Nội cách đưa tin về Tự sắc Traditionis Custodes của các tờ báo và hãng tin cũng cho thấy dư luận nói chung về tự sắc mới nhất của Đức Phanxicô khá đa dạng, khác nhau. Hãng tin Catholic World News chẳng hạn chạy hàng tít lớn: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô giới hạn việc cử hành Thánh Lễ Latinh truyền thống”. Tuy nhiên, ở câu đầu bài tường trình của họ, họ cho rằng ngài “hầu như cấm” việc cử hành trong “các nhà thờ giáo xứ thông thường” (khác với tòng nhân) khắp thế giới.
Hãng A.P. thì cho chạy hàng tít: “Đức Giáo Hoàng lật ngược Đức Bênêđíctô, tái áp đặt các hạn chế đối với Thánh Lễ Latinh”. Và đã nhắc đến Đức Bênêđíctô, A.P. đương nhiên có sự so sánh giữa hai vị Giáo Hoàng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đàn áp thẳng tay [cracked down on] việc lan tràn Thánh Lễ cũ bằng tiếng Latinh vào hôm Thứ Sáu, 16 tháng 7 năm 2021, lật ngược các quyết định mang chữ ký của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong một thách thức lớn đối với các người Công Giáo duy truyền thống. Đức Phanxicô tái áp đặt các hạn chế lên việc cử hành Thánh Lễ Latinh mà Đức Bênêđíctô đã nới lỏng năm 2007. Đức Phanxicô nói rằng ngài làm thế vì cuộc cải tổ của Đức Bênêđíctô đã trở nên nguồn chia rẽ trong Giáo Hội và đã được dùng làm khí cụ trong tay những người Công Giáo chống đối Công Đồng Vatican II, tức các cuộc hội họp trong thập niên 1960 đã hiện đại hóa Giáo Hội”.
Theo A.P., “các nhà phê bình nói rằng họ chưa bao giờ mục kích một vị Giáo Hoàng đã lật ngược một cách triệt để vị tiền nhiệm của ngài đến thế. Việc lật ngược này liên quan đến một điều hết sức nền tảng là phụng vụ, trong khi Đức Bênêđíctô vẫn còn sống và sống ngay tại Vatican trong tư cách Giáo Hoàng hưu trí, càng khuếch đại hơn nữa bản chất ngoại thường nơi động thái của Đức Phanxicô, một điều chắc chắn sẽ gây ra nhiều thù nghịch hơn nữa nơi cánh hữu nhắm vào ngài”.
A.P. không bỏ lỡ việc tường trình phản ứng dữ dội của phe cực hữu Công Giáo. Như blog Rorate Coeli của Mỹ chẳng hạn viết thẳng thừng “Đức Phanxicô GHÉT CHÚNG TÔI. Đức Phanxicô GHÉT Truyền thống. Đức Phanxicô GHÉT mọi điều tốt lành và đẹp đẽ” và câu kinh khủng sau: “ĐỨC PHANXICÔ SẼ CHẾT, THÁNH LỄ LATINH SẼ SỐNG MÃI MÃI”.
Hàng tít lớn của tờ Catholic Herald thì như sau: “... Đức Giáo Hoàng Phanxicô thả trái bom được chờ đợi lâu của ngài lên Thánh lễ Latinh truyền thống”. Trong 12 ý nghĩ của họ về Tự sắc này, ý nghĩ 8 đồng nhất với nhận định của Catholic World News, khi cho rằng “Nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể bãi bỏ Tự sắc của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, thì vị Giáo Hoàng sắp tới có thể sẽ bãi bỏ điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra hôm nay. Liệu Thánh Lễ Latinh có trở thành điều tương đương với chính sách Mexico City của Mỹ hay không đây? Một điều liên tiếp bị thu hồi rồi lại tái lập mỗi lần một tân chính phủ của đảng khác lên cầm quyền?
Hãng tin CNA đặt tựa đề trung dung hơn “Tin mới: Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành các giới hạn lên các Thánh lễ của hình thức ngoại thường trong Tự sắc mới”.
Hãng tin này cho rằng “trong Tự sắc ban hành ngày 16 tháng 7, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra các thay đổi lớn lao đối với tông thư Summorum Pontificum năm 2007 của vị tiền nhiệm ngài, Đức Bênêđíctô XVI, là tông thư thừa nhận quyền của mọi linh mục được cử hành Thánh Lễ dùng Sách Lễ Rôma năm 1962”.
Hãng này nhắc tới lá thư của Đức Phanxicô gửi hàng Giám Mục hoàn cầu để giải thích lý do cho quyết định của ngài trong tự sắc Traditionis Custodes: “để bảo vệ sự hợp nhất Nhiệm Thể Chúa Kitô, tôi buộc phải thu hồi năng quyền do các vị tiền nhiệm của tôi ban cấp. Việc sử dụng năng quyền đó cách bóp méo đã biến nó thành trái ngược với các ý định từng dẫn đến việc ban quyền tự do cử hành Thánh Lễ với Sách Lễ Rôma năm 1962”.
Tuy nhiên, CNA cũng nhắc lại lời “bảo đảm” của Đức Bênêđíctô XVI khi ban hành tự sắc Summorum Pontificum là sẽ không có chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ: “Nỗi sợ này đối với tôi không có cơ sở nào cả. Việc sử dụng Sách Lễ cũ giả thiết phải có một mức độ đào luyện nào đó về phụng vụ và một nhận thức nào đó trong ngôn ngữ Latinh; cả hai điều này không thường thường có. Từ những giả thiết cụ thể này, điều thấy rõ ràng là Sách Lễ mới chắc chắn luôn là Hình thức thông thường của Nghi Lễ Rôma, không những chỉ về phương diện qui tắc pháp lý, mà còn cả vì hoàn cảnh thực tế của các cộng đồng tín hữu”.
Linh mục John Zuhlsdorf, cực hữu, lẽ dĩ nhiên cực lực phản đối động thái của Đức Phanxicô, đặt nó trong một bối cảnh thật bi đát, gây hãi hùng: “Hôm nay, 16 tháng 7, là Lễ Đức Mẹ Núi Cácmen. Trong lúc có Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, chính tại nhà thờ của ngài ở Rome, gần Vatican, đền thờ dâng qủy Pachamama đã được thiết lập. Hôm nay, ngày 16 tháng 7, ngày kỷ niệm Đại Ly Giáo năm 1054, khi Sắc chỉ Tuyệt thông được đặt lên bàn thờ của Hagia Sophia. Hôm nay, Dự án Manhattan lần dầu tiên cho nổ thành công vũ khí hạt nhân. Hôm nay là ngày kỷ niệm vụ nổ nguyên tử đầu tiên năm 1945... Điều ấy dẫn tôi tới phản ứng đầu tiên của tôi đối với Tự Sắc Traditionis custodes, là tự sắc trên thực tế nhục mạ toàn bộ triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI và các dự liệu mục vụ của Đức Gioan Phaolô II và mọi người các vị gây tác động”. Cha Zuhlsdorf cho rằng, Tự sắc vừa thô thiển vừa tàn bạo (vulgar and cruel).
Cha de Souza thì lưu ý tới “Năm Hậu quả của Tân Tự sắc Cắt giảm Thánh Lễ Latinh” (Five Consequences of the New Motu Proprio Curtailing the Latin Mass). Cha nhận định rằng qua quyết định của ngài, Đức Phanxicô hy vọng tạo được sự hợp nhất trong Giáo Hội, “nhưng việc này khó mà xẩy ra lập tức ngay sau khi ngài kiểm soát chặt chẽ hơn việc cử hành Thánh lễ dưới Hình thức Ngoại thường, khi những người biết ơn Đức Bênêđíctô XVI đã cho phép bất cứ linh mục nào cũng được cử hành Hình thức Ngoại thường trong Tự sắc Summorum Pontificum năm 2007, sẽ thất vọng, chắc chắn càng trầm trọng hơn khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô lật ngược luật lệ phụng vụ của Đức Bênêđíctô”.
Tờ CruxNow của John Allen Jr., với cái nhìn thường có tính dung hợp, đặt tựa đề cho bài báo của Elise Ann Allen như sau: “Việc Đức Giáo Hoàng Kiểm soát chặt chẽ hơn Thánh lễ Latinh được khen có ‘tính tiên tri’, bị chê có ‘tính tàn bạo’”.
Tờ trên trích dẫn Gregory DiPippo, chuyên viên và biên tập viên phụng vụ trên blog của Phong Trào Tân Phụng Vụ, khi ông này cho biết ông tràn ngập “một nỗi buồn và thất vọng sâu xa khi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng lại có thể xử tệ một cách tàn bạo quá nhiều tín hữu như thế”.
DiPippo nói rằng động thái của Đức Phanxicô bị những người mộ mến Thánh lễ Latinh coi như “bản tuyên chiến, và là một tuyên bố có dụng ý xua đuổi ra khỏi Giáo Hội những người không thích hợp với viễn kiến ý thức hệ của Đức Giáo Hoàng về Giáo Hội”. Trong khi, theo ông, những người này là “nhóm rất thành thạo về giáo lý, và biết rằng Giáo Hội không phải là đồ chơi cá nhân của vị Giáo Hoàng để ngài được quyền đối xử tàn tệ với các tín hữu kiểu này”.
Trái lại Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng, thì hết lời ca ngợi quyết định của ngài. Trên Twitter, ông viết: “Một ngày lịch sử. Một động thái mạnh dạn. Một hành vi tiên tri”. Ông viết thêm: “Đức Bênêđíctô XVI nói với các Giám Mục lúc ban hành năm 2007 của ngài rằng nó sẽ được duyệt xét nếu nó tạo ra vấn đề. Đức Phanxicô đã hội ý với các Giám Mục thế giới và các ngài cho biết nó quả đã tạo ra vấn đề. Điều có ý định cổ vũ hợp nhất đã bị sử dụng để gieo rắc chia rẽ và chống đối Vatican II”.
Đức Ông James Moroney, cựu chánh văn phòng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về phụng vụ tin rằng việc nới rộng cho phép cử hành Thánh lễ Latinh, một cử chỉ nhằm hợp nhất, đã có hiệu quả ngược lại.
Ngài nói: “người ta chỉ cần tìm trên liên mạng sẽ đọc thấy [những câu như] ‘các linh mục không trọn vẹn thuộc Nghi lễ Rôma ngoại trừ cử hành hình thức ngoại thường’”. Chính những chiến dịch này khiến Đức Phanxicô hành động. Theo Đức Ông, “Đức Giáo Hoàng chỉ đáp ứng các báo cáo của các Giám Mục thế giới để tránh gây nguy hại thêm nữa cho sự hợp nhất Giáo Hội.
Điều đáng lưu ý, theo Elise A. Allen, là vị Đức Ông này từng được Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI bổ nhiện làm tư vấn cho Bộ Phụng thờ Thiên Chúa và Kỷ luật Bí tích.
Không vì thế, mà ngài do dự trong việc cho rằng “những ai coi phụng vụ thánh như nguồn và đỉnh cao của sự hợp nhất của chúng ta sẽ đáp ứng lời kêu gọi của ngài [Đức Giáo Hoàng]. Những ai muốn sử dụng phụng vụ như một trái banh chính trị, sẽ không đáp ứng”.
Ngài khuyên những người vừa kể “hãy hít thở thật sâu và khiêm hạ lắng nghe những gì Đức Thánh Cha và Giám Mục của họ yêu cầu nơi họ”.
Những người ấy, theo tiết lộ của John Allen Jr., không ít. Họ tập trung nhiều nhất ở Hoa Kỳ. Sách “Danh mục Lễ Latinh” (Latin Mass Directory) liệt kê 657 trung tâm cử hành Thánh Lễ này ở khắp nước Mỹ, đông 3 lần rưỡi hơn nước thứ nhì là Pháp với 199 trung tâm.
Tờ National Catholic Reporter cánh tả chạy hàng tít: “Về Thánh Lễ Latinh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tháo gỡ băng cấp cứu” (On the Latin Mass, Pope Francis pulls off the Band-Aid), và cho rằng đây là giải pháp duy nhất có thực chất.
Tờ này nhắc lại các “lời tiên tri” của chính họ trước đây, vốn cho rằng những người mộ mến Summorum Pontificum sẽ biến “hình thức ngoại thường thành biểu tượng cho một nghị trình chắc chắn đi ngược lại phần lớn những gì Vatican II đã đạt được... Đức Bênêđíctô đã hoàn toàn thất bại trong việc tri nhận tiềm năng phát triển các trang mạng lôi cuốn những người chạy theo các thứ sùng tín [cult], những trang mạng lộ liễu sùng kính hình thức ngoại thường của Thánh Lễ nhưng cũng phục vụ như đường dẫn cho một hình thức Công Giáo què quặt, thiếu hiểu biết thần học, hợp tác với những nhóm xách động chính trị cánh hữu...”.
Ký giả Gerard O’Connell trên tờ America của các cha dòng tên Mỹ, có xu hướng cấp tiến, nhận định rằng “Quyết định của Đức Phanxicô trong tư cách giáo hoàng lật ngược cách này các quyết định của hai vị tiền nhiệm là một điều phi thường. Người ta sẽ phải quay trở lại Công đồng Vatican II để tìm thấy một tiền lệ như vậy trong lịch sử hiện đại của Giáo hội. Nó đòi hỏi sự can đảm để thu hồi các quyết định của các ngài về một chủ đề nhạy cảm và gây xúc động cao như phụng vụ trước Công đồng Vatican II và Thánh lễ Latinh theo Sách lễ Rôma của Đức Piô V, do Đức Gioan XXIII hiệu đính năm 1962, biết rằng nó sẽ kích động một phản ứng mạnh mẽ từ những người theo duy truyền thống trong Giáo Hội, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Áo và Thụy Sĩ.
“Tuy nhiên, ngài đã làm như vậy vì, như ngài giải thích trong lá thư, năng quyền được các vị tiền nhiệm của ngài ban cấp để cổ vũ sự hợp nhất trong Giáo hội nhưng nó đã không làm được điều đó. Ngược lại, nó đang tạo ra nhiều sự chia rẽ hơn. Quyết định của ngài, đáp lại yêu cầu của các giám mục, nhằm ngăn chặn nó phát triển thành một phong trào chống lại công đồng”.
Tờ New York Times cho chạy hàng tít theo lưỡng phân bảo thủ/cấp tiến: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô Hạn chế việc Sử dụng Thánh lễ Latinh Cũ, trong Một Cú Tát vào Người Bảo thủ” và họ sẵn lòng pha trộn đủ mọi mùi vị trong đó, kể cả chính trị.
Tờ báo nhấn mạnh ngay từ đầu rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện bước có ý nghĩa hướng tới việc đặt nền phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo vững chãi về phía hiện đại hóa vào hôm Thứ sáu khi đàn áp thẳng tay việc sử dụng Thánh lễ Latinh cũ, chủ yếu lật ngược quyết định của vị tiền nhiệm bảo thủ”.
Mùi vị chính trị được New York Times thêm vào khi họ cho rằng “loạt đạn cuối cùng của ngài [Đức Phanxicô] trong điều gọi là cuộc chiến tranh phụng vụ của Giáo Hội diễn ra vài tuần sau khi các Giám Mục bảo thủ Hoa Kỳ, mà nhiều vị dính bén với Thánh lễ Latinh cũ, chủ yếu bác bỏ hướng dẫn mạnh mẽ của Vatican phải hạn chế sự đối đầu có thể có với Tổng thống Biden về việc ông này ủng hộ quyền phá thai”.
Họ khen hành động của Đức Phanxicô là “mạnh dạn và cụ thể..., tái lập việc bắt tay với thế giới hiện đại sau 3 thập niên lãnh đạo bởi các vị Giáo Hoàng bảo thủ”.
Từ những nhận định trên đây, người ta thấy chưa văn kiện nào của Đức Phanxicô lại làm cho lưỡng phân bảo thủ/cấp tiến rõ rệt sắc nét hơn giữa người Công Giáo, cho bằng Tự sắc Traditionis Custodes. Nhưng sự rõ nét này có được biện minh không? Câu hỏi này khiến một nhà báo đặt một câu hỏi khác: “Có thật là Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh?” (Is It True That Pope Francis Is Restricting The Traditional Latin Mass?) (https://catholic-link.org/true-pope-francis-moto-proprio-traditionis-custodes).
Theo phân tích của Will Wright, tác giả bài báo trên, không hẳn Đức Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh cho bằng hạn chế các nhóm chuyên chỉ cử hành Thánh Lễ Ngoại thường mà quên hẳn Thánh lễ bình thường, nhằm tạo ra một phong trào song song với Vatican II nói riêng và Giáo Hội nói chung.
Theo tác giả, quả tình có những nhóm như thế, “tuyệt đối khinh bỉ Hình thức Bình thường” của phụng vụ “Giáo Hội duy hiện đại”.
Còn Thánh lễ cũ, Wright cho rằng “không chỗ nào trong văn kiện mới [trong đó] Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế việc sử dụng các sách phụng vụ có trước năm 1970. Trái lại, ngài cho phép các Giám Mục “năng quyền độc hữu cho phép việc sử dụng Sách Lễ Rôma 1962 trong giáo phận của các ngài, theo các chỉ dẫn của Tòa Thánh” (TC, 2).
Phân tích điều 3 của Tự sắc, tác giả cho rằng Đức Phanxicô không hề đề cập tới các nhóm cử hành cả hai hình thức. Điều quan trọng được ngài yêu cầu là phải thừa nhận tính hợp pháp của Vatican II và Sách Lễ Rôma năm 1970. Một yêu cầu như thế hoàn toàn hợp lý trong cương vị giáo hoàng. Ngài không muốn có những nhóm chỉ cử hành Thánh lễ Latinh mà thôi.
Thiển nghĩ với thời gian và nhiều trầm lắng hơn, người ta có thể hiểu rõ hơn đường hướng cải tổ phụng vụ của Đức Phanxicô.