1. Lễ tưởng niệm Thiên An Môn tiếp tục bị cấm tại Hương Cảng

Cảnh sát đã từ chối cho phép tổ chức lễ cầu nguyện truyền thống được tổ chức vào ngày 4 tháng 6 để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Liên minh Hương Cảng Hỗ trợ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, thường tổ chức sự kiện này hàng năm, đã cho biết như trên.

Trong năm thứ hai liên tiếp, các nhà chức trách viện dẫn coronavirus là lý do của lệnh cấm, vì sự cần thiết phải duy trì khoảng cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của COVID.

Các nhà tổ chức đã xin phép tổ chức một cuộc tuần hành từ Sân chơi Southorn ở Loan Tế (Wan Chai, 湾仔) đến Văn phòng Liên lạc Hương Cảng của Trung Quốc ở khu vực Tây Loan (Sai Wan, 西湾). Dự kiến sẽ có từ 3,000 đến 6,000 người tham gia vào năm nay.

Các nhà lãnh đạo Liên minh nói rằng họ sẽ tiếp tục xin phép một cuộc biểu tình, với hy vọng rằng cảnh sát sẽ công nhận quyền tụ tập và biểu tình một cách hòa bình của công dân.

Chính quyền Carrie Lam đã sử dụng đại dịch một cách có hệ thống để ngăn chặn tất cả các hành động công khai ủng hộ dân chủ.

Bộ trưởng An ninh Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu, 李家超) cho biết ông hy vọng các cuộc biểu tình trên đường phố sẽ được tiếp tục sau khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe kết thúc, nhưng nói thêm rằng ông không mong đợi chúng sẽ giống như những cuộc biểu tình năm 2019 nhằm bao vây chính phủ.

Lý Gia Siêu cũng thề rằng tất cả các nhà hoạt động bỏ trốn ra nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho đến hết đời của họ.

Trong khi đó, truyền thống pháp luật tự do ở thuộc địa cũ của Anh đã bị giáng một đòn khác. Sáng 20 tháng 5, Thẩm phán Tòa án Tối cao Alex Lee đã ra phán quyết rằng trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, bị cáo có thể bị xét xử mà không cần bồi thẩm đoàn.

Phán quyết của ông sẽ ảnh hưởng đến việc xét xử Đường Anh Kiệt (Tong Ying-kit, 唐英杰) 24 tuổi, người Hương Cảng đầu tiên bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh.

Cho đến nay, theo hệ thống luật lệ của Hương Cảng, bồi thẩm đoàn đã được sử dụng từ năm 1845 đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng. Trang web của cơ quan tư pháp Hương Cảng mô tả bồi thẩm đoàn là một trong những “tính năng quan trọng nhất”.
Source:Asia News

2. Tòa Thánh sắp công bố bộ Giáo luật sửa đổi về các tội phạm, và hình phạt đi kèm

Thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật cho biết, phần sửa đổi của Bộ Giáo luật về các tội ác và hình phạt, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, sẽ sẵn sàng để xuất bản trước khi kết thúc mùa hè.

Đức Cha Juan Ignacio Arrieta, người đứng đầu dự án, xác nhận việc công bố sắp xảy ra vào cuối tháng 5 sau khi các Giám mục Công Giáo Anh và xứ Wales công bố những thư từ trao đổi về việc thay đổi bộ luật hiện hành “nhằm phân biệt rõ ràng” giữa trường hợp một linh mục vi phạm lời hứa khiết tịnh với việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên..

Vào tháng 2 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng công việc sửa đổi Quyển VI của Bộ Giáo luật, tức là phần nói về “Các biện pháp trừng phạt trong Giáo hội”, đã hoàn tất.

Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố rằng việc sửa đổi là cần thiết “để làm cho nó trở nên hữu cơ hơn và phản ứng nhanh hơn với các tình huống và vấn đề mới” mà Giáo hội đã nhận thức rõ hơn kể từ khi bộ luật được công bố vào năm 1983. Công việc sửa đổi đã bắt đầu vào năm 2008.

Với tư cách là nhà lập pháp chính của Giáo hội, chính Đức Thánh Cha Phanxicô là người sẽ quyết định có ban hành cuốn sách sửa đổi hay không và ra lệnh thay thế luật hiện hành.

Tiếp theo các khuyến nghị do Cơ quan Điều tra Độc lập của Anh về Lạm dụng Tình dục Trẻ em đưa ra, Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng, yêu cầu một thiên giáo luật riêng trong bộ luật liên quan đến tội lạm dụng trẻ vị thành niên, tách biệt với thiên nói về tội “contra sextum”, nghĩa là tội “chống lại điều răn thứ sáu”.

“Mặc dù người ta thừa nhận rằng thuật ngữ 'contra sextum' đã được sử dụng theo truyền thống để thể hiện một điều gì đó rộng hơn nhiều so với việc vi phạm đức khiết tịnh, nhưng cũng nên nhận ra rằng thuật ngữ này, như được sử dụng trong luật, không còn đủ để đáp ứng các yêu cầu của một cách tiếp cận giáo luật đương đại đối với các tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên và các quy định tương đương về luật pháp và có thể làm sai lệch các giá trị mà Giáo hội muốn bảo vệ trong việc truy tố những tội này”, vị Hồng Y viết.

Trong thư trả lời của mình, Đức Tổng Giám Mục Iannone nói, “Những mối quan tâm mà Đức Hồng Y bày tỏ đã được xem xét trong việc sửa đổi Quyển VI” của bộ luật 1983.

Trong cuốn sách sửa đổi, ngài nói, “tội ác chống lại trẻ vị thành niên được xem xét dưới một tiêu đề tách biệt với tội ác chống lại luật độc thân của các giáo sĩ. Tiêu đề sửa đổi sẽ là 'Các tội ác chống lại cuộc sống, phẩm giá và tự do của con người' và sẽ bao gồm một điều luật dành riêng cho các tội ác chống lại trẻ vị thành niên”.

Giám mục Arrieta nói với Catholic News Service rằng cuốn sách sửa đổi gồm 90 điều luật và mặc dù không phải tất cả chúng đều được viết lại, nhưng nhiều điều tuân theo các luật và thủ tục mới được ban hành sau khi Thánh Gioan Phaolô II ban hành bộ luật năm 1983.

Các luật mới bao gồm nhiều việc giải quyết tội lạm dụng tình dục giáo sĩ và nghĩa vụ của các giám mục và bề trên dòng phải hành động khi có cáo buộc, nhưng cũng bao gồm việc “mưu toan truyền chức cho phụ nữ” và các hành vi của các linh mục chống lại sự thánh khiết của Bí tích Thánh Thể và chống lại bí tích hòa giải.
Source:Sunday Visitors

3. Đức Thượng phụ Pizzaballa: Căng thẳng nội bộ, hơn cả chiến tranh, là dấu hiệu của khủng hoảng sâu sắc

Cuộc giao tranh mới nhất giữa Israel và Hamas ở Gaza đã làm bùng phát bạo lực giữa người Do Thái và người Ả Rập ở nhiều thành phố khác nhau của Israel và Palestine. Đối với Đức Cha Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Jerusalem, điều này thể hiện một sự thay đổi.

“Thật không may, cuộc chiến giữa Israel và Hamas không có gì mới, và sẽ chẳng dẫn đến kết quả gì, ngoài đống đổ nát và chết chóc”. Tuy nhiên, ‘những căng thẳng trong nước và tình trạng bất ổn’ ở Israel chính đó mới là một sự mới lạ, một ‘dấu hiệu của cuộc khủng hoảng sâu sắc’ đã được phát triển trong một thời gian dài và ngày nay trở thành tỏ tường.

“Nhà nước Do Thái có vấn đề về bản sắc, kết hợp với các vấn đề của Giêrusalem và tôn giáo”. Việc sử dụng một ngôn ngữ bạo lực và các diễn từ dữ dội bởi một số thành phần ‘cánh hữu’ là ‘tia lửa cuối cùng khơi lên’ cuộc xung đột, thúc đẩy bởi một ‘hỗn hợp nổ tung’.

Cuộc đụng độ quân sự giữa quân đội Israel và Hamas, lực lượng được hỗ trợ bởi các nhóm thánh chiến ở Dải Gaza, vẫn tiếp tục. Đồng thời, khoảng 3,750 quả hoả tiễn đã được pháo vào Israel, với hơn 90% bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa Vòm Sắt của Israel đánh chặn.

Về phần mình, các máy bay của Israel đã tiếp tục đánh thủng mạng lưới đường hầm của Hamas ở Dải Gaza, đánh vào 40 đường hầm trong số đó và phá hủy 12 km địa đạo khác, bao gồm cả kho vũ khí và trung tâm chỉ huy. Ít nhất 10 đặc công Hamas đã bị giết.

Trong gần 10 ngày, 219 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza, bao gồm 63 trẻ em, 36 phụ nữ và 16 người già, cộng với 1,530 người bị thương.

Hôm qua, trong một buổi thể hiện tình đoàn kết hiếm hoi, người Palestine và người Ả Rập ở Israel đã tổ chức tổng đình công để phản đối các chính sách phân biệt đối xử và áp bức của Israel cũng như vụ đánh bom ở Gaza.

Người Palestine ở Bờ Tây, Gaza và người Ả Rập có quốc tịch Israel, một số người tự gọi mình là “người Palestine ở Israel”, cũng như con cháu của những người sống ở các vùng lãnh thổ trước năm 1948, đã tham gia cuộc đình công.

Các nhà phân tích và chuyên gia khác nhau chỉ ra rằng yếu tố này đại diện cho một tính chất thực sự mới của giai đoạn hiện tại bởi vì, lần đầu tiên, các cộng đồng bị phân chia về mặt địa lý và chính trị cho đến nay đã đến với nhau vì cùng một mục đích chung.

“Cuộc chiến ở Gaza cũng giống như các cuộc chiến khác trong quá khứ, và sẽ còn nhiều hơn nữa sẽ xảy ra trong tương lai nếu các vấn đề gốc rễ không được giải quyết,” Đức Thượng phụ Pizzaballa cảnh báo. Vấn đề người dân Palestine và đối thoại trong tinh thần tôn trọng giữa các bên cho đến nay vẫn chưa đi đến đâu.

Hơn nữa, tất cả các chính phủ cai trị Israel trong vài năm qua đều không giúp ích gì cho tiến trình hòa bình, cũng như không ủng hộ đối thoại và hòa hoãn giữa các bên.

Ngược lại, Quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu dường như được củng cố bởi cuộc khủng hoảng quân sự vào thời điểm mà một liên minh quốc hội mới dường như đang trên đà loại bỏ ông khỏi chức vụ thủ tướng.

Một buổi lễ cầu nguyện đã được tổ chức vào thứ Bảy 22 tháng 5, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói với AsiaNews, rằng tại tất cả các nhà thờ của Thánh Địa sẽ vang lên lời cầu nguyện để âm thanh của vũ khí có thể ngừng và âm thanh của hòa bình và đối thoại có thể vang lên.
Source:Asia News

4. Vì phần rỗi các linh hồn

Một số chính trị gia Hoa Kỳ luôn tự hào mình là người Công Giáo rất sùng đạo nhưng lại công khai ủng hộ phá thai quyết liệt hơn cả những người không Công Giáo. Trước gương mù tỏ tường này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dự định trong kỳ họp khoáng đại vào tháng 6 tới, sẽ thảo luận viễn ảnh đưa ra một tuyên bố về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai cũng như “phò” nhiều vấn đề khác mâu thuẫn gay gắt với giáo huấn của Hội Thánh.

Đức Cha James Sean Wall, giáo phận Gallup có bài nhận định nhan đề “For the Care of Souls” nghĩa là “Vì sự chăm sóc cho các linh hồn”.

Trong vài tháng qua, một số giám mục Công Giáo đã đưa ra tuyên bố đối với câu hỏi liệu có nên công khai từ chối Bí tích Thánh Thể đối với các chính trị gia ủng hộ phá thai hay không. Tôi biết ơn tất cả các giám mục anh em của tôi, những người đã can đảm lên tiếng về chủ đề hóc búa này. Khi các giám mục chia sẻ theo lương tâm của mình và lắng nghe quan điểm của người khác, họ thúc đẩy đối thoại chân chính — là một bước cần thiết trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất.

Do đó, tôi muốn trả lời bài luận gần đây của Đức Cha Robert McElroy. Ngài nói rằng: “Bí tích Thánh Thể đang được dùng như một vũ khí vì mục đích chính trị. Điều này không được xảy ra”. Tiêu đề của ngài gợi ý rằng các động cơ chính trị đang thúc đẩy cuộc thảo luận hiện tại của các giám mục về các chính trị gia ủng hộ phá thai và sự tiếp nhận xứng đáng bí tích Thánh Thể. Mặc dù tôi không giả định là mình biết điều gì trong tâm trí và trái tim của các giám mục anh em của tôi, bản thôi tôi không bị thúc đẩy bởi các mục đích chính trị, và cả những người mà tôi đã thảo luận về chủ đề này với họ cũng vậy. Mối quan tâm của chúng tôi không phải là chính trị mà là mục vụ; là nhằm cứu rỗi các linh hồn. Vấn đề này có thể có những hệ quả chính trị, nhưng không vì thế mà chúng ta phải trốn tránh vào thời điểm quan trọng này.

Đức Cha McElroy cũng lo ngại rằng việc loại trừ các chính trị gia ủng hộ phá thai ra khỏi tình hiệp thông Thánh Thể sẽ làm suy yếu sự hiệp nhất của Giáo hội. Chúa Giêsu cầu nguyện rằng tất cả các Kitô hữu có thể nên một (Ga 17:21), và đây là nghĩa vụ mà tất cả chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng nói, “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51). Đôi khi việc nói ra sự thật dường như tạo ra sự chia rẽ, nhưng thường thì nó chỉ đơn giản là phơi bày sự chia rẽ đã tồn tại rồi. Nếu người Công Giáo không thể đồng ý về việc bảo vệ những đứa trẻ vô phương tự vệ, thì sự hiệp nhất của chúng ta nói nhẹ nhàng một chút là hời hợt, còn nói tệ hơn thì đó là ảo tưởng.

Đức Cha McElroy sau đó phê bình cái mà ngài gọi là “thần học về sự không xứng đáng”. Ngài lập luận rằng những người từ chối không cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ đang áp dụng một thử nghiệm “cực kỳ tùy tiện” khi “áp dụng các biện pháp trừng phạt rất có chọn lọc và không nhất quán”. Tôi tự hỏi có đúng như thế không?

Giáo luật quy định: “Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, nếu chưa đi xưng tội” (Giáo luật 916). Vì phá thai là một trong số những tội lỗi mang vạ tuyệt thông tiền kết (xem Giáo luật 1398), nên chắc chắn rằng một chính trị gia tích cực bảo vệ việc phá thai và cố gắng làm cho nó dễ tiếp cận hơn rất có nguy cơ đối với phần rỗi linh hồn. Chắc chắn không phải là quá “tùy tiện” khi xếp tệ nạn này vào loại các tội nghiêm trọng.

Thật công bằng khi đặt vấn đề liệu chúng ta có chọn lọc không khi chỉ tập trung vào việc phá thai. Tại sao chúng ta không tìm kiếm các biện pháp trừng phạt thánh thể đối với các tệ nạn khác đang tràn lan trong xã hội? Câu trả lời là mặc dù có nhiều tội trọng làm giảm đi sự xứng đáng của chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ những tội trọng nhất mới dập tắt hoàn toàn sự xứng đáng đó. Với tư cách là một nhóm các giám mục, chúng tôi đã đọc “những dấu chỉ của thời đại” (Gaudium et Spes), và nhận ra rằng phá thai là một tệ nạn lớn trong nền văn hóa của chúng ta, và đã gọi nó như vậy trong nhiều thập kỷ. Trở lại năm 1998, Hội Đồng Giám Mục của chúng tôi đã nêu đích danh phá thai là “mối đe dọa hàng đầu” và vào năm 2019, chúng tôi tái khẳng định rằng “mối đe dọa phá thai vẫn là âu lo hàng đầu của chúng tôi vì nó tấn công trực tiếp vào chính sự sống”. Các nhà lãnh đạo chính trị ủng hộ phá thai đã không chú ý đến những lời kêu gọi này, và bây giờ chúng tôi tìm cách áp dụng phương án chữa bệnh cuối cùng và nghiêm khắc nhất mà chúng tôi có: đó là các biện pháp trừng phạt thánh thể.

Đức Cha McElroy khi xem xét các lý lẽ từ chối không cho các chính trị gia ủng hộ phá thai được rước lễ đã đặt câu hỏi “Có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo của hai đảng có thể vượt qua được bài kiểm tra đó?” Tôi cho rằng đây là câu hỏi sai. Chúa Giêsu không quan tâm đến những con số, nhưng đến sự cứu rỗi các linh hồn. Một câu hỏi hay hơn có thể là “Liệu tôi đã làm hết tất cả những gì một Giám Mục có thể làm để cố gắng đưa tất cả các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai trong đàn chiên của tôi trở lại tình trạng ân sủng hay chưa?”
Source:First Things