Khác với các Hội nghị khác, Công đồng Toàn thể Úc dường như không quan tâm đến việc phổ biến cho các phương tiện truyền thông nói chung tin tức liên quan tới các phiên họp và thành quả của chúng trong Phiên họp Toàn thể đầu tiên diễn ra trong tuần qua. Nên người ta khó tìm thấy một tường trình chính thức nào về đường hướng của phiên họp đầu và ai sẽ là người đúc kết các đường hướng này để được đem ra thảo luận vào Phiên họp Toàn thể thứ hai sẽ diễn ra tại Sydney vào tháng 7 năm 2022.



Chúng tôi căn cứ vào bản tin https://mediablog.catholic.org.au/plenary-members-present-final-reports-of-first-assembly/ của Hội Đồng Giám Mục Úc, để trình bầy phần nào “kết quả” của Phiên họp Toàn thể, đáng lẽ được tổ chức tại Adelaide nhưng vì tình hình dịch bệnh phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Và nếu tường trình này phản ảnh trọn vẹn các cuộc thảo luận tại Phiên đầu tiên của Công đồng Toàn thể Úc Châu, thì đây quả là điều đáng mừng vì các vấn đề gây tranh cãi như độc thân linh mục và phong chức phụ nữ đã không được Công đồng Toàn thể lưu ý tới. Sau đây là trọn nội dung bản tin:

Một lời kêu gọi tha thiết xin “cầu nguyện cho tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta, một Tin Mừng cho ngôi nhà của các thế hệ tương lai của chúng ta” đã được đưa ra trong buổi báo cáo cuối cùng của các nhóm biện phân nhỏ, thành viên Công đồng Toàn thể hôm nay.

Các báo cáo toàn diện của những người thuyết trình về 16 câu hỏi của nghị trình bao gồm các đề nghị và yêu cầu điều tra và nghiên cứu thêm để tạo ra một Giáo hội truyền giáo hơn, lấy Chúa Kitô làm trung tâm, ở Úc.

Khi trình bày các đề nghị của nhóm mình, Catherine McAleer đã xúc động khi kết thúc bản tóm tắt câu hỏi về việc đáp ứng lời kêu gọi hoán cải sinh thái.

Bà cho biết nhóm muốn có việc thừa nhận “tính ưu việt của việc hoán cải sinh thái; cả bản thân lẫn cộng đồng” và yêu cầu “minh nhiên tiếp nhận” Kế hoạch Hành động Laudato Si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm phương tiện biến Giáo hội thành một Giáo hội công khai cam kết với sáng thế của Thiên Chúa.

Shaun De Zylva cho biết nhóm của ông đã thảo luận về các cách thức tạo ra nền văn hóa hoán cải để đổi mới và truyền giáo qua việc nói sự thật, kể chuyện và loan báo Tin Mừng.

Các đề xuất cụ thể bao gồm các giáo xứ thành lập các nhóm nhỏ sẽ họp thượng hội đồng hàng năm và mỗi giáo phận nên có thượng hội đồng ít nhất ba năm một lần; nghiên cứu và học hỏi cuộc hành trình đồng nghị từng đưa đến Tuyên bố Uluru của Trái tim; khuyến khích các cộng đồng giáo hội nhỏ (gia đình / nhóm gia đình) học hỏi về Giáo hội sơ khai; và thiết lập các diễn đàn để đối thoại và biện phân cởi mở, đặc biệt với những nhóm cảm thấy bị loại trừ trong Giáo hội.

Sabrina-Ann Stevens nhắc lại sự cần thiết phải xác định một diễn trình thích hợp để hỗ trợ Tuyên bố Uluru Từ Trái tim và cho biết nhóm của cô tin rằng việc Tiếng nói của Đệ nhất Quốc gia được ghi trong Hiến pháp sẽ là “điều quan trọng đối với quốc gia của chúng ta”.

Nhóm của bà cũng khuyến cáo rằng các năng khiếu của những người Công Giáo thuộc Đệ nhất Quốc gia nên được đón nhận đầy đủ qua việc bao gồm các nhà lãnh đạo Bản địa vào thành phần của các cơ chế ra quyết định ở mọi bình diện của Giáo hội - giáo xứ, giáo phận, giáo dục Công Giáo, các tổ chức và cơ quan.

Bà nói thêm: “Cần phải hỗ trợ người dân và cộng đồng Thổ dân và Cư dân Hải đảo Torres Strait - và các giáo xứ, trường học và cơ quan liên kết với họ - bằng các nguồn lực thích hợp để giúp họ tham gia đầy đủ vào Giáo hội và xã hội.

Cha Trevor Trotter nói với phiên họp toàn thể rằng có một số cuộc thảo luận trong nhóm của ngài về sự hiểu biết và đánh giá đầy đủ về Bí tích Thánh Thể như là Sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô - Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính – một hiểu biết và đánh giá hiện đang trong tình trạng suy giảm ở Úc.

Ngài nói, “Chúng tôi thừa nhận rằng một trong những thách thức mà chúng ta phải đối đầu là làm thế nào chúng ta có thể chào đón dân Chúa tới Bí tích Thánh Thể cách tốt hơn và giúp họ hiểu những gì bí tích này mang lại, bao hàm và yêu cầu nơi những người lãnh nhận nó”.

“Nhìn nhận rằng ngày nay ít người tham gia vào đời sống bí tích của Giáo Hội hơn so với những thời trước, câu hỏi nêu ra là làm thế nào cung cấp tốt nhất việc đào tạo về các bí tích. Việc đào tạo như vậy sẽ cần tập chú vào cả việc đào sâu đức tin của người ta lẫn việc nâng cao sự hiểu biết của họ".

Khi xem xét việc làm cách nào tiếp nhận tốt hơn các truyền thống phụng vụ đa dạng của các Giáo hội vốn tạo nên Giáo Hội Công Giáo và các hồng phúc văn hóa của các cộng đồng nhập cư, Theresa Simon nhấn mạnh rằng nhóm của cô không thích sử dụng thuật ngữ “cộng đồng nhập cư” vì nó không nắm bắt được "Đầy đủ những gì chúng ta đang cố gắng mô tả".

Nhóm cũng nhận thấy sự cần thiết phải có một cách tiếp cận có tổ chức và phối hợp nhiều hơn, ở bình diện quốc gia, để bao gồm các Giáo hội phương Đông, các nghi lễ của Giáo hội Latinh và các cộng đồng đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ trong Giáo Hội Công Giáo ở Úc.

Bà nói: “Chúng ta không nên làm điều này chỉ để làm vui lòng các Giáo hội và cộng đồng đó, mà là vì sự phong phú và những hồng phúc mà tính đa dạng đó mang lại cho toàn thể Giáo hội”.

“Chúng ta phải làm nhiều hơn là thừa nhận sự đa dạng. Đúng hơn, chúng ta phải lồng tính đa dạng vào tất cả những gì chúng ta làm, đặc biệt là phải thở bằng lá phổi phương Đông và phương Tây".

Sư huynh Peter Carroll đã đưa ra một báo cáo chi tiết về việc nhóm của sư huynh biện phân về việc đào tạo khả năng lãnh đạo truyền giáo, với một số ý tưởng chuyên biệt để đạt được điều này.

Nó bắt đầu từ sự hiểu biết này là “sứ mệnh của Giáo hội là sứ mệnh của Chúa Giêsu, đó là biến Nước Chúa thành một thực tại; nhập thể nó vào không gian và thời gian của chúng ta”.

Về thừa tác vụ thụ phong, Brigid Cooney cho biết nhóm của bà đề nghị phải nhận diện các yếu tố tích cực và có giá trị trong việc đào tạo chủng sinh hiện nay, và cả các yếu tố gây vấn đề và có thể tạo ra những thừa tác viên thụ phong không sống theo cách thu hút người ta đến với Chúa Kitô.

Một đề nghị là phải có dự án nghiên cứu các mô hình quốc tế trong việc đào tạo tiền thụ phong ở chủng viện và đào tạo suốt đời, những mô hình đã được chứng nghiệm với các thành công cũng đã được chứng nghiệm và có thể được thích ứng vào Giáo hội ở Úc.

Bà nói, “các chương trình đào tạo được lưu ý đặc biệt là các chương trình dựa trên cơ sở cộng đồng, cung cấp việc tiếp xúc lâu dài và có ý nghĩa với đời sống giáo xứ, các chương trình nhằm hỗ trợ sự đào tạo vững chắc về trí thức, nhân bản, mục vụ và thiêng liêng ”.

Nhóm của bà tin rằng việc cổ vũ ơn gọi là một nhiệm vụ đối với mọi chi thể của Giáo hội và việc tổ chức Năm Cầu nguyện cho Ơn gọi sẽ hỗ trợ rất nhiều cho tập chú mới vào ơn gọi này.

Các thành viên cũng nhìn nhận nhu cầu cần tạo cơ hội cho một thừa tác vụ dành cho những giáo dân Công Giáo độc thân, “một hoạt động tông đồ giáo dân chân chính nhằm cổ vũ cộng đồng, khác với thừa tác vụ dành cho thanh niên hoặc gia đình”.

Tiến sĩ Mark Copland nói về cuộc thảo luận của nhóm ông về vấn đề quản trị dẫn đến việc loan báo Tin Mừng hữu hiệu hơn, một cuộc thảo luận đưa đến hai đề nghị cụ thể.

Đề nghị đầu tiên liên quan đến các điều 127 và 129 của Bộ Giáo luật, đặc biệt nói đến việc đưa khái niệm đồng thuận vào việc tạo luật lệ. Đề nghị thứ hai khuyến cáo để các hội đồng, chẳng hạn như hội đồng tài chính và hội đồng mục vụ, đặc biệt ở bình diện giáo xứ, được có lá phiếu quyết nghị (deliberative) hơn là lá phiếu tham nghị (consultative) về mọi vấn đề.

Nhóm nhìn nhận rằng giáo dân đã thi hành quyền này trong một số bối cảnh, nhưng đề nghị rằng điều này nên được cải thiện bằng diễn trình lập pháp.

Ông nói: “Trong khi xã hội dân sự nghĩ tới quản trị theo góc độ quyền lực, thì theo cách hiểu của Công Giáo, gốc rễ của việc quản trị là phục vụ hơn là quyền lực”.

“Chúa Kitô rửa chân cho các tông đồ trước khi ban cho chúng ta hồng phúc tình yêu tối thượng. Nếu chúng ta làm việc theo tinh thần đồng nghị thì tình yêu phải đến trước quyền lực ”.

Virginia Bourke cho biết nhóm của cô đã đề nghị sử dụng tài liệu về quản trị The Light from the Southern Cross (Ánh sáng Từ Sao Thánh giá Phương nam) và các phản hồi đối với tài liệu này từ các nhóm khác nhau để phát triển một khuôn khổ quản trị sẽ được Công Đồng Toàn thể thông qua trong phiên họp thứ hai.

Danielle Fairthorne cho biết nhóm của cô đã tham gia vào các cuộc thảo luận phong phú về các điểm hội tụ xuất hiện trong suốt tuần qua về chủ đề giáo dục Công Giáo. Ba chủ đề phát xuất là sứ mệnh, nhân chứng và cuộc gặp gỡ.

Bà nói: “Rõ ràng là nhóm tin rằng cần phải thiết lập một nhóm làm việc để đáp ứng các chủ đề trên qua một lộ trình rõ ràng”.

Tương tự như thế, Claire Victory cho biết các thành viên trong nhóm của cô đang xem xét việc các cơ quan Công Giáo bày tỏ sự lưu ý đến việc tiếp tục diễn trình khai triển các đề nghị cụ thể trong chín tháng tới.

Các khuyến cáo cho đến nay bao gồm việc bảo đảm để các nhà lãnh đạo các cơ quan chủ chốt nối kết thường xuyên hơn với các nhà lãnh đạo trong giáo phận, giúp có ban lãnh đạo chung cho một sứ mệnh chung và biết lắng nghe những tiếng nói khác nhau, kể cả tiếng nói của những người cảm thấy bị loại bỏ.

Bà cho biết các cơ quan phúc lợi, đặt cơ sở trên Giáo huấn Xã hội Công Giáo, thường là bộ mặt công khai của Giáo hội.