Nhân dịp lễ tuyên thệ của Joe Biden, VaticanNews cho đăng tải bài xã luận sau đây của Alessandro Gisoti:
Hiệp Chúng Quốc vẫn còn dao động bởi những gì diễn ra ngày 6 tháng Giêng trong cuộc tấn công trên Đồi Capitol, gây cho 5 người chết. Đó là một biến cố chưa từng có cho thấy một cách bi thảm các chia rẽ hiện có trong xã hội Hoa Kỳ, và các chia rẽ này vượt quá chiều kích chính trị. Sự phân cực này đã trở nên sâu xa hơn trong những năm gần đây và nhiều nhà quan sát cho rằng nó sẽ không biến mất trong một thời gian ngắn.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề được tân tổng thống Joe Biden chọn cho buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của mình là "Nước Mỹ đoàn kết". Nhu cầu đoàn kết quốc gia này được người Mỹ cảm nhận rộng rãi, nhiều người trong số họ ý thức rằng chỉ có đoàn kết mới có thể đối đầu với đại dịch và các cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng xảy ra vì nó.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn nhấn mạnh giá trị của sự đoàn kết Hoa Kỳ vốn được ghi trên huy hiệu của quốc gia: E Pluribus Unum. Trong cuộc Tông du Hoa Kỳ năm 2015, ngài là Giáo hoàng đầu tiên phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội. Nhân dịp đó, ngài đã đọc một bài diễn văn - qua các nhân vật như Abraham Lincoln, Dorothy Day, Thomas Merton và Martin Luther King Jr - nhấn mạnh điều làm cho nền dân chủ Mỹ trở nên độc đáo. Từ bài phát biểu cách đây 5 năm đến lời lẽ của ngài tại Buổi Đọc Kinh Truyền Tin ngày 10 tháng Giêng về những gì xảy ra trên Đồi Capitol bốn ngày trước đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn khuyến khích người ta bác bỏ các khuynh hướng phá rối, và làm việc với sự kiên nhẫn và can đảm để hòa giải và đoàn kết. Đáng chú ý, trong một thông điệp gửi đi ngày hôm qua - nhân Ngày Martin Luther King - ngài đã kêu gọi người Mỹ “quay trở lại” với giấc mơ của nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi. Hoa Kỳ cần hiện thực hóa giấc mơ chưa hoàn thành đó là "hòa hợp và bình đẳng". Một giấc mơ “luôn luôn có liên quan” và thực sự trở nên cấp thiết hơn ở một đất nước, nơi mặc dù có những cơ hội kinh tế tuyệt vời, nhưng vẫn còn những bất công và xung đột xã hội nay đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch. Do đó, đây là thời điểm để cái “chúng ta” thắng thế cái “tôi”, chữa lành các vết thương và tìm kiếm một sự đoàn kết mới dựa trên những nguyên tắc luôn nâng đỡ nền dân chủ Mỹ và làm họ trở thành người chủ đạo trên trường quốc tế.
Chính vấn đề hòa giải quốc gia sẽ là thách thức khó khăn nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống Biden. Một số người đã nhận xét rằng, bắt đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris, chưa bao giờ các thành phần của một chính quyền lại đa chủng tộc đến như vậy. Bên cạnh chủ đề nội bộ là “hàn gắn” xã hội Hoa Kỳ, còn có mặt trận bên ngoài, mặt trận mà lưu ý quốc tế sẽ tập chú vào. Thực vậy, sau nhiều năm thường được đánh dấu bằng các quyết định đơn phương hoặc các thỏa thuận song phương, người ta kỳ vọng nhiều sẽ có việc “trở lại” với chủ nghĩa đa phương trong chính sách đối ngoại và khôi phục mối quan hệ tin cậy với các tổ chức quốc tế, bắt đầu với Liên Hiệp Quốc. Một số biện pháp theo hướng này đã được công bố trong những tuần gần đây, chẳng hạn như việc Hoa Kỳ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris. Động thái này giao thoa với cam kết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta được phát biểu trong thông điệp Laudato si'.
Khi Joe Biden chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, điều đã xảy ra trên Đồi Capitol trong những ngày gần đây nhắc nhở chúng ta rằng nền dân chủ và các định chế của nó là điều quý giá và không nên coi là điều đương nhiên chỉ vì chúng vốn hiện hữu từ rất lâu.
Ý thức trên không nên chỉ là một câu nói xuông nhưng - như thông điệp Fratelli tutti từng nói, - đòi hỏi một nỗ lực cụ thể ở mọi bình diện. Nó đòi hỏi một cam kết không những của các nhà lãnh đạo chính trị, mà của mọi người dân, và các phong trào của họ, nhằm cổ vũ lợi ích chung và củng cố dân chủ. Điều này càng đúng hơn cho ngày nay, trong một giai đoạn lịch sử trong đó bất chấp các thế lực ly tâm và lợi ích duy dân tộc, đại dịch đã cho thấy một cách cảm kích rằng “không ai được cứu vớt một mình”.