Theo tuần báo Công Giáo The Catholic Weekly của tổng giáo phận Sydney, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền mới đây, Đức Hồng Y George Pell đã chia sẻ nhiều chi tiết về thời gian ngồi tù của ngài và các lý do khiến ngài duy trì được niềm hy vọng.



Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ngài cho hay Ủy Ban Sự Thật, Công Lý và Hàn Gắn do Giáo Hội Công Giáo Úc thiết lập lúc khởi đầu Ủy Ban Hoàng Gia điều tra việc lạm dụng của các định chế năm 2013, đã không nghiêm túc làm nổi bật thành tích dứt khoát của Giáo Hội trong việc chống trả việc lạm dụng tại đất nước này cách nay 1 phần tư thế kỷ.

Ngài phát biểu các điều trên trong một cuộc phỏng vấn thu hình sẵn về nhiều chủ đề và được trình chiếu tại một hội nghị Công Giáo tại Hoa Kỳ ngày 16 tháng 8.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Pell đã thảo luận về đời sống cầu nguyện của mình ở trong tù và cách ngài có thể tập chú về phương diện thiêng liêng dù biết mình vô tội, sự hỗ trợ mà ngài nhận được qua thư từ của người Công Giáo bình thường trên khắp thế giới, tình hình tài chính của Vatican và vấn đề liên hệ là việc tham nhũng trong các định chế chủ chốt.

Ngài cũng tiết lộ mối quan tâm của mình về các khía cạnh của Thượng hội đồng về vùng Amazon được tiến hành vào tháng 10 năm ngoái và thảo luận các dấu hiệu đổi mới trong Giáo hội - bao gồm các thực tại mới của Giáo hội như Opus Dei Neocatechumenal Way - và tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đối với tương lai của Đạo Công Giáo trên toàn thế giới.

Ngài nói: “Các tên gian lận” phần lớn đã bị loại khỏi các định chế tài chính của Vatican hoặc bị cấm tiếp cận chúng nhưng cần phải cảnh giác để ngăn chặn tham nhũng và sự thiếu hiệu năng vốn cố hữu trong quá khứ.

'Lỗi lầm nghiêm trọng' của Hội đồng Sự thật, Công lý và Hàn gắn

Về Hội Đồng Sự thật, Công lý và Hàn gắn, ngài cho biết họ đã “mắc một lỗi lầm nghiêm trọng khi không giải thích cho người ta - điều đó có thể không được lòng dân - rằng quả thực, Giáo hội 'cũ', từ giữa thập niên 90, đã hành động một cách kiên quyết và hữu hiệu, để ngăn chặn bệnh dịch này, để ngăn chặn các hành vi vi phạm vẫn đang tiếp diễn”. Ngài nói như thế trong cuộc phỏng vấn dài 30 phút được thực hiện tại Sydney cho một hội nghị do Viện NAPA, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại California tập chú vào Giáo Hội Công Giáo, tổ chức.

Ngài nói, không thể phủ nhận việc các tội ác đã diễn ra, chúng khét tiếng và đã được Giáo quyền xử lý kém, “nhưng ở Úc, chúng tôi đã phá vỡ phần khó nhất của việc vi phạm vào giữa thập niên 90”, một sự thật thậm chí đã được luật sư phụ tá Ủy ban Hoàng gia thừa nhận trong cuộc điều trần của họ.

Ngài nói, người Công Giáo ngạc nhiên khi biết rất ít về việc vi phạm đã thực sự xảy ra trong những thập niên gần đây.

Ngài nói với nhà báo Monica Doumit giữ chuyên mục của The Catholic Weekly: “Tôi nghe nói về một cuộc hội họp công khai trong đó một người bạn của tôi thực sự biết chuyện gì đang xảy ra đã hỏi giáo quyền trong giáo phận đó rằng ‘ngài có bao nhiêu vụ vi phạm trong giáo phận ngài, trong các định chế Công Giáo, ở thế kỷ này? ’Và [vị này trả lời] không có hoặc hầu như không có vụ vi phạm nào. Khiến khán giả Công Giáo ở đó sững sờ”.

Đối phó với nhà tù

Ngài nói, sự thay đổi lớn trong đời sống thiêng liêng của ngài là không thể cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Không thể dâng Thánh lễ theo ý định của người khác như ngài thường làm, thay vào đó, ngài đọc kinh Hãy Nhớ (Memorare), một kinh nguyện xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, theo yêu cầu cá nhân được gửi đến ngài.

Ngài nói, “Trong tù, bạn không thể bào chữa là bạn quá bận rộn đến không thể cầu nguyện được. Tôi có thói quen thường xuyên hàng ngày đọc Sách Nguyện, suy niệm và đọc sách thiêng liêng. Và vào Chúa Nhật, tôi xem Thánh Lễ Cho Các Bạn Ở Nhà vào khung giờ không thể tưởng tượng được là sáu giờ sáng.

“Sau đó, tôi theo dõi các nhà truyền giảng Tin Mừng người Mỹ Joseph Prince từ California và Joel Osteen từ Texas. Và trong nhật ký của mình, tôi phê bình các cố gắng của họ về thần học - nhưng cả hai đều là những nhà thuyết giáo rất giỏi và họ đã có nhiều người theo dõi".

Hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới

Ngài ước tính ngài đã nhận được khoảng 4, 000 lá thư lúc ở trong tù nhưng hầu như chỉ giới hạn vào việc trả lời các bạn tù – ngược với lời khuyên pháp lý. Ngài nói Ngài làm thế vì Ngài cảm thấy đó là nhiệm vụ của mình trong tư cách một linh mục.

Mọi người từ khắp nơi trên thế giới và thuộc mọi bối cảnh của cuộc sống đã viết thư cho ngài trong thời gian ngồi tù, trong đó có hai phụ nữ ở Texas. Ngài cho biết các bức thư của họ là “những bức thư rất khuyến khích và đẹp đẽ, thú vị. Chúng đã cho tôi một thứ gì đó để ‘ngẫm nghĩ’ về mặt thần học và tâm linh”.

Ngài theo sát các sự kiện thế giới thông qua việc đọc báo Melbourne ba lần một tuần và xem tin tức thế giới của đài SBS được phát sóng vào mỗi buổi tối.

Ngài nói, “Vì vậy, tôi đã theo khá sát mọi chuyện và người ta gửi cho tôi nhiều bài cắt từ báo chí. Bạn bè đã gửi cho tôi vô số bài báo”.

Nhật ký gần như không viết

Ngài cũng tập chú vào việc ghi lại những suy nghĩ hàng ngày của mình nhưng trước đó gần như không làm điều này vì thoạt đầu cho rằng mình sẽ không ngồi tù lâu.

“Tôi luôn làm mình bận rộn nên đã viết nhật ký. Tôi nghĩ mình sẽ ở trong này ba tháng hoặc gần như thế nên tôi viết ba trang mỗi ngày; điều này, theo ước tính, sẽ cho tôi một cuốn sách dầy 250 trang. Nhưng tôi đã ở đó 13 tháng! Tôi gần như không muốn viết, nhưng rất vui là đã viết. Đó là một trị liệu pháp rất tốt và [tôi nghĩ] tôi có thể nói một điều gì đó có thể giúp ích cho người ta".

Tập đầu tiên của cuốn hồi ký trong tù của Đức Hồng Y Pell sẽ được nhà Ignatius Press xuất bản năm 2021.

Mối quan tâm về Thượng Hội Đồng Amazon

Ngài thừa nhận ngài lo ngại về Thượng hội đồng Amazon được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm ngoái nhưng không có nhiều thiệt hại xảy ra như ngài lo ngại.

Ngài nói “Tôi không chắc mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào và cuối cùng thì kết quả không quá tệ”.

“Tôi cảm thấy một số người được trao quyền lãnh đạo trong việc chuẩn bị Thượng Hội đồng - một giám mục chưa bao giờ làm cho một cư dân địa phương trở lại trong suốt nhiều thập niên làm nhà truyền giáo - tôi thấy một hoặc hai điều đó khá đáng chú ý. Nhưng kết quả cuối cùng, theo như tôi thấy, không có quá nhiều thiệt hại".

Các vấn đề tài chính của Vatican

Về tình hình tài chính hiện nay của Vatican và vấn đề tham nhũng đang hoành hành, ngài cho biết đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm một vấn đề tài chính vốn đã nghiêm trọng.

Người kế nhiệm của ngài tại Văn Phòng Kinh tế của Vatican đã nói với ngài rằng Vatican đang mất 70 triệu đô la Úc một năm trước khi đại dịch xảy ra. Trong khi đó, các Bảo tàng Vatican hiện đã đóng cửa kể từ khi đại dịch xảy ra ở Ý, thông thường mang lại doanh thu 80-100 triệu đô la Úc một năm.

Ngài nói thêm “Bây giờ điều đó gần như đã biến mất hoàn toàn, hơi minh họa quá đáng một chút khi nói rằng Vatican sắp khánh kiệt, bởi vì nó không phải vậy. Nó vốn có... không phải một di sản lớn... còn kém hơn một số trường đại học lớn của Mỹ, kém hơn một cách đáng kể như một di sản. Nhưng bạn không thể tiếp tục mất tiền theo tốc độ như hiện tại mãi mãi… Đó là thực tại rất căn bản”.

Trong khi đó, ngài nói, công chúng biết rằng Vatican đang có “một khoản thâm hụt rất đáng kể trong quỹ hưu trí - và gần như mọi quốc gia khác ở châu Âu cũng thế - nhưng điều đó không mấy an ủi".

Ngài nói "Bây giờ tôi đã hiểu rõ điều đó, tôi chậm hơn hai hoặc ba năm so với những gì người ta đang nghĩ, nhưng ít nhất về mặt công chúng, tôi chưa thấy bất cứ gợi ý nào thực sự giải quyết được thách thức tài chính đáng kể".

Đối phó với tham nhũng và sự thiếu hiệu năng

Ngài nói rằng không nghi ngờ gì nữa, Vatican đã “bị điêu đứng trong nhiều năm qua bởi sự thiếu hiệu năng và tham nhũng. Vụ bất động sản ở London có lẽ là một điển hình của cả hai, chắc chắn là một điển hình về thiếu hiệu năng, nếu nói cho nhẹ".

Vụ được ngài nói đến hiện đang được các nhà chức trách Vatican điều tra xem Phủ Quốc Vụ Khanh của Vatican đã sử dụng khoảng 270 triệu đô la Úc ra sao để tài trợ một dự án phát triển bất động sản ở quận Chelsea của London năm 2014.

Nhưng “vì Giáo hội không phải là một doanh nghiệp, điều này không có nghĩa là có bất kỳ lý do nào biện minh cho việc Giáo hội hoạt động thiếu hiệu năng hoặc không nên mạnh mẽ và cảnh giác chống lại tham nhũng”.

Ngài nói ngài tin rằng “hầu hết những kẻ gian lận đã bị loại ra ngoài hệ thống [mặc dù] bạn không bao giờ có thể hoàn toàn chắc chắn. Nhưng tất nhiên bạn phải hết sức cảnh giác. Vì vậy, tôi rất tin tưởng vào người kế nhiệm của tôi. Họ đang đi đúng hướng, nhưng lời hứa đó phải mang lại thành quả.

“Họ vừa bổ nhiệm một Hội đồng Tài chính mới - một nửa số người được bổ nhiệm, gần như vậy, là các phụ nữ có trình độ cao - vì vậy tôi lạc quan rằng họ sẽ có một cái nhìn tốt về tình hình và có lập trường rất vững chắc về việc đâu là những vấn đề căn bản, và không bị phân tâm vào việc nêu lý thuyết hoặc các an ủi ngắn hạn. Vì vậy, tôi có một sự lạc quan có cơ sở”.

Các thách thức nghiêm trọng - nhưng có dấu hiệu đổi mới

Ngài cho biết chắc chắn Giáo hội ở khắp thế giới phương Tây đang đối diện với tình hình nghiêm trọng về mặt nhân khẩu học và chính trị, nhưng ngài vẫn lạc quan và nhận thấy nhiều dấu hiệu đổi mới, nhất là trong các thực tại Giáo hội mới như Opus Dei Neocatechumenal Way.

Opus Dei, được thành lập vào thời hậu Nội chiến Tây Ban Nha bởi Thánh Josemaria Escriva, tập chú vào việc giúp người trẻ và người lớn khám phá ra và sống sự thánh thiện thông qua tình bạn với Thiên Chúa. Neocatechumenal Way, cũng được thành lập ở Tây Ban Nha vào năm 1968, tập chú vào việc xây dựng các cộng đồng nhỏ theo con đường đào tạo hướng tới một đức tin trưởng thành, với việc hết sức nhấn mạnh tới việc hiểu biết Lời Chúa và các chủ đề có liên quan với Lời Chúa trong Kinh thánh.

Đức Hồng Y Pell nói, “Ở nhiều nơi trên thế giới - chẳng hạn như ở Châu Phi - Giáo hội đang tiến tới”. Nhưng chúng ta đang phải chịu áp lực ở nhiều nơi, nhất là ở thế giới phương Tây. Có một sự xói mòn nhất định ở đó, nhưng nếu đó là cái giá chúng ta phải trả để duy trì sự tinh ròng của Tin Mừng trong giáo huấn của chúng ta, thì chúng ta sẵn sàng để trả.

Con đường dẫn đến việc bất liên quan

Ngài nói, con đường dẫn đến sự bất liên quan cho Giáo hội đã quá rõ ràng.

“Điều nghịch lý là - và nó được chứng minh trong thế giới Tin lành cấp tiến, nó được chứng minh trong thế giới Công Giáo, ở Bỉ, Hà Lan, Quebec và đến một mức độ nào đó ở Thụy Sĩ và Áo - càng thích nghi với thế giới thì Giáo Hội Công Giáo càng mất nhanh hoạt động của mình”.

Tuy nhiên, ngài nói, nếu Giáo hội vẫn trung thành với Chúa Kitô, thì luôn có cơ may các lực lượng đổi mới và lãnh đạo mới sẽ xuất hiện.

“Tôi nghĩ rằng điều này đã xảy ra trong thế kỷ trước qua Opus Dei, Neocatechumenal Way, cũng giống như nó đã xảy ra vào Thế kỷ 16 với các tu sĩ Dòng Tên, với các tu sĩ Dòng Đa Minh và Dòng Phanxicô thế kỷ 13, và trước đó với các tu sĩ Dòng Biển Đức. Ngài cho hay, Thiên Chúa ở cùng chúng ta và ơn quan phòng của Chúa đang hoạt động và điều đó có nhiều khả năng hữu hiệu hơn nếu chúng ta phấn đấu làm những gì Người muốn”.

Đau khổ trở thành các mục tiêu cao hơn

Suy tư về trải nghiệm hơn 400 ngày ở trong tù vì một tội ác mà ngài chưa từng phạm, ngài cho biết chính đức tin và việc đào tạo Kitô giáo đã ngăn ngài khỏi bị khuất phục trước sự cay đắng.

“Tôi rất tin tưởng rằng các đau khổ nhỏ nhoi của tôi - và chúng quả không to lớn - là một điều có thể được cống hiến, cùng với đau khổ của Chúa Kitô, vì lợi ích của Giáo hội”.

Ngài cũng nhận được sự hỗ trợ từ các giới bất ngờ. Ngài nói “Tôi nhận được một lá thư từ một tù nhân dài hạn; người này nói rằng 'sự đồng thuận giữa các tội phạm chuyên nghiệp là bạn đã bị thêu dệt, tất nhiên là bạn vô tội!' Và ông ta nói 'há không lạ lùng sao khi phạm nhân nhìn thấy điều này nhưng các thẩm phán lại không nhìn ra? ’ Tôi hiểu điều đó".

Khi được hỏi điều gì đã khiến ngài không trở nên cay đắng trước sự bất công mà ngài phải chịu, ngài nói cả đức tin của ngài lẫn giáo huấn Kitô giáo "và có lẽ sự thừa nhận rằng theo cả quan điểm nhân bản thế tục, sự cay đắng vẫn có tính xâm thực và gây tổn hại".

Ngài cho biết, “Không cay đắng hơi giống đức tin một chút. Nó không phải là thứ bạn có thể bỏ vào túi và ở đó mãi mãi. Bạn phải tiếp tục cầu nguyện để đức tin của bạn luôn vững mạnh và bạn phải cầu nguyện và cảnh giác để không rơi vào sự cay đắng tự lấy mình làm trung tâm và trở nên thù địch và cáu giận điều này điều nọ. Nhưng trên hết, chính giáo huấn Kitô giáo của tôi đã thôi thúc tôi đi đúng hướng trong những vấn đề này”.

Giáo hội Hoa Kỳ, chìa khóa mở cửa tương lai

Ngài nói ngài muốn nhắc nhở khán giả Hoa Kỳ của ngài rằng Giáo hội ở Hoa Kỳ quan trọng xiết bao đối với Đạo Công Giáo thế giới và nền văn minh phương Tây.

Bất chấp các tai tiếng trong giới lãnh đạo Giáo hội, các tai tiếng vốn đã “gây thương tích sâu xa”, nhiều bộ phận của Giáo hội ở Hoa Kỳ đang cung ứng một con đường tiến lên trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Ngài nêu tên các giám mục Hoa Kỳ như Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York và cựu Hồng Y Tổng Giám mục Chicago, Francis George OMI, người đã qua đời vào năm 2015, như những tấm gương xuất sắc về khả năng lãnh đạo và tầm nhìn Giáo hội trong thời đại hiện nay.

Tự mô tả mình như một người bạn và đồng minh lớn của Hoa Kỳ nhưng không phải là một nhà quan sát thiếu phê phán, ngài nhắc khán giả của ngài nhớ vị trí trung tâm và sức sống của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đối với thế giới phương Tây.

Ngài nói, “[Đạo Công Giáo Hoa Kỳ] cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi ở các nước nhỏ hơn, chúng tôi dựa vào các bạn vì tư cách bác học của các bạn, khả năng lãnh đạo của các bạn… các chiến lược mục vụ mà các bạn thực thi và chứng minh là thành công sẽ được chúng tôi theo dõi và bắt chước”.