện của ông tìm cách kết hợp các chiều kích khác nhau của con người lại với nhau, mà không bỏ qua hoặc làm giảm giá trị của một trong hai, và nó được một số người coi là vượt trội so với “chủ nghĩa nhân bản độc chiếm” của Charles Taylor (Klassen 2011) hoặc, ít nhất, như hình thức hoàn tất nó (Doyle 2009). Trong khi lợi ích riêng của người ta trong tư cách một cá nhân phụ thuộc vào lợi ích chung (trần thế) của cộng đồng, trong tư cách một ngôi vị có mục đích siêu nhiên, thì 'lợi ích tinh thần' của một người là vượt trội hơn so với xã hội — và đây là điều được Maritain tin rằng mọi cộng đồng chính trị nên công nhận.
Đối với Maritain, trật tự chính trị tốt nhất là trật tự công nhận quyền thống trị của Thiên Chúa. Do đó, ông bác bỏ không những chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, mà mọi chủ nghĩa nhân bản thế tục. Maritain phản đối rằng những quan điểm như vậy – nhất là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản - không những là tôn giáo thế tục, mà còn hạ nhân phẩm (Kinsella 2012) và dù là người bảo vệ nền dân chủ kiểu Mỹ, ông rõ ràng không quan tâm đến việc kết hợp sự gắn bó của mình với Kitô giáo và chủ nghĩa tư bản. Maritain lập luận rằng một thuyết nhân bản qui thần có nền tảng triết học trong việc thừa nhận bản chất của nhân vị như một hữu thể tinh thần và vật chất — một hữu thể có mối tương quan với Thiên Chúa — và các định chế xã hội và chính trị do đó phải phản ảnh điều này.
Maritain hình dung một xã hội chính trị dưới pháp quyền — và ông phân biệt bốn loại luật pháp: vĩnh cửu, tự nhiên, ‘thường luật văn minh’ (droit des gens hoặc jus gentium = luật của người dân) và luật thực định (droit positif).
Luật tự nhiên là “phổ quát và bất biến” và đề cập đến “các quyền và nghĩa vụ [nhất thiết] phát xuất từ nguyên tắc đệ nhất” (xem La loi naturelle; Man and the State, 1951: 97–98) hoặc giới luật [precept of law]— nghĩa là phải làm điều tốt và tránh điều xấu. Tuy nhiên, dù luật tự nhiên là “tự hiển nhiên” (xem Man and the State, 1951: 90) và nhất quán cũng như được xác nhận bởi kinh nghiệm - điều bị nhiều nhà phê bình thách thức - Maritain cho rằng nó không dựa trên bản chất con người. Nó bắt nguồn từ lý trí thần linh và từ một trật tự siêu việt (tức là từ luật vĩnh cửu), và được Thiên Chúa ‘viết vào trong’ bản chất con người. Có lúc, hình như Maritain cho rằng luật tự nhiên có được đặc tính bắt buộc của nó chỉ vì mối liên hệ của nó với luật vĩnh cửu; ông viết rằng “luật tự nhiên chỉ là luật vì nó tham dự vào Luật vĩnh cửu” (xem Man and the State, 1951: 96). (Một số người đã kết luận - có lẽ quá vội vàng - rằng một lý thuyết đề cập đến Luật Vĩnh cửu cuối cùng phải là thần học chứ không thể thuần túy là triết học.)
Droit des gens hay 'thường luật văn minh' là sự mở rộng của luật tự nhiên tới các hoàn cảnh của cuộc sống trong xã hội, và do đó nó liên quan đến các hữu thể nhân bản trong tư cách các hữu thể xã hội (thí dụ, như các công dân hoặc thành viên của gia đình). 'Luật thực định' là hệ thống các quy tắc và quy định liên quan đến việc bảo đảm trật tự chung trong một xã hội đặc thù. Nó thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển xã hội hoặc kinh tế trong cộng đồng đó và theo các hoạt động chuyên biệt của các cá nhân trong cộng đồng đó. Tuy nhiên, cả luật thực định lẫn droit des gens đều không thể suy diễn từ luật tự nhiên. Cả hai đều không được biết đến một cách đồng bản nhiên và do đó, không phải là một phần của luật tự nhiên. Tuy nhiên, chính vì mối liên hệ của chúng với luật tự nhiên mà chúng “có sức mạnh của luật pháp và tự áp đặt lên lương tâm” (Les droits de l’homme, 1942 [1943: 90–1]). Khi một luật thực định hành động chống lại luật tự nhiên, nói đúng ra, nó không phải là một luật. Như thế, Maritain rõ ràng bác bỏ chủ nghĩa thực định pháp lý.
Tuy nhiên, thuật ngữ 'luật tự nhiên' và các mối liên hệ của nó với cả 'luật vĩnh cửu' lẫn luật thực định đều là tập chú của nhiều tranh cãi. Giải trình của Maritain về luật tự nhiên vừa giả thiết một quan điểm siêu hình về bản chất hữu thể nhân bản vừa là một nhận thức luận hiện thực, và các nhà phê bình đã lập luận rằng có một số căng thẳng hoặc bất nhất bên trong nó. Một số chỉ trích chính đối với giải trình này là i) nó không nhất quán vì nó đặt ra một lý thuyết duy tự nhiên về điều gì tốt điều gì xấu, nhưng lại tuyên bố rằng chỉ có một chế tài siêu nhiên mới có thể giải thích được nghĩa vụ luân lý, ii) nhận thức đồng bản nhiên không những thiếu thỏa đáng đối với điều chúng ta thường coi là nhận thức, mà trên thực tế, cũng không có khả năng xác lập rằng một điều gì đó là luật luân lý tự nhiên, iii) nguyên tắc đầu tiên của luật luân lý trống rỗng, và iv) Maritain che đậy sự phân biệt sư kiện / giá trị.
Maritain chủ trương rằng lý thuyết luật tự nhiên liên quan đến các nhân quyền. Vì mục đích tự nhiên của mỗi ngôi vị là đạt tới sự hoàn thiện về luân lý và tinh thần, nên cần phải có các phương tiện để làm như vậy, nghĩa là có các quyền mà, vì chúng giúp thể hiện bản chất của họ, nên được gọi là 'tự nhiên'. Điều này tôn trọng nguyên tắc Aristốt-Tôma về công lý, một nguyên tắc cho rằng chúng ta nên phân phối cho mỗi người "điều thực sự là của anh ta hoặc của cô ta". Trả lời chỉ trích, Maritain cho rằng không có những quyền như thế, vì chúng không được công nhận một cách phổ quát, bằng cách nhắc nhở độc giả của ông rằng, luật tự nhiên dần dần được công nhận với thời gian thế nào, thì các quyền cũng dần dần được công nhận như thế. Thật vậy, Maritain cho rằng một số quyền căn bản tự nhiên có thể được mọi người công nhận mà không cần phải nhất trí về nền tảng của chúng, và để minh họa điều này, ông chỉ ra thỏa thuận chung về những quyền đó trong Tuyên ngôn chung của Liên hiệp quốc năm 1948 về các Nhân Quyền. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc giải thích thỏa đáng về các nhân quyền đòi hỏi phải có nền tảng trong luật tự nhiên (xem Man and the State, 1951: Ch. IV) —một chủ trương bị nhiều tác giả theo truyền thống Anh-Mỹ bác bỏ, chẳng hạn như Rawls (Clark 2012).
Maritain cho rằng các quyền tự nhiên có tính nền tảng và không thể chuyển nhượng, và có trước trong tự nhiên, và cao hơn xã hội. Tuy thế, không nên hiểu chúng như "tiền thân" theo nghĩa thời gian và không nên dùng chúng làm cơ sở cho nhà nước hoặc luật dân sự. Các quyền đặt cơ sở trên luật tự nhiên, và một cách chuyên biệt trong tương quan với lợi ích chung. Chính điều tốt này, chứ không phải các quyền cá thể, là cơ sở của nhà nước, và chính vì điều này mà Maritain cho rằng có thể có việc sắp xếp phẩm trật cho các quyền này (Man and the State, 1951: 106–7).
Một hệ quả của lý thuyết luật tự nhiên và các quyền tự nhiên của ông là Maritain ủng hộ quan điểm dân chủ và tự do về nhà nước, và lập luận cho một xã hội chính trị vừa duy nhân vị, duy đa nguyên vừa lấy cảm hứng từ Kitô giáo. Ông cho rằng thẩm quyền cai trị bắt nguồn từ người dân - vì người dân có quyền tự nhiên để tự cai trị. Tuy thế, theo tư tưởng của Maritain, điều này nhất quán với việc dấn thân vào Kitô giáo, vì chính các lý tưởng dân chủ được truyền cảm hứng từ niềm tin vào quyền cai trị của Thiên Chúa và nguồn gốc đệ nhất của mọi thẩm quyền là Thiên Chúa (Man and the State, 1951: 127).
Maritain cũng ủng hộ một số lý tưởng tự do, và danh sách các quyền mà ông thừa nhận vượt xa rất nhiều so với nhiều lý thuyết tự do, và bao gồm các quyền của người lao động cũng như quyền của con người và công dân. Đặc biệt, ông là người bảo vệ tự do lương tâm - chứ không chỉ đơn giản là tự do tôn giáo hay tự do thờ phượng – được ông coi là nền tảng cho việc phát triển trọn vẹn nhân cách con người và cho lợi ích chung của xã hội (Sweet 2006, Coulter 2012).
Hơn nữa, lý tưởng về tự do được tìm thấy nơi nhà nước rất gần với lý tưởng mà ngày nay thường được gọi là tự do tích cực — tức là lý tưởng phản ảnh quan điểm coi ngôi vị như là chủ thể tham dự vào lợi ích chung. Với tư cách một chính thể cố gắng cung cấp các điều kiện cho việc thể hiện nhân vị như một cá nhân, chủ thể, do đó, là một thành viên của một cộng đồng trần thế, nó thừa nhận rằng việc các cá nhân sử dụng các thiện ích phải phục vụ thiện ích của mọi người (Integral Humanism, 1936 [1968: 184]), và các cá nhân có thể được yêu cầu phục vụ cộng đồng. Hơn nữa, trong tình trạng như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị không những là phát ngôn viên cho người dân (Man and the State, 1951: 140), và Maritain thừa nhận rằng họ có thể đại diện cho ‘ý chí tiềm ẩn’ của người dân. Tuy nhiên, mục tiêu của họ — và mục tiêu của nhà nước như một toàn thể — luôn là lợi ích chung. Vì chính các nhóm thiểu số có thể phản ảnh ‘ý chí tiềm ẩn’ này, nên Maritain cũng thừa nhận vai trò quan trọng của các nhóm thiểu số bất đồng chính kiến.
(Maritain không thảo luận chi tiết về chính thể theo mô hình ‘Kitô giáo’ của ông có thể được thực hiện ra sao, nhưng gợi ý rằng nó là chính thể duy nhất đề cao giá trị tinh thần của mỗi ngôi vị và thừa nhận tầm quan trọng của việc cung cấp các phương tiện để thúc đẩy sự phát triển của người ta như một ngôi vị. Nó thừa nhận các dị biệt của lương tâm tôn giáo và bằng cách này có tính đa nguyên trong nền tảng. Maritain tin rằng một chính thể như thế sẽ không những chứng tỏ khoan dung mà còn là tình bạn và tình đồng chí [xem D'Souza 2011, Zunic 2005], và do đó sẽ có sự gắn kết xã hội. Tuy nhiên, liệu nó có thực sự có thể khoan dung tính đa nguyên trong khi vẫn là một cộng đồng thống nhất hay không vẫn là chủ đề của một số cuộc tranh luận [Armor 2005].)
Trong một chính thể lý tưởng như vậy, Maritain tưởng tượng rằng vai trò lãnh đạo sẽ được đảm nhiệm bởi rất nhiều nhóm huynh đệ công dân', được thành lập trên cơ sở tự do, lấy cảm hứng từ các nhân đức Kitô giáo, phản ảnh kỷ luật luân lý và tinh thần, và trong căn bản có tính dân chủ. Mặc dù những nhóm như vậy không nhất thiết phải thực thi quyền lực chính trị, nhưng toàn xã hội sẽ phản ảnh các giá trị Kitô giáo — không những vì các giá trị này là một phần của tôn giáo hoặc đức tin ưu tuyển (một vấn đề mà Maritain sẽ bảo vệ), mà vì các giá trị này là cần thiết cho cộng đồng trần thế. Trong một chính thể như vậy, tất nhiên, người ta sẽ tìm thấy một giáo hội và một nhà nước, mặc dù Maritain sẽ coi chúng như những thực thể hợp tác, với việc nhà nước phụ trách các vấn đề tuy tập trung vào các quan tâm trần thế nhưng vẫn giải quyết các nhu cầu của toàn thể nhân vị, và với việc giáo hội tập trung vào các vấn đề tâm linh.
Có lẽ, hiển nhiên là một chính thể như vậy không thể sống còn trong một quốc gia đơn nhất hiện hữu giữa nhiều quốc gia với những lý tưởng khác nhau, và vì vậy Maritain ủng hộ lý tưởng về một liên bang thế giới gồm các xã hội chính trị (xem Goedert 2010). Dù việc hiện thực hóa một lý tưởng như vậy là điều sẽ xảy ra trong một tương lai xa, Maritain vẫn nghĩ rằng một liên bang như vậy là có thể thực hiện được, miễn là các tiểu bang riêng lẻ vẫn giữ được mức độ tự trị hợp tình hợp lý và có thể tìm thấy những người từ mỗi tiểu bang tự nguyện tách mình ra khỏi lợi ích đặc thù của quê hương họ.
Maritain có ảnh hưởng đáng kể trong việc phát triển và vận động cho Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, và triết lý chính trị của ông đã có tác động đáng kể đến các đảng 'Dân chủ Kitô giáo' ở Tây Âu, Chile và Argentina (Saranyana, 1999–2002: 205), cũng như về tư duy lập hiến ở Mỹ Latinh và sau này là ở Canada. Việc bảo vệ các quyền tự nhiên của ông, được phát triển bắt đầu từ cuối những năm 1930 và được cung cấp một cách chi tiết trong Les droits de l'homme et la loi naturelle (1942), được cho là có mặt trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Mỹ Châu về các Quyền và Nghĩa vụ của Con người (đã được thông qua bởi Hội nghị Quốc tế lần thứ IX của các Quốc gia Châu Mỹ, tại Bogotá, Colombia, năm 1948), một tuyên ngôn, đến lượt nó, đã ảnh hưởng đến một số thành viên của Ban soạn thảo của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc. Hơn nữa, không những một số bài viết quan trọng của Maritain đã được Ủy ban soạn thảo đọc trước mà một trong những thành viên chủ chốt của Ủy ban, Charles Malik, đã theo sát tư tưởng chính trị của Maritain về một số khía cạnh. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tuyên ngôn có những song hành chặt chẽ với các quyền được liệt kê trước đó trong Les droits de l'homme et la loi naturelle, và Maritain là người cổ vũ chính cho bản văn bản đó trong khuôn khổ UNESCO, vào năm 1947–48, trước khi nó được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua, và cả trong quá trình phát triển sau này.
Thẩm mỹ học và triết học nghệ thuật
Maritain có niềm yêu thích từ lâu đối với nghệ thuật và các nghệ thuật. Từ một trong những cuốn sách đầu tiên của ông, Art et scolastique [Nghệ thuật và Kinh viện](1920, bản tiếng Anh: Art and Scholasticism), qua tác phẩm đề cập đến họa sĩ Georges Rouault và tác giả Jean Cocteau (Thí dụ, Art and Faith: Letters between Jacques Maritain and Jean Cocteau, 1926 [1948] ), tới Frontières de la poésie (1935, bản tiếng Anh: Art and Poetry), Situation de la poésie [Tình huống Thi ca] (1938, bản tiếng Anh: Situation of Poetry), Creative Intuition in Art and Poetry [Trực giác Sáng tạo trong Nghệ thuật và Thi ca] (1953) và The Responsibility of the Artist [Trách nhiệm của Nghệ sĩ] (1960), người ta thấy sự chú tâm lâu dài dành cho chủ đề, và các tham chiếu đến nghệ thuật xuất hiện xuyên suốt công trình của ông, đặc biệt trong nhận thức luận của ông. Điều này không có gì ngạc nhiên. Vợ của Maritain, Raïssa, là một nhà thơ, và trong số bạn bè và thân quen của ông, Maritain có các họa sĩ Marc Chagall và Georges Rouault, các tác giả Georges Bernanos, Jean Cocteau và Julien Green, và nhà soạn nhạc Arthur Lourié.
Tập chú trước tác của Maritain không phải là lý thuyết thẩm mỹ hay thậm chí là kinh nghiệm thẩm mỹ, mà là nghệ thuật và bản chất của cái đẹp. Maritain tìm cách tham gia vào thế giới nghệ thuật đương thời, nhưng ông cũng chỉ trích phần lớn khoa thẩm mỹ được bao hàm bởi nó; ông đề nghị khám phá các nguyên tắc của nghệ thuật vào thời điểm mà việc nói về các nguyên tắc đó đã trở nên hơi bị nghi ngờ. Sự quen thuộc của ông với nghệ thuật khiến công trình của ông trở nên phù hợp và dễ tiếp cận với những người tham dự vào chúng, và mặc dù tác phẩm ban đầu của ông dựa trên kiến thức của ông về nghệ thuật phương Tây, trong tác phẩm sau này, ông cũng viết về nghệ thuật trong các nền văn hóa châu Á và Ấn Độ.
Về các nghệ thuật, thi ca thường xuất hiện trong các cuộc thảo luận của Maritain về vẻ đẹp và chiêm niệm. Tuy nhiên, định nghĩa của Maritain về 'thơ' rất độc đáo; ông viết, "việc thông đạt qua lại giữa hữu thể bên trong của sự vật và hữu thể bên trong của con người vốn là một kiểu tiên đoán" (Creative Intuition, 1953: 3) - mặc dù một số nhà phê bình vẫn không biết chắc Maritain muốn nói gì với định nghĩa này. Do đó, thông qua thi ca, Maritain cho rằng có thể có một sự chiêm niệm về “hữu thể bên trong của sự vật” và do đó, của vẻ đẹp (Trapani 2011: 163). Do đó, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa việc hiểu hữu thể trong triết học và thi ca (xem Chenet 2012).
Một đặc điểm nổi bật trong cuộc thảo luận của Maritain về nghệ thuật là lời giải thích của ông về nghệ thuật là gì. Đối với Maritain, nghệ thuật là “đức tính của trí hiểu thực tiễn nhằm mục đích tác tạo” (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 13]; Creative Intuition, 1953: 49); như thế, nó là một đức tính tìm thấy nơi các nghệ nhân và nghệ sĩ như nhau (xem Storck 2010). Maritain viết, đức tính hay habitus [tập tính] của nghệ thuật, không chỉ đơn giản là “sự phát triển bên trong của cuộc sống tự phát”, mà còn mang đặc tính trí thức và liên quan đến sự tu dưỡng và rèn luyện. Với tư cách là một đặc điểm của trí hiểu thực tiễn, nghệ thuật không phải là một hoạt động suy luận hay lý thuyết; nó không nhằm nhận thức, mà nhằm làm. Hơn nữa, người ta có thể dạy về nó (Trutty-Coohill 2008). Cuối cùng, Maritain viết rằng việc 'tác tạo' mà nghệ thuật hướng tới là một điều được chính cùng đích của hoạt động đó yêu cầu, chứ không phải sở thích đặc thù của nghệ sĩ.
Theo quan điểm của Maritain, điều phân biệt mỹ thuật với công việc của các nghệ nhân là mỹ thuật chủ yếu quan tâm đến cái đẹp - nghĩa là "điều khi được nhìn thấy sẽ làm hài lòng" (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 23]; Creative Intuition, 1953: 160); quan điểm cổ điển này, một lần nữa được phỏng theo Thánh Tôma, đi ngược lại với một số xu hướng chính của thẩm mỹ học và nghệ thuật kể từ thế kỷ mười tám. Tuy nhiên, Maritain khẳng định rằng quan điểm của ông về vị trí của cái đẹp trong nghệ thuật nhất quán hơn với việc thực hành hoạt động nghệ thuật. Thí dụ, mặc dù một tác phẩm nghệ thuật tự nó là một mục đích, nhưng mục đích tổng quát của nghệ thuật là vẻ đẹp. Như thế, vì nghệ thuật là một đức tính nhằm mục đích tạo tác, để trở thành một nghệ sĩ đòi phải hướng tới việc làm ra những sự vật đẹp đẽ (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 33]).
Vẻ đẹp có thể được tìm thấy trong tự nhiên cũng như trong nghệ thuật. Mặc dù cái đẹp tác động đến con người thông qua các giác quan, và trong khi ý thức về cái đẹp không liên quan đến trừu tượng hóa (cũng như nhận thức trong các khoa học), tuy nhiên, cái đẹp là một đối tượng của trí hiểu. Maritain, theo chân Thánh Tôma, nói rằng vẻ đẹp “làm vui sự hiểu biết”; như thế, việc đánh giá cao nghệ thuật, về phía người thưởng ngoạn, liên quan đến việc đánh thức trí hiểu.
Nghệ thuật có cả chiều kích chủ quan lẫn chiều kích khách quan. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật rõ ràng là hoạt động do một chủ thể thực hiện. Hơn nữa, Maritain thừa nhận rằng vẻ đẹp có tính loại suy - cũng giống như 'tốt'; mọi sự đều tốt theo cách riêng của nó thế nào, thì mọi sự cũng đều đẹp theo cách riêng của nó. Tuy nhiên, vẻ đẹp không phải là một điều gì đó hoàn toàn mang tính chủ quan hay tương đối. Vẻ đẹp - và nói một cách rộng hơn, nghệ thuật - là một điều gì đó liên quan đến tính toàn vẹn, tỷ lệ, sự lộng lẫy hay tính rõ ràng, vốn là các phẩm tính khách quan. Nói rộng hơn, nghệ thuật có mối tương quan với thế giới; nó có thể là đáp ứng với thế giới, nhưng phát biểu của nó cũng được xác định bởi thế giới và bởi chính việc làm. (Điều này cũng giúp đặt các tham vọng và cao ngạo của nghệ sĩ vào viễn ảnh). Sau cùng, vẻ đẹp và nghệ thuật được nối kết với thể tâm linh và kinh nghiệm tâm linh (Creative Intuition, 1953: 178). Với tư cách một hoạt động sáng tạo, nghệ thuật cuối cùng phụ thuộc vào (và Maritain nói rằng nó được "sắp xết cho") Đấng sáng tạo và do đó, mục đích của nó, vẻ đẹp, có mối liên hệ với thể thần linh và với những điều siêu việt là điều tốt, điều đúng và điều thống nhất.
Đặc điểm chủ yếu thứ hai trong quan điểm của Maritain về nghệ thuật là nghệ thuật liên quan đến tự do; các quan điểm của ông ở đây không chỉ phản ảnh siêu hình học của ông, mà còn tác động lên triết lý chính trị của ông nữa. Đối với Maritain, hoạt động nghệ thuật là một phần trong động lực cơ bản của con người để sáng tạo và tác tạo. Điều này đòi hỏi tự do - và do đó, nghệ sĩ phải được tự do. Thật vậy, đối với Maritain, tự do là đặc tính căn bản của con người. Nhưng sự tự do này không phải là tuyệt đối. Maritain nhắc nhở độc giả của mình rằng tự do không phải là buông thả, muốn làm gì thì làm, tùy theo ý muốn của người ta. Tự do dưới mọi hình thức cuối cùng phải tuân theo sự thật và, đối với nghệ sĩ, nó cũng phải tuân theo “những điều kiện tinh thần của việc làm trung thực” (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 4]). Maritain muốn nói rằng hoạt động nghệ thuật tương tự như hoạt động sáng tạo tự do của Thiên Chúa (xem những bức thư của ông gửi Cocteau); nó là "sự tương đồng tự nhiên cao nhất với hoạt động của Thiên Chúa" (Art and Faith, 1926 [1948: 89]).
Dù Maritain bác bỏ sự phụ thuộc của nghệ sĩ vào chính trị và tôn giáo, ông cũng phủ nhận rằng nghệ sĩ chỉ phải trả lời cho chính họ. Ông viết, bản ngã sáng tạo, “tự chết đi cho chính nó để sống trong tác phẩm [của nó]” (Creative Intuition, 1953: 144). Hơn nữa, Maritain viết rằng nghệ thuật 'hoàn thiện' người nghệ sĩ; bằng cách dấn thân vào hoạt động này có một “sự hoàn thiện tinh thần” (Art and Scholasticism, 1920 [1962: 62]). Như thế, quyền tự do mà Maritain gán cho các nghệ sĩ không phải là một quyền tự do vô luật lệ.
Đặc điểm khác biệt thứ ba trong triết học nghệ thuật của Maritain là giải trình của ông về nhận thức nghệ thuật (hay đôi khi ông gọi là 'thi ca'). Maritain lưu ý sự tập trung vào ý thức bản ngã như một đặc điểm của nghệ thuật từ thời lãng mạn Đức, và ông nhận ra giá trị của nó bao lâu nó thách thức việc nhấn mạnh của một số nghệ sĩ ở thế kỷ 17 tới lý trí và kỹ thuật cơ khí - có lẽ muốn nói tới các nhân vật như Paul Freart de Chantelou. Nhận thức nghệ thuật là một điển hình của điều được Maritain gọi, một cách tổng quát, là nhận thức mặc dù là nhận thức đồng bản nhiên; nó là một loại 'trực giác sáng tạo' phát sinh từ "tính sáng tạo tự do của tinh thần" (Creative Intuition, 1953: 112; Natural Law, 2001: 18; xem Bellusci 2013, Klein 2010). Maritain cũng mô tả hoạt động nghệ thuật như một sự “nắm bắt, bởi nhà thơ, tính chủ quan của chính mình để có thể sáng tạo” (Creative Intuition, 953: 113). Như đã nói trên đây, trong cuộc thảo luận về nhận thức luận của Maritain, nhận thức này thông qua tính đồng bản nhiên tìm thấy ở bình diện trí hiểu tiền thức [preconscious]. Mặc dù nó không mang tính khái niệm và "tối nghĩa" (Creative Intuition, 1953: 18; xem Natural Law, 2001: 18), tuy nhiên, nó là một nhận thức về một "thực tại cụ thể" - dù là một nhận thức “xu hướng về và mở rộng đến vô hạn” (Creative Intuition, 1953: 126).
Các quan điểm của Maritain về nghệ thuật có ảnh hưởng đáng kể đến một số nghệ sĩ, nhà văn và nhà soạn nhạc cùng thời với ông, chứ không chỉ đối với những người đối thoại với ông. Nhà văn người Mỹ, Flannery O’Connor, coi Art and Scholasticism (Nghệ thuật và Chủ nghĩa Kinh viện) là cuốn sách mà cô đã “rút được kinh nghiệm về thẩm mỹ của [mình]” (O'Connor 1979: 216), và nhà văn Canada Morley Callaghan đã nhận xét rằng, vào đầu thế kỷ 20, “Các nghệ sĩ Kitô giáo đã tìm thấy phẩm giá và cuộc phiêu lưu tâm linh mới mẻ” trong tác phẩm của Maritain (Callaghan 1963 [2006: 76]). Mặc dù không còn là trung tâm trong các cuộc tranh luận đương thời về thẩm mỹ, nhưng quan điểm của Maritain vẫn tiếp tục có nhiều khán giả.
Nói tóm lại, theo Sweet, vào thời điểm ông qua đời, Maritain được cho là nhà triết học Công Giáo được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Bề dày công trình triết học của ông, ảnh hưởng của ông trong triết học xã hội của Giáo Hội Công Giáo, và sự bảo vệ nhiệt tình của ông về nhân quyền đã khiến ông trở thành một trong những nhân vật trung tâm của thời đại. Các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến nhiều nhân vật, từ Thomas Merton, Yves Simon, và Gabriel Marcel (tuy nhiên, sau này bị ông ghẻ lạnh), đến Saul Alinksy, Martin Luther King, Paul Martin, và Eduardo Frei trong lĩnh vực chính trị, cho đến các nghệ sĩ như Bernanos, Julien Green, và Lourié, và đến các Giáo hoàng Gioan XXII và Phaolô VI (người sau này đã dịch hai cuốn sách của Maritain sang tiếng Ý, và người đã tôn vinh Maritain bằng cách trình bày “Thông điệp gửi Các Tư tưởng gia và Khoa học gia” cho ông vào buổi kết thúc Công đồng Vatican II, năm 1965).
Công trình triết học của Maritain đã được dịch sang khoảng 20 thứ tiếng. Như đã thấy rõ từ những nhận xét trên đây, nó bao gồm nhiều lĩnh vực — mặc dù phần lớn nó được viết cho độc giả tổng quát, hơn là độc giả học thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một số tác phẩm của Maritain mang tính luận chiến và vì phần lớn mối quan tâm của ông (đặc biệt là về lịch sử triết học) là giải quyết các vấn đề triết học và thần học rất chuyên biệt trong thời đại ông, nên các bản văn này có thể có tính cách thời thế.
Di sản lâu dài nhất của Maritain chắc chắn là triết học chính trị và luân lý của ông, và ảnh hưởng công trình của ông đối với các nhân quyền có thể nhìn thấy, không những trong Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc năm 1948 mà còn được khẳng định, trong một số tuyên ngôn quốc gia, chẳng hạn như Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada và lời mở đầu cho Hiến pháp của Đệ tứ Cộng hòa Pháp (1946) — bản cuối cùng này giống như một phản ảnh bức thư dài của Maritain gửi cho người anh hùng chiến tranh của Pháp và sau này là Tổng thống Charles DeGaulle. Chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa nhân vị Kitô giáo của Maritain cũng có ảnh hưởng đáng kể trong các thông điệp xã hội của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và trong tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Điều đáng lưu ý là kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các ý tưởng chính trị của Maritain đã được hồi sinh ở Trung và Đông Âu.
Hai lĩnh vực khác mà tư tưởng của Maritain có ảnh hưởng là thẩm mỹ học và triết lý giáo dục của ông. Mặc dù không còn mạnh mẽ như trước, nhưng chúng đặc biệt có ý nghĩa ở châu Mỹ Latinh và châu Phi nói tiếng Pháp từ những năm 1930 cho đến những năm gần đây. Tuy nhiên, công trình của Maritain về nhận thức luận, mặc dù rõ ràng là cần thiết đối với tư tưởng chính trị và tôn giáo cũng như thẩm mỹ học của ông, tuy nhiên, đã không có được sự đón nhận xứng đáng như Maritain từng nghĩ.
Không dễ gì đặt công trình của Maritain trong lịch sử triết học ở thế kỷ XX. Rõ ràng, ảnh hưởng của ông mạnh nhất ở những quốc gia mà triết học của Thánh Tôma có vị trí đáng tự hào. Dù triết học chính trị của ông đã dẫn ông, ít nhất là vào thời ông, đến chỗ được coi là một người theo chủ nghĩa tự do và thậm chí là một nhà dân chủ xã hội, ông tránh xa chủ nghĩa xã hội và, trong Le payan de la Garonne, ông là một người phê phán sớm sủa nhiều cải cách tôn giáo theo sau Công đồng Vatican II. Như thế, người ta dám nói rằng ông bị những người theo chủ nghĩa tự do ngày nay coi là quá bảo thủ, và nhiều người bảo thủ coi ông là quá tự do. Một lần nữa, mặc dù thường được coi là một người theo chủ nghĩa Tôma, nhưng mức độ của ông trong vấn đề này vẫn còn được tranh cãi. Thật vậy, theo Etienne Gilson, ‘thuyết Tôma’ của Maritain thực sự là một nhận thức luận và do đó, hoàn toàn không phải là một thuyết Tôma thực sự. Không có gì ngạc nhiên khi không có quan điểm chung nào về đặc điểm chính xác trong triết học của Maritain.
Tuy nhiên, công trình của Maritain vẫn có ảnh hưởng. Từ năm 1958 đã có Trung tâm Jacques Maritain tại Đại học Notre Dame ở Hoa Kỳ, có các tạp chí dành cho công việc của ông, chẳng hạn như Études maritainiennes / Maritain Studies, Notes et documents, và Cahiers Jacques et Raïssa Maritain, và hiện có khoảng 20 hiệp hội quốc gia họp thường xuyên, ngoài Institut International Jacques Maritain. Việc liên tục quan tâm đến tư tưởng của ông trong thế giới nói tiếng Anh đã dẫn đến việc, vào giữa những năm 1990, Nhà xuất bản Đại học Notre Dame đảm nhiệm việc xuất bản Tuyện tập các Công trình từ các ấn bản tiếng Anh các tác phẩm của Maritain.
Thư mục
Sweet liệt kê các sách và tài liệu thuộc nguồn đệ nhị (không phải công trình của chính Maritain) ông tham khảo như sau
• Acevedo, Alma, 2012, “Personalist Business Ethics and Humanistic Management: Insights from Jacques Maritain”, Journal of Business Ethics, 105(2): 197–219. doi:10.1007/s10551-011-0959-x
• Allard, Jean-Louis, 1978, L’éducation à la liberté ou la philosophie de l’éducation de Jacques Maritain, Ottawa: Éditions de l’Université d’Ottawa.
• –––, 1982, Education for Freedom: The Philosophy of Education of Jacques Maritain, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• –––, 1985, Jacques Maritain, Philosophe dans la cité/ A Philosopher in the World, Ottawa: University of Ottawa Press.
• American Maritain Association, 1981, Selected Papers from the Conference-Seminar on Jacques Maritain’s The Degrees of Knowledge, St. Louis, MO: American Maritain Association.
• Armour, Leslie, 2005, “Escaping Determinate Being: The Political Metaphysics of Jacques Maritain and Charles de Koninck”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 21: 61–96.
• Arraj, James, 2006, “Maritain’s Lost Sequel to The Degrees of Knowledge and the Future of Thomism”, Gregorianum, 87(3): 544–556.
• Barré, Jean-Luc, 1996 [2005], Jacques et Raïssa Maritain, les Mendiants du Ciel, Paris: Stock. English translation: Jacques & Raïssa Maritain: Beggars for Heaven, Bernard E. Doering (trans.), Notre Dame: University of Notre Dame Press, 2005.
• Barreira, Marcelo Martins, 2008, “A função do Entendimento e da Vontade na Contemplação Mística: Sobre o paralelismo entre João da Cruz e Tomás de Aquino”, Revista Portuguesa de Filosofia, 64(1): 545–557.
• Bars, Henry, 1959, Maritain en notre temps, Paris: Bernard Grasset.
• Bellusci, David, 2013, “Jacques Maritain and Poetic Intuition”, Maritain Studies / Etudes maritainiennes, 29: 40–52.
• Boas, George, 1952, “Review of The Philosophy of Nature”, The Journal of Philosophy, 49(7): 247–252. doi:10.2307/2021495
• Bonaventure of Bagnoregio, St., 1259 [1938, 2002], Itinerarium Mentis in Deum [Tria opuscula Seraphici Doctoris S. Bonaventurae. Breviloquium, Itinerarium mentis in Deum, et De reductione artium ad theologiam, The Fathers of the Collegii S. Bonaventura (eds.), Florence: Quaracchi, 1938; Journey of the Soul into God, Zachary Hayes, OFM, and Philotheus Boehner, OFM (trans.), St. Bonaventure, NY, Franciscan Institute Publications, 2002.
• Caldera, Rafael-Tomás, 1980, Le jugement par inclination chez Saint Thomas d’Aquin, Paris: Vrin.
• Callaghan, Morley, 1963, That Summer in Paris; Memories of Tangled Friendships with Hemingway, Fitzgerald, and Some Others, New York,: Coward-McCann. Toronto: Exile Editions, 2006.
• Campana, Gilberto, 2002, “Un testo di Maritain su Spinoza”, Aquinas, 45(1): 105–133.
• Carlson, John W., 2012, Understanding Our Being, Washington: Catholic University of America Press.
• Chenaux, Philippe, 1999, Entre Maurras et Maritain, Une génération intellectuelle catholique (1920–1930), Paris: Cerf.
• Chenet, François, 2012, “Métaphysique et poésie: une admirable concordia discors?”, Revue Philosophique de la France et de l’Etranger, 202(1): 15–28.
• Clark, Meghan J., 2012, “Reasoned Agreement versus Practical Reasonableness: Grounding Human Rights in Maritain and Rawls”, Heythrop Journal, 53(4): 637–648. doi:10.1111/j.1468-2265.2009.00557.x
• Contat, Alain, 2008, “Le figure della differenza ontologica nel tomismo del Novecento (seconda parte)”, Alpha Omega: Rivista di Filosofia e Teologia dell’Ateneo Pontificio Regina Apostolorum , 11(2): 213–250.
• Compagnon, Olivier, 2003, Jacques Maritain et l’Amérique du Sud. Le modèle malgré lui, Villeneuve d’Ascq: Presses universitaires du Septentrion.
• Coulter, Gregory J., 2012, “Maritain on tolerance and religion”, Science et esprit, 64(2): 217–227.
• Croteau, Jacques, 1950, Les fondements thomistes du personnalisme de Maritain, Ottawa: Éditions de l’Université d’Ottawa.
• D’Souza, Mario, 2000, “Intellectual Unity, Intellectual Virtues, and Intellectual Culture”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 16: 59–70.
• –––, 2008, “The Person, Natural Law, and the Good of Pluralist Societies: Some Thoughts from Maritain’s Political Philosophy”, Maritain Studies / Etudes maritainiennes, 24: 3–18.
• –––, 2011, “Being, Becoming, and the Philosophical Transformation of the Self”, Philosophy, Culture, and Traditions, 7: 51–61.
• Daly, Mary F., 1966, Natural Knowledge of God in the Philosophy of Jacques Maritain, Rome: Officium Libri Catholici-Catholic Book Agency.
• Daujat, Jean, 1978, Maritain: Un maître pour notre temps, Paris: Téqui.
• De Tavernier, Johan, 2009, “The Historical Roots of Personalism: From Renouvier’s Le Personnalisme, Mounier’s Manifeste au service du personnalisme and Maritain’s Humanisme intégral to Janssens’ Personne et Société”, Ethical Perspectives: Journal of the European Ethics Network, 16(3): 361–392.
• Deely, John, 1997, “Quid Sit Postmodernismus?”,, in Postmodernism and Christian Philosophy, Roman T. Ciapalo (ed.), Washington, DC: Catholic University of America Press/American Maritain Association, pp. 68–96.
• Delfino, Robert A., 2002, “Mystical Theology in Aquinas and Maritain” in Ollivant 2002: 253–268. [Delfino 2002 available online (pdf)]
• Dennehy, Raymond 2003, “Maritain’s Reply to Gilson’s Rejection of Critical Realism”, in A Thomistic Tapestry: Essays in Memory of Etienne Gilson, Peter A. Redpath (ed.), New York: Rodopi, pp. 57–80.
• Dewan, Lawrence, 2009, “St. Thomas and the Perennial Need for Renewal in Metaphysics”, Science et esprit, 61(1): 5–17.
• –––, 2010, “The Foundations of Human Rights”, Science et esprit, 62(2–3): 227–236.
• DiJoseph, John, 1996, Jacques Maritain and the Moral Foundation of Democracy, Lanham, MD: Rowman & Littlefield.
• Doering, Bernard, 1983, Jacques Maritain and the French Catholic Intellectuals, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• ––– (ed.), 1994, The Philosopher and the Provocateur: The Correspondence of Jacques Maritain and Saul Alinsky, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• Dougherty, Jude P., 2003, Jacques Maritain: An Intellectual Profile, Washington DC, Catholic University of America Press.
• Doyle, Dominic, 2009, “Retrieving the Hope of Christian Humanism: A Thomistic Reflection on Charles Taylor and Nicholas Boyle”, Gregorianum, 90(4): 699–722.
• Dunaway, John M., 1978, Jacques Maritain, Boston: Twayne Publishers.
• Eco, Umberto, 1961, Storiografia Medievale ed Estetica Teorica Appunti Metodologici su Jacques Maritain, Turin: Edizioni di “Filosofia”.
• Evans, Joseph W. (ed.), 1963, Jacques Maritain: The Man and His Achievement, New York: Sheed and Ward.
• –––, 1973, “Jacques Maritain (1882–1973): A Biographical Memoir”, Proceedings of the National Academy of Education, 5: 92–127.
• Fallon, Robert, 2002, “Composing Subjectivity: Maritain’s Poetic Knowledge in Stravinsky and Messiaen”, in Ollivant 2002: 284–302. [Fallon 2002 available online (pdf)]
• Fecher, Charles A., 1953, The Philosophy of Jacques Maritain, Westminster, MD: Newman Press.
• FitzGerald, Desmond J. “Maritain and Gilson on Painting”, in Beauty, Art, and the Polis, Alice Ramos (ed.), Washington, DC: Catholic University of America Press, 2000, pp. 190–199.
• Floucat, Yves, 1983, Pour une philosophie chrétienne: éléments d’un débat fondamental, Paris: Téqui.
• –––, 1996, Jacques Maritain ou la fidélité à l’éternel, Paris: FAC Editions.
• Fornasier, Roberto, 2010, Jacques Maritain ambasciatore. La Francia, la Santa Sede e i problemi del dopoguerra, Roma: Edizioni Studium.
• Gallagher, Donald and Idella Gallager, 1962, The Achievement of Jacques and Raissa Maritain: A Bibliography, New York: Doubleday and Co..
• Goedert, Georges, 2010, “Die Idee einer politischen Welteinheit: ein philosophisches Projekt von Jacques Maritain”, Perspektiven der Philosophie, Neues Jahrbuch, 36: 277–304.
• Gwozdz, Thomas L., 2010, “Young and Restless: Jacques Maritain and Henri Bergson”, American Catholic Philosophical Quarterly, 84(3): 549–564. doi:10.5840/acpq201084336
• Hubert, Bernard and Yves Floucat (eds), 1991, Jacques Maritain et ses contemporains, Paris: Desclée.
• Hudson, Deal W. and Matthew J. Mancini (eds), 1987, Understanding Maritain: Philosopher and Friend, Macon, GA: Mercer University Press.
• Institut International Jacques Maritain, 1984, Droits des peuples, Droits de l’homme, Paris: Éditions du Centurion.
• Jimenez Berguecio, Julio, S.J., 1948, La ortodoxia de Jacques Maritain, ante un ataque recente, Talca, Chile: Libreria Cervantes.
• Jung, Hwa Yol, 1960, The Foundation of Jacques Maritain’s Political Philosophy, Gainesville, FL: University of Florida Press.
• Killoran, John, 2000, “Approaches to Wisdom: Newman and Maritain on the University”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 16: 131–144
• Kinsella, Noel A., 2012, “Le service public dans ses pas: Considérations philosophiques sur la foi et le service public”, Science et esprit, 64(2): 143–156.
• Klassen, David J., 2011, “Integral Humanism or Exclusive Humanism? Reconsidering Maritain’s Political Philosophy”, Philosophy, Culture, and Traditions, 7: 87–101.
• Klein, Terrance W., 2010, “The Art of Knowing”, Heythrop Journal, 51(1): 60–72. doi:10.1111/j.1468-2265.2009.00535.x
• Knasas, John F.X. (ed.), 1988, Jacques Maritain: The Man and his Metaphysics, (Maritain Studies / Études maritainiennes, 4), Mishawaka, IN: American Maritain Association.
• –––, 1992, “Gilson vs. Maritain: The Start of Thomistic Metaphysics”, The Future of Thomism, Deal Hudson and Dennis Moran (eds.), Mishawaka, IN: American Maritain Association/Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• Kraal, Anders, 2013, “The Emergence of Logical Formalization in the Philosophy of Religion: Genesis, Crisis, and Rehabilitation”, History and Philosophy of Logic, 34(4): 351–366. doi:10.1080/01445340.2013.808805
• Lardinois, Roland, 2017, Scholars and Prophets: Sociology of India from France in the 19th-20th Centuries, London: Routledge.
• Malquori, Diego, 2009, “Science et philosophie: Sobre la concepció epistemològica de Jacques Maritain”, Comprendre: Revista Catalana de Filosofia, 11(1): 31–45. [Malquori 2009 available online]
• Mathias, R., 2001, “Exploring the New Classicism: Reflections on Stravinsky and Maritain c. 1920–1940”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 17 (2001): 79–86.
• McCool, Gerald A., 1989, Nineteenth-century Scholasticism: The Search for a Unitary Method, New York: Fordham University Press.
• McInerny, Ralph, 1988, Art and Prudence: Studies in the Thought of Jacques Maritain, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• –––, 2003, The Very Rich Hours of Jacques Maritain, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
• Michener, Norah Willis, 1955, Maritain on the Nature of Man in a Christian Democracy, Hull (Canada): Éditions “L’Eclair”.
• Minkiel, Stephen J., C.M. (ed.), 1981, Jacques Maritain: The Man for Our Times, Erie, PA: Gannon University Press.
• Muñoz, Ceferino P.D., 2012, “En torno a dos lecturas posibles sobre el conocimiento de las esencias en Tomas de Aquino”, Topicos: Revista de Filosofia (Mexico), 43: 123–151.
• Nelson, Ralph C., 2007, Two Masters, Two Perspectives: Maritain and Gilson on the Philosophy of Nature, Washington DC: Catholic University of America Press.
• Nielsen, Kai, 1959 [1991], “An Examination of the Thomistic Theory of Natural [Moral] Law”, Natural Law Forum, paper 39, 4: 44–71; reprinted in his God and the Grounding of Morality, Ottawa, ON: University of Ottawa Press, 1991, ch. 3, pp. 41–68. [Nielsen 1959 available online]
• Nottingham, William J., 1968, Christian Faith and Secular Action: An Introduction to the Life and Thought of Jacques Maritain, St. Louis, MO: The Bethany Press.
• O’Connor, Flannery, 1979, The Habit of Being: Letters, New York: Farrar, Straus, and Giroux.
• Ollivant, Douglas A. (ed.), 2002, Jacques Maritain and the Many Ways of Knowing, Washington DC: Catholic University of America Press. [Ollivant 2002 available online]
• Papini, Roberto (ed.), 1978, Jacques Maritain e la Società Contemporanea, Milan: Massimo.
• ––– (ed.), 1981, L’Apporto del Personalismo alla Costruzione dell’ Europa, Milan: Massimo.
• Possenti, Vittorio (ed.), 1978, Maritain e Marx, Milan: Massimo.
• ––– (ed.), 1983, Jacques Maritain: Oggi, Milan: Vita e Pensiero.
• –––, 1985, “Philosophie du droit et loi naturelle selon Jacques Maritain”, in Jacques Maritain: philosophe dans la cité / a philosopher in the world, Jean-Louis Allard (ed.), Ottawa: University of Ottawa Press, pp. 313–326.
• Possenti Ghiglia, Nora, 2000 [2006], I tre Maritain. La presenza di Vera nel mondo di Jacques e Raïssa, Milano: Àncora. French translation: Les trois Maritain: La présence de Véra dans le monde de Jacques et Raïssa, René Mougel and Dominique Mougel (trans.), Parole et Silence, 2006.
• Prouvost, Géry, 1991a, Catholicité de l’intelligence métaphysique: La philosophie dans la foi selon Jacques Maritain, Paris: Pierre Téqui.
• –––, 1991b, Étienne Gilson-Jacques Maritain: Correspondance 1923–1971, Paris: Librairie Philosophique J. Vrin.
• Ramsey, Paul, 1962, Nine Modern Moralists, Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.
• Redpath, Peter A. (ed.), 1990, From Twilight to Dawn: The Cultural Vision of Jacques Maritain, Mishawaka, IN: American Maritain Association.
• Saranyana, Josep-Ignaci, et al., 1999–2002, Teología en América Latina, Madrid: Iberoamericana.
• Schmitz, Kenneth L., 2000, “Jacques Maritain and Karol Wojtyla: Approaches to Modernity”, in The Bases of Ethics, William Sweet (ed.), Milwaukee, WI: Marquette University Press.
• Schultz, Walter James, 2001, “The Eclipse of the Person in Postmodern Iconography”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 17: 87–102.
• –––, 2005, “Freedom for Friendship: Maritain’s Christian Personalist Perspective on Global Democracy and the New World Order”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 21: 3–31.
• Storck, Michael, 2010, “The Meaning of the Word Art: A Neothomistic Investigation”, Proceedings of the American Catholic Philosophical Association, 84: 263–273. doi:10.5840/acpaproc20108421
• Sweet, William, 1998, “Persons, Precepts, and Maritain’s Account of the Universality of Natural Law”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 14: 141–165.
• –––, 2006, “Jacques Maritain and Freedom of Conscience”, Journal of Dharma, 31(1): 29–43.
• Thomas Aquinas, St., 1265–74 [2006], Summa Theologiae [Summary of Theology], Thomas Gilby O.P., et. alii (eds.), Cambridge: Cambridge University Press.
• Torre, Michael D. (ed.), 1990, Freedom in the Modern World: Jacques Maritain, Yves R. Simon, Mortimer J. Adler, Mishawaka, IN: American Maritain Association.
• Torończak, Edward, 2008, “Filozoficzno: Pedagogiczne implikacje wyboru podstawowego czlowieka” (in Polish), Studia Philosophiae Christianae, 44(1): 176–191.
• Trapani Jr, John G., 2011, Poetry, Beauty, and Contemplation: The Complete Aesthetics of Jacques Maritain, Washington, DC: Catholic University of America Press.
• Trutty-Coohill, Patricia, 2008, “Can Art Be Taught?”, in Education in Human Creative Existential Planning, (Analecta Husserliana, 95), Anna-Teresa Tymieniecka (ed.), pp. 123–134. doi:10.1007/978-1-4020-6302-2_11
• Veatch, Henry B., 1990, “Preliminary Statement of Apology, Analysis, and Critique”, Leonard A. Kennedy (ed.), Thomistic Papers IV, Houston: Center for Thomistic Studies, 1990, pp. 5–63.
• Vitoria, María Angeles, 2011, “La relación entre filosofía y ciencias en Jacques Maritain: Implicaciones del quehacer científico”, Topicos: Revista de Filosofia (Mexico), 40: 171–193. doi:10.21555/top.v40i1.90
• Wippel, John F., 2014, “Maritain and Aquinas on Our Discovery of Being”, Studia Gilsoniana: A Journal of Classical Philosophy, 3: 415–443. [Wippel 2014 available online]
• Zunic, Nikolaj, 2005, “Maritain on Human Fellowship and the Evil of Genocide”, Études Maritainiennes—Maritain Studies, 21: 97–121.
Kỳ tới: Thuyết nhân vị của Jacques Maritain và Emmanuel Mounier