SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU

Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật phục sinh cho các môn đệ và một số người khác. Trong Phúc Âm Mac-cô 8:31, ngài đã tuyên bố với họ: "Con Người...sẽ bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. (cũng xem Mt 17:22; Lc 9:22). Ngài cũng nói về sự phá hủy của ngôi đền thờ và rằng ngài sẽ xây lại nó trong ba ngày (Ga 2:19; Mc 14:58; xem Mt 26:61). Chúa Giêsu ngụ ý rằng xác ngài sẽ được chôn cất trong ngôi mộ trong ba ngày (Mt 12:39; 16: 4). Trong Phúc Âm Mat-thêu 21:42, Chúa Giêsu đã chỉ ra manh mối để chúng ta hiểu về cái chết và sự phục sinh của ngài khi đưa ra hình ảnh của viên đá bị từ chối sẽ trở thành đá tảng góc tường. Ngoài ra, một số tư tế và người Pha-ri-sêu đã lặp lại những lời tiên tri của Chúa Giêsu về sự phục sinh của mình (Mt 27:63).

Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phaolô khẳng định giá trị của đức tin con người đối với sự phục sinh của Chúa Giê-su rằng nếu Chúa Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của ngài và niềm tin của chúng ta là trống rỗng. Đoạn "chúng ta cũng là nhân chứng sai lầm của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta đã làm chứng giả chống lại Thiên Chúa rằng Người cho Chúa Ki-tô sống lại" (1 Cor 15: 14-15). Sự phục sinh của Chúa Giêsu mang lại hy vọng mới cho các tín hữu. Nếu như nhiều người thất vọng với cái chết của Chúa Giê-su, thì bây giờ chúng ta có lý do chính đáng để hy vọng vào lời hứa của ngài rằng chúng ta sẽ có thể dự cùng một bữa tiệc trên trời với ngài.

Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Roma (Rm 6:41), tuyên xưng rằng sự chia sẻ của chúng ta với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su là một sự kiện cánh chung. Các tín hữu ở Cô-rin-tô tin tưởng rằng các môn đệ của Chúa Giê-su không những chỉ cùng chết với Chúa Giê-su qua bí tích rửa tội mà còn được sống lại và đồng hưởng vinh quang Thiên Quốc với Ngài (1 Cor 15:1-7; 15:11).

Thánh Phao-lô xác tín về việc Chúa Giê-su phục sinh khi được ngài hiện ra với mình: "Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non" (1 Cor. 15:8). Thật vậy, trên đường đi từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mas để bắt các tín hữu Ki-tô giáo, ông đã bị ngã ngựa bởi một luồng sáng từ trời và tiếng Chúa Giê-su phục sinh đã nói với ông: "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? " Ông nói: 'Thưa Ngài, Ngài là ai? ' Người đáp: 'Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ' " (Cv 9: 4-5). Bước ngoặt đó đã củng cố thêm về niềm tin của ông về Chúa Giêsu phục sinh. Ông đã được chữa sáng mắt và bắt đầu ca ngợi và rao giảng về Chúa phục sinh. Không có lý do gì để ông phải từ bỏ quyền lực và danh vọng; chịu nhiều khổ cực nguy hiểm, đòn roi, tù đày, đói khát và chết chóc chỉ vì một niềm tin phù phiếm cả. Chắc chắn rằng Phao-lô đã cảm nhận được Chúa Giê-su phục sinh, đấng đã hiện ra với ông, luôn đồng hành với ông và đã ban Thánh Thần hướng dẫn ông như lời của Kha-na-ni-a nói: "Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần"(Cv 9:17).

Các thánh tông đồ và những người tín hữu thân cận với Chúa Giê-su cũng đã minh chứng về sự phục sinh của Chúa. Có lẽ các chứng cứ đưa ra được viết theo các chủ đích thần học riêng của các thánh ký nên các yếu tố xác thực về lịch sử đã bị bỏ qua. Nhưng sự kiện tất cả các tông đồ và nhiều môn đệ khác đã hy sinh sự an toàn và mạng sống của họ để rao giảng về sự phục sinh đã là lời chứng hùng hồn và còn mạnh mẽ hơn tất cả các chứng cứ lịch sử. Có người cho rằng họ bị ảo giác, nhưng không thể nào tất cả đều rơi vào tình trạng đó.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI xác nhận rằng đức tin Kitô giáo đặt nền tảng vào sự nhận thức về Chúa Kitô phục sinh. Nếu thiếu niềm tin này, đức tin Kitô giáo sẽ bị dập tắt. Chúa Kitô sẽ không còn là một nguyên tắc và vì thế, tiêu chuẩn của chúng ta sẽ trở thành sự xét đoán cao nhất. Việc Chúa Kitô sống lại đã làm thay đổi cả thế giới. Sau đó, ngài trở thành tiêu chuẩn cho chúng ta noi theo. Bởi vì Thiên Chúa đã thực sự mạc khải chính mình. Sự phục sinh trở thành chủ đề thiết yếu để chúng ta suy gẫm về Chúa Giê-su.

Nhìn từ một giác độ lịch sử, những câu chuyện về sự phục sinh mang lại nhiều thắc mắc. Thánh Mac-cô viết về lời tiên tri của Chúa Giêsu sau khi ngài biến hình, ngài đã buộc tội họ không được tiết lộ những gì họ đã thấy với bất cứ ai, ngoại trừ khi Con Người chỗi dậy từ cõi chết (Mc 9: 9). Vào thời điểm đó, các môn đệ không hiểu ý nghĩa của những lời của Chúa Giê-su và họ đã đặt ra câu hỏi: "Chỗi dậy từ cõi chết có nghĩa là gì?" (Mc 9:10). Sự phục sinh có thể mất đi ý nghĩa của nó nếu nó chỉ là sự hồi sinh của một xác chết như sự hồi sinh của con trai của góa phụ Na-in (Lc. 7: 11-17), con gái của Giai-rô (Mc 5: 22-24, 35 -43 parr.) và La-za-rô (Ga 11: 1-44). Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhấn mạnh đến sự khác biệt của sự phục sinh của Chúa Giê-su. Đầu tiên, nó dẫn đến một sự sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không còn chịu sự thống trị của sự chết và sự thay đổi. Cuộc sống này cho thấy một chiều kích mới về sự tồn tại của con người. Nó gây ảnh hưởng và mở đường cho nhân loại tiếp cận một tương lai mới. Thánh Phao-lô khẳng định rằng nếu người chết không được sống lại thì Chúa Ki-tô cũng đã không sống lại (Xem 1 Cor 15:15). Thánh nhân khẳng định rằng: "Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (1 Cor 15:20). Sự phục sinh của Chúa Giê-su tạo ra một đặc điểm mới của sự tồn tại của loài người. Theo Đức Benedict XVI, Chúa Giêsu đã sở hữu một cuộc sống mới và đã bước vào chiều kích bao la của chính Thiên Chúa. Từ bối cảnh mới này, ngài đã mạc khải bản thân với các môn đệ của mình.

Sau khi Chúa Giê-su phục sinh, các tín hữu đã tin rằng ngài đến từ Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa. Đối với các môn đệ, sự phục sinh cũng là sự thật y như sự kiện Chúa Giê-su bị đóng đinh vậy. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI diễn tả tiếp, vì bị choáng ngợp bởi sự việc đã xảy ra, sự do dự và kinh ngạc ban đầu của các môn đệ của Chúa Giêsu đã biến mất, và họ không còn có thể bỏ qua sự xác tín này. Sau đó, họ tin rằng Chúa Giêsu còn sống và cuộc sống của ngài đã biến đổi thành một dạng khác, khác với cuộc sống của con người trong thế giới hữu hình này.

Tắt một lời, ta không nên quá tập trung vào các dữ kiện lịch sử mà tìm hiểu về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên ta vẫn có thể tìm hiểu về niềm tin này không những chỉ trên các bản văn mà còn dựa vào các chứng tích còn lưu lại qua các vần thơ, điệu nhạc và các bức tranh hội hoạ từ thời Giáo hội sơ khai. Điều quan trọng hơn là các chứng nhân đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ để minh chứng cho niềm tin đó. Lịch sử không phải là tiếng nói sau cùng. Chứng nhân quan trọng nhất chính là Chúa Giêsu, đấng đã nói tiên tri về sự phục sinh của ngài và đã mạc khải chân lý này cho các chứng nhân. Ai tin rằng ngài "là đường, là sự thật và là sự sống", thì đương nhiên cũng tin rằng lời chứng của ngài là chân lý. Niềm tin này sẽ đem đến cho nhân loại một niềm hy vọng mới. Nó xua tan sự u tối của sự tuyệt vọng khi con người phải đối diện với đau khổ và sự chết. Nó hướng dẫn và khích lệ ta sống theo tiêu chuẩn mà Chúa đã mạc khải và dạy dỗ ta. Thiếu niềm tin này, xã hội sẽ trở nên băng hoại, con người sẽ đặt ra các tiêu chuẩn sống riêng cho mình và rồi họ sẽ tự tàn sát lẫn nhau cho đến khi tất cả đều chết.

Lm. Văn Minh, CSJB