1. Hội Đồng Giám Mục kêu gọi người Phi Luật Tân đừng tích trữ thuốc men, nhưng hãy bình tĩnh

Hôm thứ Hai, Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã lên tiếng kêu gọi người dân Phi Luật Tân đừng tích trữ thuốc men, và cảnh báo rằng việc tích trữ có thể tạo ra “sự thiếu hụt giả tạo”, đặc biệt là ở thủ đô Manila.

Đức Cha Oscar Jaime Florencio, chủ tịch Ủy ban Y tế của Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, cho biết: “Thật là tham lam khi tích trữ thuốc”.

“Đừng mua thuốc nếu anh chị em không cần để những người bị bệnh có thể tiếp cận với nó,” ngài nói bằng tiếng Tagalog trong một cuộc phỏng vấn với Radio Veritas 846.

Đức Cha cũng kêu gọi bình tĩnh trong bối cảnh các báo cáo về việc tích trữ paracetamol và các loại thuốc chữa bệnh cúm khác do số ca nhiễm COVID-19 ngày càng gia tăng trong nước.

Bộ Y tế Phi Luật Tân, gọi tắt là DOH, hôm thứ Hai, 10 tháng Giêng, đã báo cáo 33,169 trường hợp nhiễm coronavirus mới, cao nhất kể từ khi đại dịch được công bố vào tháng 3 năm 2020.

Bộ cũng ghi nhận 145 trường hợp tử vong, trong khi số người phục hồi tăng 3,725 người.

Bộ Y tế cũng báo cáo tỷ lệ dương tính cao kỷ lục là 46% trong số 73,234 xét nghiệm.

Ở thủ đô Manila, tỷ lệ dương tính, hay thông số R, đã lên đến 52%. Nói cách khác, trong 100 người đi xét nghiệm, có đến 52 người nhiễm coronavirus.

Tuần trước, một số hiệu thuốc và quầy thuốc đã báo cáo rằng một số thuốc paracetamol đã hết hàng do nhu cầu tăng vọt trong bối cảnh các trường hợp COVID-19 gia tăng trong nước.
Source:Licas

2. Vị Giám mục Nigeria chỉ trích chính phủ về cuộc bách hại Kitô Giáo bị câu lưu

Một giám mục nổi tiếng của Nigeria được cho là đã bị cơ quan an ninh nhà nước câu lưu để thẩm vấn, sau khi vị giám mục chỉ trích chính phủ Nigeria đồng lõa trước các vụ bắt cóc và các cuộc đàn áp khác đối với các Kitô hữu của đất nước.

Đức Cha Matthew Kukah, nhà lãnh đạo của giáo phận Sokoto ở góc Tây Bắc Nigeria, đã đưa ra một thông điệp Giáng Sinh, trong đó ngài nói rằng chính phủ, do tổng thống Muhammadu Buhari lãnh đạo, dường như đã để số phận của người dân Nigeria vào tay “những kẻ xấu xa”.

Đức Cha Kukah chỉ trích thực tế rằng hơn 100 bé gái bị nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram bắt cóc vẫn chưa được tìm thấy, cũng như “hàng trăm trẻ em khác bị bắt ít trong các hoàn cảnh ít bi thảm hơn”, ACI Africa, đối tác tin tức của CNA, đưa tin hôm 28 tháng 12.

“Bây giờ, chúng ta đang hoàn toàn nằm trong sự kìm kẹp của cái ác. Hôm nay, cảm giác khi thấy người ta chạy tội cho nhau chỉ làm tôi buồn hơn khi tôi chứng kiến nhà nước này lao vào một loạt các trò chơi đổ lỗi gây tranh cãi về hoàn cảnh bi thảm của chúng ta,” Giám mục Kukah viết.

Ngài nhấn mạnh rằng “Một danh mục về sự tàn ác chưa từng có đã được tung ra đối với những công dân vô tội trên khắp các bang miền Bắc. Trong giấc ngủ của họ, trên đất nông nghiệp của họ, trong chợ của họ, hoặc thậm chí trên đường cao tốc, những công dân vô tội đã bị tàn sát và biến thành đồ cúng tế được thiêu đốt cho các vị ác thần”.

Theo một nguồn tin từ People's Gazette, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Đức Cha Kukah lên tiếng công khai chống lại chính phủ, nhưng SSS, một đơn vị cảnh sát mật liên bang, được cho là đã chú ý đến nhận xét của ngài và ra lệnh cho ngài phải trình diện để thẩm vấn.

Ở Nigeria nói chung, ít nhất 60,000 Kitô hữu đã bị giết trong hai thập kỷ qua. Theo một nghiên cứu mới, ước tính có khoảng 3,462 Kitô hữu đã bị giết ở Nigeria trong 200 ngày đầu năm 2021, tức 17 người mỗi ngày.

Nigeria là quốc gia đông dân nhất Phi Châu và nhân khẩu học nói chung gần như được phân chia đồng đều giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo. Kitô Hữu Nigeria, đặc biệt là ở miền bắc đất nước, trong nhiều thập kỷ qua đã phải chịu những vụ tàn phá tài sản, giết người và bắt cóc tàn bạo, thường là dưới bàn tay của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Các Kitô hữu Nigeria nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng chính phủ do người Hồi giáo kiểm soát phần lớn đã phản ứng chậm chạp, không đầy đủ hoặc hoàn toàn lờ đi trước những vụ tấn công đàn áp Kitô giáo.

Những người chăn gia súc Fulani, một nhóm dân tộc Hồi giáo, chịu trách nhiệm cho nhiều vụ giết người nhất tính đến cuối năm qua, đã sát hại khoảng 1,909 Kitô hữu trong 200 ngày đầu năm 2021.

Đức Cha Kukah viết trong thông điệp Giáng Sinh : “Sự im lặng của chính phủ liên bang chỉ nuôi dưỡng con thú xấu xa đồng lõa với những việc làm của những kẻ tàn ác này, những kẻ đã hủy hoại tương lai của cả thế hệ con cái chúng ta”.

“Hàng ngày, chúng ta nghe nói về sự thất bại của hoạt động tình báo, tuy nhiên, những chuyên gia cung cấp thông tin tình báo khẳng định rằng họ luôn làm nhiệm vụ của mình một cách siêng năng và hiệu quả. Có phải Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nigeria không tin rằng ông nợ các bậc cha mẹ và công dân những câu trả lời về việc con cái chúng ta đang ở đâu và khi nào chúng về nhà? Liệu Tổng thống Nigeria không nợ chúng ta một lời giải thích và câu trả lời về việc khi nào các vụ bắt cóc, bắt cóc, tàn bạo, vô tri và những vụ tàn sát vô tận đối với công dân của chúng ta sẽ kết thúc?”

Đức Cha Kukah đã nói rằng sau thông điệp Giáng Sinh năm 2020 của mình, trong đó ngài cũng chỉ trích tình hình đàn áp đang diễn ra, một số quan chức đã buộc tội ngài là “phản quốc”.

Vào tháng 2 năm 2020, Đức Cha Kukah đã cử hành thánh lễ an táng cho anh Michael Nnadi, một chủng sinh 18 tuổi bị bắt cóc, đòi tiền chuộc, và cuối cùng bị giết bởi các tay súng Hồi giáo. Theo một trong những kẻ bắt cóc anh, Nnadi không ngại tuyên bố đức tin Công Giáo của mình cho họ, và sẽ không ngừng nói với những kẻ bắt cóc rằng họ cần phải ăn năn về những đường lối xấu xa của họ.

Trong tang lễ của anh Nnadi, Đức Cha Kukah chê bai sự bất lực của chính quyền và tình trạng bạo lực diễn ra dưới thời Tổng thống Nigeria, Muhammadu Buhari, và bày tỏ hy vọng rằng cái chết của Michael sẽ trở thành bước ngoặt cho cuộc đàn áp Kitô giáo ở quốc gia đông dân nhất Phi Châu.

Ngài bày tỏ hy vọng tấm gương của Michael và sự tử đạo của anh sẽ truyền cảm hứng cho một đội quân trẻ noi theo bước chân của anh.

Đức Cha Kukah nói vào thời điểm đó: “Chúng ta sẽ tiến bước với thập tự giá của Chúa Kitô đã được giao phó cho chúng ta, không phải trong đau đớn hay thống khổ, bởi vì ơn cứu rỗi của chúng ta nằm trong thập tự giá của Người. Chúng ta không có sự báo thù hay cay đắng trong trái tim mình. Chúng ta không có giọt buồn bên trong chúng ta. Chúng ta rất vinh dự khi người con trai của chúng ta đây đã được triệu tập để nhận vương miện tử đạo ngay từ khi còn nhỏ trong hành trình đến với chức linh mục”.
Source:Catholic News Agency

3. Tạp chí do một vị thánh khởi xướng vẫn phát triển mạnh sau 100 năm

Thánh Maximilian Kolbe, vị tử vì đạo ở Auschwitz đã từng nói: “Nếu chúng ta không có các phương tiện truyền thông Công Giáo, một ngày nào đó các nhà thờ của chúng ta sẽ trống rỗng”.

Vào tháng Giêng năm 1922, vị linh mục người Ba Lan quyết định làm điều gì đó. Ngài đã xuất bản 5,000 bản ấn phẩm đầu tiên của tạp chí hàng tháng Hiệp sĩ Vô nhiễm tại thành phố Kraków.

Trang bìa cho thấy sứ mệnh không khoan nhượng của tạp chí: Nó cho thấy Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội được đóng khung bởi hai thanh kiếm lớn đâm vào những con rắn trên những cuốn sách có nhãn “dị giáo” và “cấp tiến”.

Hôm 8 tháng Giêng vừa qua, sinh nhật lần thứ 128 của vị thánh, Đức Tổng Giám Mục Marek Jędraszewski, của tổng giáo phận Kraków, đã cử hành thánh lễ đánh dấu kỷ niệm một trăm năm của tạp chí.

Thánh lễ truyền trực tiếp đã được cử hành tại đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Niepokalanów, miền đông-trung Ba Lan, nơi Cha Kolbe thiết lập một tu viện.

Trong một lá thư được đọc tại Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn về sứ mệnh của tạp chí và khuyến khích các biên tập viên của tờ báo trở thành những nhân chứng đích thực của đức tin.

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Jędraszewski đã mô tả nguồn gốc của tạp chí. Ngài nhắc nhớ rằng Cha Kolbe đã thành lập phong trào truyền bá Tin Mừng Hiệp sĩ Vô nhiễm vào năm 1917. Các thành viên đã cam kết dâng mình hoàn toàn cho Đức Trinh nữ Maria và đeo Mề Đay Huyền Nhiệm Đức Bà.

Vị tổng giám mục nói rằng Dòng Phanxicô Viện tu đã bị khuấy động bởi hai sự kiện: cuộc biểu tình của các nhóm Tam Điểm trên đường phố Rôma vào tháng Hai năm đó và kỷ niệm 75 năm ngày Đức Mẹ hiện ra với Alphonse Ratisbonne, một người Pháp vô thần, đeo Mề Đay Huyền Nhiệm Đức Bà, và sau đó trở thành một linh mục Công Giáo.

Đáp lại các diễn biến này, Cha Kolbe quyết định liên kết những người Công Giáo thông qua một tạp chí. Vấn đề là ngài không có tiền. Nhiều năm sau, ngài nhớ lại việc đi vào thành phố với ý định xin vài xu từ những người qua đường để tạo ra một ấn bản đầu tiên.

Ngài nói: “Trời mưa, và mặc dù đã đi qua mấy con phố nhưng tôi thấy xấu hổ không dám đi tiếp và không dám chìa tay ra để xin bố thí”.

“Tuy nhiên, ngày hôm sau, tôi có một suy nghĩ: Rốt cuộc, điều đó không phải vì tôi, mà vì sự nghiệp của Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội trong các linh hồn. Khi đó tôi mới dám đến gặp cha xứ mà tôi biết. Ngài chào đón tôi nồng nhiệt, quyên góp cho một tạp chí mới, đưa tôi đến gặp các cha sở khác với mục đích tương tự, và cho tôi vài địa chỉ”.

Đức Tổng Giám Mục Jędraszewski nhớ lại rằng số đầu tiên đặt ra mục tiêu của ấn phẩm: đào tạo các tín hữu và cải đạo những người không theo Công Giáo.

Tạp chí, được tài trợ hoàn toàn bằng tiền quyên góp, đã thành công, đạt số lượng phát hành cao nhất là 1 triệu bản vào năm 1938.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng ngày nay tạp chí tiếp tục có số lượng phát hành khá lớn, khoảng 45,000. Theo mong muốn của vị thánh, nó không có giá bìa và được cung cấp cho những người không đủ khả năng mua báo.

“Điều rất quan trọng là phải chuyển đổi sang nguồn cảm hứng tuyệt vời của Cha Maximilian Maria Kolbe,” Đức Cha Jędraszewski nói.

Cha Kolbe được sinh ra ở Zduńska Wola, miền trung Ba Lan, vào năm 1894. Khi còn nhỏ, ngài đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra với hai vương miện. Đức Mẹ đã tặng cho ngài cả hai chiếc vương miện - một chiếc màu trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, và chiếc còn lại màu đỏ, biểu thị cho sự tử đạo - và ngài đã nhận cả hai.

Cha Kolbe gia nhập Dòng Phanxicô năm 1910, lấy tên là Maximilian. Bị cuốn hút bởi khả năng du hành không gian, ngài đã thiết kế một loại máy bay được gọi là “Etereoplan” vào năm 1918.

Vào đầu những năm 1930, ngài thành lập các tu viện ở Nhật Bản và Ấn Độ. Ngài được bổ nhiệm làm bề trên của tu viện Niepokalanów vào năm 1936, và thành lập đài Radio Niepokalanów hai năm sau đó.

Sau khi Đức chiếm đóng Ba Lan, Cha Kolbe bị đưa đến trại tập trung Auschwitz. Tại cuộc điểm danh vào ngày 29 tháng 7 năm 1941, các lính canh đã chọn ra 10 người đàn ông bị chết đói để trừng phạt sau khi một tù nhân trốn khỏi trại.

Khi một trong những người được chọn, Franciszek Gajowniczek, khóc vì tuyệt vọng vì còn vợ con, Cha Kolbe đã đề nghị thế chỗ.

10 người đàn ông bị giam trong một boongke, nơi họ bị thiếu thức ăn và nước uống. Theo các nhân chứng, Kolbe đã dẫn đầu các tù nhân bị kết án cầu nguyện và hát thánh ca. Sau hai tuần, ngài là người đàn ông duy nhất vẫn còn sống. Cha Kolbe đã bị giết bởi một mũi tiêm phenol vào ngày 14 tháng 8 năm 1941.

Ngài được phong chân phước vào ngày 17 tháng 10 năm 1971, và được phong thánh vào ngày 10 tháng 10 năm 1982, được công nhận là một “vị tử đạo của lòng bác ái”. Đức Tổng Giám Mục Gajowniczek đã tham dự cả hai buổi lễ.

Kết thúc bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Jędraszewski lưu ý rằng Giáo hội đã cử hành Lễ Hiển linh vào ngày 6 tháng Giêng.

“Cần phải có đôi mắt rộng mở và trí óc kiên định để có thể, theo gương Ba Nhà Đạo Sĩ, đến gần Hài Nhi Giêsu, được Chúa Cha sai đến, và sấp mình trước mặt Người, hết sức tôn kính và cúi đầu”

“Sự mặc khải này của Chúa cho thế giới cũng được khắc ghi trong hoạt động biên tập và xuất bản tạp chí hàng tháng Hiệp sĩ Vô nhiễm.”

“Tạp chí đã mang Chúa Kitô đến với thế giới qua một nhân học lành mạnh, một viễn tượng về nhân loại, cho thấy sự thật đầy đủ về Giáo hội và chỉ ra rằng chúng ta không đơn độc giữa sự dữ tràn ngập.”

“Cầu mong sứ mệnh bày tỏ sự thật về tình yêu thương của Thiên Chúa cho thế giới này sẽ tồn tại lâu dài và hiệu quả nhất có thể.”
Source:Catholic News Agency