Bài Tin Mừng Luca 8:1-3: Những người phụ nữ đi theo Đức Giê-su
1Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.
(Trích theo Bản Kinh Thánh của Nhóm CGKPV)
Ghi Chú
Rảo qua. Động từ diodeuein (rảo qua) chỉ được dùng lần đầu tiên ở đây và ở Cv 17:1 trong Tân Ước. Nó muốn nói Chúa Giêsu lại lên đường một lần nữa, qua khắp các thành phố và làng mạc Galilê.
Rao giảng Tin Mừng. Đây là sứ mệnh chính Chúa Giêsu, trong bài giảng tại Hội đường Nadarét đã xác nhận cho Người và đặt nó vào đồng văn Đệ nhị Isaia (Deutero-Isaiah) (Is 61:1). Vì thế động từ euangelizesthai ở đây chưa hẳn đã có âm sắc Kitô giáo sau này, nó chỉ có nghĩa những gì được “Isaia” loan báo, Chúa Giêsu nay đang thực hiện.
Nước Thiên Chúa. Luca thích dùng kiểu nói này và không bao giờ dùng kiểu nói “Nước Trời” như Mátthêu. Đến sau tình tiết (7:31-35, 36-50), việc nhắc đến chủ đề lời rao giảng của Chúa Giêsu đã tóm tắt những điều Chúa Giêsu mời gọi “người của thế hệ này”.
Nhóm Mười Hai. Việc nhắc đến Nhóm Mười Hai tìm thấy trong truyền thống tiên khởi trong 1Cr 15:5, nơi duy nhất trong toàn bộ trước tác của Thánh Phaolô. Cụm từ hoi dodēka [nhóm Mười Hai] vốn là một phần trong truyền thống Giáo Hội sơ khai (Mc 3:16; 4:10; 6:7; 9:35;10:32; 11:11; 14:10,17,20,43; Ga 6:67,70,7; Mt 19:28).
Mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Cho đến nay, người đàn bà duy nhất được chữa khỏi bệnh trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu là mẹ vợ Phêrô (4:38-39); không thấy nhắc đến bà đích danh, rất có thể bà không hiện diện ở đây. Những người đàn bà khác rất có thể được bao gồm trong các tình tiết 4:40-41; 6:17-19. “Mấy người” đã trở thành “nhiều bà khác” ở câu 3.
Maria gọi là Maria Mácđala. Bà là người đầu tiên được nêu đích danh, giống như ở Mc 15:40, 47; 16:1; Lc 24:10, ngược với Ga 19:25. Được giới thiệu ở đây, bà báo trước 23:49; 24:10, nơi bà trở thành nhân chứng của việc đóng đinh và ngôi mộ trống. Bà xuất thân từ làng Magdala. Ngoài việc nhắc đến cùng với tên bà, nó không được nhắc đến trong Tân Ước, Josephus hay các nguồn cùng thời.
Người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ. Giả thiết là do hành động của chính Chúa Giêsu. Con số bẩy ở đây để chỉ mức độ trầm trọng của việc qủy ám.
Bà Gioanna. Người đàn bà này sẽ được nhắc lần nữa ở 24:10.
Quản lý của vua Hêrôđê. Tức Vua Hêrốt Antipa. Chi tiết này cho thấy ảnh hưởng và lời giảng dậy của Chúa Giêsu vươn tới những nơi quyền qúy.
Đã lấy của cải mình. Họ là những người có của cải, muốn tỏ bày lòng biết ơn của họ với Chúa Giêsu vì đã chữa bệnh cho họ.
Mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ. Đúng ra là “phục vụ” [diakonein] các ngài.
Nhận định (1)
Cha Fitzmyer cho rằng tình tiết này chuẩn bị cho tình tiết bắt đầu với câu 9:51 (Chúa Giêsu lên Giêrusalem) và cả việc sai Nhóm Mười Hai ra đi (9:1). Có tác giả như H. Conzelmann (Theology, 46) cho rằng trước biến cố 9:1, Chúa Giêsu dấn thân vào những cuộc du hành không ngừng, đặc biệt ở Galilê; ông phân biệt “cuộc tới lui thăm viếng” (tour) của Chúa Giêsu ở phần đầu Tin Mừng này và “cuộc hành trình” (journey) bắt đầu ở câu 9:1. “Cuộc lui tới viếng thăm” qua các thành phố và làng mạc vô danh ở Galilê, trong khi “cuộc hành trình” thì nêu đích danh tới Giêrusalem, thành phố định mệnh và sẽ có quan tâm Kitô học rõ ràng.
Điều đặc biệt là ngay ở giai đoạn này, Luca đã giới thiệu các môn đệ phụ nữ vào câu truyện thừa tác của Chúa Giêsu tại Galilê. Schürmann (Das Lukaevangelium, 448) nêu vấn đề liệu việc quan tâm tới phụ nữ trong Lc 7:11-17, 7:36-50, và 8:2-3 có làm cho trình thuật trở nên phức tạp, phản ảnh khung cảnh đời thực (Sitz im Leben) nơi Giáo Hội sơ khai quan tâm tới vấn đề phụ nữ hay không. Tuy nhiên, theo Cha Fitzmyer, vấn đề này hết sức phức tạp, chỉ có thể có được câu trả lời có tính suy lý. Điều tình tiết 8:1-3 muốn nói là quan điểm của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với lối hiểu thông thường về phụ nữ của Do thái giáo đương thời. Việc Người chữa lành các phụ nữ, việc Người liên hệ với họ, việc Người nhận họ vào hàng ngũ môn đệ (như ở đây) rõ ràng tách Người ra khỏi các ý niệm từng được phản ảnh ở Ga 4:27 hay các trước tác sơ khai của các thầy rabbi. Các phụ nữ được Luca mô tả là phục vụ Chúa Giêsu và nhóm Mười Hai trong các vai trò làm ngạc nhiên thời ấy: chu cấp cho các ngài, bằng chính của cải của mình; ít nhất, có một người có chồng (Bà Gioanna); có bao nhiêu bà trong số “nhiều bà khác” cũng có chồng? Khi dẫn nhập các phụ nữ này, Luca tiên báo vai trò của họ dưới chân thập giá Chúa Giêsu (23:49) và tại ngôi mộ trống (24:10); nhưng ngài cũng cố ý mô tả họ trong tương quan với nhóm Mười Hai, với Đức Maria, và anh em của Người (Cv 1:14). Họ là “các phụ nữ”, cùng với các môn đệ tiên khởi khác, “đồng tâm nhất trí” chờ đợi trong cầu nguyện “Thánh Thần” hứa ban.
Tình tiết này cũng mô tả sự phân biệt giữa các phụ nữ và nhóm Mười Hai. Tình tiết 6:12-16 cho thấy tiêu chuẩn của nhóm Mười hai là 1) làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu; 2) công bố biến cố Kitô. Ở đây, vai trò của các bà là “chu cấp” hay phục vụ các ngài.
Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_8_1-3/) coi Tin Mừng Luca là Tin Mừng nói nhiều nhất về việc Chúa Giêsu tương tác với phụ nữ và là Tin Mừng có nhiều phụ nữ hơn bất cứ Tin Mừng nào khác. Nói đâu xa, ngay trong tình tiết liền trước (7:36-50), ta thấy Chúa Giêsu tha tội và ca ngợi việc làm của người đàn bà tội lỗi, trái ngược với thái độ của người Pharisêu và các khách dự tiệc khác.
Có điều, tác giả trên lưu ý một điều: các phụ nữ trong tình tiết này không tìm bất cứ “thừa tác vụ” nào bên cạnh Chúa Giêsu, họ hài lòng với việc phục vụ Chúa Giêsu và các tông đồ, để các ngài thừa hành vai trò làm chứng và rao giảng của các ngài.
Myers nhấn mạnh đến mối tương quan giữa rao giảng và chu cấp: “Chúa Giêsu rao giảng vì các phụ nữ chu cấp” như thể “thừa tác vụ rao giảng và giảng dạy của Người có thể gặp ngăn trở nếu các phụ nữ không lo liệu các nhu cầu hàng ngày của Người và của các môn đệ. Chúa Giêsu cảm thấy các phụ nữ có tính cốt yếu cho thừa tác vụ của Người".
Nhưng có vì thế mà Người muốn lợi dụng sự phục vụ của phụ nữ chăng? Phải chăng Người có quan điểm hạ giá phụ nữ? Myers cho rằng không phải thế, trái lại mới đúng, vì Chúa thường nói “người lớn nhất trong các con là người phục vụ”. Sự cao cả tìm thấy trong việc phục vụ.
Có tác giả (https://www.sacredspace.ie/scripture/luke-81-3) nhấn mạnh một khía cạnh khác: hình ảnh Giáo Hội là tín hữu “mang theo họ ‘tin mừng Nước Thiên Chúa’ không những bằng lời nói mà bằng một cộng đồng gắn bó trong đó, mỗi người chia sẻ bất cứ nguồn lực nào họ có. Edith Stein, chẳng hạn, chia sẻ cả cuộc đời triết gia đầy nữ tính của mình với lời khuyên cuối cùng trước khi vào phòng hơi ngạt Quốc Xã: “Nếu bạn muốn theo chân Chúa Cứu Thế với một trái tim tinh trong, trái tim bạn phải được giải phóng khỏi mọi thèm muốn trần gian. Chúa Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, muốn đời bạn để Người ban cho bạn đời Người”. Tác giả này cũng cho hay, đại đa số các phụ nữ phục vụ Chúa Giêsu và nhóm Mười hai là những người vô danh. Nhưng họ là những người can đảm, liều chịu người ta phê phán khi công khai du hành đó đây với những người đàn ông, một điều thời ấy bị coi là một tai tiếng. Về phương diện này, Chúa Giêsu và nhóm Mười Hai có nguy cơ bị tai tiếng hơn khi trong số các phụ nữ này có những cựu gái điếm, những kẻ từng bị 7 qủy dữ ám nhập. Nước Thiên Chúa cần những con người can đảm như vậy.
Steven J. Cole (https://bible.org/seriespage/lesson-33-serving-savior-luke-81-3) thì coi bất cứ việc cộng tác nào vào sứ mệnh của Chúa Giêsu đều là “thừa tác vụ”. Bởi vì thừa tác vụ nào thì trước nhất cũng vẫn là phải tự mình biết nhìn nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa. Các phụ nữ này đều là những người chịu ơn của Người và thừa nhận sự cứu chữa của Người. Họ không hiểu thừa tác vụ như một chức vụ, một chia sẻ quyền hành, nhưng như một phục vụ, phục vụ thừa tác giảng dạy và loan báo, vì nói cho cùng, những người giảng dạy và loan báo cũng là những người phục vụ.
(1) Chúng tôi không tìm thấy Bình luận nào của Thánh Cyril thành Alexandria về tình tiết này, Lc 8:1-3