Tiến lên Jerusalem

Hằng năm vào ngày Chúa Nhật bắt đầu tuần thánh, Giáo Hôi Công Giáo mừng kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu tiến vào thánh thánh Gierusalem.

Biến cố này được tường thụât chi tiết trong bốn phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo 21,1-11, Marco 11,1-10 , Luca 19,28-40 và Gioan 12,12-19.

Mừng lễ Vượt Qua

Thánh sử Gioan tường thuật ba lần Chúa Giêsu mừng lễ Vượt Qua ( Pascha) từ khi ra giảng đạo: Lần thứ nhất vào đền thờ Gierusalem mừng lễ Vượt Qua với biến cố ngài đuổi dẹp những người buôn bán trong đó ( Ga 2,13), lần thứ hai mừng lễ Vượt Qua và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều ở Galilea bên bờ hồ Tiberia, và lần thứ ba mừng lễ Vượt Qua: sự chết và sống lại của chính mình ( 12,1 , 13,1), trở thành lễ mừng Chúa phục sinh của Kitô giáo.

Đang khi ba thánh sử Mattheo, Marco và Luca chỉ tường thuật nói đến một lễ mừng Vượt Qua: Thập giá và sự sống lại của Chúa Giêsu. Theo thánh sử Luca con đường của Chúa Giêsu như con đường hành hương duy nhất tiến lên Gierusalem từ Galilea.

Hình ảnh tiến lên cao

Theo hình thể địa lý, Chúa Giesu sinh sống lớn lên ở thành Nazareth, rồi bắt đầu cuộc đời công khai ra rao giảng tình yêu sứ điệp Nước Thiên Chúa ở vùng biển hồ Genezareth , miền Bắc nước Do Thái. Hồ Genezareth nằm thấp khoảng 200 mét dưới mặt nước biển, đang khi Gierusalem nằm cao hơn khoảng 760 mét trên mặt nước biển. Như thế, con đường tiến lên chịu đau khổ của Chúa Giêsu , như ba Thánh sử Mattheo, Marco và Luca tường thuật lại, đồng thời cũng diễn tả sự tiến lên nội tâm tinh thần qua hình ảnh con đường địa lý bên ngoài : tiến lên đền thờ là nơi Thiên Chúa cư ngụ, như trong sách Đệ nhị Luật đã viết. ( Đệ nhị Luật, 12,11 và 24,23).

Đích điểm cuối cùng sự tiến lên của chúa Giêsu là sự hy sinh dấn thân chịu chết trên thập gía thay cho lễ tế của đạo luật cũ thời Mose. Sự tiến lên trước Thiên Chúa như trong thư Do Thái ( 9,24) đã nhấn mạnh nói đến, qua hình khổ thập gía. Đó là sự tiến lên đưa tình yêu thương đến tận cùng ( Ga 13,1) mà cao điểm là núi của Thiên Chúa.

Hình ảnh con lừa ngày lễ lá

Cuộc tiến lên núi Olive vào Gierusalem của Chúa Giêsu khởi hành từ Bethfage và Betania cỡi trên lưng con lừa ( Mc 11,3, Lc 19,31) còn non buộc ở gốc cây và chưa có ai cỡi trên nó. Điều này nói đến quyền của vị vua. Và cũng nói đến hình ảnh con lừa trong kinh thánh cựu ước nơi sách Sáng Thế. ( St 49,11).

Đoạn kinh thánh này tường thuật về cảnh Tổ phụ Gicóp chúc phúc lành cho các con của mình , riêng cho Giuda được trao cho cây gậy vương trượng chỉ huy. Cây vương trượng này thuộc về Giuda sẽ không rời khỏi chân của ông cho đến khi mọi dân tộc vâng phục ông. Và Giuda đã buộc con Lừa vào gốc cây nho. Hình ảnh con lừa buộc vào gốc cây nói về Đấng đang đến sẽ dùng nó và được mọi dân tộc vâng nghe tuân phục.

Trong sách Ngôn sứ Sacharia nói về cảnh này, như nơi phúc âm theo Thánh Mattheo 21,5 và Gioan 12,15 cũng viết trích lại rõ hơn nữa:

„ Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!

Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!

Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:

Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,

khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,

một con lừa con vẫn còn theo mẹ.“ ( Sacharia 9,9)

Lời Ngôn sứ Sacharia muốn nói đến một vị Vua không gây ra chiến tranh, nhưng là vị vua hòa bình, vị vua đơn giản, vị vua của nghèo khó. Nhưng nước của vị vua bao trùm khắp nơi trên thế giới.

Điều này nhắc nhớ đến nước của Chúa Giêsu cũng bao gồm trên thế giới trong cộng đoàn cùng bẻ Bánh, trong cộng đoàn Giáo Hội Chúa Giêsu, bao trùm trải rộng khắp cả mọi bờ biển như vương quốc hòa bình. Chúa Giêsu không xây dựng trên sức mạnh, không làm cách mạng chống lại đế quốc Roma thời đó. Sức mạnh của Ngài là cách thế khác: sự nghèo khó của Thiên Chúa, hòa bình của Thiên Chúa, mà chỉ nơi mình Chúa Giêsu nhận ra sức mạnh ơn cứu độ.

Được nâng lên cao

Hai thánh sử Mattheo 21,7 và Marco 11,7 đơn giản viết: „Chúa Giêsu cỡi lên lưng con lừa“ . Nhưng thánh sử Luca 19,35 viết: „Các Ông giúp người cỡi lên". Hình ảnh giúp Người cỡi lên là nâng hay kiệu Người lên cao đặt trên lưng con lừa.

Và trong sách Các Vua 1. cũng dùng ngôn từ này khi thuật lại Salomon được nâng lên phong làm vua nối nghiệp Vua David:

„ Vua Đa-vít nói: "Gọi vào đây cho ta tư tế Xa-đốc, ngôn sứ Na-than, ông Bơ-na-gia-hu con ông Giơ-hô-gia-đa." Những người này vào chầu vua.33 Vua nói với họ: "Hãy đưa các bề tôi của chúa thượng các ngươi đi theo các ngươi; để Sa-lô-môn con ta cỡi con la cái của ta, rồi đưa nó xuống Ghi-khôn.34 Ở đấy tư tế Xa-đốc và ngôn sứ Na-than sẽ xức dầu phong nó làm vua Ít-ra-en…“( 1. Sách Các Vua , 1, 32-33).

Hosanna - Hoan hô

Dân chúng hân hoan phấn khởi đón mừng Chúa Giêsu cỡi lừa tiến vào thánh Jerusalem. Họ trải áo ra đường, lấy cành lá vẫy hoa hô con Vua David: Hosianna, Hosanna.

Trải áo ra đường đón chào là cung cách truyền thống chào đón vị Vua lên ngôi kế vị triều đại Vua David, và trong ý nghĩa niềm hy vọng về đấng cứu thế, như trong sách Các Vua 2, ( 9,13) đã thuật lại.

Lòng phấn khởi cùng với cành lá trên tay reo hò hoan hô của dân chúng là lời cầu nguyện phụng vụ lễ nghi hành hương:

„ Lạy CHÚA, xin ban ơn cứu độ,

lạy CHÚA, xin thương giúp thành công.

26 Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành

cho người tiến vào đây nhân danh CHÚA.

Từ nhà CHÚA, chúng tôi chúc lành cho anh em.

27 ĐỨC CHÚA là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta.

Tay cầm lá, hãy sắp thành đám rước đến bên cạnh bàn thờ.“ ( Tv 118,25-27).

Lời tung hô Hosanna nguyên thủy là lời khấn nguyện: Lạy Chúa xin đến giúp! mà Thầy cả trong ngày thứ bảy lễ cầu mùa tạ ơn kêu cầu hát vang theo lễ nghi đạo Do Thái từ thời Mose trước bàn thờ tế lễ, xin mưa xuống trên mùa màng. Lời cầu ngày lễ cầu mùa tạ ơn đã trở thành lời cầu nguyện chúc tụng diễn tả niềm vui mừng hân hoan .

Lời hoan hô chúc tụng Hosanna dân chúng về Jerusalem hành hương thốt ra kêu lên lúc thời Chúa Giêsu tiến vào thành Jerusalem còn tiềm ẩn mang ý nghĩa chỉ về đấng cứu thế : Lời ca tụng Thiên Chúa, niềm hy vọng diễn tả thời giờ của đấng cứu thế đã bất đầu, và đồng thời cũng nói lên tâm tình cầu khấn: triều đại vương quốc vua David và nơi ông triều đại nước Thiên Chúa thể hiện mới nơi dân Israel.

Lời hoan hô chào mừng Hosanna của dân chúng hành hương thốt kêu lên, khi Chúa Giêsu cỡi lừa tiến vào thành Jerusalem đã trở thành lời chào mừng chúc tụng Chúa Giêsu là người nhân danh Thiên Chúa đến thực hiện tất cả những lời đoan hứa đã được loan báo mà mọi người đang trông mong chờ đợi.

Thánh sử Luca viết phúc âm chúa Giêsu cho dân ngoại, nên Ông bỏ không viết lời hoan hô Hosanna trong ý nghĩa chỉ về vua David. Thay vào đó, Thánh Luca đã viết lại lời Thiên Thần ca tụng Chúa Giesu ngày lễ Chúa giáng sinh năm xưa ở Bethlehem: „ Chúc tụng Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!“ ( Lc 2,14 và Lc 19,38).

Dân chúng tấp nập hối hả, hân hoan phấn khởi reo hò chạy đi theo chào mừng ca tụng Chúa Giêsu tiến vào thành Jerusalem như trong bốn phúc âm thuật lại, không phải là dân thành Jerusalem. Nhưng họ là những người đi theo Chúa Giêsu cùng tiến vào thành thánh.

Thánh sử Mattheo còn tường thuật thêm chi tiết sau khi dân chúng chào mừng hoan hô Hosanna Chúa Giêsu con vua David: „ Khi Chúa Giesu đã tiến vào thành Jerusalem, cả thành xôn xao náo động và họ hỏi nhau: Ông này là ai vậy? Dân chúng nói với nhau: Đó là vị Ngôn sứ Giesu thành Nazareth người xứ Galilea.“ ( Mt 21,19).

Sự xôn xao náo động nơi dân chúng trong thành Jerusalem đã xảy ra trước đó hơn ba chục năm, khi Chúa Giêsu sinh ra trên trần gian, lúc ba nhà đạo sĩ , còn gọi là Ba Vua, từ phương Đông tìm đường đến bái lạy người. ( Mt 2,3).

Ngày xưa trước khi chịu thương khó khổ hình chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã cỡi lừa tiến vào thành thánh Jerusalem được dân chúng trẻ con hoan hô chào mừng nồng nhiệt như vị cứu tinh cho dân tộc.

Ngày nay sau khi Chúa Giêsu sống lại trở về trời bên Đức Chúa Cha, cộng đòan tín hữu Giáo hội của Chúa Giêsu nhận ra Ngài trong cung cách khiêm hạ nơi tấm bánh Thánh Thể và chén Rượu cứu độ luôn mới mỗi khi của hành Thánh lễ Misa.: Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến!

( Viết theo : Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth II., Der Einzug in Jerusalem, Herder 2011, Trang 16-25)

Lễ Lá 2019

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long