LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ NƠI ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG

Sau khi vừa được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Benedictô XVI đã ra chào dân chúng. Lời chào rất vắn. Cuối lời chào, Ngài kết thúc bằng tâm tình phó thác nơi Đức Mẹ. Ngài nói: "Đức Mẹ Maria, Mẹ dấu yêu của Chúa Giêsu luôn đứng bên cạnh chúng ta".

Những lời trên đây trong giây phút trọng đại của lịch sử đời Ngài rất đáng ta chú ý.

Tôi nghĩ đó là những lời nói lên một nếp sống đức tin của Ngài. Một nếp sống rất tự nhiên, rất hồn nhiên. Một nếp sống đã có từ nhiều năm, thường xuyên, sống động như hơi thở của Ngài.

Mới rồi, tôi đọc cuốn sách của Ngài, tựa đề: "Đây là Thiên Chúa của chúng tôi", tới đoạn nói về Đức Mẹ Maria, tôi thấy Ngài có lòng kính Đức Mẹ từ hồi còn thơ ấu.

Tôi xin phép tóm tắt năm điều mà tôi tự rút ra từ sách đó về lòng sùng kính Đức Mẹ nơi Ngài.

1/ Nhờ Mẹ mà ta được gần gũi với Chúa

Thực vậy, nếu Thiên Chúa cứ ngự trên trời cao thăm thẳm, thì loài người sẽ cảm thấy Chúa rất xa cách, rất cao vời. Nhưng khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế, trở thành con một người phụ nữ, thì tự nhiên khoảng cách gần lại. Nhất là khi người phụ nữ này lại xưng mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1,38), sống cuộc đời đơn sơ, nghèo nàn, giữa dân thường. Nhờ vậy Thiên Chúa càng trở nên gần gũi với mọi người. Mọi người, dù bé nhỏ, nghèo hèn tới đâu, cũng có thể gần gũi với Thiên Chúa được.

Như thế, đúng là nhờ Mẹ Maria mà mọi người chúng ta được gần gũi Thiên Chúa tình yêu.

2/ Nhờ Mẹ mà ta cậy trông vào Chúa

Đức Thánh Cha nhắc lại một kinh lâu đời mà Giáo Hội Việt Nam vẫn thường quen đọc, đó là kinh "Hãy nhớ": "Lạy thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van, chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa cứu thế, xin chớ bỏ lời con kêu van, một dủ lòng thương mà nhận lời con cầu. Amen".

Từ nhỏ, Đức Benedictô XVI đã quen đọc kinh đó. Nhờ cậy trông Đức Mẹ mà Ngài đã thêm lòng cậy trông Chúa.

3/ Nhờ Mẹ mà ta đi vào trưởng thành nội tâm

Đức Giáo Hoàng hay lần chuỗi Mân côi và hay đi đàng thánh giá. Ngài coi hai nơi đó là trường dạy Ngài biết mình và biết sửa mình. Hai nơi đó đã biến đổi Ngài nên người sống nội tâm, biết thương Chúa Giêsu, biết thông cảm với những người đau khổ, nghèo túng.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vai trò đau khổ trong việc làm cho con người trở nên trưởng thành. Trưởng thành về nhân bản và trưởng thành trong đời sống thiêng liêng.

Con người từ bỏ mình vì Chúa và yêu thương phục vụ con người không thể tránh được hy sinh, đau khổ. Nếu Đức Mẹ không chịu đau khổ như được nhắc lại trong chuỗi Mân côi và đàng thánh giá, thì Đức Mẹ sẽ không thể minh chứng được tình yêu của Mẹ đối với Chúa và tình thương của Mẹ đối với loài người.

4/ Nhờ Mẹ mà ta biết chúc tụng Chúa

Đức Benedictô XVI nhắc lại hai lời chúc tụng trong kinh Kính Mừng. Hai lời này do bà thánh Isave nói với Đức Mẹ: "Bà được chúc phúc hơn mọi người nữ. Và Con trong lòng Bà cũng được chúc phúc" (Lc 1,42). Kinh Kính Mừng bằng tiếng Latinh dùng chữ Benedicta cho Đức Mẹ và chữ Benedictus cho Chúa Giêsu.

Theo quan điểm của Đức Benedictô XVI, thì Đức Mẹ được chúc tụng là vì Đức Mẹ có Chúa ở cùng, và vì Đức Mẹ được cứu độ trước do công phúc cứu độ của Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu, con Mẹ, được chúc tụng, vì Ngài làm chứng cho tình yêu cứu độ.

Từ đó mọi việc chúc tụng, chúc phúc, chúc lành, đều quy chiếu về tình yêu Chúa cứu độ. Thí dụ, khi tôi làm dấu thánh giá chúc lành cho ai, thì tôi chúc họ được ơn Chúa yêu thương và cứu độ.

Không biết có phải vì lời chúc phúc, chúc tụng, chúc lành vốn có trong kinh Kính Mừng đã ảnh hưởng đến việc Đức Tân Giáo Hoàng lấy tên là Benedictô không.

5/ Nhờ Mẹ mà ta cởi mở theo ý Chúa

Đức Benedictô XVI kể lại hai chi tiết này. Chi tiết thứ nhất là Đức Mẹ đến tìm Chúa Giêsu đang giảng cho dân. Thấy vậy, Chúa Giêsu nói: "Phàm những ai làm theo ý Cha Ta, đều là mẹ ta và anh em Ta" (x. Lc 11,27-28). Chi tiết thứ hai là, trước khi tắt thở trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan. Trong lời trối, Chúa Giêsu không dùng tiếng "thưa Mẹ" mà dùng tiếng "thưa Bà" (x. Ga 19,25-27).

Đức Benedictô XVI đã suy nghĩ về hai chi tiết trên đây, để cắt nghĩa cho sự cởi mở của Hội Thánh.

Đức Mẹ đã được Chúa Giêsu dẫn qua giới hạn gia đình riêng nhỏ bé, để bước vào một gia đình rộng hơn. Gia đình đó là cả nhân loại, là tất cả những ai làm theo ý Chúa. Hội Thánh cũng phải cởi mở như vậy.

Trên đây là một thoáng nhìn về lòng sùng kính Đức Mẹ nơi Đức Tân Giáo Hoàng. Mỗi người chúng ta đều có thể tiếp thu được bài học này. Bài học đơn sơ mà sâu sắc.

Điều quan trọng không phải là tiếp thu một nội dung, mà là nhờ nội dung này mà gặp gỡ Đức Mẹ. Khi sự gặp gỡ Đức Mẹ đã trở thành sống động, thì cuộc sống chúng ta sẽ biến đổi rất nhiều. Chúng ta sẽ có khả năng yêu thương nhiều hơn. Yêu thương nhiều hơn đối với Chúa. Yêu thương nhiều hơn đối với mọi người.

Lúc đó cuộc sống đạo sẽ sáng lên lửa yêu thương. Và đó chính là ước mơ về một Hội Thánh tương lai, mà Đức Tân Giáo Hoàng muốn hướng tới.

Ngài lớn tuổi, sâu sắc về truyền thống các tông đồ, già dặn về kinh nghiệm, sắc sảo trong nhận định tình hình. Nhưng Ngài lại rất đơn sơ, khiêm tốn, theo gương Đức Mẹ, bên trong tâm hồn và cả bên ngoài trong lời nói, cử chỉ, thái độ.

Chúng ta tin tưởng nơi Đức Tân Giáo Hoàng của chúng ta. Học sùng kính Đức Mẹ theo gương Ngài là điều tôi thực hiện, nhất là trong tháng hoa Đức Mẹ. Tháng hoa này, chúng ta sẽ chúc tụng Chúa và Đức Mẹ một cách đặc biệt.

Tháng hoa này, chúng ta sẽ xin Chúa và Đức Mẹ chúc phúc đặc biệt cho Hội Thánh Việt Nam, dân tộc Việt Nam và Tổ Quốc Việt Nam của chúng ta.