Theo tin AsiaNews từ Milan thì các nước Đông Nam Á đang cố vực dậy ngành du lịch để cứu nền kinh tế sau hai năm tơi tả vì đại dịch COVID-19.

Campuchia, nghành du lịch chiếm 18,7% GDP vào năm 2019, trong mùa hè vừa qua một nửa số doanh nghiệp liên quan đến du lịch đã bị buộc phải đóng cửa.

Tháng trước Indonesia chính thức mở cửa lại điạ điểm du lịch Bali, nhưng lại không kịp mở các chuyến bay đến hòn đảo này.

Malaysia, tuy báo cáo có thêm 5.000 trường hợp Covid mỗi ngày, vẫn dỡ bỏ các hạn chế đi lại trong nước.

Chính phủ Philippines cũng vậy, họ dỡ bỏ lệnh cấm vận ở thủ đô Manila dù cho tình trạng nhiễm trùng đang đạt đến mức cao kỷ lục.

Những dấu hiệu này cho thấy các nền kinh tế của Đông Nam Á đang bị bắt buộc phải khởi động lại ngay cả khi số người được tiêm chủng chưa cao lắm và cơn dịch vẫn còn gia tăng.

Ở Thái Lan, tuy bá cáo đã có 47% dân số được tiêm hai liều thuốc, nhưng tuần trưốc vẫn có gần 8.000 trường hợp mắc dịch mới mỗi ngày.

Hình như các quốc gia Đông Nam Á đang hướng tới một chiến lược gọi là “sống chung với virus”, nhưng việc mở cửa trở lại cho khách du lịch như thế đã gây ra nhiều câu hỏi hơn trả lời.

Theo bảng 'Xếp Hạng Khả Năng Phục Hồi COVID' của Bloomberg, thì tỷ lệ tử vong hàng ngày ở Đông Nam Á đã vượt quá mức trung bình toàn cầu trong những tháng gần đây do sự lây lan của biến thể Delta và sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng.

Tuy nhiên, có những ý kiến ngược lại, “Nhiều điểm du lịch ở trên thế giới đang cho thấy họ có khả năng giữ an toàn cho khách du lịch quốc tế và ngành du lịch đã dẫn đầu trong việc thích ứng với thực tế mới,” theo lời bà Eunji Tae, cán bộ cuả văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương cuả Tổ chức Du lịch Thế giới (UNTWO) có trụ sở ở Hoa Kỳ cho biết.

"Đảo Maldives là một ví dụ. Sau khi mở cửa trở lại vào giữa tháng Bảy, nó chỉ báo cáo có 20 trường hợp vào đầu tháng Mười."

Trên toàn thế giới, doanh thu liên quan đến du lịch đã giảm 930 tỷ USD vào năm 2020. Và châu Á là nơi chịu thiệt hại lớn nhất.

"Khu vực châu Á và Thái Bình Dương chịu sự sụt giảm lớn nhất. Lượng khách quốc tế giảm 84% vào năm 2020" và "giảm 95% trong 5 tháng đầu năm 2021", bà Tae giải thích.

Du lịch “đóng góp hơn 20% GDP của Philippines, từ 10 đến 20% GDP cuả Malaysia, Singapore và Thái Lan, và từ 5 đến 10% GDP cuả Indonesia, Lào và Việt Nam,” bà Tae cho biết qua một e-mail.

Nếu lấy năm 2019 làm cột mốc, thì Đông Nam Á thu được 146,9 tỷ USD từ du lịch quốc tế, nhưng năm ngoái, con số này giảm xuống còn 32 tỷ USD, nghĩa là giảm 78%.

Và như thế UNTWO dự kiến ​​nghành du lịch sẽ cần phải cải thiện trong năm nay.

Trên toàn cầu, du lịch hàng không quốc tế sẽ vẫn thấp so với năm 2019, nhưng hy vọng với sự tiến bộ của tiêm chủng và sự gia tăng niềm tin của khách du lịch, ngày càng nhiều hạn chế sẽ được dỡ bỏ.

Riêng Việt Nam, theo tin cuả Reuters (ngày 6 tháng 10 năm 2021) thì họ đã bắt đầu mở cửa với mục tiêu là sẽ mở hoàn toàn vào tháng 6 năm 2022

Tuy các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ đã đem lại một số thành công chống dịch lúc ban đầu, nhưng điều đó đã làm tổn hại đến lĩnh vực du lịch của Việt Nam, vốn thường chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội.

Tháng 10, VN thông báo sẽ mở cửa hòn đảo Phú Quốc từ tháng 11 cho những du khách đã tiêm vắc xin.

Vào tháng 12, Việt Nam sẽ cho phép du lịch từ các quốc gia được phê duyệt đến thăm di sản thế giới được UNESCO công nhận là Vịnh Hạ Long, Hội An, thành phố Đà Lạt và Nha Trang.

Hiện vẫn chưa biết những quốc gia nào đã được VN phê duyệt.

"Chúng tôi đang tiến từng bước một, thận trọng nhưng linh hoạt để thích ứng với các tình huống thực tế của đại dịch." theo lời cuả một viên chức nói với Reuters.

Động thái này rập khuôn theo các bước cuả Thái Lan, là vào tháng tới Thái Lan sẽ mở rộng một số thí điểm để cho phép du khách đã được tiêm chủng.

Lượng du khách đến Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn 3,8 triệu vào năm ngoái, từ số 18 triệu vào năm 2019, là lúc mà doanh thu từ du lịch lên đến 31 tỷ USD, tương đương với 12% GDP.

Nhưng Việt Nam, dù đang cố gắng tăng gia tốc độ tiêm chủng COVID-19, cho đến nay chỉ mới có 13% trong số 98 triệu người được tiêm chủng, một trong những tỷ lệ thấp nhất ở châu Á.

Hiện nay, những địa điểm du lịch cuả Việt Nam còn sống sót là nhờ tập trung vào khách nội điạ qua những chương trình hướng về văn hoá truyền thống và khuyến mại trong nước.

Tuy nhiên việc du lịch trong lúc đại dịch là một điều nhiều rủi ro. Mới đây, trong 2 ngày 1 và 2 tháng 11, Trung Quốc đã khóa 33.000 du khách ở bên trong Disneyland Thượng Hải sau khi một người khách bị khám phá là có Covid-19.

Tất cả du khách phải làm xét nghiệm coronavirus trước khi được ra ngoài.

Sau khi đã kiểm tra hơn 33.000 người có liên quan đến khả năng bùng phát dịch bệnh, không có kết quả nào là dương tính. Tuy nhiên, Disneyland Thượng Hải vẫn thông báo rằng họ vẫn đóng cửa vào thứ Hai và thứ Ba, và có thể lâu hơn.

Theo việc diễn tả cuả CNN, thì "với pháo hoa bùng nổ phía trên khi chờ lấy bông ngoáy mũi, những vị khách cuả Disneyland đã trở thành những người mới nhất trải nghiệm cuộc sống theo chính sách “không khoan nhượng” với virus cuả chính phủ Trung Quốc."

Các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn các túi coronavirus trong nước, bất chấp sự chỉ trích từ các nhóm kinh doanh và tỷ lệ tiêm chủng gần 80%.

Mặc dù việc công viên đóng cửa vì một trường hợp duy nhất có thể bị hầu hết mọi người bên ngoài Trung Quốc coi là cực đoan, nhưng nhiều người dùng internet ở Trung Quốc đã ca ngợi chính quyền Thượng Hải và Disney cuả họ vì những gì họ coi là một phản ứng có mục tiêu và hiệu quả.