1. Mất công ăn việc làm vì virus Tầu, dân cướp phá nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Cape Town

Tử vong tại Nam Phi cho đến nay là 58 người, trong số 3,300 trường hợp nhiễm coronavirus. Con số tuy không nhiều so với các quốc gia khác, nhưng Nam Phi đã áp dụng một biện pháp cách ly gắt gao từ ngày 27 tháng Ba. Ban đầu, tổng thống Cyril Ramaphosa chỉ có ý định cô lập cả nước trong 3 tuần, nhưng nay lệnh cô lập được gia hạn đến cuối tháng này vì e rằng quốc gia này không có đủ điều kiện y tế để đối phó nếu dịch bệnh bùng phát trên quy mô lớn.

Nam Phi là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới. Chênh lệch giàu nghèo rất cao. Khi quốc gia này đóng cửa hầu hết các hoạt động thương mại, những người nghèo bị tổn thương nặng nề nhất.

Ở Johannesburg, thực phẩm đã được phân phát vào hôm thứ Hai cho những người vô gia cư sống sót bằng cách nhặt rác và mang thủy tinh, nhựa và các vật liệu khác đến các trung tâm tái chế.

Tuy nhiên, ở các nơi khác như Cape Town, dân chúng đói quá đã cướp phá các siêu thị, cả nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Cape Town cũng bị cướp phá.

Trong một video được công bố vào chiều thứ Hai 20 tháng Tư, Đức Cha Sylvester David, thuộc dòng Dòng Truyền Giáo Mẹ Maria Vô Nhiễm, là một trong hai Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận cho biết như sau:

“Thật đáng buồn và đáng báo động khi chúng tôi phải xác nhận với anh chị em tin tức đã được loan đi trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng nhà thờ chính tòa của chúng ta đã bị cướp phá.”

Đức Cha David nói rằng nhiều đồ Phụng Vụ khác nhau đã bị đánh cắp trong quá trình cướp phá này bao gồm cả một bình đựng Mình Thánh Chúa, một hộp đựng Mình Thánh Chúa để trao cho kẻ liệt, bốn cây nến bạc, một chén mạ vàng và hai chiếc dĩa đựng Mình Thánh Chúa mạ vàng. Các thùng tiền cũng bị lấy đi.

Ngoài các thiệt hại vật chất, những kẻ cướp đã mạo phạm Thánh Thể.

“Các bánh thánh được thánh hiến trong bình đựng Mình Thánh Chúa đã được bỏ lại bên trong nhà tạm, nhưng những bánh thánh trong hộp đựng Mình Thánh Chúa để trao cho kẻ liệt đã bị lấy đi. Đã có sự mạo phạm,” Đức Cha David nói.

Vụ cướp phá nhà thờ chính tòa Đức Bà xảy ra vào khoảng những giờ đầu tiên của ngày thứ Bảy 18 tháng Tư. Thiệt hại đã được báo cáo cho Cảnh sát Trung tâm Cape Town khi vụ cướp được phát hiện vào ngày hôm sau bởi ông từ trông nom nhà thờ.

Truyền thông Nam Phi cho biết, ngoài các vụ trộm, những kẻ phá hoại đã giật tung cánh cửa nhà tạm khỏi các bản lề và xé các thảm bên dưới. Ước tính thiệt hại là hơn 100,000 Rand, tức là khoảng 5,400 Mỹ Kim.

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Cape Town, có tên gọi đầy đủ là nhà thờ Đức Bà lánh nạn sang Ai Cập, là nhà thờ chính tòa của “Thành Phố Mẹ” – do Cape Town được coi là thành phố đầu tiên của Nam Phi. Ngôi nhà thờ này cũng là ngôi nhà thờ Mẹ của tất cả các nhà thờ Công Giáo Nam Phi và là thánh đường đầu tiên được xây trên đất Nam Phi.

Năm 1839, anh chị em giáo dân đã mua thửa đất này và hai năm sau đó khởi công xây dựng. Nam Phi lúc đó tràn ngập người Tin Lành Hà Lan, người Công Giáo không có bao nhiêu nên việc xây cất diễn ra rất chậm chạp.

Ngày 30 tháng 7, 1847, Tòa Thánh thiết lập Miền Giám Quản Tông Tòa Mũi Hảo Vọng. Ngày 28 tháng Tư, 1851, sau 12 năm xây dựng, ngôi nhà thờ mới được xây xong và thánh hiến. Đến ngày 13 tháng 6, 1939, Tòa Thánh đã thành lập giáo phận Cape Town.

100 năm sau khi được khánh thành, ngôi nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa vào năm 1951 khi Đức Thánh Cha Piô thứ 12 nâng giáo phận Cape Town lên hàng tổng giáo phận.

Do sự bùng phát COVID-19, Tổng giáo phận Cape Town đã đình chỉ việc cử hành thánh lễ công khai từ ngày 17 tháng 3.

Một lễ phạt tạ cho hành vi cướp phá này được dự trù diễn ra sau khi lệnh cô lập chấm dứt vào cuối tháng này.


Source:Catholic News Agency

2. Thượng nghị sĩ Mỹ phân tích sự nham hiểm của Trung Quốc trong dịch bệnh toàn cầu hiện nay

Tử vong toàn thế giới đã lên đến 169,967 người, trong số 2,474,857 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 42,298 người, trong số 789,234 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, Hoa Kỳ thiệt mất 1,561 người và thêm 25,844 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton của tiểu bang Arkansas đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa của coronavirus từ lâu trước những người khác. Ông đã tham gia trong chương trình “The 700 Club” của đài truyền hình CBN vào tối thứ Hai để nói về vai trò của Trung Quốc trong đại dịch này và trình bày ý kiến liên quan đến các báo cáo cho rằng virus có khả năng đã phát sinh từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rất rõ ràng rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm gây ra đại dịch này trên thế giới,” Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói.

“Tất cả các bằng chứng, chắc chắn chỉ mới là gián tiếp thôi, nhưng tất cả các bằng chứng hiện nay đều chỉ ra rằng các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là nguồn gốc có khả năng nhất cho loại virus này. Có thể đó là một trường hợp rủi ro tình cờ xuất phát từ sự kém cỏi của Trung Quốc, nhưng họ chắc chắn biết những rủi ro đó, họ biết những thiếu sót trong các phòng thí nghiệm đó”.

Đi xa hơn nữa, Thượng nghị sĩ Cotton nhận định rằng sau khi đại dịch đã bùng phát, Trung Quốc đã thực hiện các bước cần thiết để phát tán virus trên toàn thế giới.

“Thậm chí còn tệ hơn, vào cuối tháng 12, đầu tháng Giêng, một khi các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc đã rõ ràng rằng loại virus này rất dễ lây lan và gây chết người và đang truyền từ người sang người, họ tiếp tục khuyến khích người dân đi ra ngoài Trung Quốc đến những phần còn lại của thế giới,” ông nói.

“Tôi tin rằng đó là một quyết định có chủ ý được thiết kế để gieo mầm bệnh trên khắp thế giới nhằm bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không phải là quốc gia duy nhất chịu sự suy giảm sức mạnh so với các nước khác. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã gây ra đại dịch này, và tại sao phải có những hậu quả dành cho họ.”

Sau khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc không chỉ che đậy tin tức về virus này mà còn tích trữ các nguồn cung cấp, bao gồm cả các dược phẩm và các dụng cụ y tế nhằm kinh doanh kiếm lời trên sự đau khổ của các nước khác, kể cả bằng việc xuất khẩu các thiết bị y tế kém phẩm chất góp phần gây ra một tỷ lệ tử vong rất cao ở Âu Châu.

Thượng nghị sĩ Cotton nhấn mạnh rằng những điều này sẽ thay đổi cách chúng ta làm ăn với Trung Quốc; và trước mắt là phải thực hiện những gì có thể để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch coronavirus kinh hoàng này.


Source:CBN News

3. Chưa từng có: Tòa Thánh phải tuyên bố hoãn WYD và Đại Hội Gia Đình Thế Giới

Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ Hai 20 tháng Tư, Ông Matteo Bruni /mát-tê-ô brú-nì/, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống, đã quyết định hoãn lại một năm Đại Hội Gia Đình Thế Giới và Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Toàn văn tuyên bố như sau:

Do tình hình sức khỏe hiện tại và những hậu quả của nó đối với việc di chuyển và tập hợp những người trẻ và gia đình, Đức Thánh Cha, cùng với Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã quyết định hoãn các Hội nghị Thế giới tiếp theo lại một năm. Đại Hội Gia Đình Thế Giới, trước đây được dự trù tại Rôma vào tháng 6 năm 2021 và Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo, trước đây được dự định diễn ra tại Lisbon vào tháng 8 năm 2022, sẽ dời vào tháng 6 năm 2022 và vào tháng 8 năm 2023.

Nói tóm lại, Đại Hội Gia Đình Thế Giới sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 6 năm 2022. Tương tự như vậy, Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo sẽ được tổ chức tại Lisbon vào tháng 8 năm 2023.


Source:Holy See Press Office

4. Tin vui: Các nhà thờ ở Nam Hàn được mở cửa trở lại

Các trường hợp nhiễm coronavirus tiếp tục giảm ở Nam Hàn. Hôm thứ Hai 20 tháng Tư, chỉ có 13 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận, trong đó có 7 người nhiễm bệnh khi ra nước ngoài. Đây là ngày thứ ba liên tiếp con số nhiễm bệnh mới dưới 20 trường hợp; ngày Chúa Nhật 19 tháng Tư chỉ có 8 trường hợp. Hôm 29 tháng 2, được kể là ngày căng thẳng nhất, có 909 người nhiễm bệnh tại Nam Hàn.

Tính chung, có 10,674 người bị nhiễm bệnh; 236 người chết. 1,006 người nhiễm bệnh trong khi ở nước ngoài, 90% nhiễm bệnh trong nước.

Chính phủ đã mở rộng các biện pháp cách ly xã hội đến cuối tháng 5, nhưng đã giảm bớt một số khía cạnh. Những nơi công cộng như nhà thờ, phòng tập thể dục và quán bar có thể mở cửa trở lại. Các kỳ thi tại các trường và các cuộc phỏng vấn xin việc làm cũng được phép. Tất cả điều này là thành quả của việc tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe. Giải bóng chày địa phương, một môn thể thao rất phổ biến với người Hàn Quốc, cũng được khởi động trở lại, mặc dù không có khán giả.

Nam Hàn được coi là một mô hình đáng đề cao trong cuộc chiến chống lại đại dịch: một sự đường lối dân chủ - cùng với Đài Loan – so với mô hình độc tài của Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng một trong những yếu tố chính đóng góp nhiều nhất cho thành công này, là phản ứng nhanh chóng trước những dấu hiệu đầu tiên của cuộc khủng hoảng; các xét nghiệm chẩn đoán rộng rãi; biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt; sự tham gia và hợp tác của dân chúng.

Hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về vai trò của Trung Quốc và WHO trong trận đại dịch coronavirus kinh hoàng này, và nhấn mạnh rằng Úc đã đạt được thành công trong việc hạn chế sự lây lan của virus một phần là nhờ làm ngược lại những lời khuyên của WHO.

Ông Hunt nhận xét rằng mặc dù WHO đã thực hiện tốt việc phòng chống các bệnh như bại liệt, sởi và sốt rét, nhưng phản ứng của họ đối với coronavirus “đã chẳng giúp gì cho thế giới”.

“Chúng tôi đã làm rất tốt vì chúng tôi đã đưa ra quyết định của riêng mình với tư cách là một quốc gia,” ông nói thêm.


Source:Asia News

5. Sự im lặng của thời gian này dạy chúng ta lắng nghe

Lúc 7 sáng thứ Ba 21 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cho trong thời gian này, được đặc trưng bởi đại dịch và một sự im lặng mới, tất cả chúng ta có thể phát triển các kỹ năng lắng nghe.

Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong thời gian này có rất nhiều sự im lặng. Im lặng cũng có thể được nghe thấy. Sự im lặng này là một chút mới trong thói quen của chúng ta, dạy chúng ta lắng nghe, khiến chúng ta phát triển kỹ năng lắng nghe. Hãy cầu nguyện cho điều này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 4: 32-37) mô tả cuộc sống của các thành viên trong cộng đồng Kitô tiên khởi đồng tâm nhất trí với nhau và không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng mọi thứ đều là của chung.

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-37

“Họ một lòng một ý với nhau”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Ông Giuse, người mà các tông đồ đặt tên là Barnabê, nghĩa là con sự an ủi, một thầy tư tế, quê ở Cyprô, có một thửa ruộng, ông bán đi và đem tiền đặt dưới chân các tông đồ.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Được tái sinh bởi trời là được tái sinh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể giữ Chúa Thánh Thần làm của riêng cho mình; chúng ta chỉ có thể để Ngài biến đổi chúng ta. Và sự ngoan ngoãn của chúng ta mở ra cánh cửa cho Chúa Thánh Thần: chính Ngài là người tạo ra sự thay đổi, sự biến đổi, sự tái sinh từ bởi trời này. Vì thế, Chúa Giêsu hứa gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Chúa Thánh Thần có khả năng làm nên những điều kỳ diệu, những điều mà chúng ta thậm chí không thể nghĩ ra.

Cộng đồng Kitô giáo tiên khởi này là một ví dụ. Đó là một thực tại, không phải là ảo mộng, những gì cộng đồng này nói với chúng ta là một mô hình, trong đó chúng ta có thể đạt đến khi ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần bước vào và biến đổi chúng ta. Một cộng đồng có thể nói là “lý tưởng”. Đúng là các vấn đề sẽ bắt đầu ngay sau đó, nhưng Chúa cho chúng ta thấy chúng ta có thể đi bao xa nếu chúng ta cởi mở với Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta ngoan ngoãn. Trong cộng đồng này có sự hài hòa. Chúa Thánh Thần là bậc thầy của sự hòa hợp, Ngài có khả năng làm điều đó và Ngài đã làm điều đó ở đây. Ngài phải làm điều đó trong trái tim của chúng ta, Ngài phải thay đổi nhiều điều trong chúng ta, nhưng để làm cho hòa hợp: bởi vì chính Ngài là sự hòa hợp với Chúa Cha và Chúa Con. Và Chúa Thánh Thần, với sự hài hòa của Ngài, tạo ra những điều kỳ diệu như trong cộng đồng này.

Đây là một mô hình: Chúa đã cho chúng ta thấy mô hình này, một mô hình gần như của cộng đồng “trên trời”, để cho chúng ta thấy nơi chúng ta nên hướng đến.

Nhưng sau đó, cùng một Sách Tông đồ Công vụ này cho ta biết về nhiều vấn đề trong cộng đồng đã xảy ra theo dòng lịch sử. Chia rẽ bắt đầu trong cộng đồng. Thánh Giacôbê Tông đồ, trong chương thứ hai Lá Thư của ngài, nói: “Xin cho niềm tin của anh em được miễn dịch với sự thiên vị cá nhân”, vì đã có như thế! “đừng đối xử thiên tư”: các tông đồ phải lên tiếng để răn đe, vì đã có chuyện như thế! Và Thánh Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi các tín hữu Côrinthô, trong chương 11, phàn nàn rằng: “Tôi đã nghe nói rằng có những chia rẽ giữa anh em”: các chia rẽ nội bộ trong cộng đồng đã bắt đầu. Đây là “lý tưởng” phải đạt được, nhưng nó không phải là dễ dàng: có rất nhiều điều gây chia rẽ một cộng đồng, dù cộng đồng ấy có thể là một giáo xứ, một giáo phận, hay một cộng đồng giáo sĩ hoặc tu sĩ... nhiều điều có thể chia rẽ cộng đồng.

Tôi thấy có ba điều chia rẽ các cộng đồng Kitô tiên khởi, đầu tiên là tiền bạc. Khi Thánh Giacôbê Tông đồ nói “đừng đối xử thiên tư”, ngài đưa ra một ví dụ “giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” Thánh Phaolô cũng nói tương tự: “Người giàu mang theo thức ăn và ăn, còn người nghèo thì đứng đó, chúng ta để họ ở đó như muốn nói với họ: “Tự lo lấy cho mình đi nhé”. Tiền chia rẽ, lòng yêu mến tiền bạc của cải chia rẽ cộng đồng, chia rẽ Giáo hội.

Nhiều lần, trong lịch sử của Giáo hội, ở những nơi có những sai lệch về tín lý, tuy không phải lúc nào cũng vậy nhưng biết bao lần chúng ta thấy có tiền đứng đằng sau những chuyện như thế: tiền từ quyền lực, cả quyền lực chính trị, và tiền mặt, nhưng thảy đều là tiền. Tiền chia rẽ cộng đồng. Vì lý do này, sự thanh bần là mẹ của cộng đồng, vì sự thanh bần là bức tường bảo vệ cộng đồng. Tiền chia rẽ, gây ra tư lợi. Ngay cả trong các gia đình: có bao nhiêu gia đình cuối cùng chia rẽ với nhau vì gia tài? Có bao nhiêu gia đình như thế? Và họ không bao giờ nói chuyện lại với nhau. Biết bao nhiêu những gia đình như vậy!

Một điều khác chia rẽ một cộng đồng là sự vênh vang phù phiếm, đó là mong muốn cảm thấy mình hơn những người khác trong cộng đồng. “Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa, vì con không giống như những người khác”, đó là lời cầu nguyện của người Pharisêu. Phù phiếm trong tư duy, trong cách chưng diện, biết bao nhiêu lần - không phải luôn luôn nhưng biết bao nhiêu lần - việc cử hành bí tích là một ví dụ về sự phù phiếm, ai mặc trang phục đẹp nhất, ai làm cái này và ai làm cái kia. Phù phiếm cũng bước vào đó. Và sự phù phiếm gây ra chia rẽ. Bởi vì sự phù phiếm dẫn anh chị em đến chỗ trở thành một con công và nơi nào có một con công, luôn luôn có sự chia rẽ, luôn luôn.

Điều thứ ba chia rẽ một cộng đồng là những trò ngồi lê đôi mách: đây không phải là lần đầu tiên tôi đề cập đến chuyện này, đó là một thực tế. Đó là điều mà ma quỷ đặt vào chúng ta, cái gì đó giống như một nhu cầu nói về người khác. “Đó là một người tốt, NHƯNG,” có một chữ NHƯNG ngay lập tức, và đó là một viên đá để loại bỏ người khác, sau chữ NHƯNG ấy, ngay lập tức là một điều gì đó mà “tôi nghe thấy người ta nói”.

Thánh Linh luôn đi kèm với sức mạnh để cứu chúng ta khỏi thế giới tiền bạc, phù phiếm và ngồi lê đôi mách này, bởi vì Thánh Linh không thuộc về thế gian, nhưng chống lại thế gian. Chúa Thánh Thần có khả năng làm những điều kỳ diệu, những điều tuyệt vời này.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho sự ngoan ngoãn với Thánh Linh để Ngài biến đổi chúng ta và biến đổi các cộng đồng của chúng ta, các cộng đồng địa phương, giáo phận và tu trì của chúng ta: Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, để luôn tiến lên trong sự hòa hợp mà Chúa Giêsu muốn cho các cộng đồng Kitô giáo.


Source:Vatican News