1. Cháy tại trại người Rohingya ở Bangladesh khiến hàng nghìn người mất nhà cửa
Cảnh sát cho biết hôm Chúa Nhật, hàng nghìn người mất nhà cửa sau khi hỏa hoạn thiêu rụi nhiều bộ phận của trại tị nạn Rohingya ở Bangladesh.
Khoảng 850,000 người thiểu số Hồi giáo bị đàn áp - nhiều người trong số họ đã chạy thoát một cuộc đàn áp quân sự năm 2017 ở Miến Điện mà theo các nhà điều tra Liên hợp quốc đã được thực hiện với “ý định diệt chủng” - đang sống trong một mạng lưới các trại ở quận biên giới Cox's Bazar của Bangladesh.
Kamran Hossain, phát ngôn viên của Tiểu đoàn Cảnh sát Vũ trang, đơn vị đứng đầu an ninh trong trại, cho biết: “Khoảng 1,200 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong đám cháy.
Ngọn lửa bắt đầu từ Trại 16 và bùng phát qua các khu tạm trú làm bằng tre và bạt, khiến hơn 5,000 người mất nhà cửa.
“Ngọn lửa bắt đầu lúc 4:40 chiều giờ địa phương và được kiểm soát vào khoảng 6:30 chiều,” ông nói với AFP.
Abdur Rashid, 22 tuổi, cho biết ngọn lửa quá lớn nên anh đã chạy đến nơi an toàn vì ngôi nhà và đồ đạc của anh bị ngọn lửa nhấn chìm.
“Mọi thứ trong nhà tôi đều bị cháy. Con tôi và vợ tôi đã ra ngoài. Có rất nhiều thứ trong nhà”
“Tôi đã tiết kiệm được 30,000 taka, khoảng 350 đô la Mỹ, từ việc đi làm thuê ban ngày. Số tiền đã bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn”.
“Tôi bây giờ đang ở dưới bầu trời rộng mở. Tôi đã đánh mất giấc mơ của mình”.
Vào tháng 3 năm ngoái, 15 người chết và khoảng 50,000 người mất nhà cửa ở Bangladesh sau khi một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi những ngôi nhà của người Rohingya tại khu định cư dành cho người tị nạn lớn nhất thế giới.
Mohammad Yasin, 29 tuổi, than phiền về việc thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy trong các trại.
“Ở đây thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Không có cách nào chúng tôi có thể dập lửa. Không có nước. Nhà tôi bị cháy. Nhiều tài liệu tôi mang từ Miến Điện về cũng bị cháy. Và ở đây lạnh lắm”, anh nói.
Bangladesh đã được ca ngợi vì đã tiếp nhận những người tị nạn tràn qua biên giới từ Miến Điện, nhưng chẳng mấy thành công trong việc tìm kiếm những ngôi nhà cố định cho họ.
Source:Licas News
2. 30 linh mục của Tổng giáo phận Guadalajara đã chết vì Covid-19
Đức Tổng Giám Mục José Francisco Robles Ortega của Guadalajara, cho biết đến nay trong trận đại dịch, 30 linh mục đã chết vì các biến chứng do lây nhiễm coronavirus.
Vào thời điểm này, tổng giáo phận cũng có một báo cáo về hàng chục linh mục mắc Covid-19, tất cả đều đang hồi phục tại nhà và không có dấu hiệu cảnh báo. Đến nay, có 287 của tổng giáo phận bị nhiễm kể từ tháng 3 năm 2020.
Hiện tại, các nhà thờ được phép cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự với công suất tối đa là 75% sức chứa. Theo Đức Tổng Giám Mục Robles Ortega, các nhà thờ đã tuân thủ chỉ định của nhà nước và trong một số trường hợp, các linh mục quản xứ cho biết có không đến 50% giáo dân trong nhà thờ. Nhiều người sợ nhiễm coronavirus nên không dám dự lễ.
“Chúng tôi cam kết và chúng tôi đã tuân thủ đầy đủ tất cả các biện pháp liên quan đến việc sử dụng khẩu trang, vệ sinh, giữ khoảng cách an toàn, tránh bắt tay nhau khi chúc bình an, chúng tôi cam kết tiếp tục các biện pháp này”.
Đức Tổng Giám Mục Robles Ortega cho biết thêm trong vài ngày qua số ca nhiễm đã tăng từ 200 ca mắc mới mỗi ngày lên 1,800 ca.
Source:Eloccidental.com.mx
3. Vài nét về ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Bất kể những chống báng thậm chí đến mức bách hại kinh hoàng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, những lời của Đức Giáo Hoàng, chẳng hạn các thông điệp Laudato si 'và Fratelli tutti, và các hoạt động ngoại giao của Tòa thánh, luôn được các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới hết sức coi trọng. Điều này cũng được xác nhận bởi dòng chảy liên tục các Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ từ mọi lục địa vào điện Tông tòa của Vatican. Đặc biệt, những hành động đáng kể và được đánh giá cao của Vatican trong lĩnh vực đa phương, được coi là cần thiết cho một giải pháp công bằng cho các cuộc xung đột. Trong lĩnh vực quan hệ song phương, Tòa thánh hiện duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Vào năm 1900, các quốc gia có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh chỉ có khoảng hai mươi, con số này tăng lên 49 vào tháng 6 năm 1963, 89 vào tháng 8 năm 1978, và 174 vào năm 2005. Trong triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia. Dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, có thêm 3 quốc gia nữa, nâng tổng số lên 183. Ba quốc gia mới nhất thiết lập quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh là Nam Sudan vào năm 2013, Mauritania vào năm 2016 và Miến Điện vào năm 2017. Nếu tính luôn cả Liên minh Âu Châu và Dòng Malta, Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và các thực thể quốc tế.
Tháng 11 năm 2012, sau khi Liên Hiệp Quốc cấp cho Palestine quy chế quan sát viên thường trực, Tòa Thánh đã có “quan hệ đặc biệt” với Nhà nước Palestine. Năm 2016, sau khi Hiệp định Toàn cầu được ký kết vào tháng 6 năm 2015 có hiệu lực, Palestine đã có quan hệ đầy đủ với Tòa Thánh.
Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao với 13 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia ở Á Châu trong đó phần lớn là các quốc gia Hồi giáo và cộng sản. Trong 13 quốc gia này có 8 quốc gia Tòa Thánh không có bất cứ một hình thái đại diện nào. Đó là Afghanistan, Ả Rập Xê-út, Bhutan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Maldives, Oman, và Tuvalu. Tại bốn quốc gia khác là Comoros, Somalia, Brunei và Lào, Tòa Thánh có thể bổ nhiệm Khâm Sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate).
Khâm sứ Tòa thánh - Apostolic Delegate – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài không làm nhiệm vụ ngoại giao vì quốc gia sở tại chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh.
Sứ thần Tòa Thánh - Apostolic Nuncio – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương. Ngài đồng thời cũng làm nhiệm vụ ngoại giao, trong tư cách là đại sứ của quốc gia thành Vatican, với nước sở tại.
Việt Nam là quốc gia thứ 13 trong số 13 quốc gia Tòa Thánh chưa có quan hệ ngoại giao.. Từ năm 2011, một đại diện không thường trú của Vatican đã được bổ nhiệm, đang chờ đặt một văn phòng ổn định tại Hà Nội.
Đối với Kosovo, nơi địa vị quốc tế của quốc gia này đang gây tranh cãi, Tòa thánh hiện đã tự giới hạn trong việc chỉ định một Khâm Sứ Tòa Thánh thay vì một vị Sứ thần Tòa Thánh. Khâm Sứ Tòa Thánh tại Kosovo hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Jean-Marie Speich, Sứ thần Tòa Thánh tại Slovenia.
Chức danh của các vị đại diện Đức Thánh Cha tại Thánh Địa cũng khá phức tạp. Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi. Hiện nay, ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Israel và đảo Síp, và là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine.
Tòa thánh có quan hệ ngoại giao không đầy đủ với Trung Hoa từ năm 1922. Vatican đã cử Đức Tổng Giám Mục Celso Benigno Luigi Costantini làm Khâm Sứ Tòa Thánh tiên khởi tại Trung Hoa. Năm 1942, quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Hoa được thiết lập. Năm 1946, sau khi chấm dứt thế chiến thứ hai, Đức Tổng Giám Mục Antonio Riberi được chỉ định làm Sứ thần Tòa Thánh tại Trung Hoa và ngài đến trình quốc thư cho tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là Lâm Sâm (Lin Sen, 林森).Bọn cầm quyền Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh vào năm 1951 sau một vụ việc phức tạp. Trong suốt hai năm 1950 và 1951, cộng sản Trung Quốc đã gây áp lực lên Vatican buộc Tòa Thánh cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Dân Quốc bằng cách đe dọa hình thành nên Giáo Hội quốc doanh độc lập với Vatican. Tuy nhiên, đa số các linh mục phản đối trào lưu này, và Chu Ân Lai tìm kiếm một giải pháp trung gian. Mao nghĩ ra một chiêu độc. Một linh mục làm việc tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã ném một chiếc cối cũ từ những năm 1930 vào một đống rác ở nhà của mình. Một doanh nhân tên là Antonio Riva đã phát hiện ra chiếc cối và mang về nhà để trưng bày như một món đồ cổ. Công an cộng sản ập vào nhà của Riva, họ đã bắt anh ta vì âm mưu ám sát Mao Trạch Đông bằng cái cố đó, là điều mà Riva đã phủ nhận và cho rằng cáo buộc đó quá khôi hài. Riva bị xử tử và phái đoàn ngoại giao của Tòa thánh bị trục xuất khỏi đất nước vì tội “hoạt động gián điệp”. Riêng Cha Tarcisio Martina, Giám Quản Tông Tòa của Y Huyện (Yixian, 黟县), bị kết án tù chung thân và chết vào năm 1961. Từ đó, Tòa Sứ Thần Tòa Thánh được đặt tại Đài Loan, tuy nhiên, kể từ năm 1979, không còn có Sứ thần nữa mà chỉ là “Đại biện lâm thời”. Trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Trung Quốc dẫn đến thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục vào tháng Chín năm 2018, và được gia hạn thêm hai năm nữa vào tháng 10 năm 2020, vấn đề quan hệ ngoại giao vẫn chưa được giải quyết. Cho đến nay, Tòa Thánh tỏ ra không mấy quan tâm việc có thể mở một văn phòng chính thức tại Bắc Kinh. Trong khi đó, Tòa Thánh có một đại diện thường trú vĩnh viễn được gọi là “phái bộ nghiên cứu” tại Hương Cảng, trực thuộc Sứ thần Tòa Thánh tại Phi Luật Tân.
Trong những năm gần đây, việc bổ nhiệm các “đại biện” hay “chargés d'affaires” thường trú tại các quốc gia không có Tòa Sứ thần Tòa Thánh đã tăng lên gấp bội, đặc biệt ở Phi Châu và Trung Đông. Ví dụ, ở Đông Timor, Chad, Gabon, Malawi, Nam Sudan, và sau đó ở Síp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tại Jordan, việc bổ nhiệm một Sứ thần Tòa Thánh thường trú đã được dự kiến. Trước đây Sứ thần Tòa Thánh tại Baghdad cũng đồng thời là chargés d'affaires tại Jordan.
Hiện nay có khoảng 90 quốc gia có đại sứ quán tại Rôma. Các nước còn lại thường được đại diện bởi các nhà ngoại giao cư trú tại các thủ đô khác của Âu Châu.
Dưới triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô, các đại sứ “không thường trú” của Armenia, Belize, Ghana, Palestine, Malaysia và Nam Phi đã trở thành đại sứ thường trú. Azerbaijan và Thụy Sĩ sẽ sớm được thêm vào danh sách này.
Source:Avvnire