1. Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với người dân Phi Luật Tân về việc cựu tổng thống Phi Luật Tân Ramos qua đời
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời “chia buồn chân thành” tới người dân Phi Luật Tân trước cái chết của cựu tổng thống Fidel Ramos.
“Khi biết tin cựu tổng thống Fidel Ramos qua đời, tôi gửi tới các bạn và người dân Phi Luật Tân lời chia buồn chân thành và sự bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi”. Đức Thánh Cha đã viết như trên trong thông điệp gửi đến Tổng thống Ferdinand Marcos, người vừa lên thay Rodrigo Duterte vào ngày 30 tháng 6 vừa qua.
“Nhớ đến năm tháng phục vụ đất nước của cố tổng thống và những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy các giá trị dân chủ, hòa bình và pháp quyền, tôi phó dâng linh hồn ông cho lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng”
Đức Giáo Hoàng đã cầu khẩn “các phước lành thiêng liêng cho sự an ủi và bình an” cho gia đình và tất cả những người thương tiếc sự ra đi của Ramos.
Hôm thứ Ba, ngày 9 tháng 8, Ramos, một người lính được coi là một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất của đất nước từ trước đến nay, đã được an táng tại Nghĩa trang các Anh hùng Quốc gia trong một lễ chôn cất đơn giản.
Một chiếc máy bay trực thăng quân sự bay thấp thả hoa khi một xe chở quan tài phủ cờ có chứa một chiếc bình đựng tro cốt của ông lăn qua khuôn viên nghĩa trang đầy cây lá, có hàng chữ thập trắng đánh dấu ngôi mộ của những người lính đã chết cũng được chôn cất tại khu vực này.
Tổng thống Marcos tham gia cùng người thân và góa phụ của cựu tổng thống khi chiếc bình đựng hài cốt được hỏa táng bằng bạc được hạ xuống đất sau và 21 phát súng đại bác.
Source:Licas News
2. Liên Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh liên đới với Giáo hội tại Nicaragua bị bách hại
Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh, gọi tắt là Celam, liên đới với Giáo Hội Công Giáo tại Nicaragua đang bị nhà cầm quyền nước này bách hại.
Hôm ngày 04 tháng Tám vừa qua, chế độ của Tổng thống Daniel Ortega đã ra lệnh quản thúc tại gia Đức Cha Rolando José Álvarez, Giám mục giáo phận Matagalpa, cấm cản ngài đi cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
Trước đó, nhà nước đã ra lệnh đóng cửa sáu đài phát thanh Công Giáo trong giáo phận này. Đức Cha đã phản đối nhà cầm quyền Nicaragua hạn chế tự do tôn giáo.
Trong thông cáo, công bố hôm ngày 05 tháng Tám, các giám mục Mỹ Latinh cho biết đang cầu nguyện và gần gũi những người đang chịu đau khổ, đồng thời bày tỏ đau buồn vì cuộc bách hại các linh mục và giám mục tại Nicaragua, trục xuất các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa, xúc phạm đến các thánh đường và đóng cửa các cơ quan ngôn luận Công Giáo.
Các giám mục Celam nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo tại Nicaragua vẫn luôn là một nơi xây dựng hiệp nhất và hòa bình, kiến tạo những quan hệ sâu đậm giữa các dân tộc và lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói, do đó những lời cáo buộc của nhà cầm quyền Nicaragua chống Giáo hội, là điều vô lý. Các giám mục Mỹ Latinh kêu gọi các tín hữu Kitô cầu nguyện cho tự do của Giáo hội tại Nicaragua.
Từ khi xảy ra khủng hoảng, Giáo hội tại nước này đã bị gần 200 cuộc tấn công và xúc phạm đến các thánh đường, những vụ xách nhiều và hăm dọa các giám mục và linh mục. Vụ mới nhất quản thúc tại gia Đức Cha Álvarez đã tạo nên sự phẫn nộ trên thế giới. Những hình ảnh cho thấy Đức Cha đang quỳ trên đường, trong khi cảnh sát ngăn chặn không cho ngài đến nhà thờ chính tòa để cử hành thánh lễ.
Nhà nước cáo buộc Đức Cha muốn lật đổ chính quyền và chuẩn bị chính thức truy tố ngài.
3. Đức Hồng Y Michael Czerny vinh danh Edith Stein, kể câu chuyện của chính mình
Hôm thứ Ba, một vị Hồng Y của Vatican đã đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày xảy ra vụ giết hại Edith Stein, một người Do Thái cải đạo sang Công Giáo. Ngài đã cử hành thánh lễ gần trại tử thần Auschwitz trước đây và kể câu chuyện về nguồn gốc Do Thái của gia đình ngài và số phận của họ dưới thời Đức Quốc xã.
Đức Hồng Y Michael Czerny là một trong những vị Hồng Y có liên hệ mật thiết nhất với triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Là một tu sĩ Dòng Tên làm mục vụ tại El Salvador, Đức Hồng Y Czerny hiện lãnh đạo Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện chịu trách nhiệm về các danh mục ưu tiên của Đức Phanxicô là di cư, môi trường, phát triển và công bằng xã hội. Là một người Canada gốc Tiệp, Đức Hồng Y Czerny gần đây đã cùng với Đức Phanxicô có chuyến thăm quan trọng đến Canada để xin lỗi người dân bản địa về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành các các trường nội trú dành cho người bản địa.
Hôm thứ Ba, Đức Hồng Y Czerny đã tưởng niệm ngày Edith Stein bị giết trong phòng hơi ngạt của Auschwitz bằng cách cử hành thánh lễ trong một tu viện dòng Carmêlô gần đó ở Oswiecim, một thị trấn của Ba Lan từng bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong chiến tranh. Ở đó, ngài đã có một bài giảng kể lại câu chuyện của Stein và cách câu chuyện này giao thoa với câu chuyện của ngài và của những người thân của ngài, là những người đến từ Brno, thuộc Tiệp Khắc cũ.
Edith Stein là một người Đức gốc Do Thái sinh năm 1891 tại Breslau, nay là thành phố Wroclaw của Ba Lan, là người đã cải sang Công Giáo vào năm 1922 và trở thành một nữ tu. Cô gia nhập dòng Carmêlô ở Köln, nhưng được chuyển đến Hà Lan sau khi Đức Quốc xã tăng cường tấn công vào năm 1938. Cô bị bắt vào năm 1942 sau khi Hitler ra lệnh bắt giữ những người Do Thái và bị đưa đến trại Auschwitz, nơi cô bị giết vào ngày 9 tháng 8 năm 1942. Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị đã phong thánh cho Stein là một vị tử đạo vào năm 1998 và phong cô ấy trở thành vị thánh bảo trợ của Âu Châu vào năm sau đó.
Đức Hồng Y Czerny, 76 tuổi, lưu ý rằng ngài và Thánh Stein chia sẻ “nguồn gốc Do Thái, đức tin Công Giáo, ơn gọi sống tu trì”, cũng như việc Thánh Stein và bà ngoại của Czerny, Anna Hayek, cùng tuổi và “có một kết thúc bi thảm tương tự. “
“Gia đình mẹ tôi - cả cha mẹ và hai anh em - cũng theo đạo Công Giáo nhưng có chung nguồn gốc Do Thái mà kẻ thù căm ghét. Bà ngoại của tôi là Anna, ông nội Hans và các chú của tôi là Georg và Carl Robert, tất cả đều bị giam giữ ở Terezín, nơi ông nội tôi đã chết,” Đức Hồng Y Czerny nói, khi đề cập đến trại tập trung Theresienstadt ở Tiệp Khắc cũ.
“Bà và các chú của tôi đã được chở đến trại Auschwitz. Từ đây các chú của tôi bị đưa đến các trại lao động và cuối cùng bị sát hại ở đó,” ngài nói.
Bà nội của ngài qua đời vì bệnh sốt vào năm 1945, nhưng gia đình không có dấu vết về nơi bà được chôn cất.
Mẹ của Đức Hồng Y Czerny, một người Công Giáo đã được rửa tội, bị buộc phải làm công việc nông trại trong chiến tranh vì tổ tiên là người Do Thái và bị bỏ tù ở Theresienstadt và Leipzig trong 20 tháng; cha ngài buộc phải đi làm thuê vì ông không chịu ly hôn với bà. Năm 1948, họ chuyển đến Canada tị nạn với cậu bé Michael, sinh năm 1946, và anh trai của cậu.
Đức Hồng Y Czerny đã thay mặt Đức Phanxicô có những chuyến thăm nhân đạo để trợ giúp cho những người tị nạn chạy trốn khỏi Ukraine. Ngài cho biết ngài rất vinh dự được kỷ niệm Thánh Stein trong năm chiến tranh này khi Nga đang gây ra chiến tranh mà ngài nói rằng điều đó “thúc giục chúng tôi ghi nhớ”mãnh liệt hơn
“Tưởng nhớ Thánh Edith và Bà Anna của tôi cùng với sáu triệu người khác, chúng ta thương tiếc và cầu xin cho chúng ta đừng. Thông qua sự chuyển cầu của họ, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và trên toàn thế giới.”
Source:AP