1. Ca sĩ và diễn viên thượng thặng nói về Chuỗi Mân Côi sau khi con gái mất tích

Romina Power có lòng sùng kính Đức Mẹ ngày càng mạnh mẽ hơn trong những năm qua.

Trong một số gần đây của tuần báo Ý Maria con te, nghĩa là “Đức Maria ở với bạn”, chúng tôi tìm thấy một cuộc phỏng vấn với nữ ca sĩ kiêm diễn viên Romina Power, tập trung vào lòng sùng kính lớn lao của cô đối với Đức Mẹ.

Romina Power — ca sĩ, diễn viên và nhân vật truyền hình nổi tiếng, và là con gái của hai ngôi sao Hollywood nổi tiếng, Tyrone Power và Linda Christian — đã bước sang tuổi 70 vào tháng 10 vừa qua. Cô lên ngôi vào ngày 26 tháng 7 năm 1970, khi mới hơn 18 tuổi, sau đó cô kết hôn với một ca sĩ trẻ và đầy triển vọng người Ý, Albano Carrisi, con trai của một gia đình nông dân ở Apulian.

Cho rằng gia đình mình quá nghèo, không xứng với gia đình Romina Power, mẹ của anh Albano Carrisi ban đầu khuyên con trai đừng trèo cao để khỏi té đau. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này hóa ra lại là điều tốt nhất: mối quan hệ của họ rất sâu sắc và hạnh phúc như một cặp vợ chồng và như một cặp đôi nghệ thuật, và bốn đứa con được sinh ra từ cuộc hôn nhân: Ylenia, Yari, Cristel và Romina.

Mặc dù trong nhiều thập kỷ, hai vợ chồng được ngưỡng mộ vì sự hòa hợp trong cuộc sống và công việc, cuối cùng họ ly thân vào năm 1999 và cuối cùng ly hôn vào năm 2012, một phần bởi nỗi đau từ sự mất tích bí ẩn của cô con gái đầu lòng Ylenia. Cô mất tích ở tuổi 23 ở New Orleans vào năm 1994. Xác cô ấy chưa bao giờ được tìm thấy.

Albano Carrisi tin rằng Ylenia đã tự tử bằng cách nhảy xuống dòng sông Mississippi chảy xiết. Romina tiếp tục tin rằng con gái mình vẫn còn sống và đang trốn ở đâu đó.

Sau khi con gái mất tích, Romina chỉ có thể ngủ thiếp đi khi đang lần chuỗi Mân Côi

Nữ ca sĩ nói với Maria con te rằng gia đình cô, phía bên ngoại là người gốc Mễ Tây Cơ,, đã sùng kính Đức Mẹ Guadalupe như thế nào và cô cảm thấy gần gũi như thế nào với Đức Maria vào thời điểm đau khổ đó.

Tôi hướng về Đức Mẹ vào năm 1994, sau sự biến mất của con gái tôi là Ylenia. Tôi đã bị lạc và không thể tìm thấy câu trả lời đầy đủ ở bất cứ đâu. Tôi thậm chí không thể ngủ được. Vì vậy, tôi đến một tu viện ở New Orleans và hỏi họ xem họ có chuỗi tràng hạt không. Họ chỉ vào một chồng tràng hạt bằng nhựa nhiều màu sắc. Tôi đã chọn một trong số đó. Sau đó, tôi bắt đầu lần chuỗi Mân Côi hàng đêm, cuối cùng tôi tìm thấy sự bình yên cho phép tôi ngủ, cũng như xác tín rằng cuối cùng, tất cả sẽ tốt đẹp. Cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác.

Nhờ tìm lại sự bình yên bên trong, Romina đã có thể tiếp tục cuộc sống của mình, hòa giải với Albano và nối lại quan hệ đối tác nghệ thuật nghiêm túc với anh ta.

Cô tiếp tục gắn bó sâu sắc với đền thờ Đức Mẹ Guadalupe ở Mễ Tây Cơ, nhưng cô đã cùng với chị gái Taryn phát hiện ra rằng ở La Crosse, Wisconsin, nơi cô từng sống, có một đền thờ khác dành riêng để kính Đức Mẹ. Cô đã đến đó để cầu nguyện thường xuyên mỗi khi đến thăm chị gái Taryn, là người đã chết vì bệnh bạch cầu vào năm 2020.

Romina Power cũng là một họa sĩ, và nhiều lần cô đã vẽ Đức Mẹ, luôn luôn ở bên Chúa Hài Đồng: “Có một thời kỳ tôi chỉ vẽ Đức Mẹ,” cô nói với tuần báo Ý.

“Tôi muốn sự ngọt ngào của Đức Mẹ tỏa sáng. Nhưng cũng là sự cam chịu của Đức Mẹ trước số phận của mình, số phận của con trai mình. Tôi cảm thấy Đức Mẹ là Mẹ của tất cả chúng ta, không chỉ của Chúa Giêsu. Và còn ai yêu con mình và lắng nghe con cái mình hơn một người mẹ?”
Source:Aleteia

2. Giáo Hội Hàn Quốc cử hành các buổi lễ tại đền thờ các vị tử đạo vừa được Vatican công nhận

Các quan chức tại một thành phố của Hàn Quốc đã cùng các nhà lãnh đạo Giáo Hội tổ chức lễ kỷ niệm việc Vatican công nhận đền thờ các thánh tử đạo Công Giáo là địa điểm hành hương quốc tế.

Tờ Catholic Times của Hàn Quốc cho biết các nhà lãnh đạo chính trị, quan chức dân sự và lãnh đạo Giáo Hội đã cùng nhau tham dự chương trình tại đền thờ Các thánh Tử đạo Công Giáo Hải Mi (Haemi, 해미) ở thành phố Thụy Sơn (Seosan, 서산), phía Nam tỉnh Trung Thanh (Chungcheong, 충청) cách thủ đô Hán Thành khoảng 280 km về phía nam.

Đức Cha Augustinô Kim Tôn Tú (Kim Jong-soo, 김종수) Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Đại Điền (Daejeon, 대전시) đã trao sắc lệnh từ Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Tân Phúc âm hóa cho Cha Hàn Quang Thích (Han Gwang-seok, 한광석) giám đốc của đền thánh.

Vào ngày 1 tháng 3 năm ngoái, Vatican đã công nhận đền thờ Hải Mi là một trong khoảng 30 địa điểm hành hương quốc tế. Theo các nguồn tin từ Giáo Hội địa phương, đây là địa điểm thứ hai của Hàn Quốc được Vatican công nhận là địa điểm hành hương quốc tế.

Đền thờ Hải Mi lưu giữ di sản các cuộc tử đạo của khoảng 2,000 người Công Giáo Hàn Quốc vô danh trong những ngày đầu Công Giáo ở Hàn Quốc. Hàng nghìn người Công Giáo đã bị cầm tù, tra tấn và tàn sát khi triều đại Tiên Quốc (Joseon, 조선) tiến hành cuộc đàn áp tàn bạo đối với các tín hữu Kitô vào thế kỷ 19.

Giáo Hội Hàn quốc đã dựng một tháp tưởng niệm cao 16 mét để tôn vinh hàng trăm vị tử đạo vô danh. Giáo Hội chỉ có thể ghi tên rửa tội của 132 người Công Giáo, những người đã chịu tử đạo tại Hải Mi.

Trong bài phát biểu của mình trong buổi lễ, Đức Cha Kim nói rằng mọi người cần tìm hiểu lịch sử của các cuộc tử đạo Kitô giáo dưới triều đại Tiên Quốc để hiểu lịch sử tôn giáo, đức tin và thực tế xã hội của thời đại.

Đức Cha Kim nói: “Chúng ta cần phải hiểu rất rõ về lịch sử của các cuộc tử đạo vào cuối triều đại Tiên Quốc để nhận ra rằng đạo Công Giáo đã đem quý tộc và nô lệ đến chỗ sống chung với nhau như một gia đình và tạo ra một trật tự xã hội mới với nguồn cảm hứng từ tôn giáo và đức tin”.

Vị giám mục nói thêm rằng tuyến đường hành hương sẽ được phát triển và bảo tồn vì Vatican đã công nhận đền thờ là một địa điểm hành hương quốc tế.

“Tôi hy vọng nó sẽ trở thành một nơi mà mọi người có thể tìm thấy niềm an ủi tinh thần xa lánh tình trạng điên cuồng với các đua đòi vật chất”.

Phát biểu trong buổi lễ, Ông Mạnh Sàng Huấn (Maeng Jeong Ho, 맹상훈) thị trưởng thành phố Thụy Sơn bảo đảm hỗ trợ hành chính để phát triển một tuyến đường hành hương bên cạnh Đền Hải Mi Sơn, một địa điểm Phật giáo nổi tiếng.

Đạo Công Giáo được đưa đến Hàn Quốc vào thế kỷ 17 bởi những giáo dân Triều Tiên, những người đã gặp gỡ đức tin trong chuyến du hành đến Trung Quốc và Nhật Bản. Đạo Công Giáo đã trở nên phổ biến và vững chắc trên bán đảo Triều Tiên vào thế kỷ 18. Khi đức tin bắt đầu lan rộng, người Công Giáo phải đối mặt với sự đàn áp dưới triều đại Tiên Quốc. Triều đại này đã cai trị Hàn quốc hơn 500 năm.

Trong suốt 100 năm bách hại, có khoảng 10,000 người Công Giáo đã tử vì đạo ở Hàn Quốc. Mãi đến năm 1886, cuộc bách hại người Công Giáo mới kết thúc theo sau một hiệp ước với Pháp.

Khoảng 56% trong số 58 triệu người Hàn Quốc không theo tôn giáo nào, 20% theo đạo Tin lành, 8% theo Công Giáo và 15.5% theo đạo Phật.

Có khoảng 5.6 triệu người Công Giáo trong ba tổng giáo phận, 14 giáo phận và một giáo phận quân đội ở Hàn Quốc.
Source:UCANews

3. Ba sự kiện ở Rôma đáng mong đợi trong năm 2022

Mặc dù đại dịch coronavirus tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới, nhưng đầu năm mới dương lịch cũng là thời điểm thích hợp để đón chờ những sự kiện vui tươi sắp đến.

Tại Rôma, Vatican đang lên kế hoạch cho ba cử hành quan trọng có tính chất quốc tế đối với niềm hy vọng Kitô Giáo.

Mặc dù quy mô đám đông có thể phải được kiểm soát, nhưng công nghệ hiện đại và khả năng kết nối từ xa hoặc thông qua phát trực tiếp có nghĩa là sự tham gia có thể không giới hạn.

Khi năm mới bắt đầu, đây là ba sự kiện ở Rôma mà người Công Giáo có thể mong đợi vào năm 2022.

Việc tuyên thánh cho Chân Phước Charles de Foucauld và sáu vị chân phước khác vào ngày 15 tháng 5 sẽ kết thúc khoảng thời gian hai năm bảy tháng kể từ biến cố tuyên thánh gần đây nhất, của thánh John Henry Newman và bốn vị khác vào tháng 10 năm 2019.

Việc tuyên thánh – tức là khi Đức Giáo Hoàng long trọng công nhận rằng một người nam hoặc một người nữ thánh thiện đang ở trên thiên đàng - luôn là một dịp vui mừng cho Giáo Hội, và nhiều người Công Giáo có thể sẽ rất vui mừng khi thấy người lính Pháp và nhà thám hiểm, là người sau này trở thành một tu sĩ dòng Trapp và nhà truyền giáo Công Giáo ở Algeria, được tuyên bố là một vị thánh.

Sau khi quay lại với đức tin Công Giáo, Foucauld muốn bắt chước cuộc đời của Chúa Giêsu. Ngài đã dành 13 năm cuối cùng của mình để sống giữa những người Tuareg Hồi giáo, một nhóm dân tộc du mục, trên sa mạc Algeria do Pháp chiếm đóng. Còn được gọi là Anh Charles của Chúa Giêsu, Foucauld bị giết vào năm 1916 ở tuổi 58.

Vào ngày 15 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ tuyên thánh cho Devasahayam Pillai, một giáo dân ở Ấn Độ, người đã tử đạo sau khi cải đạo từ Ấn Độ giáo sang Công Giáo vào thế kỷ 18.

Pillai, người còn được biết đến với tên rửa tội của mình, Lazarus, đã được phong chân phước vào năm 2012 ở miền nam Ấn Độ. Ngài sẽ là người giáo dân Công Giáo đầu tiên ở Ấn Độ được tuyên bố là một vị thánh.

Bảy năm sau khi cải đạo, Pillai bị giết ở tuổi 40 bằng một phát súng, sau khi anh ta bị vu oan tội phản quốc, bị bắt và bị tra tấn trong ba năm.

Hai nữ tu sĩ cũng sẽ được tuyên thánh vào ngày 15 tháng 5: Đó là Chân Phước Maria Francesca di Gesù, người thành lập Dòng Nữ tu Capuchin thành Loano, và Chân Phước Maria Domenica Mantovani, người đồng sáng lập và là Bề trên tổng quyền đầu tiên của Dòng Tiểu Muội Gia đình Thánh Gia.

Chân Phước César de Bus, Chân Phước Luigi Maria Palazzolo, và Chân Phước Giustino Maria Russolillo - ba linh mục thành lập các dòng và tu viện - cũng sẽ được tuyên thánh.

Họp mặt Gia đình Thế giới lần thứ 10

Mặc dù sự lan rộng liên tục của COVID-19 có nghĩa là sự tham dự thực tế ở Rôma sẽ bị hạn chế, nhưng Cuộc họp Thế giới lần thứ 10 của các gia đình, từ ngày 22 đến 26 tháng 6, sẽ có những cách thức cho bất kỳ gia đình Công Giáo nào muốn tham gia.

Các nhà tổ chức đã lên kế hoạch cho các cuộc họp kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, và các giám mục đã được khuyến khích tổ chức các sự kiện song song trong giáo phận của các ngài.

Đây sẽ là lần thứ ba Rôma tổ chức cuộc họp quốc tế, bắt đầu từ năm 1994. Khoảng 2,000 người sẽ tham dự trực tiếp Đại Hội năm 2022, với chủ đề “Tình yêu gia đình: ơn gọi và con đường nên thánh”.

Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, cho biết: “Việc chọn thành phố lưu giữ những kỷ niệm của các Tông đồ Phêrô và Phaolô làm địa điểm chính cho cuộc họp nêu bật ơn gọi ban đầu của Giáo Hội Rôma, nơi chủ trì sự hiệp thông của Giáo Hội”.

Cuộc Họp Mặt Các Gia Đình Thế Giới cũng sẽ đánh dấu sự kết thúc của Năm Gia Đình Amoris Laetitia.

Việc tuyên chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I

Bậc đáng kính Đức Gioan Phaolô I sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên Chân Phước vào ngày 4 tháng 9 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Thường được gọi là “vị giáo hoàng tươi cười”, Đức Gioan Phaolô I đột ngột qua đời vào ngày 28 tháng 9 năm 1978, chỉ sau 33 ngày tại vị. Một ưu tiên trong triều đại giáo hoàng ngắn ngủi của ngài là thực hiện các quyết định của Công đồng Vatican II.

Nhưng ngay cả trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Hồng Y Albino Luciani đã được biết đến với sự khiêm tốn, chú trọng đến tinh thần nghèo khó và tận tâm giảng dạy đức tin một cách dễ hiểu.

Vào tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ có được nhờ sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô I và đã chấp thuận cho ngài được tuyên bố là “chân phước”.

Mặc dù các buổi lễ tuyên chân phước thường diễn ra ở quê hương gắn liền nhất với cuộc đời của tân chân phước, nhưng Đức Gioan Phaolô I sẽ được phong chân phước tại Vatican vì ngài từng là giáo hoàng.

Phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô I xảy ra vào năm 2011 chữa lành cho một cô gái ở Tổng giáo phận Buenos Aires, Á Căn Đình, khỏi một dạng bệnh não nặng, một căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến não với nguy cơ tử vong rất cao.
Source:Catholic News Agency