1. Ngôi nhà của bào huynh Đức Bênêđíctô XVI mở cửa cho người tị nạn Ukraine
Ngôi nhà của bào huynh đã quá cố của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã mở cửa cho những người tị nạn Ukraine.
Ngôi nhà ở Regensburg, miền nam nước Đức, trống rỗng sau khi Đức Ông Georg Ratzinger qua đời vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, ở tuổi 96. Ngôi nhà ấy hiện được giao cho hai gia đình tị nạn người Ukraine.
Đức Bênêđíctô XVI đã đến thăm anh trai mình vài ngày trước khi Đức Ông qua đời, và cử hành thánh lễ tại ngôi nhà ở Khu Phố Cổ của thành phố.
Tòa nhà hiện là nơi ở của hai gia đình từ thị trấn Horishni Plavni, cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 80 dặm về phía đông nam.
Giáo phận Regensburg cho biết: Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg đã đến thăm các gia đình vào ngày 23 tháng 3. Ngài đã tặng những món quà chào đón là bia, nước chanh, và một bức ảnh Đức Mẹ.
Cha Ruslan Denysiuk, một linh mục Chính thống giáo Ukraine, quyết định rời Ukraine sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vì ông và vợ, Hanna, đang mong đợi đứa con thứ tư của họ vào tháng Tư.
Cha Ruslan rời Horishni Plavni bằng xe hơi cùng với Hanna, ba đứa con của họ là Bogdan (17 tuổi), Maria (12 tuổi) và Ilia (11 tuổi), và bà nội 74 tuổi của họ. Họ lái xe về phía tây đến nước láng giềng Moldova, sau đó qua Rumani, Hung Gia Lợi và Áo, trên một chuyến đi dài hơn 1,550 dặm để đến Đức.
Ngôi nhà cũ của Đức Ông Ratzinger hiện được giao cho gia đình Cha Ruslan. Cùng cư ngụ trong căn nhà này có Galina Lysenko và cô con gái 13 tuổi Aleksandra. Họ là giáo dân trong giáo xứ của Cha Denysiuk. Chồng của Lysenko vẫn ở Ukraine để chiến đấu bảo vệ Horishni Plavni.
Người dân địa phương đã quyên góp nồi niêu, sành sứ, quần áo, bàn ghế và đồ chơi cho hai gia đình.
Nơi ở trước đây của Đức Ông Ratzinger thuộc sở hữu của cộng đoàn Thánh Gioan. Các gia đình chuyển đến với sự giúp đỡ của tổ chức Caritas địa phương. Nhiều ngôi nhà cũng đã được cung cấp và trang bị, với sự hỗ trợ của khu dân cư địa phương và tổ chức xã hội Công Giáo Kolping.
Theo Cơ quan Tị nạn LHQ, hơn 3.6 triệu người đã chạy khỏi Ukraine trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Hơn 200,000 người tị nạn đã đến Đức, quốc gia có dân số 83 triệu người.
Đức Cha Voderholzer đã chủ sự một buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình tại Nhà thờ Regensburg vào ngày 26 tháng 3. Âm nhạc sẽ được cung cấp bởi dàn hợp xướng Regensburger Domspatzen nổi tiếng, từng được dẫn dắt bởi Đức Ông Ratzinger. Cha Denysiuk đã hát một lời cầu nguyện trong Nhà thờ.
Source:Catholic News Agency
2. Sứ điệp Video Đức Thánh Cha gửi các tín hữu Công Giáo Trung Quốc
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp Video cám ơn các tín hữu Công Giáo tại Hoa Lục và Hong Kong, vì chứng tá đức tin trong thời đại dịch.
Sứ điệp được Đức Thánh Cha trao cho Đức cha Stephano Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), tân Giám mục Hong Kong, được ngài tiếp kiến mới đây tại Vatican, và mới được phổ biến trên tuần báo Công Giáo Hong Kong “Sunday Examiner”.
Đức Thánh Cha cám ơn các tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc vì “chứng tá đức tin và lòng yêu mến Chúa Kitô, lòng kính mến Mẹ Thánh của Thiên Chúa, đồng thời chúc lành cho mọi người.
Ngài nói: “Anh chị em thân mến, là những tín hữu Công Giáo, tôi chào thăm anh chị em với lòng biết ơn và yêu mến.
“Cám ơn vì chứng tá đức tin, cám ơn anh chị em vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Thánh của Thiên Chúa.
“Cám ơn vì công việc của anh chị em và vì rất can đảm chịu đựng đại dịch Covid-19 làm cho chúng ta đau khổ dường nào.
“Chúng ta hãy tiến bước với Chúa. Đôi khi Chúa ẩn náu và chúng ta không thấy Ngài, nhưng Ngài luôn ở cạnh chúng ta.
“Cần kiên nhẫn để hy vọng. Tôi gần gũi anh chị em và rất quí mến anh chị em. Tôi cầu nguyện cho anh chị em và xin anh chị em cũng vui lòng cầu nguyện cho tôi”.
3. Một tháng dài như một thế kỷ - Bài xã luận thứ hai của Tòa Thánh về cuộc xâm lược Ukraine của Nga
Ông Alessandro Gisotti, Phó giám đốc Xã luận của Tòa Thánh vừa có bài nhận định nhan đề “Ukraine: A month as long as a century”, nghĩa là “Ukraine: Một tháng dài như một thế kỷ”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Một tháng trong đời một người là gì? Nếu cuộc sống trôi đi một cách “bình thường” thì đó là một quãng thời gian ngắn ngủi, một đoạn đường hầu như không để lại những dấu chân sâu đậm nào trên con đường ta đi. Mọi điều sẽ thay đổi nếu vài tuần đó bị đảo lộn bởi một biến cố làm thay đổi đột ngột đường rầy mà trên đó đoàn tàu lịch sử đang chạy ngon chớn.
Đó chính là những gì đã xảy ra trong một tháng đơn nhất này phân cách chúng ta với đêm giữa ngày 23 và ngày 24 tháng 2 khi các lực lượng vũ trang Nga tiến hành cuộc tấn công chống lại Ukraine. Đúng, một tháng là một khoảng thời gian ngắn, nhưng những ngày đầy đau đớn, khổ sở và thống khổ này dường như dài cả thế kỷ, bởi vì chúng đã đưa chúng ta trở lại cả một thế kỷ cách đáng kinh ngạc— thế kỷ 20 — với mối đe dọa ló dạng của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thậm chí cả nỗi lo sợ một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba hoàn toàn.
Rất ít người thực sự tin rằng Vladimir Putin sẽ ra lệnh tấn công, vì điều đó có vẻ rất vô lý, quá điên rồ - ngay cả vì lợi ích của người dân Nga - để phát động một cuộc chiến tranh ở trung tâm châu Âu, và hơn thế nữa đang trong một giai đoạn lịch sử trong đó vì đại dịch Covid-19, nhân loại đang phải lao đao để trở lại trên đôi chân của mình.
Nay, rõ ràng những người tìm kiếm cuộc chiến tranh liều lĩnh và bất chính này đã không nghĩ đến việc phải chạm trán với sự phản kháng ngoan cường đến thế của người dân Ukraine, những người mà đối với họ, châu Âu, và không phải chỉ có âu Châu, phải nhìn với sự ngưỡng mộ đối với sức mạnh mà họ đang biểu lộ trong việc bảo vệ tự do của mình.
Người đàn ông, kẻ đã mang nỗi kinh hoàng của chiến tranh trở lại Lục địa Cổ xưa, có lẽ nghĩ rằng chỉ trong vài ngày “vấn đề” sẽ được giải quyết.
Theo cách đó, một lần nữa, ông ta đã phớt lờ bài học lịch sử từng nhắc nhở chúng ta một cách bi thảm - ngay cả đối với những nước được gọi là siêu cường - rằng một khi chiến tranh đã bắt đầu, bạn không bao giờ biết khi nào (và bằng cách nào) nó sẽ kết thúc. Điều chắc chắn duy nhất là cuộc sống của người ta sẽ bị gián đoạn mãi mãi.
“Những kẻ gây chiến đã coi thường nhân loại; chúng không thèm nhìn đến cuộc sống cụ thể của người ta”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thế trong lời kêu gọi chân thành chống lại cuộc xung đột được trình bầy sai trái như “một hoạt động quân sự đặc biệt” này. Điều này hoàn toàn đúng.
Theo quan điểm của những người tiến hành cuộc chiến, Kiev, Mariupol và Kharkiv chỉ là những mục tiêu cần đạt được, những mảnh ghép cần được ghép lại với nhau để đạt được “chiến thắng cuối cùng”.
Nhưng đây không phải là rủi ro của trò đánh cờ tướng, cũng không phải là một trò chơi điện tử. Người người đã thực sự chết trong tháng này, một điều đã làm thay đổi lịch sử và họ tiếp tục chết hàng ngày, thậm chí hàng giờ, tại các thành phố tử đạo của Ukraine.
Cuộc sống cụ thể của con người, cuộc sống của các gia đình, của các người cha, người mẹ, người con của họ, đã bị đảo lộn vĩnh viễn. Những hình ảnh đến hàng ngày từ Ukraine — và một lần nữa, theo lời của Đức Giáo Hoàng, chúng ta phải cảm ơn những nhà báo đã cho phép chúng ta “gần gũi với thảm kịch của dân số đó” - cho chúng ta thấy sự tàn ác của chiến tranh trong tất cả sự man rợ của nó. Và vô nghĩa. Nó không tha điều gì và không tha một ai.
Còn gì khủng khiếp hơn một người mẹ đang mang thai chết cùng đứa con trong bụng dưới những cuộc oanh kích?
“Tất cả những điều này là vô nhân đạo! Thật vậy, nó thậm chí là phạm thánh”, Đức Giáo Hoàng đã cảnh cáo bằng những lời lẽ hẳn phải lay động lương tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là các tín hữu, “ vì nó đi ngược lại tính thánh thiêng của sự sống con người, đặc biệt là chống lại sự sống con người không có khả năng tự vệ”.
Mỗi ngày chiến tranh thêm là một thất bại đối với nhân loại, ở Ukraine cũng như ở Yemen, ở Syria và ở Somalia, cũng như ở mọi nơi khác trên hành tinh nơi người ta phải đau khổ vì sự ghê tởm này.
Đây là một thất bại mà Đức Thánh Cha Phanxicô - bằng lời nói, bằng cử chỉ và trên hết là bằng lời cầu nguyện - yêu cầu chúng ta đừng quen với nó, khuyến khích chúng ta xây dựng, với lòng kiên nhẫn và lòng can đảm, một tương lai hòa bình và hy vọng.
Source:Vatican News