1. Đức Hồng Y Cláudio Hummes người Brazil qua đời ở tuổi 87
Đức Hồng Y Cláudio Hummes, tổng giám mục hiệu tòa của São Paulo, Brazil, đã qua đời hôm thứ Hai sau một thời gian dài bị bệnh.
Vị Hồng Y, người có vai trò quan trọng trong Thượng hội đồng Amazon 2019, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến sinh nhật lần thứ 88 của ngài. Ngài qua đời vì bệnh ung thư phổi, theo nhà báo người Brazil Mirticeli Medeiros.
Cái chết của ngài đã được thông báo vào ngày 4 tháng 7 bởi Hồng Y Odilo Pedro Scherer, tổng giám mục hiện tại của São Paulo. Tòa Giám Mục São Paulo cho biết thi thể của Đức Hồng Y Hummes sẽ hiện diện để anh chị em giáo dân kính viếng và cầu nguyện tại nhà thờ chính tòa São Paulo.
Đức Hồng Y Hummes, một thành viên của Dòng anh em hèn mọn, là chủ tịch của Mạng lưới Giáo hội Liên Amazon, gọi tắt là REPAM, và Liên Hội Đồng Giám Mục Amazon, gọi tắt là CEAMA, mới được thành lập.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Hummes làm tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng về Khu vực Amazon và là thành viên của Ủy ban tiền Thượng hội đồng. Với tư cách là tổng tường trình viên, Đức Hồng Y Hummes chịu trách nhiệm viết báo cáo cuối cùng của Thượng hội đồng.
Ngài cũng là tổng trưởng Bộ Giáo sĩ của Vatican từ năm 2006-2010, sau khi được phong làm Hồng Y vào năm 2001.
Ngài được biết đến với các hoạt động xã hội của mình, bao gồm các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đói nghèo và bảo vệ người dân bản địa.
Là một người bạn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi Đức Phanxicô đắc cử, Đức Hồng Y Hummes đã ôm lấy ngài và nói, “đừng quên những người nghèo.”
Đức Hồng Y chào đời tại Montenegro, Brazil, vào ngày 8 tháng 8 năm 1934, cha là người Đức gốc Brazil và mẹ là người Đức.
Ngài lấy tên là Cláudio khi gia nhập dòng Phanxicô, và được thụ phong linh mục năm 1958.
Trước khi trở thành giám mục, ngài dạy triết học trong các chủng viện và giáo sư tại một trường đại học Công Giáo. Ngài là bề trên tỉnh Dòng Phanxicô Rio Grande do Sul từ năm 1972 đến năm 1975 và là chủ tịch của Liên hiệp các Tỉnh Dòng Phanxicô Mỹ Châu Latinh.
Cha Hummes đã học tại Viện Đại kết Bossey ở Geneva, Thụy Sĩ, và sau đó trở thành cố vấn về các vấn đề đại kết cho Hội Đồng Giám Mục Brazil.
Vào tháng 3 năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Santo André, và tháng 12 sau đó, kế nhiệm Đức Cha Jorge de Oliveira.
Ngài trở thành tổng giám mục của Fortaleza vào năm 1996 và tổng giám mục của São Paulo vào năm 1998.
Source:Catholic News Agency
2. 'Nhà thờ luôn phải được xem như một ngọn hải đăng': Vị giám mục với sứ mệnh mới cho những người tị nạn Ukraine ở Ái Nhĩ Lan
Đức Cha Kenneth Nowakowski đã giám sát cộng đồng Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Anh, xứ Wales và Tô Cách Lan trong hai năm qua. Hôm thứ Hai, Vatican thông báo rằng ngài cũng sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc các tín hữu ở Cộng hòa Ái Nhĩ Lan và Bắc Ái Nhĩ Lan.
Hôm 4 tháng 7, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Nowakowski là thanh tra tông tòa cho người Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương trên đảo Ái Nhĩ Lan. Trong Giáo hội Latinh, một vị thanh tra tông tòa là một vị đại diện cho Đức Giáo Hoàng thực hiện một sứ mệnh ngắn hạn thường là tế nhị. Nhưng trong Giáo Hội Công Giáo Đông phương, một một vị thanh tra tông tòa có vai trò lâu dài hơn trong việc giám sát các cộng đồng không có giám mục riêng của họ. Việc bổ nhiệm vị thanh tra tông tòa trong Giáo Hội Công Giáo Đông phương không xuất phát từ một vấn đề tế nhị nào cả, mà thường là do các yêu cầu mục vụ bình thường. Thanh tra tông tòa trong Giáo Hội Công Giáo Đông phương gần giống như Giám Quản Tông Tòa trong Giáo Hội Latinh, nhưng không có trú sở ở địa phương đó, và không có một số quyền tài phán nhất định.
Đức Cha Nowakowski nói với tờ The Pillar:
“Trên thực tế, điều đó có nghĩa là tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các giám mục Công Giáo Rôma ở Ái Nhĩ Lan để bảo đảm rằng chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ tốt cho những người Công Giáo Ukraine cư trú ở Ái Nhĩ Lan và Bắc Ái Nhĩ Lan, và có thể một liên lạc giữa các giám mục Ái Nhĩ Lan liên quan đến các tín hữu Công Giáo Ukraine của chúng tôi với Tòa thánh và tất nhiên, với Thượng hội đồng các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương của chúng tôi.”
“Nó có thể có nghĩa là tôi có thể đến thăm một giáo xứ của chúng tôi ở Dublin và nói chuyện với một linh mục ở đó và xem xét khả năng thành lập các cộng đồng hoặc điểm truyền giáo khác, đặc biệt là do dòng chảy của hơn 30.000 người đang chạy trốn cuộc xâm lược của Nga và cư trú tại Ái Nhĩ Lan và Bắc Ái Nhĩ Lan.”
Tổng cộng gần 5,5 triệu người tị nạn Ukraine đã định cư ở các nước Âu Châu xung quanh Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24 tháng 2. Khoảng 87.000 người đã đến Vương quốc Anh bao gồm Anh, Tô Cách Lan, Wales và Bắc Ái Nhĩ Lan; và gần 39.000, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tị nạn ở Cộng hòa Ái Nhĩ Lan.
Đức Cha Nowakowski nhấn mạnh rằng những người mới đến cần lòng trắc ẩn, “dấu hiệu của hy vọng và sự quan tâm” và một đôi tai biết lắng nghe.
Source:Pillar
3. Reuters phỏng vấn Đức Phanxicô về chứng đau đầu gối, từ chức, thăm Nga và Ukraine, phán quyết Dobbs...
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cười nhạo tin đồn rằng bác sĩ phẫu thuật đã phát hiện ra ung thư trong cuộc phẫu thuật bụng của ngài vào năm ngoái, nói rằng các bác sĩ “không nói với tôi bất cứ điều gì về việc đó”.
Được hỏi về quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong phán quyết Dobbs, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không quen thuộc với các lập luận pháp lý, nhưng nhắc lại việc ngài lên án phá thai, nói rằng nó tương đương với việc “thuê một kẻ chuyên giết người”. Tuy nhiên, ngài từ chối ủng hộ các giáo phẩm Mỹ, những vị đã nói rằng các chính trị gia ủng hộ việc phá thai nên bị cấm Rước lễ. Ngài nói rằng “khi một giám mục đánh mất bản chất mục vụ của mình, điều đó gây ra một vấn đề chính trị.”
Trong bình luận có lẽ là đáng ngạc nhiên nhất của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài vẫn hy vọng đến thăm Ukraine, nhưng sẽ đến thăm Nga trước tiên, nhằm thúc đẩy chính nghĩa hòa bình. Ngài gợi ý rằng ngài có thể thực hiện chuyến đi sau chuyến thăm dự kiến đến Canada vào cuối tháng này.
Sau cùng, Đức Giáo Hoàng tiết lộ rằng gần đây ngài đã bị “gãy xương nhỏ” ở đầu gối, làm phức tạp thêm các vấn đề do dây chằng bị viêm. Ngài cho biết tình trạng đau đớn đang dần được cải thiện.
Sau đây là nguyên văn tường trình của phóng viên Philip Pullella
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bác bỏ các tường trình cho rằng ngài có kế hoạch từ chức trong tương lai gần, nói rằng ngài sắp sửa lên đường đi thăm Canada trong tháng này và hy vọng có thể đến Mạc Tư Khoa và Kyiv càng sớm càng tốt sau đó.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại nơi ngài cư ngụ ở Vatican, Đức Phanxicô cũng phủ nhận tin đồn rằng ngài bị ung thư; ngài nói đùa rằng các bác sĩ của ngài “không nói với tôi bất cứ điều gì về việc đó”, và lần đầu tiên đưa ra chi tiết về tình trạng đầu gối đã ngăn cản ngài thực hiện một số nhiệm vụ.
Trong một cuộc trò chuyện kéo dài 90 phút vào chiều thứ Bảy, được thực hiện bằng tiếng Ý, không có phụ tá nào có mặt, vị giáo hoàng 85 tuổi cũng lặp lại việc ngài lên án phá thai sau phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào tháng trước.
Các tin đồn đã loan truyền trên các phương tiện truyền thông rằng sự kết hợp của các sự kiện vào cuối tháng 8, bao gồm các cuộc họp với các Hồng Y trên thế giới để thảo luận về hiến pháp mới của Vatican, lễ tấn phong các Hồng Y mới và chuyến thăm thành phố L'Aquila của Ý, có thể báo trước một thông báo từ chức.
L'Aquila được liên kết với Đức Giáo Hoàng Celestine V, người từ chức giáo hoàng năm 1294. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đến thăm thành phố bốn năm trước khi ngài từ chức vào năm 2013, vị giáo hoàng đầu tiên làm như vậy trong khoảng 600 năm.
Nhưng Đức Phanxicô, tỉnh táo và thoải mái trong suốt cuộc phỏng vấn khi thảo luận về một loạt các vấn đề quốc tế và Giáo hội, đã gạt bỏ ý tưởng này.
Ngài nói: “Tất cả những sự trùng hợp này khiến một số người nghĩ rằng ‘phụng vụ’ tương tự sẽ xảy ra. Nhưng nó chưa bao giờ đi vào tâm trí tôi. Hiện tại thì không, lúc này, không. Thật đấy!”
Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã lặp lại quan điểm thường được tuyên bố của mình rằng ngài có thể từ chức vào một ngày nào đó nếu sức khỏe suy giảm khiến ngài không thể điều hành Giáo hội - điều gần như không thể tưởng tượng được trước Đức Bênêđíctô XVI.
Khi được hỏi khi nào ngài nghĩ điều đó có thể xảy ra, ngài nói: “Chúng ta không biết. Chúa sẽ cho biết.”
Vấn đề đau đầu gối
Cuộc phỏng vấn diễn ra vào ngày đáng lẽ ngài phải lên đường đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, một chuyến đi mà ngài phải hủy bỏ vì các bác sĩ cho biết ngài cũng có thể phải bỏ lỡ chuyến đi đến Canada từ ngày 24 đến 30 tháng 7 trừ khi ngài đồng ý dành thêm 20 ngày điều trị và nghỉ ngơi cho đầu gối phải của ngài.
Ngài cho biết quyết định hủy bỏ chuyến đi châu Phi đã khiến ngài “đau khổ nhiều”, đặc biệt vì ngài muốn cổ vũ hòa bình ở cả hai nước.
Đức Phanxicô đã chống gậy khi bước vào phòng tiếp tân ở tầng trệt của nhà khách Santa Marta, nơi ngài đã sống kể từ khi đắc cử năm 2013, tránh căn hộ của Giáo hoàng trong Tông điện mà các vị tiền nhiệm của ngài thường sử dụng.
Căn phòng có một bản sao của một trong những bức tranh yêu thích của Đức Phanxicô: “Mary, Untier of Knots” [Đức Maria, Đấng Cởi Nút] được Joachim Schmidtner người Đức vẽ vào khoảng năm 1700.
Khi được hỏi tình trạng của ngài như thế nào, Đức Giáo Hoàng nói đùa: “Tôi vẫn còn sống!”
Ngài đã cho biết chi tiết về căn bệnh của mình lần đầu tiên trước công chúng, nói rằng ngài bị “gãy xương nhỏ” ở đầu gối khi lỡ bước lúc dây chằng bị viêm.
“Tôi khỏe, tôi đang dần khỏe lại”, ngài nói và cho biết thêm rằng vết gãy đã được khâu bằng phương pháp điều trị laser và nam châm.
Đức Phanxicô cũng bác bỏ các tin đồn cho rằng một năm trước, ngài mắc bệnh ung thư khi trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài sáu giờ để cắt bỏ một phần ruột già vì chứng viêm túi thừa (diverticulitis), một tình trạng phổ biến ở người cao niên.
“ Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp,” ngài nói thế và cười thêm rằng “họ không nói với tôi bất cứ điều gì” về căn bệnh được cho là ung thư, điều mà ngài bác bỏ là “tin đồn ở tòa án”.
Nhưng ngài nói rằng ngài không muốn phẫu thuật đầu gối vì thuốc gây mê tổng quát trong cuộc phẫu thuật năm ngoái đã có tác dụng phụ tiêu cực.
Tông du tới Mạc Tư Khoa?
Nói về tình hình ở Ukraine, Đức Phanxicô lưu ý rằng đã có các cuộc tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov về một chuyến đi có thể tới Mạc Tư Khoa.
Những dấu hiệu ban đầu không tốt. Chưa có giáo hoàng nào đến thăm Mạc Tư Khoa, và Đức Phanxicô đã nhiều lần lên án việc Nga xâm lược Ukraine; Thứ Năm tuần trước, ngài đã mặc nhiên cáo buộc nó tiến hành một “cuộc chiến tranh xâm lược tàn nhẫn và vô nghĩa”.
Đức Phanxicô nói rằng khi lần đầu tiên Vatican hỏi về chuyến đi cách đây vài tháng, Moscow đã trả lời rằng đó không phải là thời điểm thích hợp.
Nhưng ngài ám chỉ rằng một điều gì đó bây giờ có thể đã thay đổi.
“Tôi muốn đi (đến Ukraine), nhưng tôi muốn đến Mạc Tư Khoa trước. Chúng tôi đã trao đổi thông điệp về điều này vì tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống Nga cho tôi một cửa sổ nhỏ để phục vụ sự nghiệp hòa bình...
Ngài nói, “Và bây giờ điều đó có thể, sau khi tôi trở về từ Canada, tôi có thể xoay sở để đến Ukraine, điều đầu tiên là đến Nga để cố gắng giúp đỡ bằng cách nào đó, nhưng tôi muốn đến cả hai thủ đô.”