Ngày 16 tháng 4, 2021, Đức Bênêđíctô XVI tròn 94 tuổi. Nhân dịp này nhiều nhà báo nhắc đến ngài, Ed Condon của The Pillar, chẳng hạn, nhắc lại lần gặp ngài ở London năm 2010 nhân dịp ngài đọc diễn văn trước quốc hội Anh và cuộc gặp gỡ này “thay đổi cuộc đời tôi”. Ông không cho hay đời ông thay đổi ra sao, nhưng nhờ nghe những lời thông sáng của ngài như “nếu các nguyên tắc luân lý nâng đỡ diễn trình dân chủ chỉ được ấn định bởi đồng thuận xã hội, thì sự mong manh của diễn trình này sẽ trở nên quá hiển nhiên – do đó mà có sự thách thức thực sự đối với nền dân chủ”.

Những câu như thế ông không bao giờ quên và đã khiến ông nhập trường giáo luật.



Chủ bút trang mạng Churchpop, thì nhắc lại 15 câu nói thời danh của Đức Giáo Hoàng hưu trí (https://www.churchpop.com/2021/04/15/15-uplifting-quotes-from-pope-benedict-xvi-to-celebrate-his-94th-birthday/), trong đó có những câu như “hạnh phúc mà các bạn tìm kiếm, hạnh phúc mà các bạn có quyền đươc hưởng có tên tuổi và gương mặt: đó là Chúa Giêsu Nadarét, ẩn mình trong Phép Thánh Thể” hay “chúng ta có thể rơi, nhưng cuối cùng rơi vào bàn tay Thiên Chúa, và bàn tay Thiên Chúa là bàn tay tốt lành”.

Trong khi ấy, Cha de Souza thì cho rằng Đức Bênêđíctô XVI là mỏ neo giữ cho nước Đức Bám rễ nơi Chúa Kitô (https://www.ncregister.com/commentaries/pope-benedict-xvi-the-anchor-that-kept-germany-rooted-in-christ):

Cha quả quyết rằng: vào cuối đời, Ratzinger / Bênêđíctô có thể được hiểu như đáp ứng độc đáo, đa thế hệ của Giáo Hội Công Giáo đối với nghị trình cải cách của nền thần học Đức.

Cha tự hỏi Có phải Giáo Hội đã đặt quá nhiều trái trứng thần học của mình vào cái giỏ Phục Sinh ở Bavaria không?

Câu hỏi trên được đặt ra khi Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI - sinh vào thứ Bảy Tuần Thánh và được rửa tội cùng ngày trong nước Phục sinh mới được làm phép - kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 vào ngày mai, 16 tháng 4.

Với cái chết của Cha Hans Küng, 93 tuổi, trong Bát tuần Phục sinh, thế hệ mà Joseph Ratzinger thuộc về đang qua đi.

Ratzinger, người Bavaria và người Küng, người Thụy Sĩ, là những thần đồng (wunderkinds) thần học lúc 30 tuổi, cả hai đều là một phần của điều được Ratzinger gọi là “liên minh Rhine” gồm các nhà thần học Bắc Âu, những người định hình dứt khoát công việc của Công đồng Vatican II.

Sông Rhine chẩy vào Sông Tiber (The Rhine Flows Into the Tiber) vốn là tiêu đề của một trong những cuốn sách nổi tiếng hơn về Công đồng Vatican II, và Đức Hồng Y Ratzinger đã chẩy xa hơn bất cứ ai, có thể nói, trở thành chính Tiber sau khi được bầu làm giáo hoàng vào năm 2005.

Sự hỗn loạn thần học hiện nay ở Đức, nơi “con đường đồng nghị có tính ràng buộc” đang tạo ra khả thể ly giáo, thu hút sự chú ý mới đến nền thần học Đức, một trong những lực lượng có ảnh hưởng lớn nhất trong đời sống giáo hội trong thế kỷ qua. Trong suốt 60 năm, từ khi thụ phong năm 1951 đến khi thoái vị vào năm 2013, Joseph Ratzinger là tâm điểm của nó. Thật vậy, ngài đã trở thành như một mỏ neo trong những vùng biển bão tố. Sau khi thoái vị, con thuyền bắt đầu trôi dạt.

Vào cuối đời, Ratzinger / Bênêđíctô có thể được hiểu như đáp ứng độc đáo, đa thế hệ của Giáo Hội Công Giáo đối với nghị trình cải cách của nền thần học Đức. Cải cách có sẽ là Công Giáo, quay trở lại với truyền thống lớn rộng, hay Thệ phản, tách khỏi truyền thống này?

Trong nhiều thế hệ, rất nhiều giám mục Đức đã đứng về phía Thệ phản trong nhiều vấn đề. Ratzinger / Bênêđíctô đã giữ cho họ là Công Giáo. Kể từ khi ngài rời khỏi chức vụ vào năm 2013, cánh Thệ phản đã phát triển mạnh mẽ.

Peter Seewald, người phỏng vấn đặc biệt của Ratzinger cho bốn cuốn sách phỏng vấn, năm ngoái xuất bản Tập I về tiểu sử dứt khoát của ngài, Benedict XVI: A Life [Đức Bênêđíctô XVI: Một Cuộc Đời] (1927-1965). Tập II sẽ được xuất bản vào cuối năm nay.

Cuốn tiểu sử tuyệt vời của Seewald ghi lại một cách đáng ngưỡng mộ sự lên men thần học trong đó linh mục trẻ Ratzinger đã dìm mình trong đó. Nền thần học Phản Cải cách đang thống trị ở Rôma đã trở nên lờ đờ và tự mãn. Những thách thức của thời hiện đại đã đặt ra những vấn đề mới mà thể chế chính thức của Rôma không được trang bị đủ để ứng phó. Những cải cách táo bạo mà Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) đã đưa ra nhằm khôi phục tính độc đáo của triết học Tôma và hỗ trợ một sự canh tân đích thực trong các nghiên cứu Kinh thánh đang mang lại kết quả. Tất cả những điều này đang chờ sự phán đoán chín chắn và sự khuyến khích của một công đồng chung, công đồng thực sự đầu tiên kể từ Công đồng Trent thế kỷ 16, xét vì Công đồng Vatican I (1869-1870) phải bị hủy bỏ sớm do xung đột chính trị.

Nếu bạn bè của ngài trong Nhà hát Rhapsodic Cracovian trêu chọc bạn của họ là “Karol Wojtyla, vị thánh trong tương lai”, thì các bạn học của Joseph Ratzinger, được thụ phong năm 1951, biết ngài sẽ là một học giả tương lai, mà số phận đã định sớm chiếm chỗ đứng trong bầu trời thần học. Trong vòng một năm sau khi thụ phong, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện; ngài cũng sẽ luân phiên giải tội tại nhà thờ chính tòa.

Đức Giáo Hoàng hưu trí nói với Seewald, “Chủ yếu là các chủng sinh. Tôi đặc biệt nổi tiếng với họ vì tôi rất có đầu óc khá thoáng”.

Cùng với các học giả có tầm nhìn rộng khác, Cha Ratzinger đã nổi tiếng nhanh như hỏa tiễn trong giới thần học ở Đức và, đến lúc có Công đồng, thì ngài là một cố vấn chủ chốt (peritus, chuyên gia) cho Đức Hồng Y Joseph Frings của Cologne.

Trước Công đồng, Đức Hồng Y Frings đã có một bài diễn văn mang tính bước ngoặt tại Genoa, đề ra một khuôn khổ. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mời Đức Hồng Y Frings đến Vatican để nói rằng Đức Hồng Y đã phát biểu những gì chính ngài muốn phát biểu, nhưng chưa tìm được các hạn từ thích đáng. Cha Ratzinger là người đã viết toàn bộ bài phát biểu này. Chưa đầy 35 tuổi, cha đã là chủ chốt trong việc hình thành tư tưởng của một trong những nghị phụ có ảnh hưởng nhất trong Công đồng.

Cùng với những người khác trong “liên minh Rhine”, Cha Ratzinger đã mang nhiệt huyết và niềm đam mê vào phe cải cách của Công đồng, tìm kiếm đồng minh giữa các nhà trí thức khác, bao gồm cả Giám mục Wojtyla từ Krakow, người đã tìm cách cập nhật biểu thức đức tin cổ xưa, đem nó vào một cuộc đàm thoại với tư duy hiện đại. Sứ mệnh là gặp gỡ với thế giới hiện đại để hoán cải nó.

Năm 1965, “liên minh Rhine” đã phát động một tạp chí thần học mới để thúc đẩy việc thực thi Công đồng Vatican II, và những người sáng lập nó bao gồm những vĩ nhân thần học thời đó, tất cả đều là các linh mục: Johann Baptist Metz, hai cha Dòng Đaminh Yves Congar và Edward Schillebeeckx, hai cha Dòng Tên Henri de Lubac và Karl Rahner, và Tôi tớ Chúa Hans Urs von Balthasar. Cha Küng, một học giả lỗi lạc, người vốn là một spin doctor (một phát ngôn viên khôn khéo?) hơn là một người đóng góp về thần học cho chính Công đồng, cũng là một người sáng lập. Đó là tạp chí Concilium.

Tuy nhiên, sự hoài nghi của Cha Ratzinger tăng dần đối với hướng cải cách của Concilium, dường như đã vượt các giới hạn của tính chính thống Công Giáo. Năm 1971, Cha Küng xuất bản cuốn sách phủ nhận giáo huấn Công Giáo về sự không sai lầm của Đức Giáo Hoàng. Năm 1972, de Lubac và Congar rời Concilium để thành lập một tạp chí mới, Communio, trung thành với truyền thống Công Giáo và giáo huấn thực sự của công đồng. Joseph Ratzinger là người đồng sáng lập với họ.

Ratzinger và Küng do đó được công nhận như những hiện thân vĩ đại của thế hệ thần học nói tiếng Đức của họ. Ratzinger chủ trương thổi luồng sinh khí mới vào truyền thống Công Giáo; Küng muốn thay đổi nó. Trong vài thế hệ tiếp theo, Küng sẽ tạo ra phần lớn sự đồng thuận về thần học và định chế trong thế giới Đức.

Ratzinger sẽ trở thành người của Rôma để kiềm chế nền thần học Đức trong truyền thống Công Giáo. Năm 1977, Đức Thánh Cha Phaolô VI phong Giáo sư Ratzinger làm Tổng giám mục mới của Munich và phong ngài làm Hồng Y. Năm 1979, Bộ Giáo lý Đức tin tước bỏ giấy phép giảng dạy thần học Công Giáo của Cha Küng.

Đức Hồng Y Ratzinger của Munich đã đứng về phía Rôma trong vụ Küng, và còn can thiệp để ngăn cản việc bổ nhiệm của Cha Metz vào ghế thần học ở Munich. Đức Hồng Y Ratzinger là người trình bày rõ ràng và đáng tin cậy nhất về truyền thống Công Giáo, khi đó dường như là một chủ trương thiểu số trong thần học Đức.

Năm 1981, Thánh Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Ratzinger làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trận chiến giữa Rôma và phe Đức - cả trong học thuật và giữa các giám mục - sẽ được dẫn dắt tại Rôma bởi nhà thần học kiêm giám mục Đức ưu việt, trung thành với Truyền thống. Trong 24 năm tiếp theo, Đức Hồng Y Ratzinger sẽ là câu trả lời của Vatican để duy trì những gì tốt đẹp trong “liên minh sông Rhine” trong khi sửa chữa các sai sót của nó.

Điều này sẽ được thực hiện từ bên trong phong trào thần học đó, vì Đức Hồng Y Ratzinger là một trong những người đề xướng hàng đầu của nó. Và trong hơn hai thập kỷ luận bàn về rất nhiều thách thức, vị giáo hoàng Ba Lan và vị bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ lên tiếng bằng tiếng Đức.

Đức Hồng Y Ratzinger sẽ là tâm điểm của các cuộc tranh luận với "liên minh Rhine" trong một thời gian dài:

· Thần học giải phóng (1984 và 1986)

· Bổ nhiệm một tổng giám mục mới ở Cologne (1988) và “Tuyên bố Cologne” sau đó để bất tín nhiệm Đức Gioan Phaolô và Ratzinger (1989)

· Hướng dẫn về ơn gọi và sứ mệnh của nhà thần học, Donum Veritatis (1990)

· Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (1992)

· Thông điệp về thần học luân lý Veritatis Splendor (1993)

· Tranh luận về việc Rước lễ của những người đã ly hôn và tái hôn dân sự với các Giám mục Đức Karl Lehmann và Walter Kasper (1994)

· Tư vấn phá thai ở Đức (1998)

· Tuyên bố chung về Công chính hóa với phái Luther (1999)

· Tuyên bố của Dominus Iesus, về tính duy nhất của ơn cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô (2000)

· Cuộc tranh luận về tính tối thượng (primacy) của Giáo hội hoàn vũ so với các Giáo hội địa phương với Hồng Y Kasper (2001).

Đức Hồng Y Ratzinger đại diện cho phản ứng của Vatican đối với thách thức của Đức, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Thánh Gioan Phaolô II, người đã từng soạn luận án tiến sĩ về triết gia người Đức Max Scheler.

Phương thức của Đức Gioan Phaolô không phải là lưu đày những đối tác Đức khác; nhưng phong cho cả Karl Lehmann và Walter Kasper làm Hồng Y. Tuy nhiên, với Đức Hồng Y Ratzinger như trợ tá chính, ngài tin tưởng rằng con tàu sẽ tiếp tục đi đúng hướng.

Việc ngài được bầu làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã đặt Ratzinger vào tâm điểm tuyệt đối của những thách thức đang diễn ra ở Đức. Trong chuyến viếng thăm lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng ở Đức vào năm 2011, 18 tháng trước khi thoái vị, Đức Bênêđíctô đã trình bầy đánh giá tàn khốc này cho Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, động lực đằng sau “con đường đồng nghị” hiện nay:

"Giáo hội ở Đức được tổ chức rất tuyệt vời. Nhưng đằng sau các cơ cấu, liệu cũng có một sức mạnh tinh thần tương ứng, sức mạnh của đức tin vào Thiên Chúa hằng sống hay không? Chúng ta phải trung thực thừa nhận rằng chúng ta có quá đủ về cơ cấu nhưng không đủ về Chúa Thánh Thần. Tôi muốn nói thêm: cuộc khủng hoảng thực sự mà Giáo hội ở thế giới phương Tây đang đối đầu là cuộc khủng hoảng đức tin. Nếu chúng ta không tìm ra cách đổi mới đức tin của chúng ta một cách chân chính, thì mọi cải cách cơ cấu sẽ không có hiệu quả".

Vào năm 2012, sau khi đưa ra quyết định thoái vị, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã tìm cách tự thay thế mình trong vai trò mà ngài đã đảm nhiệm từ những năm 1970. Vào tháng 7 năm 2012, ngài bổ nhiệm Hồng Y Gerhard Müller, giám mục người Đức phụ trách xuất bản các tác phẩm do Ratzinger sưu tầm, làm tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Ai từ thế giới Đức tốt hơn để đảm nhận vai trò của ngài?

Sau tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđíctô sẽ rút lui khỏi tâm điểm của các vấn đề giáo hội trong 35 năm. Mỏ neo đã được dỡ bỏ, và thế giới Công Giáo Đức sẽ bắt đầu trôi dạt.

Đức Hồng Y Müller sẽ cố gắng hết sức, nhưng không giống như liên minh Wojtyla-Ratzinger gồm các học giả cấp thế giới và các mục tử can đảm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ít chú ý đến các nỗ lực của Đức Hồng Y Müller, đã sa thải ngài một cách không công bằng vào năm 2017.

Với việc Hồng Y Müller nghỉ hưu, nhà thần học Hồng Y hàng đầu của thế giới người Đức đã trở thành Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, được Ratzinger bảo trợ, người từng là tổng thư ký biên tập cho dự án quan trọng nhất trong sự nghiệp lâu dài của Ratzinger, tức Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Sự biến đổi của Đức Hồng Y Schönborn từ người bảo vệ vững chắc nền chính thống Công Giáo tích cực thành người cổ vũ cho các sáng kiến của Ủy ban Trung ương Đức là minh chứng đáng chú ý nhất của những gì sẽ xảy ra khi mỏ neo Ratzinger được dỡ bỏ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những nỗ lực lặp đi lặp lại và đầy ấn tượng để ngăn chặn đoàn tàu đang quay quắt của “con đường đồng nghị” Đức. Đến nay, bộ máy Ủy ban Trung ương và các giám mục có thiện cảm của nó đã không lưu ý gì tới ngài. Tương lai của triều giáo hoàng Phanxicô, và tương lai của Giáo hội ở châu Âu, phụ thuộc vào việc liệu Đức Thánh Cha có lo liệu ngăn chặn được một cuộc ly giáo mà ai cũng nghĩ sẽ diễn ra, ngăn chặn được việc Thệ phản hóa đức tin Công Giáo hay không.

Tuy nhiên, làm sao ngài làm được điều đó nếu không có Joseph Ratzinger, vốn là câu trả lời của Giáo hội cho vấn đề Đức trong 60 năm qua?