Những ngày vừa qua, chúng tôi đã có những trải nghiệm quí báu khi cùng một cộng đoàn giáo xứ, thuộc giáo phận Kontum, mừng đại lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum, đó là giáo xứ Đăk Kơ Đem, một cộng đoàn mới được chính thức lên hàng giáo xứ vào ngày 12 tháng 6 năm 2019. Xin ghi lại nét độc đáo và cảm xúc khi “sống cùng đồng bào” vùng cao này.
Thú thật, khi chọn đến vùng tây nguyên, phải dậy sớm để “bay” và chuyến về cũng “bay” lúc trời đã tối om, một cảm giác không dễ chịu chút nào, nhưng không hiểu sao chúng tôi “cứ chọn” đến nơi đây; phải chăng hình ảnh những bản làng người dân tộc anh em phảng phất một cái gì đó khiến chúng tôi phải đến để sẻ chia, để cảm thông....
Xem Hình
Trong chuyến này, chúng tôi chỉ đi được hai người (Noel năm 2018 là gần mười người) vì nhà thờ đang xây, nhà xứ chưa có nên cha chánh xứ phải “gửi” chúng tôi trú tạm nhà ông trùm chánh trong làng. Cha xứ đón chúng tôi tại siêu thị Coop Mart Kontum. Chiếc xe bán tải mới toanh của cha chở bánh lễ ở băng ghế trước, còn phía sau lưng chúng tôi là ba bao tải quà mang từ Sài Gòn ra, gồm áo thun, Vitamin C, kẹo mút, bong bóng... Rồi xe phải tải thêm một xe quà mua ở siêu thị, chưa kể trước đó cha đã mua giúp mấy triệu đồng tiền bánh để sẵn ở nhà người quen nữa.
Cha đưa chúng tôi đi đường tắt, ngang qua cánh đồng lúa, có hai đập nước, rồi ngang qua rừng cao su. Quang cảnh ở Kontum này đẹp khác với vùng Quảng Bình, Quảng Nam dù đều có rừng có núi; một cảm giác vui tươi xen vào lòng chúng tôi khi cảm nhận cảnh đẹp của từng vùng trên quê hương.
Con đường đất đỏ vào làng dốc lên, dốc xuống. Những căn nhà chỉ “tiện nghi tối thiểu” làm chúng tôi cứ ngẫm nghĩ: Ở Sài Gòn, quần áo đã có máy “giặt dùm” từ lâu, còn mới đây, chỉ cần có năm đến tám triệu đồng là có máy rửa chén nhanh gọn, thế mà ở đây nói riêng, ở vùng sâu vùng xa trên đất Việt nói chung, sao mà cách biệt nhau đến xót lòng. Cha cũng đang ở tạm một ngôi nhà nằm ở con đường khoảng giữa hai nhà thờ cha đang coi sóc: Đăk Kơ Đem và Kon Gu, ngôi nhà cũng tuềnh toàng, ngổn ngang đồ đạc, có cả bí ngô, bầu xếp vào một góc để nấu cho thợ xây nhà thờ ăn. Trước giờ cơm, cha cho chúng tôi ghé thăm nhà thờ đang xây; chúng tôi thấy cái “công viên” toàn là bánh xe mà cha sáng tạo cho trẻ em vui chơi nhìn thấy mà tội nghiệp!
Bữa ăn trưa do một thầy nấu dùm; đơn sơ khi có canh, thịt kho, thịt nướng và rau rừng. Tráng miệng là một quả đu đủ “sạch”, chín cây, không “thuốc”. Câu chuyện trong bữa ăn làm chúng tôi hiểu cuộc sống giáo dân vùng này hơn: dân làng trồng cà phê, làm nông, làm rẫy, trồng mì, bây giờ ít trồng tiêu vì vốn cao.
Nghỉ trưa một chút, chúng tôi đi ra gần đầu nhà thờ, có ngôi nhà mà phía trước sân, một số bà trong giáo xứ thường tập trung, cha nhờ nấu cháo cho các em thiếu nhi ăn. Vui ở chỗ mấy chị còn kiếm củi mang đến đóng góp. Món cháo gồm gạo tẻ, thịt bằm, cà rốt, hành ngò. Đã ba năm qua, cứ mỗi chiều Chúa Nhật, các cháu được ăn cháo một lần. Mỗi lần nấu từ bảy đến mười một nồi, mỗi nồi là mười lăm lon gạo.
Khi các chị vừa bắc bếp nấu cháo thì chúng tôi đi thăm các gia đình nghèo. Ở Kontum là đất đỏ bazan nên chỗ nào cũng bụi. Áo quần các cháu cũ sì, máy ảnh tốt thì “bật màu” lên ảnh trông đẹp, còn thực tế bụi bám, chúng khá lem luốc. Ngoài phong bì tặng “chính thức” gia đình khó khăn, chúng tôi còn rút những tờ tiền, tạm gọi là quà Giáng Sinh “ngoài luồng” cho các cụ ông cụ bà, các chị đông con và những người nấu cháo, phụ việc nhà thờ nữa. Có bà ôm chúng tôi cảm ơn rối rít, làm như nhận được một trăm đô-la vậy! Khi chúng tôi trở lại chỗ nấu cháo; như đã thành thói quen, các cháu đến nhận một tô nhựa, ăn tại chỗ quanh đó hoặc mang tô ở nhà đến lấy cháo. Nhìn các cháu từ hai ngả đường ra ăn cháo, chúng tôi thấy lạ, thương thương làm sao!
Thánh lễ đêm mới thực sự làm chúng tôi xúc động. Cả người lớn và trẻ em đến sớm, ngồi kín bên hông nhà thờ cũ, dự diễn nguyện vẻ cung kính. Cung thánh đơn sơ quá! Các “diễn viên” diễn tả lại lịch sử của sự kiện Chúa Giáng Trần. Dù màu sắc không rực rỡ, không áo lụa mượt mà lấp lánh, các em “đóng tròn vai” một cách say sưa nghiêm trang. Giữa vùng rừng núi, cả cộng đoàn dân Chúa họp lại để chứng kiến đêm thánh tái hiện giữa cái lạnh thực sự của đêm đông; dân thành thị như chúng tôi cảm xúc dâng trào vì được trải nghiệm “một đêm thánh tuyệt vời!”
Trở về nhà giáo dân người đồng bào dân tộc, chúng tôi chỉ ăn chút bánh gạo khô, uống nước rồi soạn đồ chuẩn bị cho buổi phát quà sau thánh lễ hừng đông.
Sáng ngày 25/12, chúng tôi khệ nệ mang quà, “đồ diễn” ra nhà thờ thì nhiều người đã ngồi ở đó. Hình ảnh thánh lễ hừng đông và phát quà Noel đã được đăng trên VietCatholic – Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo – đã phần nào tường thuật lại công việc của chúng tôi. Nhưng năm nay, Ông Già Noel và chúng tôi “xấu lạ” vì để quên bộ râu ở nhà, thế là “chữa cháy” bằng cách dùng bông gòn làm râu, ấy vậy mà khi diễn xong, thấy Ông Già Noel này rất “Kontum”, phù hợp với miền này, chúng tôi bật cười. Còn chúng tôi, vì lo nhiều việc riêng của gia đình nên không được “tươi tắn, xinh đẹp” như mọi năm, thôi kệ, miễn các cháu được vui và quà phát đủ là được!
Đặc biệt nhất là đến trưa cùng ngày, cũng trên mảnh đất bên hông nhà thờ cũ ấy, cộng đoàn giáo xứ tụ họp lại, uống rượu cần, ăn thịt heo đã tự chế biến. Thịt heo được cha chia cho dân làng ăn mừng lễ. Giáo dân chặt cây, đem trồng dã chiến giữa sân để bớt nắng. Để khai mạc tiệc giáo xứ, cha và mọi người đọc kinh. Từ “sân khấu”, đoàn đánh chiêng cồng bắt đầu gõ, sau đó đi quanh “tiệc cộng đồng”. Ông Già Noel chúng tôi đi từng “tụ có rượu cần” chia sẻ “đồ nhắm” cho vui. Nhiều người mời chúng tôi uống rượu cần, chúng tôi hút một chút: rượu làm bằng gạo nếp than thì ngọt thanh, có màu tím; rượu làm bằng gạo nếp thường thì ngọt thơm kiểu hơi chua... Cha chánh xứ phải hút rượu cần tất cả những ai mời. Sau đó chúng tôi rút lui cho dân làng tự nhiên. Ở trong góc nhà nguyện, chúng tôi nghe Cha nói lời cảm ơn Nhóm Bông Hồng Xanh.
Chúng tôi không đưa chi tiết hình ảnh cộng đoàn ăn cỗ chung. Những nhóm, đoàn thể hoặc cá nhân muốn biết bầu khí bữa tiệc họp mặt cộng đồng này thì đến đây vào dịp lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh, để vừa chia sẻ vừa chung vui tiệc của người dân tộc Xơ Drăh này.
Chúng tôi chào Cha ra về sau khi gửi lại Cha tiền mua bánh dùm và không quên tặng hai tạ gạo để Cha cho các cháu ăn cháo.
Xin nói vài hàng về giáo xứ này: Giáo dân giáo xứ Đăk Kơ Đem vùng Đăk Ui đa số thuộc sắc tộc Xơ Drăh. Nhiều gia đình cha ông họ đã sớm đón nhận Tin Mừng từ thời các cha Thừa Sai và hơn 100 năm đã trải qua nhiều thăng trầm chiến cuộc, con cháu họ vẫn giữ vững đức tin.
Đó là trước năm 1960, Đăk Kơ Đem đã từng có một tên gọi là Kon RơHái. Sau năm 1960, chiến tranh khiến giáo dân tản mác khắp nơi, Kon RơHái không còn nữa. Năm 1965, Đăk Kơ Đem đã qui tụ lại và được một linh mục tên là Nên coi sóc. Năm 1972, giáo dân lại tản mác vì chiến tranh. Năm 1973, sáp nhập vào Kon Rơ Bằn, được linh mục tên Chương coi sóc. Năm 2006, lại sáp nhập vào cộng đoàn Kon Trang Mơ Nấy, được cha Hảo coi sóc. Năm 2010 lại sáp nhập vào Kon Bơ Bằn do cha Minh coi sóc. Năm 2014 đến 2018, Đăk Kơ Đem được cha Huy coi sóc và đến năm 2018 thì tách khỏi Kon Bơ Bằn. Và ngày 12/6/2019, Đăk Kơ Đem chính thức được thành lập lên hàng giáo xứ do cha Micae Nguyễn Tuấn Huy là cha sở tiên khởi do Đức Cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị chuẩn nhận.
Về đến Sài Gòn trời đã vào khuya vì máy bay trễ giờ. Nhưng lòng chúng tôi như vẫn vang lên khúc hát mà ca đoàn vẫn hát trong thánh lễ: “Con là một loài hoa trong muôn loài hoa nở gần xa. Xin hát dâng lên Người một bài ca chan chứa niềm vui. Một bài ca tri ân, một bài ca dâng Chúa từ nhân. Hoa đâu dám chi khoe mình, nhờ hồng ân hoa mới đẹp xinh”.
Thú thật, khi chọn đến vùng tây nguyên, phải dậy sớm để “bay” và chuyến về cũng “bay” lúc trời đã tối om, một cảm giác không dễ chịu chút nào, nhưng không hiểu sao chúng tôi “cứ chọn” đến nơi đây; phải chăng hình ảnh những bản làng người dân tộc anh em phảng phất một cái gì đó khiến chúng tôi phải đến để sẻ chia, để cảm thông....
Xem Hình
Trong chuyến này, chúng tôi chỉ đi được hai người (Noel năm 2018 là gần mười người) vì nhà thờ đang xây, nhà xứ chưa có nên cha chánh xứ phải “gửi” chúng tôi trú tạm nhà ông trùm chánh trong làng. Cha xứ đón chúng tôi tại siêu thị Coop Mart Kontum. Chiếc xe bán tải mới toanh của cha chở bánh lễ ở băng ghế trước, còn phía sau lưng chúng tôi là ba bao tải quà mang từ Sài Gòn ra, gồm áo thun, Vitamin C, kẹo mút, bong bóng... Rồi xe phải tải thêm một xe quà mua ở siêu thị, chưa kể trước đó cha đã mua giúp mấy triệu đồng tiền bánh để sẵn ở nhà người quen nữa.
Con đường đất đỏ vào làng dốc lên, dốc xuống. Những căn nhà chỉ “tiện nghi tối thiểu” làm chúng tôi cứ ngẫm nghĩ: Ở Sài Gòn, quần áo đã có máy “giặt dùm” từ lâu, còn mới đây, chỉ cần có năm đến tám triệu đồng là có máy rửa chén nhanh gọn, thế mà ở đây nói riêng, ở vùng sâu vùng xa trên đất Việt nói chung, sao mà cách biệt nhau đến xót lòng. Cha cũng đang ở tạm một ngôi nhà nằm ở con đường khoảng giữa hai nhà thờ cha đang coi sóc: Đăk Kơ Đem và Kon Gu, ngôi nhà cũng tuềnh toàng, ngổn ngang đồ đạc, có cả bí ngô, bầu xếp vào một góc để nấu cho thợ xây nhà thờ ăn. Trước giờ cơm, cha cho chúng tôi ghé thăm nhà thờ đang xây; chúng tôi thấy cái “công viên” toàn là bánh xe mà cha sáng tạo cho trẻ em vui chơi nhìn thấy mà tội nghiệp!
Bữa ăn trưa do một thầy nấu dùm; đơn sơ khi có canh, thịt kho, thịt nướng và rau rừng. Tráng miệng là một quả đu đủ “sạch”, chín cây, không “thuốc”. Câu chuyện trong bữa ăn làm chúng tôi hiểu cuộc sống giáo dân vùng này hơn: dân làng trồng cà phê, làm nông, làm rẫy, trồng mì, bây giờ ít trồng tiêu vì vốn cao.
Nghỉ trưa một chút, chúng tôi đi ra gần đầu nhà thờ, có ngôi nhà mà phía trước sân, một số bà trong giáo xứ thường tập trung, cha nhờ nấu cháo cho các em thiếu nhi ăn. Vui ở chỗ mấy chị còn kiếm củi mang đến đóng góp. Món cháo gồm gạo tẻ, thịt bằm, cà rốt, hành ngò. Đã ba năm qua, cứ mỗi chiều Chúa Nhật, các cháu được ăn cháo một lần. Mỗi lần nấu từ bảy đến mười một nồi, mỗi nồi là mười lăm lon gạo.
Khi các chị vừa bắc bếp nấu cháo thì chúng tôi đi thăm các gia đình nghèo. Ở Kontum là đất đỏ bazan nên chỗ nào cũng bụi. Áo quần các cháu cũ sì, máy ảnh tốt thì “bật màu” lên ảnh trông đẹp, còn thực tế bụi bám, chúng khá lem luốc. Ngoài phong bì tặng “chính thức” gia đình khó khăn, chúng tôi còn rút những tờ tiền, tạm gọi là quà Giáng Sinh “ngoài luồng” cho các cụ ông cụ bà, các chị đông con và những người nấu cháo, phụ việc nhà thờ nữa. Có bà ôm chúng tôi cảm ơn rối rít, làm như nhận được một trăm đô-la vậy! Khi chúng tôi trở lại chỗ nấu cháo; như đã thành thói quen, các cháu đến nhận một tô nhựa, ăn tại chỗ quanh đó hoặc mang tô ở nhà đến lấy cháo. Nhìn các cháu từ hai ngả đường ra ăn cháo, chúng tôi thấy lạ, thương thương làm sao!
Thánh lễ đêm mới thực sự làm chúng tôi xúc động. Cả người lớn và trẻ em đến sớm, ngồi kín bên hông nhà thờ cũ, dự diễn nguyện vẻ cung kính. Cung thánh đơn sơ quá! Các “diễn viên” diễn tả lại lịch sử của sự kiện Chúa Giáng Trần. Dù màu sắc không rực rỡ, không áo lụa mượt mà lấp lánh, các em “đóng tròn vai” một cách say sưa nghiêm trang. Giữa vùng rừng núi, cả cộng đoàn dân Chúa họp lại để chứng kiến đêm thánh tái hiện giữa cái lạnh thực sự của đêm đông; dân thành thị như chúng tôi cảm xúc dâng trào vì được trải nghiệm “một đêm thánh tuyệt vời!”
Trở về nhà giáo dân người đồng bào dân tộc, chúng tôi chỉ ăn chút bánh gạo khô, uống nước rồi soạn đồ chuẩn bị cho buổi phát quà sau thánh lễ hừng đông.
Sáng ngày 25/12, chúng tôi khệ nệ mang quà, “đồ diễn” ra nhà thờ thì nhiều người đã ngồi ở đó. Hình ảnh thánh lễ hừng đông và phát quà Noel đã được đăng trên VietCatholic – Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo – đã phần nào tường thuật lại công việc của chúng tôi. Nhưng năm nay, Ông Già Noel và chúng tôi “xấu lạ” vì để quên bộ râu ở nhà, thế là “chữa cháy” bằng cách dùng bông gòn làm râu, ấy vậy mà khi diễn xong, thấy Ông Già Noel này rất “Kontum”, phù hợp với miền này, chúng tôi bật cười. Còn chúng tôi, vì lo nhiều việc riêng của gia đình nên không được “tươi tắn, xinh đẹp” như mọi năm, thôi kệ, miễn các cháu được vui và quà phát đủ là được!
Đặc biệt nhất là đến trưa cùng ngày, cũng trên mảnh đất bên hông nhà thờ cũ ấy, cộng đoàn giáo xứ tụ họp lại, uống rượu cần, ăn thịt heo đã tự chế biến. Thịt heo được cha chia cho dân làng ăn mừng lễ. Giáo dân chặt cây, đem trồng dã chiến giữa sân để bớt nắng. Để khai mạc tiệc giáo xứ, cha và mọi người đọc kinh. Từ “sân khấu”, đoàn đánh chiêng cồng bắt đầu gõ, sau đó đi quanh “tiệc cộng đồng”. Ông Già Noel chúng tôi đi từng “tụ có rượu cần” chia sẻ “đồ nhắm” cho vui. Nhiều người mời chúng tôi uống rượu cần, chúng tôi hút một chút: rượu làm bằng gạo nếp than thì ngọt thanh, có màu tím; rượu làm bằng gạo nếp thường thì ngọt thơm kiểu hơi chua... Cha chánh xứ phải hút rượu cần tất cả những ai mời. Sau đó chúng tôi rút lui cho dân làng tự nhiên. Ở trong góc nhà nguyện, chúng tôi nghe Cha nói lời cảm ơn Nhóm Bông Hồng Xanh.
Chúng tôi không đưa chi tiết hình ảnh cộng đoàn ăn cỗ chung. Những nhóm, đoàn thể hoặc cá nhân muốn biết bầu khí bữa tiệc họp mặt cộng đồng này thì đến đây vào dịp lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh, để vừa chia sẻ vừa chung vui tiệc của người dân tộc Xơ Drăh này.
Chúng tôi chào Cha ra về sau khi gửi lại Cha tiền mua bánh dùm và không quên tặng hai tạ gạo để Cha cho các cháu ăn cháo.
Xin nói vài hàng về giáo xứ này: Giáo dân giáo xứ Đăk Kơ Đem vùng Đăk Ui đa số thuộc sắc tộc Xơ Drăh. Nhiều gia đình cha ông họ đã sớm đón nhận Tin Mừng từ thời các cha Thừa Sai và hơn 100 năm đã trải qua nhiều thăng trầm chiến cuộc, con cháu họ vẫn giữ vững đức tin.
Đó là trước năm 1960, Đăk Kơ Đem đã từng có một tên gọi là Kon RơHái. Sau năm 1960, chiến tranh khiến giáo dân tản mác khắp nơi, Kon RơHái không còn nữa. Năm 1965, Đăk Kơ Đem đã qui tụ lại và được một linh mục tên là Nên coi sóc. Năm 1972, giáo dân lại tản mác vì chiến tranh. Năm 1973, sáp nhập vào Kon Rơ Bằn, được linh mục tên Chương coi sóc. Năm 2006, lại sáp nhập vào cộng đoàn Kon Trang Mơ Nấy, được cha Hảo coi sóc. Năm 2010 lại sáp nhập vào Kon Bơ Bằn do cha Minh coi sóc. Năm 2014 đến 2018, Đăk Kơ Đem được cha Huy coi sóc và đến năm 2018 thì tách khỏi Kon Bơ Bằn. Và ngày 12/6/2019, Đăk Kơ Đem chính thức được thành lập lên hàng giáo xứ do cha Micae Nguyễn Tuấn Huy là cha sở tiên khởi do Đức Cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị chuẩn nhận.
Về đến Sài Gòn trời đã vào khuya vì máy bay trễ giờ. Nhưng lòng chúng tôi như vẫn vang lên khúc hát mà ca đoàn vẫn hát trong thánh lễ: “Con là một loài hoa trong muôn loài hoa nở gần xa. Xin hát dâng lên Người một bài ca chan chứa niềm vui. Một bài ca tri ân, một bài ca dâng Chúa từ nhân. Hoa đâu dám chi khoe mình, nhờ hồng ân hoa mới đẹp xinh”.