Xem hình ảnh Rước Kiệu và Thánh Lễ

Xem hình ảnh Pic Nic, Đàng Thánh Giá và Chầu Thánh Thể

Trong buổi lễ đồng tế với trên 20 linh mục và 5000 giaó dân từ nhiều nước Âu Châu, Úc Châu và Mỹ Châu, linh mục chánh xứ cuả làng Banneux là Cha Léo Palm kể lại cảm tưởng đầu tiên khi nghe các cha Việt Nam đề nghị lấy ngày Chuá Nhật thứ 2 tháng 5 làm ngày Hành Hương cho các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại ở Âu Châu, ngài đã thốt lên:

“Thất bại, thất bại, chẳng nên đâu…” (Nói theo kiểu VN, chứ không phải là dịch nguyên văn, ‘it does not work’)

Ngài giải thích:’ Đây là ngày Hiền Mẫu cuả các nước Tây Phương, người ta về nhà thăm mẹ chứ không ai đi hành hương đâu!”

Câu trả lời cuả các cha Việt Nam là gì?

“Thưa Cha, người Việt Nam chúng tôi còn có một người mẹ tuyệt vời, đó là Mẹ Maria.”

Và như vậy, 10 năm qua, mỗi ngày mỗi đông thêm. Cuộc hành hương lần đầu có khoảng 500 người (theo lời các cụ bà kể lại) thì ngày hôm nay là trên 5000 người.

Ban tổ chức thuê 5000 ghế cho đại thánh đường, người ta ngồi chật và tràn ra hai ba vòng, phải đứng đằng sau.

10 năm, số người tăng lên mười lần, vậy thì 10 năm sau sẽ là bao nhiêu nhỉ? Ngôi làng nhỏ Banneux sẽ chẳng còn chỗ chứa đâu!

Nhưng chẳng cần phải đợi 10 năm, ngay bây giờ thì ngày Hiền Mẫu Chuá Nhật này, Banneux đã thuộc về Việt Nam rồi, toàn là người mình cả, đông đúc quá cho nên nếu mà lạc nhau thì đi tìm ‘trẻ lạc’ là vất vả lắm đấy!

Nhưng hình như ban tổ chức đã tiên liệu cẩn thận và rất kinh nghệm, chúng tôi không hề nghe xảy ra bất kỳ một ‘sự cố’ nào cả…phép lạ chăng?

Có lẽ theo lối lý luận cuả cha xứ Léo Palm thì phải là một phép màu từ Trời chứ không thì sao mà có nhiều giòng người từ khắp nơi tuôn đến đông như thế, trong số đó có những người đã phải bỏ ra nhiều ngày để tham gia như trường hợp cộng đoàn London, họ khởi hành từ 10 giờ đêm hôm trước mà đến 10g sáng hôm sau mới tới, vừa kịp giờ khai mạc.

Không rõ các nhà phân tích xã hội học sẽ giải thích thế nào về hiện tượng bùng lên cuả việc Hành Hương Banneux cuả người Việt Nam? Riêng tôi, tôi tìm ra một giải thích rất đơn sơ về cái lý luận cuả các Cha Việt Nam khi chọn thời diểm là Ngày Hiền Mẫu, nhờ một phương pháp lý luận rất vững vàng có tên là ‘Tam Đoạn Luận’ đấy:

-Thử hỏi có bà mẹ Việt Nam nào mà không có lòng kính mến Đức Mẹ không nhỉ?

-Thử hỏi có những đứa con Việt Nam nào mà không có hiếu với mẹ mình nhỉ?

-Vậy thì nếu mẹ mình mà đi thăm Đức Mẹ, thì cả con lẫn cháu (và chắt nữa không chừng) cũng cùng họp mặt ở Banneux là hợp lý đấy…

Banneux cảnh đẹp thoáng mát, lý tưởng cho một cuộc Pic Nic gia đình.

Thật là tài tình,tôi tự nghĩ, và xin ‘khẩu phục tâm phục’ cái ‘lý đoán’ cuả các Cha Việt Nam…tiếng Mỹ có câu này để mô tả cái thiên kiến cuả các ngài, đó là ‘a stroke of genius’, ‘một phương kế (đường gươm) diệu kỳ cuả những bậc thiên tài’…