Một Giáo Hội hèn mọn
Giờ đây, phạm vi thực sự của xu hướng hiện đại có thể được chứng thực. Việc Giáo hội hướng ra bên ngoài, vượt ngoài biên giới của mình, bắt tay với các người anh em Kitô giáo, Do Thái giáo và không phải Kitô giáo của mình, có thể là việc tự truất hữu của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Có thể là như thế nếu Kitô hữu chịu tìm kiếm, không phải các thỏa hiệp cho bản thân hoặc các tiến bộ ngoại giao như thỏa hiệp đối với người khác, nhưng, thay vào đó, điều khó khăn nhất, tức việc bị phơi bày không được bảo vệ, có tính vị tha. Đây là nhiệm vụ sẽ hoàn thành mục đích cố hữu của nó, trong khi tất cả các nhiệm vụ khác (chẳng hạn như kỷ luật của Giáo hội phẩm trật) đều tương đối so với nó, sẽ tốt chừng nào khi chúng nâng cao nhiệm vụ chính, sẽ xấu chừng nào khi chúng che khuất nó. Giáo hội vị tha chỉ tìm vinh dự của Chúa mình chứ không tìm kiếm vinh dự cho mình, vì chính Chúa cũng đã tìm, không bao giờ là vinh quang của riêng mình, mà là vinh quang của Chúa Cha. Trong Kinh thánh, Giáo Hội tìm kiếm lời có thể dạy mình biết vâng lời cách hoàn hảo hơn; trong Phụng vụ của mình, Giáo Hội tìm kiếm, không phải là việc tự thỏa mãn của cộng đồng, nhưng là việc thờ lạy Chúa của mình và đầu tư sứ mệnh của mình bằng sức mạnh của Người. Khi đối phó với các Kitô hữu ly khai, Giáo Hội tìm cách chu toàn mệnh lệnh đầy thuyết phục nhất của Thầy chí thánh, hợp nhất như tình yêu. Trong thế giới phàm tục, Giáo Hội nói về mình như được sai đi, trở thành men bột thực hiện công việc của mình bằng cách biến đi.
Ngày nay, trong các phương thức mới mẻ của mình, Giáo Hội không tìm cách biện minh cho bản thân mà, thay vào đó, cảm thấy khiêm nhường sâu xa, chính trong các thái độ này, vì mọi điều sơ đẳng như thế chỉ xảy ra với Giáo Hội một cách không thể giải thích được vào những ngày muộn màng; vì Giáo Hội rất khó nghe thấy những lời thôi thúc và linh hứng không những của Chúa Thánh Thần mà còn của cả thế giới đồng loại nữa, các người Thệ phản, các nhà duy nhân bản, và những người cộng sản. Và hơn bao giờ hết, Giáo Hội cảm thấy mình nhỏ bé trong cuộc đối thoại đầu tiên, lắp bắp với người Do Thái. Giờ đây, Giáo Hội sẽ phải lựa lời ra sao, sau tất cả những gì đã xảy ra hơn hai nghìn năm nay? Giáo Hội rất có thể ấp ủ hy vọng rằng các bất đồng nội bộ giữa các Kitô hữu vẫn có thể được giải quyết êm đẹp bằng lòng khiêm nhường chân chính. Nhưng Giáo Hội phải tiếp cận các anh em Do Thái giáo của mình cách nào? Có lẽ Giáo Hội nên thực hiện một hành vi hết lòng ăn năn, bắt đầu từ việc Giáo Hội không tuân theo nhiều đoạn trong Kinh thánh, vốn dạy rằng chỉ có Thiên Chúa mới có độc quyền phán xét, Giáo hội được tháp vào bộ tộc thánh Israel, và các Kitô hữu phải rất cẩn thận nhớ rằng nếu Thiên Chúa không tha cho cành cao quý, tự nhiên, thì số phận tương tự vẫn có thể dễ dàng giáng xuống cành hoang dã chỉ được tháp vào mà thôi; và cuối cùng, trọn Israel sẽ được an toàn, vì những lời hứa của Thiên Chúa là không thể thu hồi. Mối tương quan Israel và Giáo hội dựa trên chính Kinh thánh; do đó, nó không nằm trong hồng phúc Giáo hội. Bản thân Giáo Hội hiện hữu theo nghĩa mầu nhiệm, biện chứng trong mối tương quan với Israel; sự ra xa lạ nảy sinh từ tâm điểm của lịch sử cứu rỗi, và việc loại bỏ việc này là việc của Quan tòa Phổ quát. Tuy nhiên, đối với Giáo hội, điều đó có nghĩa Giáo hội luôn có tương quan với Israel, cũng như Israel có tương quan với Giáo Hội, một cách chính Giáo Hội cũng không hiểu thấu. Vì vậy, tự mình, Giáo Hội không hề là toàn bộ. Không đơn giản là Vương quốc của Thiên Chúa. Vì vậy, Thánh Tông đồ khuyên Giáo Hội “Đừng có tự cao tự đại, nhưng phải sợ thì hơn” (Rm 11:20).
Không nơi nào khác, Giáo hội được kêu gọi khẩn thiết phải khiêm nhường như ở đây. Chữ sỉ nhục không phải là không thích hợp, và chúng ta không nên cố gắng phớt lờ nó; điều đó sẽ chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Trong tòa giải tội, người ta luôn sẵn sàng đón nhận sự sỉ nhục. Và những tội lỗi công khai như vậy, phạm trước tầm nhìn đầy đủ của lịch sử thế giới, không chỉ đơn giản được xóa khỏi ký ức của lịch sử bằng một lời thú tội công khai. Nên, chúng ta phải từ bỏ chúng. Không phải vì đức hạnh, nhưng vì dù sao chúng cũng sẽ bị loại bỏ. Và đối với cá nhân Kitô hữu, như chúng ta đã trình bày ngay từ đầu, không có cách nào làm mình lánh xa được chúng; vì xét cho cùng, đó chính là Giáo hội của chúng ta. Còn đối với những người Thệ Phản thích ném đá nhưng vẫn tự xưng là Kitô hữu, thì cần nhắc họ ở đây rằng lịch sử Kitô giáo trước cuộc chia rẽ, từng chút một và phần lớn lịch sử của họ cũng như lịch sử của chúng ta, đều là người Công Giáo. Dù sao, Giáo hội không chỉ bắt đầu hiện hữu vào thế kỷ thứ mười sáu.
Một Giáo hội khiêm nhường nên tìm ra con đường dễ dàng hơn để đến với người hèn mọn và bị khinh miệt. Đến với những người bị lãng quên, vì không đáng hoặc ít đáng dành các chi phí không tương xứng để chỉ nhận được những cải tiến ít ỏi của họ. Dấu chỉ sự hiện hữu trên mặt đất của Chúa Giêsu dường như là dấu chỉ sự vô ích thế nào, thì dấu chỉ Giáo hội trên mặt đất cũng vô ích như vậy. Nền văn minh thế tục càng tự tổ chức và theo đuổi các chiến dịch chống cảnh nghèo, bệnh tật, đói khát, ngu dốt, thì Kitô hữu càng phải tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ này và cổ vũ chúng như những con người giữa những con người. Chính phủ và các hiệp hội chính phủ sẽ luôn có lợi thế ngày càng rõ ràng hơn Giáo hội về các nguồn lực sẵn có từ bên ngoài; do đó, ở đây, một lần nữa, Giáo hội được chỉ cho thấy những khoảng cách luôn hiện diện giữa các nhiệm vụ có tổ chức và hiệu quả tốt. Khi nhận “chỗ thấp nhất” trong số những chỗ cuối cùng, của Tin Mừng (Lc 14:10) và các tông đồ (1Cr 4:9), Giáo Hội đã giành chỗ đã định, dành riêng và thích hợp cho mình. Điều này không có nghĩa là, qua các thành viên của mình và trong tất cả các hoạt động không phải là Kitô giáo, Giáo Hội, bất cứ khi nào có thể, không được tìm cách cổ vũ, ngoài tinh thần nhân đạo, tinh thần cống hiến khiêm tốn, không tính toán của mình, tới tận các nhiệm vụ và chức vụ cao nhất của trách nhiệm trong xã hội loài người. Các chức năng như thế cũng sẽ được quản lý một cách khách quan nhất chính lúc mức độ quên mình cao nhất làm cho tính khách quan đó trở nên khả hữu, ngay cả giữa những cuộc tranh giành quyền lực của các nhóm, phe phái, quốc gia đặc thù, mà người ta hy vọng rằng các chân trời ngày càng có tính hoàn cầu sẽ khuyến khích tính hợp lý trong các lập trường và lập luận của họ.
Nếu trong các lĩnh vực thế tục như vậy, người ta hẳn mong được thấy một sự biến hóa hiển nhiên hướng tới tính phổ quát, thì đối với ý niệm về Giáo hội, không thể có sự biến hóa nào có thể diễn ra. Các ý niệm về Giáo Hội và cốt lõi thực tại của Giáo Hội đã được ban cho Giáo Hội một cách hoàn hảo, ban trước dọc chặng đường và bất cứ lúc nào Giáo Hội cũng có thể nhìn lại nguồn gốc của mình để căn cứ vào đó, đo lường những thất bại đáng trách của mình và nhấn mạnh các phương thức khác mà Giáo Hội đã không cần mẫn đủ trong việc khai triển. Những gì có vẻ như tiến bộ và phát triển, theo nghĩa thế gian, ngay lập tức, phải bị nghi ngờ là đang đi ra ngoài bản chất thực sự của Giáo Hội. Các gia tăng lớn lao về số lượng, các vinh dự, sự giàu có, các vị trí quyền lực văn hóa và chính trị nên đánh thức nơi Giáo Hội một cảm giác bất an và sợ hãi về việc bị Chúa lãng quên. Vị trí của Giáo Hội vẫn là một nghịch lý, vì chỉ với tư cách là một đoàn chiên nhỏ, Giáo Hội mới có thể tạo ra một hiệu quả lớn; chỉ khi như loại men cô đọng, Giáo Hội mới có thể “làm nổi thúng bột”, và điều dễ hiểu là, Giáo Hội, hết lần này đến lần khác, trở thành nạn nhân bị cám dỗ muốn thấy tác dụng to lớn này trong “mọi thứ bột” coi như là tiêu chuẩn chứng minh cho tính chân chính của việc Giáo Hội làm. Nó là một cám dỗ ít nhất tới mức các công việc của Giáo Hội cuối cùng không thể đo lường được. Những yếu tố thiết yếu nhất trong năng lực của Giáo Hội, cầu nguyện, đau khổ, tuân theo đức tin, sẵn lòng phục vụ (có lẽ chưa được sử dụng hết mức), lòng khiêm nhường, luôn lẩn tránh mọi phân tích thống kê. Do đó, các cộng đồng thế tục [instituta secularia] tính toán một cách chính xác khi từ bỏ hình thức hoạt động tông đồ trực tiếp (có thể đo lường được về mặt thống kê) để đơn giản hiện diện trong thế giới phi Kitô giáo (présence au monde). Các cộng đồng khác, những cộng đồng cố gắng, bằng mọi nguồn lực của mình, giành cho được các vị trí quyền lực thế gian và văn hóa để được cho là giúp đỡ Giáo hội, mà thực ra, chỉ gây thiệt hại cho Giáo hội và khiến bản thân và Giáo hội không bị ghét bỏ một cách hẳn vô lý.
Ở đây, nếu chúng ta không ngừng nói về “Giáo hội”, thì mỗi Kitô hữu phải biết rằng điều này là có ý nói về chính họ. Đã qua rồi thời hàng giáo dân có thể đơn giản buông bỏ trách nhiệm của họ cho hàng giáo sĩ. Các giáo sĩ ngày càng trở thành một tổ chức trợ giúp rõ ràng hơn, có nhiệm vụ giáo dục và chống đỡ dân Chúa (laos Theou) theo tinh thần Kitô giáo chân chính. Chính vì điều này mà hàng giáo sĩ đã nhận được những ân sủng đặc biệt tư tế, tín lý và lãnh đạo. Ngày nay không còn giáo dân nào có thể bắt đầu một câu buộc tội bằng những chữ như “Giáo hội phải... ”, mà không đồng thời hỏi xem liệu bản thân mình có đang làm những gì Giáo Hội phải làm hay không. Hơn nữa, trước khi thốt ra những lời tuyên bố như vậy, họ cũng phải và luôn chắc chắn rằng, khi nói như vậy, họ đang nói trong Thánh Thần của Giáo hội như Hiền thê của Chúa Kitô và Hiệp thông các Thánh, chứ không phải trong tinh thần chỉ biết phê phán một chiều, không yêu thương, và do đó hoàn toàn phi giáo hội. Kitô hữu không thể mong đợi chỉ đưa ra các yêu cầu rồi sau đó đứng nhìn Giáo hội bị truất hữu và sỉ nhục mà không trải nghiệm diễn trình chữa lành này trong cuộc sống của chính mình.
Cuối cùng, ở đây, nếu có ai nêu câu hỏi về việc xếp hạng các bậc sống khác nhau, nhằm làm cho bản chất của Giáo hội hoàn toàn rõ ràng đối với mọi người, thì có lẽ chúng ta phải đặt lên hàng đầu là “bậc sống ” của những người trong dân Chúa, những người đã được ban tặng và chọn đức vâng phục của đức tin, đức nghèo khó, và sự “hiếm muộn” [sterility] đầy hoa trái của Đức Mẹ làm lối sống nhất định của họ, tiếp theo là toàn thể dân Chúa, và cuối cùng là các đầy tớ thừa tác của họ (như Servi Servorum [đầy tớ các đầy tớ]). Tuy nhiên, vì trật tự thực tế đúng đắn này thường xuyên có nguy cơ bị giải thích sai trong số những người tội lỗi như một cách sắp xép thứ tự theo vinh dự, nên người ta cũng có thể lật ngược đầu xuống cuối, như thường lệ, và bắt đầu với hàng giáo sĩ và đặt trọn biểu thức thành tựu của nó ở phía cuối, đặc biệt vì bậc sống ở vị trí cuối cùng trong thực tế xứng đáng ở vị trí cuối cùng.
Cầu nguyện, hy vọng và phàm tục
Kitô hữu phải học cách truất hữu ngày một cách sâu sắc hơn. Đối với họ, vốn nợ tự do của mình nơi Chúa Kitô, việc này trở thành lời cầu nguyện. Chừng nào con người vẫn còn là tội nhân, và do đó ích kỷ, lời cầu nguyện của họ chứa đựng một sức nặng như chì của mối bận tâm về bản thân. Họ quan tâm đến sự cứu rỗi của mình, cố gắng làm hài lòng “Thiên Chúa xót thương”. Họ có mọi lý do để cầu xin sự tha thứ cho những thất bại của mình, xin sức mạnh cho những yếu điểm của mình. Ngoài ra, họ chắc chắn cũng sẽ cầu nguyện cho bạn bè, người quen, những người họ đang chăm sóc. Và ở ngoại vi, khi điều đó xảy ra, họ sẽ cầu nguyện cho dân Kitô giáo và thế giới. Nhưng tương ứng với việc họ biết Chúa Giêsu Kitô, lời cầu nguyện của họ cũng nhằm việc truất hữu. Họ cầu nguyện cho sự tha thứ tội lỗi; trong lời cầu nguyện này, có tội lỗi của chính họ, một điều quan trọng và dường như bị lu mờ, vì điều đáng sợ đối với họ lúc này là sự kiện: tội lỗi quả có hiện hữu, bất kể ai đã phạm nó. Họ cầu nguyện cho Nước Trời xuất hiện, cho Danh Thiên Chúa cả sáng, cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện trên trái đất. Cho cơm bánh được Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta và trước hết cho người đói ăn. Cho việc xa lánh cám dỗ và điều ác, trước hết nơi những người gần như bị bóng tối lấn át vô vọng.
Họ càng học cách cầu nguyện tốt hơn, thì trái tim của người cầu nguyện sẽ càng được truất hữu. họ phải thực hiện một khám phá kỳ lạ, mà lúc đầu, họ xa lánh nhưng sau đó thúc đẩy họ gần như không thể chịu đựng nổi, nó liên quan đến điều họ coi như căn phòng riêng tư, yên tĩnh của mình, nơi họ tưởng tượng họ có thể trò chuyện với Thiên Chúa trong cô tịch sâu thẳm nhất. Họ thấy nó chỉ ngăn tường với thế giới, nhưng không hề ngăn tường với thiên đàng. Mọi người trong Giáo Hội Chiến Thắng đều có thể nhìn thấy bên trong. Trong Ngày Chung Cuộc, mọi sự đều xảy ra, cả ở trên trời lẫn ở dưới đất, như thể trong một hội trường công cộng rộng lớn. Những lời cầu nguyện của các thánh, hiển hiện đối với mọi người, được các thiên thần thu thập và bay lên như hương thơm trước ngai vàng của Thiên Chúa. Không có gì riêng tư. Tình yêu càng mật thiết, càng có tính bản vị, thì nó càng được công khai trong Nước Thiên Chúa và mọi người càng có quyền đòi hỏi nó. Không những sàn thiên đàng được làm bằng pha lê trong suốt mà tất cả các bức tường cũng vậy. Trong ngôi nhà nhỏ bé ở Nadarét, mọi người đều có thể vào được trái tim của Đức Trinh Nữ, kể cả những người mang giày bẩn thỉu và quần áo rách rưới, những người không hề có mùi hoa huệ.
Các Kitô hữu vẫn có một cái gì đó để học hỏi ở đây; hầu hết họ tư sản một cách e thẹn khi nói đến lòng đạo đức riêng tư của họ. Họ cần phải xét một cách nghiêm túc xem liệu họ có phần nào lạc hậu trong quá trình biến hóa của ý thức hay không. Sự hiện hữu của họ, trái tim của họ, lời cầu nguyện của họ là một ổ bánh mà mọi người nên được chia sẻ. Tại sao các Kitô hữu lại không được phép dự phần vào mầu nhiệm thánh thể? (5) Nếu họ là chi thể của Chúa Kitô, thì Người đứng đầu có thể sử dụng họ. Họ đứng và phục vụ, và thước đo nằm ở Người đứng đầu mà họ phục vụ. Họ nên được biết và cảm thấy mình được tham gia, sử dụng, tiêu thụ. Và họ nên điều chỉnh chuyển động của trái tim, của lời cầu nguyện của họ, cho phù hợp. Họ nên học cách đọc kinh Lạy Cha chúng con một cách đúng đắn và đúng nghĩa, nghĩa là theo nghĩa của Chúa Kitô, và không thu hẹp nó lại, trái với ý nghĩa đích thực của nó, với mọi lời cầu xin bằng cách đặt mình vào trung tâm. Không có chữ “con” nào trong kinh Lạy Cha của chúng con, mà chỉ có chữ “chúng con”. Trong chữ “chúng con” này, chữ “con” tuy bị gộp vào, nhưng vẫn là được gộp vào.
Ngày xửa ngày xưa, không thể hiểu nổi, trong thần học có quan điểm cho rằng mỗi người chỉ có thể có hy vọng cho chính mình: hy vọng Kitô giáo, tức là "không làm thất vọng". Thay vào đó, chúng ta nên nói điều ngược lại. Mỗi người phải có hy vọng cho mọi người anh em mình, nhưng đối với chính mình, họ chỉ phải từ bỏ một cách khó khăn khoảnh khắc sợ hãi của họ. Tất nhiên, tình yêu hoàn hảo xua đuổi nỗi sợ hãi; nhưng ai dám nói họ có tình yêu hoàn hảo? Nhưng đằng sau người anh em họ gặp gỡ, họ nhìn thấy Con Người, Đấng đã chết vì họ và là Đấng cầu bầu cho họ trước mặt Chúa Cha (1 Ga 2: 1). Họ nhìn thấy Người đằng sau mọi người, đằng sau trọn bộ thế giới. Từ đó, hy vọng của họ được nuôi dưỡng. Không còn xẩy đến cho họ nữa việc họ chỉ hy vọng cho bản thân mình, chẳng hạn, ngay sau khi qua đời, họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, trong khi những người khác có thể yên lặng chờ đợi đến lượt mình. Niềm hy vọng đích thực của Kitô hữu có tính cánh chung và cộng đoàn. Nó liên quan đến “tiếng rên rỉ” của sáng thế mong muốn chư một toàn thể được dự phần vào ơn cứu chuộc. Trong niềm hy vọng này, sự đối lập giữa thế giới này và thế giới sau này được khắc phục. Theo quan điểm của nhiều Giáo phụ, ngay cả những Đấng được chúc phúc ở trên trời cũng hy vọng ơn cứu chuộc trọn vẹn cuối cùng của thế giới. Và chúng ta thấy điều này trong những lời cầu nguyện của sách Khải Huyền, nơi trời mới đất mới đã được hứa hẹn. Trời mới sẽ đến khi đất đã lên trời. Và sau đó nó sẽ là một trái đất mới, trong đó ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện trên đất cũng như trên trời. Vì vậy, hy vọng của Kitô hữu diễn ra, không phải xa rời lịch sử, nhưng theo dòng lịch sử, đến tận cùng.
Do đó, khẩu hiệu của “thế giới thế tục” và của thế giới hiện đại và phàm tục được biến đổi thành một hạn từ thực sự Kitô giáo. Pro-fane [phàm tục] có nghĩa là bên ngoài thánh địa (fanum). “Pro” có nghĩa là chúng ta chưa ở bên trong nó nhưng chúng ta luôn đứng trước nó và đang tiến về phía nó. Vì vậy, trong mọi cuộc gặp gỡ, nó luôn hiện diện với một người khác: nó diễn ra trước cung thánh, nhưng nó sẽ không hề diễn ra nếu người Kitô hữu không thể nhìn thấu qua những điều phàm tục để thấy điều thánh thiện và, trong viễn cảnh này, cũng không sải bước tiến về phía nó. Trong khi sải bước, sự khác biệt giữa phàm tục và thánh thiêng trở thành rõ rệt. Nhưng luôn luôn chỉ trong lúc sải bước. Những lời khó nghe của những người theo chủ nghĩa siêu việt về tính phàm tục hoàn toàn của thế giới đã ngăn chặn những bước đi của hy vọng, giống như những lời khiến người ta ra say mê của những người theo chủ nghĩa Teilhard [de Chardin], về tính thánh thiêng toàn diện của vũ trụ, cũng đã làm như vậy.
Bước chân nho nhỏ của hy vọng được rọi sáng cho những ai bị truất hữu trong đức vâng lời đức tin. Họ dám bước đi mà không cần hỏi xem liệu họ có đang ở nước ngoài hay ở quê hương mình. Nếu họ cảm thấy mình đang ở trên đất lạ, thì ít nhất họ cũng biết rằng những bước chân của họ đang đưa họ trở về nhà và quê hương của họ sẽ không khác gì mảnh đất xa lạ đã tìm thấy đường về nhà.
Ghi chú
(1) Một nhà thần học thậm chí đã mạnh miệng khẳng định rằng một phần của việc tự lột bỏ (kenosis) của Chúa Kitô là do Người đã trở thành người quá sớm, trong một thời đại chưa trưởng thành về mặt tiến hoá. Thật là một Chúa Kitô thông minh đáng kinh ngạc mà chúng ta có thể mong đợi ngay cả ngày nay, chỉ một vài chu kỳ cao hơn trong vòng xoáy biến hóa của vũ trụ luôn phát triển đi lên! Không lời nào nói hết được!
(2) Xem bài viết của tôi về “Nền linh đạo của Teilhard de Chardin: Nhận xét về ấn bản tiếng Đức của Le Milieu Divin [Lãnh vực Thần linh]”, Wort und Warheit 18 (1963): 339–50.
(3) Xem bài viết của tôi về “Die Gottvergessenheit und die Christen”, Hochland 57 (1964): 1–11.
(4) Xem bài viết của tôi về “Chủ nghĩa toàn diện”, Wort und Warheit 18 (1963): 737–44.
(5) “Vì Chúa Giêsu như một toàn thể hoàn toàn trong sạch, nên trọn thịt của Người là của ăn và trọn máu của Người là của uống. Vì mọi việc làm của Người đều là thánh, và mọi lời nói của Người đều là sự thật. Nên, thịt của Người là thức ăn thật và máu của Người là của uống thật. Ở vị trí thứ hai, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô cùng mọi Tông đồ là của ăn tinh khiết; và ở vị trí thứ ba, các môn đệ của họ. Và do đó, mỗi người đều có khả năng, tùy theo mức cam kết hoặc sự trong sạch trong ý định của mình, trở thành thức ăn tinh khiết cho người lân cận. Mỗi người trong chúng ta đều có một loại thức ăn nhất định bên trong mình. Nếu đó là điều tốt lành và họ rút ra từ đó và đem ra những điều tốt lành từ kho tàng tốt lành trong lòng mình, thì họ đã cung hiến cho người lân cận của họ một thức ăn tinh khiết ”: Origen, Bài Giảng lễ Thứ bảy về Sách Lêvi.