Bối cảnh tuyên bố của các Giám Mục Hoa Kỳ phản đối việc cổ vũ ý thức hệ giới tính của ông Joe Biden
Gerald Bostock, một người đồng tính, là một nhân viên của Quận Clayton, của tiểu bang Georgia trong khu vực đô thị Atlanta. Đầu năm 2013, anh tham gia một giải đấu bóng mềm dành cho người đồng tính nam và quảng bá nó tại nơi làm việc. Vào tháng 4 năm 2013, Clayton County đã tiến hành kiểm toán các quỹ do Bostock kiểm soát và sa thải anh ta vì “hành vi không phù hợp với một nhân viên của quận”. Bostock cho rằng mình bị đuổi không phải vì tham ô nhưng vì anh ta là người đồng tính.Với sự giúp đỡ của các tổ chức LGBT, anh ta kiện đến Tối Cao Pháp Viện sau khi đã thất bại ở các tòa án cấp dưới.
Tối Cao Pháp Viện xử cho Bostock thắng Quận Clayton và truyền rằng Đạo Luật Về Quyền Dân Sự công bố năm 1964 trong đó cấm phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo, chủng tộc, mầu da, quốc tịch gốc, giới tính [sinh học] sẽ bao gồm thêm việc cấm phân biệt đối xử dựa trên bản sắc và khuynh hướng giới tính.
Tuy nhiên, khi đưa ra phán quyết, Thẩm Phán Neil Gorsuch nói rõ lo ngại của Tối Cao Pháp Viện rằng phán quyết này có thể bị diễn dịch sai lầm, tạo ra một tiền lệ sâu rộng có nguy cơ bác bỏ các thực hành truyền thống. Ông nói: “Họ nói rằng nhà vệ sinh, phòng thay quần áo và các quy tắc ăn mặc tách biệt giới tính sẽ không thể tồn tại sau quyết định của chúng tôi ngày hôm nay nhưng khi xem xét vụ kiện này, chúng tôi không xem xét bất cứ luật nào khác; chúng tôi đã không có hứng thú trong việc lật lại ý nghĩa của các thuật ngữ, và chúng tôi không giả định bất kỳ vấn đề nào như vậy ngày nay”.
Trong sắc lệnh hành pháp ngày 20 tháng Giêng, nhằm cổ vũ ý thức hệ giới tính, ông Joe Biden đã cố tình diễn dịch sai phán quyết Bostock và truyền rằng học sinh có thể vào nhà vệ sinh, phòng thay quần áo nào chúng muốn; và người lớn muốn ăn mặc thế nào tùy thích.
Ông viết như sau:
“Trẻ em sẽ có thể học mà không phải lo lắng về việc liệu chúng có bị từ chối vào nhà vệ sinh, phòng thay quần áo hay các môn thể thao ở trường hay không. Người lớn phải có thể kiếm sống và theo đuổi một công việc trong khi biết rằng họ sẽ không bị sa thải, giáng chức hoặc bị ngược đãi vì về nhà của ai hoặc vì cách họ ăn mặc không phù hợp với định kiến về giới tính”.
Tuyên bố của các Giám Mục Hoa Kỳ
Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB; Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy Ban Công Lý Quốc Nội Và Phát Triển Nhân Văn; Đức Cha Michael C. Barber, Giám Mục của Oakland, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo; Đức Cha Shelton J. Fabre Giám Mục Houma-Thibodaux, chủ tịch Ủy Ban Đặc Ứng Chống Phân Biệt Chủng Tộc; và Đức Cha David A. Konderla Giám Mục Tulsa, chủ tịch Tiểu Ban Thăng Tiến Và Bảo Vệ Hôn Nhân, đã đưa ra một tuyên bố đáp lại lệnh hành pháp của Tổng thống Biden ngày 20 tháng Giêng đề cập đến quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm ngoái liên quan đến vụ Bostock kiện Clayton County, Georgia.
Tuyên bố chung của các ngài như sau:
Mọi người đều có quyền có được việc làm, giáo dục và các dịch vụ cơ bản của con người mà không bị phân biệt đối xử bất công. Quyền đó cần được bảo vệ. Tuy nhiên, quyết định Bostock của Tòa Án Tối Cao không nhất thiết có nghĩa là bác bỏ tính thống nhất trong việc Chúa tạo ra hai giới tính bổ sung cho nhau, là nam và nữ, với luận lý coi các giới tính này là vô nghĩa.
Lệnh hành pháp hôm thứ Tư về phân biệt đối xử ‘giới tính’ vượt quá quyết định của Tòa án. Nó có nguy cơ xâm phạm quyền của những người thừa nhận sự thật về sự khác biệt giới tính và những người ủng hộ thể chế hôn nhân suốt đời giữa một người nam và một người nữ. Điều này có thể gây hại trong các nghĩa vụ, ví dụ, nó làm xói mòn các quyền lương tâm trong việc chăm sóc sức khỏe hoặc các không gian và hoạt động cần thiết và phù hợp thời gian theo từng giới tính chuyên biệt. Ngoài ra, Tòa án cũng cẩn trọng lưu ý rằng phán quyết Bostock chưa tính đến những tác động rõ ràng của nó đối với tự do tôn giáo. Lệnh hành pháp vừa nêu không thận trọng như vậy.
Chúng tôi đánh giá cao những hành động của chính quyền mới đối với vấn đề nhập cư và khí hậu, cũng như về một sắc lệnh hành pháp khác, là sắc lệnh ‘Nâng cao công bằng chủng tộc’, nhằm mục đích rõ ràng là xác định và khắc phục sự phân biệt chủng tộc cũng như tác động của nó đối với xã hội và trong chính phủ. Thật không may là mục tiêu bình đẳng chủng tộc lại bị che lấp một phần với việc áp đặt những thái độ mới và những lý thuyết sai lầm về tình dục con người có thể gây ra những tác hại cho xã hội.
Chúng tôi chia sẻ mục tiêu chấm dứt sự phân biệt đối xử bất công và ủng hộ phẩm giá của mỗi con người, và do đó chúng tôi lấy làm tiếc về cách tiếp cận sai lầm trong sắc lệnh hôm thứ Tư liên quan đến phán quyết Bostock.
Source:USCCB