Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Cardinal Müller on Traditionis Custodes: ‘The Shepherd Hits the Sheep Hard With His Crook
Edward Pentin
Đức Hồng Y Müller bàn về Tự Sắc Traditionis Custodes: Mục Tử Đánh Đàn Chiên Thật Mạnh Bằng Cây Quyền Trượng Của Mình.
Đức Hồng Y Gerhard Müller đã lập luận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thất bại trong việc đưa ra quan điểm của mình một cách thỏa đáng trong Tự Sắc Traditionis Custodes, nhằm áp đặt những hạn chế sâu rộng đối với Thánh lễ Latinh Truyền thống. Vị Hồng Y nhận định rằng “thay vì đánh giá cao mùi các con cừu, người chăn cừu ở đây đánh chúng thật mạnh bằng cây quyền trượng của mình”.
Trong một bài bình luận dài ngày 19 tháng 7 về Tự Sắc Traditionis Custodes (Những người bảo vệ truyền thống) - được đưa ra nhằm đảo ngược những nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI trong cố gắng của hai vị nhằm tự do hóa việc cử hành Thánh lễ theo Sách lễ Rôma năm 1962 - vị nguyên Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin nhận xét rằng bức thư kèm theo của Đức Giáo Hoàng gửi các giám mục chứa đựng một tầm nhìn không đầy đủ về sự hiệp nhất của Giáo hội và thiếu cả chuyên môn lẫn bối cảnh.
Đức Giáo Hoàng đã ký và ban hành Tự Sắc Traditionis Custodes vào ngày 16 tháng 7, Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, cho rằng những nỗ lực của những người tiền nhiệm nhằm tự do hóa Thánh lễ đã bị “lợi dụng để nới rộng khoảng cách, củng cố sự khác biệt và khuyến khích những bất đồng gây tổn hại cho Giáo hội, chặn đường tiến của Giáo hội và khiến Giáo hội gặp nguy cơ chia rẽ”.
Xuất phát từ việc Đức Giáo Hoàng muốn “hạn chế một cách quyết liệt” việc cử hành Thánh lễ cũ bằng cách “hiệp nhất hoàn toàn” với Thánh lễ của Đức Phaolô Đệ Lục, Đức Hồng Y Müller viết rằng ý định rõ ràng của Đức Phanxicô thực sự là đưa ra bản án “tuyệt chủng về lâu dài” đối với việc cử hành Thánh lễ cũ, còn được gọi là Hình thức Ngoại thường của Nghi thức Rôma.
Nhưng để làm như vậy, theo Đức Hồng Y Müller, cần phải có “một lập luận thần học chặt chẽ và có thể hiểu một cách hợp lý”, và các tham chiếu đến các tuyên bố của Công đồng Vatican II nên được “sử dụng một cách chính xác và phù hợp với ngữ cảnh”.
Vị Hồng Y người Đức đã chỉ trích sắc lệnh là một “sự đồng nhất vô sinh về hình thức phụng vụ bề ngoài” chứ không phải là một “sự hiệp nhất trong việc tuyên xưng đức tin được mạc khải và việc cử hành các mầu nhiệm ân sủng trong bảy bí tích”.
“Sự hợp nhất của các tín hữu với nhau bắt nguồn từ sự hợp nhất trong Chúa qua đức tin, đức cậy và đức mến và không liên quan gì đến sự đồng nhất về ngoại hình, đội hình của một đoàn quân, hoặc tư tưởng phe nhóm của thời đại big-tech”.
Mặc dù ủng hộ Đức Giáo Hoàng trước mối quan tâm đối với những người chống lại “quyền bính của Công đồng Vatican II” và cũng đòi hỏi phải có “sự công nhận vô điều kiện Công đồng Vatican II”, vị Hồng Y người Đức lưu ý về một sự “ngoại giáo hóa phụng vụ Công Giáo” gần đây như trong cuộc tranh cãi về Pachamama ở Thượng Hội Đồng Amazon năm 2019. Các diễn biến này, theo Đức Hồng Y, là “phản tác dụng đối với việc khôi phục và đổi mới một phụng vụ chính thống và trang nghiêm phản ánh sự trọn vẹn của đức tin Công Giáo.”
Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng Tự Sắc Traditionis Custodes chỉ đơn thuần là về kỷ luật chứ không phải là về tín lý, và vì vậy có thể được “sửa đổi một lần nữa bởi bất kỳ vị giáo hoàng tương lai nào”. Đức Hồng Y Müller cũng than thở về sự trái ngược trong cách đối xử quá mạnh tay của Đức Giáo Hoàng đối với những người thích Thánh lễ Latinh truyền thống, trong khi lại quá nương tay đối với Giáo hội ở Đức là nơi đang diễn ra “các cuộc tấn công lớn vào sự thống nhất của Giáo hội” thông qua Tiến Trình Công Nghị.
Đức Hồng Y Müller viết: “Hình ảnh đội cứu hỏa được hướng dẫn sai lầm xuất hiện trong tâm trí tôi - thay vì cứu ngôi nhà đang rực lửa – họ lại cứu chuồng gia súc nhỏ bên cạnh nó.”
Vị Hồng Y chua chát nhận định rằng “Chẳng có một chút đồng cảm nào, người ta bỏ qua cảm xúc tôn giáo của những người (thường là những người trẻ) tham gia Thánh lễ theo Sách lễ Gioan XXIII (1962). Thay vì đánh giá cao mùi của bầy cừu, người chăn cừu ở đây đã đánh chúng thật mạnh với cây quyền trượng của mình. Cũng thật là không công bằng chút nào khi bãi bỏ các cử hành theo nghi thức ‘cũ’ chỉ vì nó thu hút một số người có vấn đề: abusus non feeit usum [việc lạm dụng thứ gì đó không thể dùng để chống lại việc sử dụng đúng cách].
Đức Hồng Y Müller nói rằng Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đúng “tính trung tâm” của Giáo luật Rôma trong Sách lễ mới, nhưng Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các tín hữu của cả hai hình thức phụng vụ phải tôn trọng phẩm chất của nhau, và lập luận rằng “cần có thêm kiến thức về giáo lý Công Giáo và lịch sử của phụng vụ” để chống lại các xung đột và cứu các giám mục khỏi “một não trạng độc đoán, thiếu tình thương và hẹp hòi chống lại những người ủng hộ Thánh lễ 'cũ'“.
Nhà thần học người Đức, người từng là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 2012 đến năm 2017, cũng lập luận chống lại việc các Hội Đồng Giám Mục được giao “trách nhiệm về sự hợp nhất các nhóm tín hữu.”
Ngài hy vọng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, giờ đây có thẩm quyền đối với các cá nhân và các nhóm gắn liền với Sách lễ Rôma cũ, sẽ không trở nên “say mê quyền lực” và tiến hành một “chiến dịch hủy diệt” chống lại các cộng đồng như vậy theo “niềm tin ngu ngốc rằng bằng cách làm như vậy, họ đang phục vụ Giáo hội và quảng bá Công đồng Vatican II”.
Đức Hồng Y Müller kết luận: “Nếu Tự Sắc Traditionis Custodes là để phục vụ sự hợp nhất của Giáo hội thì điều đó chỉ có thể có nghĩa là sự hiệp nhất trong đức tin, giúp chúng ta ‘hiểu biết hoàn hảo về Con Thiên Chúa’, nghĩa là sự hiệp nhất trong sự thật và trong tình yêu”
Source:National Catholic Register