- Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
Ai thảo kính cha mình sẽ được sống lâu dài.
( Kinh Thánh Huấn Ca.3 : 6 )
-Không phải máu thịt mà là trái tim khiến chúng ta là cha và con.
( Fredrich Schiller )
-Không chiếc gối nào êm đềm bằng bờ vai cứng cáp của người cha.
( Richard Evan )
-Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
( Thích Thiện Nghĩa )
-Tôi không thể nghĩ ra nhu cầu nào mãnh liệt trong thời thơ ấu, như mong muốn có sự bảo vệ của người cha.
( Sigmund Feard )
-Khi cha cho con cả hai đều cười.
Khi con biếu cha cả hai đều khóc.
( William Shakespeare )
-Chỉ khi nào bạn lớn lên rời khỏi cha đến với gia đình của riêng bạn, chỉ lúc đó bạn mới hiểu được sự vĩ đại của cha và thực tâm biết ơn.
( Magaret Truman )
-Trở thành người cha thì dễ,
Nhưng làm bổn phận người cha mới khó.
( Diderot )
-Người cha tốt không phải là người cho con nhiều của cải nhất.
( Vô Danh )
* Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Dù cho sông cạn đá mòn,
Lời Ca dao ấy vẫn còn trong tôi,
Điệu ru từ lúc nằm nôi,
Lời ca dịu ngọt đầu đời gọi cha.
Tình thương trải rộng bao la,
Cơn mưa nắng hạ chan hoà đời con.
Thân gầy lặn lội hao mòn,
m thầm chịu đựng không than nửa lời,
Đắng cay vẫn nở nụ cười,
Nhìn đàn con dại vui tươi thoả lòng,
Đêm ngày chỉ những cầu mong,
Cho con khôn lớn thành công nên người.
Con xin ghi nhớ những lời,
Cha thường dạy bảo suốt thời ấu thơ.
Giờ đây cha đã xa rời,
Nhớ thương Từ Phụ lòng thời xót xa,
Ôi ơn dưỡng dục bao la,
Tình cha trìu mến chan hòa đời con.

(*)Ngày của cha, đầu tiên do sáng kiến của bà Grace Golden Clayton ghi ơn cha bà đã mất trong thảm họa Monongah Mining ở tây Virginia ngày 5/12/1907, nhưng ý kiến của bà bị lu mờ dần vì chưa được chính thức công nhận.
Nhưng 2 năm sau 1909, cô Sonora Dodd khi nghe thuyết trình về người mẹ, cô nghĩ ngay đến phải có 1 ngày để vinh danh người cha. Lý do thúc đẩy cô phát động mạnh việc này vì mẹ của cô đã sớm qua đời. Cha cô ông Wlliam Jackson Smart đã một mình vất vả nuôi 6 chị em cô khôn lớn.
Sau đó, năm 1966, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson đã chính thức chọn ngày Chúa nhật thứ 3 tháng 6 là ngày vinh danh cha- Father’s Day- trên toàn quốc và TT Richard Nixon ký luật công nhận là ngày lễ chính thức quốc gia năm 1972.
Trong cuộc đời mỗi chúng ta thường nghĩ đến mẹ nhiều hơn vì luôn gần gũi với ta hơn, nên sao lãng sự hy sinh cao cả và vai trò quan trọng trong gia đình của cha.
Ngày Từ Phụ (Father’s Day) là dịp để ta ghi nhớ công ơn nếu người đã khuất và săn sóc hiếu thảo khi cha còn sống.

*Phụ dẫn :
Nhiều truyện tân cổ Đông Tây đã nêu cao nhiều gương sáng chói đối với cha mẹ.
Trong chương trình giáo dục trước năm 1975 dưới chính thể VNCH các môn học được chọn lọc rất kỹ nhất là 2 môn Công Dân Giáo Dục và Việt văn.( Hiện nay tà quyền CSVN đã bãi bỏ môn Công Dân Giáo Dục, nên biến lớp trẻ thành bọn vô giáo dục. Môn Văn chỉ để lừa bịp che dấu tội ác của bác đảng- Còn những truyện như Nhị thập Tứ Hiếu thì tìm đâu ra 1 trong 24 gương hiếu dưới chế độ CS khi đầu óc tuổi trẻ đã bị đầu độc làm băng hoại với chủ thuyết tam vô )
Những năm đầu Trung học tôi được học những trích đoạn trong các thi phẩm như : Lục Vân Tiên, Gia Huấn Ca, Bích Câu Kỳ Ngộ, Lục Súc Tranh Công…Tôi nhớ truyện Nhị Thập Tứ Hiếu (24 gương hiếu) của Lý văn Phức đề cao những gương hiếu thường thấy trạm vẽ trong các đền chùa VN-
Xin trưng dẫn phần mở đầu truyện ‘Nhị Thập Tứ Hiếu’ tác giả đã khuyên nhủ rằng :
-Người tai mắt đứng trong trời đất- Ai mà không cha mẹ sinh thành- Gương treo đất nghĩa trời kinh- Ở sao cho xứng chút tình làm con- Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết- Thì sinh ra trăm nết đều nên- Chẳng xem thuở trước thánh hiền- Thảo hai mươi bốn thơm nghìn muôn thu.

Cho đến nay tôi vẫn nhớ truyện nêu cao một gương hiếu rất cảm động- Truyện kể Mẫn Tử Khiêm học trò Khổng Phu Tử sinh vào thời Xuân Thu, mẹ mất sớm cha lấy vợ kế, bà dì ghẻ rất ác độc nhưng cậu vẫn một lòng hiếu thảo. Mùa đông hai con riêng dì ghẻ được mặc áo bông ấm áp, còn Mẫn Tử chỉ được mặc áo đệm hoa lau, nhưng không bao giờ phàn nàn. Một hôm mùa đông rét buốt kéo xe cho cha, tay run xe bị lật. Cha ông thấy thế biết rằng người vợ kế đã xử với cậu ác nghiệt nên có ý định đuổi bà đi. Nhưng cậu quì xuống xin cha tha cho bà và nói rằng: nếu bà còn ở lại thì chỉ có riêng mình bị rét lạnh, còn nếu bà đi rồi thì cả ba anh em đều đói rét. Cha ông nghe vậy nên không đuổi người vợ kế đi. Còn bà kế mẫu rất cảm động và trở thành hiền mẫu.

-Thày Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa,
Xót nhà huyên quạnh quẽ từ lâu,
Thờ cha sớm viếng khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo,
Hai em thì áo kép dầy bông,
Chẳng thương chút phận long đong,
Hoa lau hồ để lạnh lung một thân.
Khi cha dạo theo chân xe đẩy,
Rét căm căm nên xảy rời tay,
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay,
Nghiến răng rắp cắt đứt giây xướng tùy.
Gạt nước mắt chân quì miệng gửi :
Lạy cha xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn chịu một thân đơn,
Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.
Cha cúi xuống càng sa giọt tủi,
Mẹ nghe rồi cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ,
Thấm lâu như đá không trừ lọ ai?

( Trích đoạn trên là 1 trong 24 gương hiếu trong Nhị Thập Tứ Hiếu của Lý văn Phức- Ông sinh năm 1785 tại Vĩnh Thuận, Hà Nội, đậu cử nhân 1819, làm quan dưới 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông mất năm 1840 hưởng thọ 64 tuổi và được truy phong Lễ Bộ Thị Lang…)

*Xin Chúc mừng những ai còn cha sống với mình để cùng chung vui sẻ buồn !
Hãy yêu thương và săn sóc cha ! Hãy là tấm gương cho con cháu sau này sẽ cư sử với chính mình !

Mừng ngày ghi nhớ ơn cha,
Công ơn nuôi dưỡng cho ta nên người,
Đừng làm nghịch tử ai ơi !
Hãy là hiếu tử cho đời đẹp tươi !

Happy Father’s Day !!!

Đinh văn Tiến Hùng