LÀM SAO DẠY TIẾNG VIỆT CHO CÓ TỔ CHỨC

VÀ CÓ PHƯƠNG PHÁP

Dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam, đó là công việc mà Giáo Xứ Việt Nam Paris đã thực hiện từ trên 10 năm nay. Trong những năm đầu, câu hỏi “tại sao phải dạy tiếng việt cho trẻ em Việt Nam” đã được đặt ra. Nhiều câu trả lời đã được ghi nhận và bàn cãi. Các báo chí Việt Nam tại hải ngoại cũng đã và đang đề cập đến vấn đề này. Ngay trên tờ Giáo Xứ, tôi cũng đã có dịp bàn đến trong bài “Làm sao phát triển Tình Việt nơi con em chúng ta”, đăng trong hai số 18 và 19 tháng 11 và 12 năm 1985. Ngược lại một vấn đề kế tiếp là “làm sao dạy tiếng việt cho có tổ chức và có phương pháp” chưa được đặt ra một cách rộng lớn. Nhưng nó lại là vấn đề thực tế và quan trọng hơn cả. Nó cũng là vấn đề mà hiện nay ban tiếng việt tại Giáo Xứ đang cố gắng nghiên cứu và thực hiện qua 3 việc : việc tổ chức các lớp học, việc nghiên cứu các phương pháp thích ứng hữu hiệu và việc thiết lập một thư viện sư phạm việt ngữ.

1.DẠY TIẾNG VIỆT CÓ TỔ CHỨC

Về việc thứ nhất tức là việc tổ chức các lớp học, năm câu hỏi đã được đặt ra và đã hoặc đang được giải quyết. Câu hỏi thứ nhất là dạy tiếng việt ở đâu và lúc nào ? câu trả lời tổng quát thì ai cũng biết : dạy tại Giáo xứ và vào những lúc thuận lợi cho các em. Nhưng phòng ốc tại Giáo xứ thì ít ỏi và chật chội ! Giờ giấc thuận lợi cho các em thì chỉ có thứ tư, chiều thứ bảy và ngày chủ nhật, nhưng giờ giấc này có thuận lợi cho Giáo xứ không ? Từ hai năm nay, nhờ sự cố gắng của Ban Giám Đốc và của Hội Đồng Mục Vụ, hai lớp học mới và một sân xi-măng sạch sẽ đã được thực hiện. Vị chi cơ sở Giáo xứ, nếu trưng dụng một cách triệt để, có thể cung cấp 6 hoặc 7 phòng học và 1 sân sinh hoạt tương đối có tiện nghi. Cũng từ hai năm nay, sau nhiều năm thực hiện và thăm dò, các lớp tiếng việt đã được tổ chức vào chiều thứ bảy, trong một khuôn khổ giáo dục tổng quát : giáo dục tôn giáo, giáo dục văn hóa, giáo dục xã hội. Giáo dục tôn giáo đặt trọng tâm vào việc học giáo lý và dự thánh lễ. Giáo dục văn hóa đặt trọng tâm vào việc học tiếng việt. Giáo dục xã hội được thực hiện trong khuôn khổ đoàn Thiếu Nhi. Trong khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ mỗi chiều thứ bảy, việc dạy tiếng việt trực tiếp khoảng từ 1 đến 1 tiếng rưởi đồng hồ. Việc dạy tiếng việt gián tiếp, tức là xử dụng tiếng việt như phương tiện truyền thông, chiếm trọn 3 tiếng đồng hồ.

Câu hỏi thứ 2 là dạy tiếng việt cho ai và phải tổ chức học sinh thế nào ? Suốt từ 10 năm qua, số trẻ em đến học tiếng việt, năm nào cũng có. Nhưng từ 2 năm nay, số các em đến tương đối đông đảo và đều đặn hơn. Mỗi chiều thứ bảy trung bình từ 120 - 150 trẻ em Việt nam đến Giáo xứ để học tiếng việt. Vấn đề tổ chức đã được đặt ra với nhiều tiêu chuẩn khác nhau : Tuổi tác, trình độ tiếng việt, trình độ trí thức mở mang. Dung hòa các tiêu chuẩn ấy, việc tổ chức học sinh đã được phân định trong 10 lớp và theo 3 trình độ khác nhau : Trình độ Ấu, trình độ Thiếu và trình độ Sĩ. Trình độ Ấu bao gồm các em trung bình 8 tuổi. Tùy theo khả năng nói và nghe tiếng việt, các em được chia làm 4 lớp khác nhau. Trình độ Thiếu qui tụ các em trung bình 10 - 12 tuổi. Tùy theo khả năng nói, nghe, đọc và viết tiếng việt, các em cũng được chia làm 4 lớp khác nhau. Trình độ Sĩ dành cho các em trung bình 14 tuổi và tùy theo khả năng nói, nghe, đọc, viết và hiểu biết về văn hóa, văn chương việt nam, các em được chia làm 2 lớp khác nhau.

Câu hỏi thứ 3 liên hệ đến việc tổ chức chương trình học : “dạy cái gì ?” Có hai trả lời cho câu hỏi này : Việc đã và đang làm. Ở trong các lớp ấu chương trình xoay quanh mục tiêu căn bản là nói và nghe tiếng việt để kết thúc bằng khả năng đọc tiếng việt. Nhiều hình thức đã được áp dụng : truyện cổ, bài hát thiếu nhi, ca dao tục ngữ, trò chơi ấu nhi, sách học vần. Ở các lớp thiếu, khóa trình xoay quanh trọng tâm là dạy cho các em biết đọc và viết tiếng việt. Nhiều phương pháp đã được áp dụng, từ cổ điển như tập đọc, tập viết chính tả, tập đặt câu, thử giải nghĩa v.v. đến sống động như đóng kịch, viết tuồng v.v... Ở các lớp sĩ thì trình độ cao hẳn lên và xoay quanh 2 mục tiêu : hiểu biết văn hóa và văn chương việt nam qua các tác giả và tác phẩm nổi tiếng và giá trị đặc biệt là Tự Lực Văn Đoàn, sáng tác qua các văn thể việt văn như văn xuôi, thơ v.v... Chương trình của 3 trình độ được xây dựng như vậy tương đối có tổ chức. Nhưng ban việt ngữ còn có tham vọng hơn nữa để cải tiến luôn. Một dự án đang được tiến hành xoay quanh 3 nghiên cứu : mục tiêu của mỗi lớp và mỗi trình độ. Nội dung cho mỗi lớp và mỗi trình độ. Hình thức thực hiện cho mỗi nội dung. Được hân hạnh mời tham dự vào việc khảo cứu này, thứ bảy 30.05.87 vừa qua tôi đã cùng các thày cô khơi mào công việc này. Trước đây 4 năm, tôi cũng đã có dịp làm một việc tương tự với nhóm dạy tiếng việt tại làng Hồng ở Bordeaux của thày Nhất Hạnh. Một chương trình chi tiết đã được đưa ra và đã được giáo hội phật giáo Việt nam hải ngoại chấp nhận và đề nghị như một chương trình kiểu mẫu. Hy vọng công việc nghiên cứu của nhóm dạy tiếng việt tại Giáo xứ cũng sẽ đưa đến một kết quả tương tự.

Câu hỏi thứ 4 là phải tổ chức ban giảng huấn thế nào ? Ai cũng biết rằng việc dạy tiếng việt hữu hiệu hay không phần lớn tùy thuộc vào thiện chí và khả năng của các thày cô. Ở Giáo xứ hiện có khoảng 15 thày cô tham dự một cách tích cực vào công việc dạy tiếng việt. Đa số họ là sinh viên hoặc đã là sinh viên. Có cả những thày cô đã từng xuất thân tại đại học sư phạm bên Việt nam. Thiện chí và khả năng của họ có lẽ không thiếu. Công việc quan trọng ở lãnh vực này có lẽ là làm sao để duy trì và phát triển những thiện chí và tài năng ấy. Ở điểm này công việc của nhóm và người trách nhiệm nhóm đã là quan trọng. Nhưng công việc của các thành phần khác trong cộng đoàn cũng như của cộng đoàn nói chung còn quan trọng hơn. Các phụ huynh có cộng tác và khích lệ các thày cô không ? Cộng đoàn có để ý đến họ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ, nâng đở tinh thần họ không ? Ai cũng xác tín rằng việc dạy tiếng việt cho trẻ em là khẩn thiết, nhưng mỗi người đã làm việc gì trong việc này ? Ai cũng biết rằng các thày cô dạy là tình nguyện dạy và không công, nhưng đã mấy người biết rằng soạn bài, tìm tài liệu, thực hiện một bài dạy, thẩm lượng khả năng thâu nhận của học trò, không phải là việc dễ làm. Nhờ sự khéo léo của Cha Sách, người trách nhiệm công việc trước BGĐ, nhiều khóa họp và học hỏi sư phạm của nhóm đã được thực hiện một cách kết quả. 15 thày cô liên tục đảm nhiệm 10 lớp học trong suốt niên khóa với trung bình 20 lần dạy trong lớp và 3 hoặc 5 lần sinh hoạt ngoài trời, đó cả là một trì chí và phải có một ý chí kiên nhẫn, một lòng yêu tiếng việt và dân việt một cách sâu đậm. Vì những lý do đặc biệt, nếu giã sử một trong 15 thầy cô ấy không đảm nhận được công việc ấy nữa, liệu cộng đoàn có kiếm được người thay thế dễ dàng không ?

Câu hỏi sau cùng mà ban tiếng việt tại Giáo xứ đang đặt ra cho mình là phải tổ chức học cụ và học liệu thế nào ? Giải đáp chủ chốt cho câu hỏi này nằm trong dự án thiết lập một thư viện sư phạm tiếng việt. Tôi xin đề cập ở phần thứ 3. Nhưng trước đó tôi xin gợi một vài ý kiến về việc dạy tiếng việt có phương pháp.(còng tiếpP

(Giaoxuvnparis.org)