Khi sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô là chủ đề của nhiều bài báo trong vài tháng qua, nhiều đồn đoán về những vị có thể kế nhiệm ngài trong trường hợp ngài từ chức. Trong số đó, gần đây nổi lên một tên tuổi mới là Đức Hồng Y Mario Grech.
Các ứng viên Giáo Hoàng sáng giá nhất trong thời gian gần đây là Đức Hồng Y người Hung Gia Lợi Peter Erdo, Đức Hồng Y người Hà Lan Wim Eijk và Đức Hồng Y người Canada Marc Ouellet. Tuy nhiên, một cái tên khác đã xuất hiện là Đức Hồng Y Mario Grech người Malta.
Tờ Times of Malta giải thích rằng vị Tổng thư ký 65 tuổi của Thượng Hội đồng Giám mục đã trở thành Hồng Y sau khi ủng hộ tông huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng.
Cũng có những tiếng nói ủng hộ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y Luis Tagle người Phi Luật Tân, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Tuy nhiên, vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân hôm 11 tháng 5, gần như chấm dứt mọi cơ hội của Đức Hồng Y Pietro Parolin. Chính sách đối với Trung Quốc do Đức Hồng Y Pietro Parolin chủ xướng bị phê bình là phá sản. Chính sách ấy có tên là “Ostpolitik”, đã từng được áp dụng trong Chiến tranh Lạnh nhằm duy trì quan hệ với các chế độ Cộng sản, bất kể chúng đang đàn áp các tín hữu Công Giáo trên thực địa, đã bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bác bỏ.
Đề xuất cho rằng Đức Hồng Y Mario Grech là ứng viên Giáo Hoàng là do tờ Times of Malta đưa ra và dường như không được chia sẻ một cách rộng rãi bởi các quan sát viên về Vatican.
Theo ký giả Ý, Sandro Magister, hai vấn đề nổi cộm được các Hồng Y và Giám Mục quan tâm là vấn đề Tiến Trình Công Nghị Đức và vấn đề tự do tôn giáo. Hai vấn đề này xem ra là những thách thức đối với Đức Hồng Y Mario Grech.
Hàng trăm giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã công bố một “bức thư ngỏ trong tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng và liên tục đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi cái được gọi là “Tiến Trình Công Nghị” có thể dẫn đến ly giáo.
Bức thư bày tỏ “mối quan tâm ngày càng tăng của chúng tôi về bản chất của toàn bộ Tiến Trình Công Nghị của Đức,” mà những người ký tên cho rằng đã dẫn đến sự lầm lạc và hoang mang về giáo huấn của Giáo hội và dường như tập trung nhiều hơn vào ý muốn của con người hơn là thánh ý của Thiên Chúa.
“Không lắng nghe Chúa Thánh Thần và Tin Mừng, các hành động của Tiến Trình Công Nghị làm suy yếu uy tín của thẩm quyền Giáo Hội, bao gồm cả quyền lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô; Nhân học Kitô giáo và luân lý tình dục; và độ tin cậy của Kinh thánh,” lá thư viết.
“Trong khi trình bày một lượng lớn các ý tưởng và từ vựng tôn giáo, các tài liệu về Tiến Trình Công Nghị Đức dường như phần lớn không được lấy cảm hứng từ Kinh thánh và Truyền thống - mà đối với Công đồng Vatican II, là 'một kho tàng thiêng liêng duy nhất của Lời Chúa' – nhưng được lấy từ các phân tích xã hội học và chính trị đương đại, bao gồm cả ý thức hệ giới tính.”
“Họ nhìn Giáo hội và sứ mệnh của Giáo hội qua lăng kính của thế giới hơn là qua lăng kính của những chân lý được mạc khải trong Kinh thánh và Truyền thống có thẩm quyền của Giáo hội.”
Trước những góp ý huynh đệ này, Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã thẳng thừng bác bỏ và tuyên bố tiếp tục Tiến Trình Công Nghị như dự kiến ban đầu. Đến nay, Tiến Trình Công Nghị này đã thông qua được các văn bản kêu gọi chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, và bãi bỏ luật độc thân linh mục.
Vấn đề tự do tôn giáo đã nổi lên một cách mạnh mẽ sau vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân.
Source:Times Of Malta