Theo Ed. Condon của The Pillar, hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Canada để thực hiện một “cuộc hành hương đền tội” kéo dài sáu ngày để chuộc tội cho việc đối xử tồi tệ trong quá khứ những người dân của Các Quốc gia Đầu tiên do Giáo hội và các định chế liên kết với Giáo hội thực hiện.



Ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm đã thu hút sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông vì lời xin lỗi sâu xa và đích thân được Đức Giáo Hoàng đưa ra tại một nghĩa trang của Người bản xứ ở Maskwacis, tại Nhà thờ Đức Mẹ Bảy Sự.

Đức Phanxicô không phải là vị giáo hoàng đầu tiên đưa ra lời xin lỗi ở Canada. Tuy nhiên, mặc dù những lời nói của ngài đã không được tiếp nhận mà không bị chỉ trích, nhưng đó vẫn là một thời điểm nổi bật, khi ngài cố gắng chuộc lỗi cho vai trò của Giáo hội trong một tình tiết của đời sống quốc gia của Canada, một tình tiết vẫn đang gây tranh cãi.

Đức Phanxicô nói hôm thứ Hai, “Tôi ở đây, bởi vì bước đầu tiên của cuộc hành hương đền tội của tôi giữa anh chị em là một lần nữa cầu xin sự tha thứ, nói với anh chị em một lần nữa rằng tôi xin lỗi sâu xa.”

“Xin lỗi vì những cách thức trong đó, rất tiếc, nhiều Kitô hữu đã ủng hộ não trạng thực dân hóa của các thế lực đã đàn áp các dân tộc Bản địa. Tôi xin lỗi. Đặc biệt, tôi cầu xin sự tha thứ đối với những cách thức mà nhiều thành viên của Giáo hội và các cộng đồng tu sĩ đã hợp tác, không ít một cách thờ ơ, trong các dự án phá hủy văn hóa và cưỡng bức đồng hóa do các chính phủ thời đó thúc đẩy, mà đỉnh điểm là hệ thống các trường nội trú.”

Gói gọn trong ba câu trên là phần khá dài và đối với nhiều gia đình và dân tộc Bản địa, là một phần đau đớn sâu xa của lịch sử Canada, một lịch sử đã thu hút sự chú ý của quốc tế hồi năm ngoái, với việc phát hiện hơn 1,000 ngôi mộ không đánh dấu tại địa điểm của các trường học nội trú cũ.

Khi khám phá lần đầu tiên được công bố, đã có nhiều đồn đại và giả thuyết cho rằng nhiều ngôi trong số này là mộ tập thể của trẻ em bản địa đã chết và được chôn cất một cách phi nghi lễ bởi các trường nội trú do nhà nước bảo trợ, chủ yếu do Giáo Hội Công Giáo điều hành.

Các nhà thờ Công Giáo trên khắp Canada đã phải hứng chịu các cuộc tấn công đốt phá, và sự phản đối kịch liệt của công chúng vì cho rằng Giáo hội đã đồng lõa với hệ thống trường học nội trú - bao gồm chuyến viếng thăm của các nhà lãnh đạo Các Quốc gia Đầu tiên tới Vatican để yêu cầu Đức Giáo Hoàng thay mặt Giáo hội xin lỗi, và đến thăm Canada để làm như vậy.

Điều, sau đó, trở nên rõ ràng là nhiều khu chôn cất được tìm thấy vào năm ngoái là các nghĩa trang, nơi các ngôi mộ cá nhân ban đầu được đánh dấu bằng các cột tưởng niệm bằng gỗ, đã bị cỏ mọc chen quá mức và bị mất do không được ai trông nom.

Mặc dù đó là một thực tại rất khác so với tin đồn cho rằng đây là những ngôi mộ tập thể chủ ý không được đánh dấu, nhưng điều đó không phủ nhận việc có một lịch sử đen tối cần phải đối đầu hoặc mục đích thực sự cho chuyến thăm đền tội của Đức Giáo Hoàng.

Nhưng bất chấp sự rõ ràng và đơn giản trong lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng hôm thứ Hai, lịch sử của chính các trường học này rất phức tạp.

Cho đến gần đây, một số cộng đồng bản địa vẫn bày tỏ những ký ức lẫn lộn về chúng, và các trường học không phải lúc nào cũng bị lên án một cách phổ quát, ngay cả bởi chính những học sinh cũ của chúng - một số cho biết họ đã có những trải nghiệm tích cực và vui mừng vì nền giáo dục Kitô giáo mà họ nhận được.

Vẫn có những người khác lập luận rằng sự can dự của Giáo hội vào hệ thống trường học nội trú đã bị sử dụng để làm chệch hướng việc người ta chú mục vào chính phủ, cơ quan có trách nhiệm tối hậu trong việc tạo ra chúng và ép buộc trẻ em khỏi gia đình của chúng, cũng như trong việc bỏ bê có tính định chế và thiếu cung cấp tài chính, một điều vốn khiến chúng thường xuyên bị nơi tập trung của nạn đói hoành hành, bệnh tật và sự bỏ bê, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em.

Nhưng việc chấp nhận di sản của hệ thống trường học nội trú là một câu chuyện phức tạp vẫn không làm giảm đi nhiều điều mà Giáo hội phải hối hận ăn năn - hoặc làm giảm đi những đóng góp mà cử chỉ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể thực hiện cho diễn trình hàn gắn.

Theo luật pháp Canada, hàng nghìn trẻ em của Các Quốc gia Đầu tiên bị buộc phải rời khỏi gia đình và chuyển đến các trường nội trú, chủ yếu do Giáo Hội điều hành, để được “trở thành văn minh”. Mặc dù chính sách đó là do chính phủ Canada tạo ra, không phải của Giáo hội, nhưng đó là một chính sách được quản lý phần lớn bởi các định chế của Giáo hội.

Đó cũng là một chính sách đi ngược lại sự hiểu biết của chính Giáo hội về phẩm giá con người, định chế tự nhiên của gia đình, và quyền của cha mẹ được yêu thương, chăm sóc và giáo dục con cái của họ - tất cả đều bị phủ nhận bởi một chính sách nhằm tận diệt Văn hóa bản địa, như Đức Giáo Hoàng đã thừa nhận vào hôm thứ Hai.

Và ngoài sự bất công mang tính hệ thống đó - trong khi chắc chắn có những giáo phẩm có ý hướng tốt nhằm phục vụ trong bối cảnh trường học nội trú, thì cũng có những hành vi lạm dụng cá nhân và sao lãng nhiều trường hợp đặc thù trong đó những hành vi bất công riêng rẽ đã được thực hiện.

Nhắc lại vào hôm thứ Hai một cuộc gặp gỡ vào tháng Ba với các nhà lãnh đạo của các Quốc gia Đầu tiên ở Rome, Đức Phanxicô cho biết ngài đã được tặng “hai đôi giày da đanh như một dấu hiệu của sự đau khổ mà trẻ em bản địa phải chịu đựng, nhất là những em không bao giờ trở lại trường nội trú.”

“Tôi đã được yêu cầu trả lại đôi giày da đanh khi tôi đến Canada, và tôi sẽ làm như vậy vào cuối diễn từ ngắn ngủi này,” Đức Giáo Hoàng nói thế, trong khi nói với đám đông rằng họ đã gợi hứng một cảm thức “đau buồn, phẫn nộ và xấu hổ” trong những tháng dẫn tới chuyến đi của ngài.

Lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với “não trạng thực dân hóa” vốn nằm bên dưới các trường học và những gì chúng tìm cách đạt được không đơn giản chỉ là một câu hỏi yêu cầu sự tha thứ cho một trong nhiều nỗi kinh hoàng gây ra cho một nền văn hóa hoặc con người bởi một quyền lực định chế.

Các quyền tự nhiên và phẩm giá của gia đình, của mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái của họ, là trọng tâm của sự bất công nơi hệ thống trường nội trú Canada. Sự liên kết của Giáo hội với việc cố ý từ chối những quyền đó thể hiện sự lật đổ nhiều giáo lý vững chắc nhất của Giáo hội, những giáo lý có tính rất trung tâm đối với điều được Giáo hội cho là việc xếp đặt tự nhiên chính đáng của xã hội.

Một số nhà bình luận đã lập luận rằng những bất công của hệ thống trường nội trú là “thứ yếu” so với cơ hội mà chúng cung cấp cho việc Kitô hóa các trẻ em Bản địa. Nhưng những lập luận này cũng làm nổi bật tầm quan trọng và mức độ liên quan của lời xin lỗi của Đức Phanxicô.

Giáo Hội dạy rằng việc truyền bá Tin Mừng là một hành vi yêu thương, và công việc truyền giáo phải là để làm chứng cho tình yêu đó. Khái niệm “hoán cải” trong tâm trí của Giáo hội, ở một mức độ nào đó, tùy thuộc vào tính khả tín của chứng tá đó, nhưng nó tuyêt đối giả định sự lựa chọn tự do và ý chí của người bước vào đức tin - một sự lựa chọn đã bị từ chối đối với rất nhiều học sinh của các trường nội trú.

Từ góc độ này, lời xin lỗi của Đức Phanxicô hôm thứ Hai không phải là sự thừa nhận sai lầm cho bằng là một suy tư về một não trạng, ở nhiều nơi khác ngoài Canada, đã xác định các định chế mà nó hỗ trợ ở những nơi khác nhau và vốn thách thức sự khả tín hiện sinh của công trình truyền giáo của Giáo hội.

Khác xa với việc kết thúc trang sách nói về những gì đã xảy ra trong quá khứ, “chuyến tham quan xin lỗi” của Đức Phanxicô - như một số người đã gọi - dường như hướng tới một ý tưởng đầy đủ hơn, có tính Kitô giáo hơn là sự hòa giải.

Tại một giáo xứ của Các Quốc gia Đầu tiên hôm thứ Hai, Đức Phanxicô cho biết “Đây là con đường phía trước: cùng nhau nhìn lên Chúa Kitô, yêu thương Đấng bị phản bội và bị đóng đinh vì chúng ta.”

Đề nghị chứng tá của Chúa Kitô như một câu trả lời cho đau khổ vốn là trọng tâm của sứ điệp Kitô giáo. Việc Giáo hội đã đóng một vai trò trong việc gây ra đau khổ đó khiến cho việc công bố của mình càng trở nên cấp thiết hơn, những lời sám hối của Đức Giáo Hoàng càng chủ yếu hơn. Và nó làm cho chứng tá của những người Công Giáo thuộc các Quốc gia Đầu tiên khi chấp nhận chúng trở thành một chứng tá truyền giáo thực sự.