1. Anh giáo dự kiến triệu tập Đại hội hoàn cầu của Giáo hội
Liên hiệp Anh giáo dự kiến sẽ triệu tập Đại hội hoàn cầu lần đầu tiên từ 60 năm nay, với sự tham dự không những của giáo sĩ, nhưng cả giáo dân và có thể sẽ diễn ra tại một nước ở nam bán cầu.
Dự án trên đây được đề ra tại Hội nghị Lambeth, đang tiến hành tại Canterbury bên Anh quốc cho tới ngày 08 tháng Tám tới đây, với sự tham dự của hơn 600 giám mục nam nữ thuộc Liên hiệp.
Đại hội Anh giáo lần đầu tiên hồi năm 1908 đã tiến hành tại Luân Đôn với sự tham dự của 17.000 người. Đại hội thứ hai tại Toronto bên Canada hồi năm 1963 được sự tham dự của 16.000 người. Quyết định triệu tập đại hội thứ ba được đề ra trong phần thảo luận về đề tài “Căn tính Anh giáo”. Một trong những kết luận là cần dành ưu tiên cho những lớp tín hữu ở ngoài lề hơn, đặc biệt là các phụ nữ, trẻ em, người trẻ và các thổ dân bản địa.
Các giám mục tại Hội nghị Lambeth đã ủy cho Ban thường vụ của Liên hiệp Anh giáo cứu xét xem có thể triệu tập Đại hội vừa nói hay không và sẽ tường trình cho khóa họp vào tháng Ba năm tới của Hội đồng tư vấn Liên hiệp Anh giáo nhóm tại thành phố Accra bên Ghana. Quyết định chung kết sẽ được vị Tổng thư ký đề ra, sau khi thảo luận với Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo.
Dự án trên đây được đề ra theo sau một tuần đầy sóng gió trong hội nghị đầu tiên kể từ năm 2008, trong bối cảnh tranh chấp về giáo huấn của Anh giáo liên quan đến hôn nhân đồng tính. Những điều này tập trung vào “lời kêu gọi đến phẩm giá con người” được công bố vào tuần trước như là một trong mười tuyên bố dự thảo để các giám mục thảo luận, trong đó khẳng định rằng “tâm thức của Hiệp thông Anh giáo nói chung là không công nhận cái gọi là hôn nhân cùng giới tính”.
Sau khi bị phản đối, nhóm soạn thảo đã loại bỏ tuyên bố này. Thay vào đó, tài liệu sửa đổi, được công bố vào thứ Ba ngày 26 tháng 7, lưu ý rằng “nhiều tỉnh Anh Giáo tiếp tục khẳng định rằng hôn nhân đồng giới là không được phép”, trong khi những tỉnh khác “đã chúc phúc và hoan nghênh các kết hợp đồng giới sau khi suy xét thần học cẩn thận”.
Trong hội nghị Lambeth lần này có báo cáo cho rằng một số giám mục đã không rước lễ trong một số buổi cử hành Thánh Thể với lý do họ “không hiệp thông” với những người khác hiện diện.
Các giám mục Nigeria, Rwanda và Uganda đã từ chối tham dự hội nghị với lý do tương tự.
2. Đức Hồng Y Onaiyekan: Không ai an toàn tại Nigeria
Đức Hồng Y John Onaiyekan, nguyên Tổng giám mục thủ đô Abuja, Nigeria, tố cáo tình trạng bất an ngày càng gia tăng tại nước này, không ai ở trong tình trạng an toàn.
Lên tiếng tại Đại hội lần thứ 19 của Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là Secam, kết thúc hôm 31 tháng Bảy vừa qua tại Accra bên Ghana, Đức Hồng Y báo động rằng “Có một tình trạng bất an rất trầm trọng trên toàn quốc, mỗi ngày đều có những người bị giết, những tên cướp và khủng bố dường như được tự do hành động. Chúng tôi không biết các lực lượng an ninh ở đâu. Tình trạng an ninh ở Nigeria đang vuột khỏi tay. Không ai được an toàn, chứ không phải chỉ có các tín hữu Kitô mà thôi. Như thể chính phủ đã mất sự kiểm soát. Mức độ thiếu an ninh lên tới độ chưa từng đó”.
Theo Đức Hồng Y Onaiyekan, cả người Công Giáo lẫn Hồi giáo đều là nạn nhân của bạo lực do các nhóm bất lương, giết những người vô tội.
Từ năm 2009, khi bộc phát cuộc nổi dậy của Boko Haram, một trong những nhóm Hồi giáo cực đoan lớn nhất ở Phi châu, với đối tượng là biến Nigeria thành một Nhà nước Hồi giáo. Nigeria bị những vụ tấn công khủng bừa bãi chống nhiều đối tượng khác nhau, kể cả các nhóm tôn giáo và chính trị, cũng như dân sự. Tình trạng trở nên phức tạp hơn với sự can dự của những người Fulani chuyên chăn súc vật, đa số theo Hồi giáo. Họ được gọi là những dân quân Fulani, thường đụng độ với những nông dân Kitô giáo.
Đức Hồng Y Onaiyekan cho biết “các dân quân này giết nhiều người Hồi giáo hơn Kitô giáo. Điều này chứng tỏ đây không phải là cuộc chiến của người Hồi giáo chống Kitô hữu. Nhiều người Hồi giáo cũng chịu đau khổ như chúng tôi. Khi một linh mục bị giết thì cả thế giới biết, nhưng khi họ ám sát 50 dân làng Hồi giáo tại bang Katsina, thì không ai biết. Chúng tôi chắc chắn rằng có nhiều người Hồi giáo chết hơn là các Kitô hữu, vì trung tâm bạo lực là ở các bang miền bắc, có đa số dân theo Hồi giáo”.
Đức Hồng Y Onaiyekan nói trước đại hội Secam rằng người ta không thể tiếp tục tình trạng này, “nếu chính phủ không can thiệp, thì có nghĩa là các nhóm võ trang được tự do hoạt động, dù là nhóm Boko Haram hay là bất kỳ nhóm bất lương nào khác. Vấn đề ở đây không phải là Kitô hữu hay người Hồi giáo, nhưng là vấn đề tôn trọng và bảo vệ sự sống con người”.
Theo Đức Hồng Y, rất tiếc là nhiều kẻ giết người như thế tiếp tục mang lá cờ Hồi giáo. “Câu trả lời của tôi là: Kitô hữu phải tiếp tục kiên cường là Kitô hữu và biết làm thế nào để trung thành với tôn giáo của mình và đồng thời chúng ta có quyền tự bảo vệ chống lại những kẻ gian ác. Tôn giáo chúng ta không nói rằng chúng ta phải ngồi đó để bị giết. Chúng ta có quyền tự vệ!”
Nigeria sắp có cuộc bầu cử tổng thống, phó tổng thống, các thượng nghị sĩ và đại biểu quốc hội, dự kiến vào khoảng tháng Hai và tháng Ba năm tới 2023.