1. Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Kirill có thể gặp nhau vào tháng 6 hoặc tháng 7
Đại sứ Nga cạnh Tòa Thánh Alexander Avdeyev nói với thông tấn xã TASS của Nga vào ngày 18 tháng 2 rằng Đức Thượng phụ Kirill và Đức Thánh Cha Phanxicô có thể gặp nhau vào tháng 6 hoặc tháng 7.
“Các công việc chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill trong khoảng tháng 6 hay tháng 7 hiện đang được chuẩn bị, nhưng chúng tôi vẫn chưa xác định được địa điểm gặp gỡ,” nhà ngoại giao Nga, đang tham dự cuộc họp Ý-Nga ở Genoa cho biết như trên.
Tuyên bố của ông được đưa ra bất chấp bối cảnh địa chính trị được đánh dấu bởi căng thẳng quốc tế mạnh mẽ ở Ukraine, nơi Nga là một trong những nhân vật chính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ quan ngại của mình trong những tuần gần đây, thúc giục đối thoại và khuyến khích ngoại giao.
Về phần mình, Đức Thượng Phụ Kirill đang có xung đột công khai với nhiều bộ phận của thế giới Chính Thống Giáo. Từ khi bắt đầu đại dịch coronavirus đến nay, một số giáo sĩ Chính Thống Giáo ở Phi Châu phục vụ với mức lương thấp, thậm chí trong nhiều miền, các ngài không có lương bổng gì cả trong suốt 2 năm qua. Lợi dụng tình hình này, ngày 29 tháng 12 Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã thành lập một Tòa Thượng Phụ Phi Châu với hai giáo phận và đón nhận 102 linh mục của Tòa Thượng Phụ Alexandria. Tòa Thượng Phụ Alexandria đã bị tấn công vì ủng hộ cho Giáo Hội Chính Thống Giáo độc lập Ukraine.
Tháng Giêng năm ngoái, Thượng Phụ Kirill cho biết ngài “đánh giá cao” mối quan hệ của mình với Đức Thánh Cha Phanxicô và hy vọng nó sẽ sớm dẫn đến “các hành động chung” vì hòa bình.
Nếu hai người gặp nhau, đây sẽ là cuộc gặp thứ hai trong lịch sử giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống giáo Nga và Công Giáo, sau cuộc gặp ở Cuba vào năm 2016. Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên đề cập đến việc chuẩn bị cho cuộc gặp với Thượng phụ Kirill trong một họp báo sau khi trở về từ chuyến đi đến Hy Lạp và Síp vào tháng 12 vừa qua.
Nhà văn Xuân Vũ trong cuốn “Đường Đi Không Đến” kể rằng có một lão đánh xe ngựa láu cá. Lão ta buộc một bó cỏ vào một cần câu rồi treo nó lủng lẳng trước mắt con ngựa. Con ngựa thấy bó cỏ thì hăm hở phóng tới phía trước, không hề biết rằng nó sẽ chẳng bao giờ táp được bó cỏ cho đến khi lão già láu cá đã đi đến nơi muốn đến. Phải chăng Putin và Thượng Phụ Kirill cũng đang chơi trò đó với Tòa Thánh trong cố gắng ngăn Vatican lên án cuộc tấn công của Nga tại Ukraine và các nỗ lực thao túng Chính Thống Giáo tại Alexandria và mới đây nhất là ngay cả tại Constantinople?
Source:Aleteia
2. Paris đe dọa Nhà thờ Đức Bà với 19 triệu Mỹ Kim tiền thuế
Quảng trường phía trước Nhà thờ Đức Bà Paris hiện đã bị chiếm dụng hoàn toàn bởi công việc trùng tu đang diễn ra rầm rộ. Điều này cấu thành một sự chiếm giữ phạm vi công cộng và do đó, theo luật của Pháp, Thành phố Paris có quyền tính thuế.
“Quy tắc luật tổng quát này áp dụng cho tất cả các công trường xây dựng, công cộng hay tư nhân, sử dụng không gian công cộng,” Emmanuel Grégoire, phó Đô trưởng thứ nhất của thành phố Paris, đề cập đến điều này trong cuộc họp báo hàng tuần của ông ta, vào hôm thứ Tư. Hiện tại, phí chiếm dụng đất công cộng xung quanh nhà thờ trong thời gian cần thiết cho công việc xây dựng sẽ là 3.4 triệu euro mỗi năm. Con số đó chiếm tổng số tiền gần 17 triệu euro, tức là hơn 19 triệu đô la, nếu nhà thờ được trùng tu trong vòng 5 năm theo lịch trình tu bổ đã được công bố.
Ủy ban quốc hội về việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà, dưới sự chủ trì của Brigitte Kuster, đại diện dân cử của Paris, đã nêu rõ sự bất công trong yêu cầu thu phí này, trong một cuộc điều trần vào ngày 2 tháng 2 với Tướng Jean-Louis Georgelin, người chịu trách nhiệm về địa điểm này và đại diện của Tổng thống Cộng hòa. Georgelin chỉ ra với các đại biểu rằng ông đã đưa ra yêu cầu chính thức về việc miễn khoản phí này vào tháng 10 năm 2021 và ông đã “không nhận được phản hồi chính thức nào ở giai đoạn này”. Điều này không mang lại điềm báo tốt cho tương lai.
Chủ tịch của phái đoàn quốc hội, Brigitte Kuster, đã chia sẻ sự khó hiểu của mình với báo chí. “Loại thuế này thực sự tồn tại trên các công trường xây dựng. Nhưng tòa thị chính đòi số tiền này từ một địa điểm hoạt động trên cơ sở các đóng góp của người dân. Chẳng lẽ người dân đóng góp để nhằm trả thuế cho Thành phố Paris à? Điều này chỉ đơn giản là không thể chấp nhận được. Anne Hidalgo có thể tăng thuế này như bà ta đã làm vào mùa hè này đối với các quán cà phê được miễn thuế. Đây đã là một cách để tham gia vào việc cấp vốn cho địa điểm xây dựng”.
Sau phản ứng đầy xúc động vì trận hỏa hoạn, các khoản đóng góp đã đổ về từ khắp nơi trên thế giới. Cùng với nhiều thành phố ở Pháp, về phần mình, Hội đồng thành phố Paris thông báo sẽ đóng góp số tiền 50 triệu euro. Nhưng kể từ đó, số tiền hứa hẹn này đã được “chuyển hướng” cho sự phát triển của môi trường xung quanh địa điểm, với việc khởi động một cuộc thi quốc tế lớn mà người chiến thắng sẽ được chọn vào mùa hè năm sau. “Đây là những công việc làm đường. Thành phố bị lèo lái để từ chối tham gia vào việc trùng tu. Thành phố đã không tham gia vào dự án này thì chớ mà bây giờ còn đòi moi tiền thì thật quá đáng,” Brigitte Kuster nói trên tờ Le Parisien.
Sau khi Notre Dame de Paris được trùng tu xong, người có lợi nhất là thành phố Paris chứ không phải Giáo Hội Công Giáo. Mỗi năm có ít nhất 13 triệu người trên thế giới viếng thăm ngôi thánh đường này.
Xin nhắc lại, đến cuối năm 2021, tổng số tiền quyên góp thu được để trùng tu Nhà thờ Đức Bà đạt 850 triệu euro, bao gồm cả số tiền cam kết, nhưng chưa đóng. Các đại biểu của nhóm quốc hội đang xem xét dự án trùng tu vẫn đang băn khoăn về việc Paris đóng thuế đối với các khoản đóng góp của các nhà tài trợ tư nhân. Họ viết: “Thật không thể tưởng tượng được khi lòng hảo tâm chi trả các khoản phí lên tới vài triệu euro, vì lợi ích của Tòa thị chính Paris. Nhưng phản hồi chính thức từ Tòa thị chính Paris liên quan đến việc thanh toán hoặc miễn thuế này vẫn đang được chờ đợi.”
Source:Aleteia
3. Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki trở lại tổng giáo phận Köln giữa các chống đối của phe cấp tiến Đức
Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, tổng giám mục Köln, sau khi “tĩnh tâm một thời gian” trong năm tháng, theo mong muốn của bản thân, sẽ trở lại Tòa Giám Mục của mình vào ngày 2 tháng Ba.
Tuần trước, Đức Hồng Y Woelki đã có chuyến viếng thăm Bộ Giám Mục của Tòa Thánh, trước khi trở lại Köln. Nội dung của cuộc họp tại Bộ Giám Mục không được loan báo. Tuy nhiên, tờ Kölner Stadt-Anzeiger có khuynh hướng cấp tiến, không dấu được khát vọng mong mỏi Đức Hồng Y Woelki biến mất nên viết rằng “chuyến thăm này của Hồng Y có liên hệ trực tiếp với thời hạn 2 tháng Ba này và do đó với tương lai cuối cùng của Đức Hồng Y Woelki. Tổng giáo phận hiện đang được lãnh đạo bởi hai vị phụ tá.” Trong khi đó, tờ Die Tagespost của Đức thì đoán rằng Bộ Giám Mục muốn nghe ý kiến của Đức Hồng Y Woelki về những gì đang diễn ra tại Đức sau khi Tiến Trình Công Nghị tuyên bố ủng hộ việc soạn thảo các nghi thức chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ; và Hồng Y Reinhard Marx của Munich hô hào bãi bỏ luật độc thân linh mục. Đức Hồng Y Woelki là một trong 8 vị Giám Mục ở Đức kiên quyết chống lại Tiến Trình Công Nghị ở quốc gia này.
Ngày 17 tháng Hai, Web site của tổng giáo phận Köln cho biết Đức Hồng Y Woelki sẽ cử hành thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro tại nhà thờ chính tòa thành phố Köln. Trước tin tức này, tờ Kölner Stadt-Anzeiger gượng gạo tung thêm một tin giả nữa là 70% đến 80% các linh mục tại Tòa Giám Mục Köln không muốn thấy ngài quay trở lại nhiệm sở.
Đức Hồng Y Woelki là một mục tử can đảm. Thật thế, dưới các áp lực của các thành phần cấp tiến, ngài đã phải đồng ý ủy quyền cho công ty luật Westpfahl Spilker Wastl mở cuộc điều tra về tình trạng lạm dụng tính dục của tổng giáo phận Köln, sau khi Hồng Y Marx yêu cầu chính công ty luật này mở cuộc điều tra tương tự tại tổng giáo phận Munich – Freising. Đó chính là công ty luật đã tìm mọi cách bôi nhọ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Đến khi công ty luật này hoàn tất và chuẩn bị công bố kết quả cuộc điều tra thì ngài chận lại. Không phải vì công ty luật ấy cáo buộc ngài bất cứ điều gì. Đời nào luật sư lại cáo buộc thân chủ của mình. Ngài chận lại vì thấy công ty luật ấy có những sai sót về phương pháp luận và nhìn ra manh tâm của họ. Cuộc điều tra không nhằm hướng đến sự thật nhưng nhằm một mục đích rõ rệt là cường điệu hóa tội lỗi lạm dụng tính dục để phe cấp tiến Đức dùng làm chiêu bài cho những đòi hỏi trong Tiến Trình Công Nghị. Ngài đã ủy quyền cho một nhóm luật sư khác mở cuộc điều tra và đã công bố kết quả vài tháng sau đó.
Vì chận lại kết quả ban đầu, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki đã phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội từ người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Giám Mục Georg Bätzing của Limburg.
Các phương tiện truyền thông Đức bắt đầu cáo buộc ngài có lỗi vì không điều tra các cáo buộc nghiêm trọng chống lại một linh mục ở Düsseldorf bị cho là đã lạm dụng một cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo vào cuối những năm 1970. Sau khi Đức Hồng Y Woelki được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln vào năm 2014, ngài đã quyết định không thực hiện thêm những hành động hoặc thông báo cho Rôma, vì linh mục này “không thể bị thẩm vấn” do chứng mất trí nhớ nghiêm trọng. Linh mục ấy đã chết vì nguyên nhân tự nhiên. Nạn nhân cũng được cho là từ chối không ra làm chứng.
Vào tháng 12, 2020, Đức Hồng Y Woelki đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem xét những cáo buộc chống lại ngài. Vào ngày 7 tháng 2, 2021, Welt am Sonntag báo cáo rằng trường hợp của linh mục Düsseldorf đã được chuyển đến Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF. CDF đã giải tỏa mọi vấn đề liên quan đến Đức Hồng Y, và kết luận rằng ngài đã “hành động đúng theo giáo luật”.
Dù vậy, để cho mọi việc được rõ ràng, Đức Hồng Y đã yêu cầu Đức Thánh Cha mở một cuộc thanh tra tông tòa. Sau cuộc thanh tra tông tòa, do Đức Hồng Y Anders Arborelius người Thụy Điển và Đức Cha Hans van den Hende người Hà Lan dẫn đầu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra phán quyết rằng Đức Hồng Y Woelki nên tiếp tục phụ trách tổng giáo phận Köln của Đức sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.
Hôm 24 tháng 9 năm ngoái, Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu vị Hồng Y 65 tuổi tiếp tục lãnh đạo tổng giáo phận ở miền tây nước Đức sau một thời gian nghỉ phép.
Tuyên bố giải thích rằng cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Woelki đã hành động không hợp luật liên quan đến các vụ lạm dụng.
Tuyên bố cho biết thêm: “Đức Thánh Cha trông cậy vào Đức Hồng Y Woelki, thừa nhận lòng trung thành của ngài đối với Tòa Thánh và mối quan tâm của ngài đối với sự hiệp nhất của Giáo hội”.
Trong một tuyên bố cùng ngày 24 tháng 9, Đức Hồng Y Woelki nói: “Tôi đi theo hướng này với thông điệp rõ ràng của Đức Thánh Cha rằng chúng ta đã làm rõ một cách nghiêm túc và toàn diện và không che đậy bất cứ điều gì. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tổng giáo phận và cho tôi trong những tuần tới. Tôi cũng hứa với anh chị em lời cầu nguyện nhiệt thành của tôi.”
Cải tổ Giáo Hội là điều quan trọng. Tuy nhiên, cần phải tiến hành trong thanh thản, và phân định. Đáng tiếc, phe cấp tiến tung ra nhiều thủ đoạn chính trị bôi nhọ những ai không đồng ý với mình, kể cả Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.
Source:ilsismografo